– Cuba ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Quốc hội; Bất ổn ở chính trị ở Iran; Những tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên; Căng thẳng trong quan hệ đồng minh Mỹ-Pakistan; Liên minh châu Âu tăng cường quan hệ với Cuba…là một số tin tức nổi bật trong tuần đầu tiên của năm 2018.
Cuba ấn định ngày bầu cử Quốc hội (Ảnh: VNA)
Cuba ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Quốc hội
Ngày 6/1, Chính phủ Cuba đã công bố thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và Quốc hội vào ngày 11/3 tới.
Theo thông báo của Chính phủ Cuba, hơn 8 triệu người dân nước này đủ điều kiện đi bỏ phiếu để bầu chọn các thành viên của Quốc hội và chính quyền địa phương. Sau khi cử tri Cuba bầu chọn gần 600 đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa mới sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 19/4 để bầu ra người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4 tới.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 3, các hội đồng cấp tỉnh và thành phố sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 21/1 để đề cử các ứng cử viên bầu cử địa phương và Quốc hội.
Ông Raul Castro, 86 tuổi, chính thức giữ chức Chủ tịch Cuba từ năm 2008 sau khi anh trai của ông là lãnh tụ Fidel Castro từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Raul Castro đã đưa ra hàng loạt cải cách kinh tế, cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Bất ổn ở chính trị ở Iran
Ngày 30/12/2017, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Mashhad, thành phố lớn thứ 2 của Iran, sau đó đã lan rộng ra các thành phố khác. Bạo loạn và đụng độ trong biểu tình đã diễn ra một số tỉnh, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình được cho là nhằm phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Hassan Rouhani. Tổng thống Rouhani lên nắm quyền từ năm 2013 với cam kết cải thiện nền kinh tế và giảm căng thẳng xã hội. Tuy nhiên, giá cả sinh hoạt tăng và nạn thất nghiệp đã gây cảm giác rằng tiến bộ diễn ra quá chậm chạp. Khu vực nông thôn, sau nhiều năm bị hạn hán và thiếu đầu tư, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó tại thủ đô Tehran, cũng có những người phàn nàn về tình trạng thất nghiệp, hiện đã gần tới 30% trong giới trẻ.
Do đó, những người biểu tình đã đưa ra yêu sách buộc chính quyền phải cải thiện điều kiện sống của người dân, giải quyết tình trạng thất nghiệp và tham nhũng kinh tế…
Trước tình hình bạo động, ngày 1/1/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố người dân có quyền thể hiện quan điểm, song mọi hành động không được dẫn tới bạo lực và không được làm tổn hại tới tài sản công cộng, đồng thời ông cũng khẳng định lực lượng chức năng nước này sẽ trừng trị “những đối tượng gây rối và vi phạm pháp luật”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc biểu tình lần này có sự can thiệp từ bên ngoài khi Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ, Israel và Saudi Arabia đang hậu thuẫn để làm mất ổn định tại Iran bởi từ lâu nay, Mỹ và Israel đều coi Iran là mối đe dọa lớn ở Trung Đông. Tuy nhiên, đến ngày 3/1/2018, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố làn sóng biểu tình đã kết thúc.
Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nối lại đường dây nóng
Ngày 3/1/2018, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh mở đường dây nóng liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, tại làng đình chiến Palmunjom (Bàn Môn Điếm) – biên giới giữa hai nước – để hai bên có thể liên hệ về thời điểm thích hợp đàm phán và gửi đoàn tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang sắp diễn ra tại Hàn Quốc. Quyết định này đã cho thấy những nỗ lực của cả hai bên trong việc hàn gắn quan hệ vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016.
Ngay lập tức, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của CHDCND Triều Tiên về việc mở lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước, gọi đây là một sự kiện “có ý nghĩa rất quan trọng” hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên Bán đảo Triều Tiên. Phía Hàn Quốc còn đề nghị nối lại đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1/2018 tới.
Dư luận hy vọng, nếu đề xuất đàm phán liên Triều vào ngày 9/1 tới thành hiện thực, đây sẽ là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2015. Và nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên phái đoàn Triều Tiên tham dự một kỳ Olympic được tổ chức tại Hàn Quốc. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tuyên bố tẩy chay Olympic Seoul 1988.
Các nhà phân tích cho rằng, kỳ Olympic Pyeongchang 2018 sắp tới tại Hàn Quốc sẽ trở thành “chất xúc tác” giúp tháo gỡ thế bế tắc nhiều năm nay liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bởi hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Căng thẳng trong quan hệ đồng minh Mỹ-Pakistan
Ngày 4/1/2018, Mỹ đã quyết định chính thức đình chỉ viện trợ an ninh cho các lực lượng Pakistan lên tới 255 triệu USD. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc đình chỉ viện trợ này sẽ kéo dài đến khi Pakistan có hành động kiên quyết chống phiến quân Taliban và nhóm Haqqani – những tổ chức mà Washington coi là tác nhân gây mất ổn định khu vực và nhằm mục tiêu vào người Mỹ.
Lâu nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan được giới quan sát ví như “răng với môi”. Mặc dù là một đất nước có vị thế chính trị không ổn định, song Pakistan lại là nơi Mỹ quan tâm đầu tiên trong chiến lược của mình. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York, Mỹ đã phát động một cuộc chiến chống lực lượng Al Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden và phiến quân Taliban ở Afghanistan. Chính cuộc chiến này đã khiến sự hợp tác lâu dài với Pakistan ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Mỹ. Mỹ còn dành cho Pakistan khoản viện trợ an ninh, thường được dùng để trang trải cho các vụ chuyển giao trang thiết bị quân sự và tài trợ những chiến dịch chống khủng bố của quốc gia Nam Á này.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan đã nảy sinh sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump trong bài phát biểu về chính sách đối với Afghanistan đã cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm cực đoan thường xuyên thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào binh sĩ Mỹ và Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ bị hủy hoại nếu điều này tiếp diễn. Và việc đình chỉ viện trợ an ninh cho Pakistan chính là một động thái mạnh mẽ của Mỹ nhằm gây áp lực buộc Pakistan phải có “hành động kiên quyết” chống phiến quân Taliban tại nước này. Tuy nhiên, Pakistan liên tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định nước này tham gia đầy đủ vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.
Liên minh châu Âu tăng cường quan hệ với Cuba
Trong hai ngày 3 – 4/1/2018, Đại diện cấp cao phụ trách Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã có chuyến thăm Cuba. Đây là chuyến thăm chính thức Cuba lần thứ 3 của bà trong vòng 2 năm trở lại đây.
Trong chuyến thăm lần này, bà Mogherini đã công bố 3 dự án đầu tư mới của Liên minh châu Âu vào Cuba có tổng trị giá 49 triệu euro, quyết định của 2 bên về việc tổ chức Hội đồng chung lần đầu tiên vào tháng 2/2018 tới, và một số dự án hợp tác văn hóa sẽ triển khai trong năm nay. Ngoài ra, trong chuyến thăm này, bà Mogherini cũng tái khẳng định quan điểm của Liên minh châu Âu phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, với nhận định đây là “chính sách của thế kỷ trước”, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba trong cuộc đấu tranh chống chính sách thù địch phi lý này.
Có thể thấy, sau nửa thập kỷ lạnh nhạt, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Cuba giờ đây đã mở ra một chương mới. Trải qua 7 vòng đàm phán, ngày 5/7/2017, Nghị viện châu Âu đã thông qua Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác Liên minh châu Âu-Cuba (PDCA) và bắt đầu áp dụng tạm thời vào ngày 1/11/2017. Thỏa thuận này được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và là hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương. Và chuyến thăm của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini trong thời điểm này được xem là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và hiệu quả.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng điện đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/1 cho biết ông sẽ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các cuộc gặp hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên có thể giúp giảm leo thang cuộc xung đột liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng ở Trại David, bang Maryland, về khả năng nói chuyện với ông Kim qua điện thoại, Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Tôi luôn tin vào đàm phán”. Ông cũng khẳng định “hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó”, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đối thoại vô điều kiện.
Tuyên bố trên của ông Trump hoàn toàn khác với các phát biểu thường khá khiêu khích của ông về Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà trong năm 2017 ông đã có một cuộc “khẩu chiến” từng làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh hạt nhân khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm qua, ông Trump cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề hơn, ngoài việc chuẩn bị cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang vào tháng 2 tới. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ có thể tham gia “vào thời điểm thích hợp”. Ông nói: “Nếu các cuộc đàm phán đạt một kết quả nào đó, thì sẽ tốt cho toàn nhân loại”.
Bão tuyết tại Trung Quốc, bão lớn tại New Zealand
Ủy ban quốc gia về giảm thiểu thiên tai của Trung Quốc cho biết kể từ ngày 2/1, tuyết rơi đã làm 10 người thiệt mạng, gây mất điện, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông tại 5 tỉnh miền Trung và miền Đông nước này.
Theo cơ quan trên, tuyết rơi dày và các trận bão tuyết đã phá hỏng nhà cửa, ngành nông nghiệp và các trạm điện tại các tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy và Giang Tô. Hơn 200 người đã phải đi sơ tán, hơn 100 người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp, gần 200 ngôi nhà bị sập và hơn 400 ngôi nhà khác bị hư hại. Tuyết rơi cũng ảnh hưởng tới khoảng 13.100 hécta đất trồng, với hơn 900 hécta bị tàn phá gây thiệt hại kinh tế trực tiếp 510 triệu Nhân dân tệ (78,6 triệu USD).
Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc, tuyết rơi dày đã gây mất điện tại huyện Tùy Châu ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, chính quyền địa phương đã nới lỏng hạn chế về việc sử dụng khí đốt để người dân sưởi ấm do nhiệt độ lạnh giá.
Trong ngày 4/1, tuyết rơi dày đã khiến ít nhất 3 sân bay phải đóng cửa, ảnh hưởng tới hoạt động của 9 sân bay khác, vài tuyến đường cao tốc trên tuyến Thượng Hải – Bắc Kinh, các tuyến đường quốc lộ tại các tỉnh Giang Tô, Hà Nam, Thiểm Tây và Hồ Bắc đã bị đóng cửa. Tại tỉnh An Huy, tuyết rơi dày tới 30 cm vào ngày 4/1 đã làm sập nhiều mái nhà trạm xe buýt ở thành phố Hợp Phì làm ít nhất 1 người thiệt mạng. Trong khi đó, theo Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc, mái nhà một nhà máy ở huyện Tương Dương ở tỉnh Hồ Bắc bị sập làm 5 người mắc kẹt bên trong và hoạt động giao thông trong thành phố bị đình trệ.
*Cũng trong ngày 5/1, bão kèm theo gió mạnh đổ bộ vào đảo Bắc của New Zealand đã làm 1 người thiệt mạng, làm hỏng mái nhà, đổ cây, gây mất điện và buộc người dân đảo phải rời khỏi những thị trấn ven biển bị ngập nước.
Cảnh sát cho biết một cây to đổ vào một xe hơi ở thị trấn Rotorua, miền Đông nước này, làm 1 phụ nữ thiệt mạng. Cảnh sát đã yêu cầu người dân tránh đi trên những tuyến đường bộ vùng thấp và các khu vực ven biển dọc Vịnh Plenty do mực nước dân cao khiến cho điều kiện đi lại nơi đây trở nên rất nguy hiểm. Theo các nhà dự báo thời tiết, hiện cơn bão đang suy yếu tại vùng thượng của Đảo Bắc nhưng sẽ vẫn tiếp tục tàn phá khi di chuyển về phía Nam và tràn vào thủ đô Wellington.
Tại Kaiaua, một thị trấn ven biển ở phía Nam thành phố Auckland lớn thứ hai của New Zealand, giới chức đã kêu gọi người dân đi sơ tán do sóng lớn đánh dồn dập vào bờ biển. Theo nhà chức trách, lượng mưa tại Auckland trong 24 giờ qua bằng lượng mưa của 2 tháng, khiến giới chức phải ra lệnh đóng cửa các tuyến đường lớn, ngừng hoạt động của tàu phà cũng như hàng chục chuyến bay. Theo các phương tiện truyền thông, sức gió lên tới 128 km/h đã làm tốc nhiều mái nhà, làm đổ cây, hơn 20.000 hộ gia đình bị mất điện./.