– Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu; Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Malaysia và CHDCND Triều Tiên; Sắc lệnh mới về nhập cư của Tổng thống Mỹ tiếp tục gây tranh cãi; Bán đảo Triều Tiên tiếp tục có những diễn biến căng thẳng…. là một số tin tức nổi bật tuần qua.
Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Cơ quan đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) tổ chức Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Hội nghị thu hút được sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ 40 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế. Hội nghị đã đề ra được những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kết nối và thuận lợi hoá thương mại, trong đó có việc hỗ trợ các nước không có biển và các nước trung chuyển thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Các văn kiện của Liên hợp quốc như Chương trình hành động Viên, Nghị sự Phát triển bền vững 2030 và Chương trình hành động Addis Ababa đều khẳng định thương mại là yếu tố quyết định để thực hiện Nghị sự Phát triển bền vững 2030, đồng thời ghi nhận những thách thức và nhu cầu đặc biệt của các nước không có biển. Do vậy, hợp tác hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển khắc phục khó khăn, hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của thế kỷ 21, là một trong những trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị lần này, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Gyan Chandra Acharya cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và các quốc gia bước vào năm thứ hai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, việc tổ chức Hội nghị này nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ các nước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội hiếm có để tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề trung chuyển, tạo thuận lợi thương mại và hợp tác khu vực, những vấn đề quan trọng đối với phát triển bền vững của các nước không có biển và trung chuyển trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030. Chung tay hành động và quan hệ đối tác toàn cầu có thể giúp các nước không có biển tăng cường kết nối và hợp tác.
Từ kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của thuận lợi hoá thương mại và đầu tư đối với phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Do vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác. Việt Nam cũng chủ động tăng cường kết nối hạ tầng và kinh tế với các nước láng giềng, đặc biệt là với Lào, nước láng giềng không có biển, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định: “Việt Nam luôn luôn đặt ưu tiên cao nhất cho việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các liên kết kinh tế chặt chẽ. Chúng tôi tin rằng, sự thành công và thịnh vượng của các nước láng giềng sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của Việt Nam và giúp chúng tôi thúc đẩy phát triển bền vững trong toàn khu vực. Việt Nam đã có những bước cụ thể nhằm tăng cường liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng với các nước láng giềng, đặt biệt là hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khu vực hạ nguồn sông Mekong để kết nối hành lang kinh tế, góp phần kết nối các khu vực xa xôi với cảng biển quốc tế”.
Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững
Tại Hội nghị, bên cạnh chia sẻ những kinh nghiệm hội nhập quốc tế cũng như hội nhập khu vực sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam cũng đề xuất các kiến nghị để tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân phục vụ phát triển hạ tầng trung chuyển, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Malaysia và CHDCND Triều Tiên
Tuần qua, quan hệ giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên đang ngày càng trở nên căng thẳng khi hai bên trục xuất Đại sứ của nhau. Điều này xuất phát từ cái chết của một công dân CHDCND Triều Tiên có hộ chiếu mang tên Kim Chol tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia vào ngày 13-2-2017. Phía Malaysia cho rằng ông Kim Chol bị đầu độc, trong khi CHDCND Triều Tiên lại khẳng định ông này chết vì cơn đau tim, tiểu đường và huyết áp cao. Triều Tiên đã nhiều lần cáo buộc Malaysia đưa ra những kết luận điều tra “mang tính thù địch”, đồng thời khẳng định không chấp nhận kết quả điều tra của Kuala Lumpur.
Ngày 4-3, Malaysia đã trục xuất Đại sứ CHDCND Triều Tiên Kang Chol, với lý do ông này là “nhân vật không được hoan nghênh”, đồng thời yêu cầu nhà ngoại giao này rời Malaysia trong vòng 48 giờ.
Đáp trả động thái này của Malaysia, ngày 6-3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo trục xuất Đại sứ Malaysia tại Bình Nhưỡng, coi nhà ngoại giao này là “người không được hoan nghênh”, đồng thời yêu cầu nhà ngoại giao này rời CHDCND Triều Tiên trong vòng 48 giờ. Ngày 7-3, CHDCND Triều Tiên còn thông báo tạm thời cấm các công dân Malaysia rời khỏi nước này nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao và công dân CHDCND Triều Tiên tại Malaysia.
Trước tình trạng căng thẳng gia tăng, ngày 8-3, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết Malaysia sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên để tìm ra giải pháp hòa bình cho những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên.
Sắc lệnh mới về nhập cư của Tổng thống Mỹ tiếp tục gây tranh cãi
Ngày 6-3-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nhập cư tạm thời mới, theo đó tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somali, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Riêng Iraq, nước có trong danh sách lệnh cấm trước đó, đã được loại khỏi danh sách mới này, sau khi Iraq đồng ý về các biện pháp rà soát thị thực bổ sung. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Công dân 6 nước trong danh sách mới nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ thì cũng không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới này. Sắc lệnh nhập cư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16-3.
Theo Tổng thống Trump thì sắc lệnh nhập cư sửa đổi này là nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi sắc lệnh cấm nhập cảnh mới vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành, đã có nhiều phản ứng trái chiều từ giới chức Mỹ, các nước liên quan cũng như các tổ chức quốc tế. Những người ủng hộ thì cho rằng, sắc lệnh đã thúc đẩy mục tiêu chung trong vấn đề bảo vệ nước Mỹ. Nhưng những người phản đối thì quan ngại sắc lệnh tạm thời này sẽ làm gia tăng sự khó khăn cho những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng, đồng thời cho rằng sắc lệnh mới vẫn thể hiện sự phân biệt với những người theo đạo Hồi, và chưa giải quyết được những vấn đề chính tồn tại trong sắc lệnh cũ.
Bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng
Ngày 6-3-2017, quân đội Hàn Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa từ khu vực Tongchang-ri, nơi Bình Nhưỡng đặt một căn cứ tên lửa, vào vùng biển phía Đông. Đây được xem là động thái từ phía CHDCND Triều Tiên nhằm trả đũa các cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ba trong số tên lửa này đã rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải tiến hành cuộc họp khẩn cấp theo đề xuất của Mỹ và Nhật Bản để thảo luận về các vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lập tức lên án Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hủy hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không có thêm “các hành động gây căng thẳng”. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí rằng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là một “thách thức rõ ràng” đối với an ninh khu vực và cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump cũng có cuộc thảo luận tương tự với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn về các kế hoạch đáp trả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phía Nhật Bản cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc nhằm ứng phó với hành động của Triều Tiên.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc giữ nguyên nội dung luận tội Tổng thống
Sáng 10/3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội của Quốc hội nước này đối với Tổng thống Park Geun-hye. Theo quyết định trên, bà Park Geun-hye sẽ bị bãi nhiệm sau 92 ngày đối mặt với một vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị để mở đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống mới diễn ra trong vài tuần tới.
Phán quyết trên đã được Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi đưa ra và được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Như vậy, bà Park Geun-hye là nhà lãnh đạo được bầu dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất. Tất cả 8 thẩm phán tham gia thảo luận về nội dung luận tội Tổng thống đều đồng loạt bỏ phiếu ủng hộ phán quyết này.
Sau khi phán quyết luận tội Tổng thống được Tòa án Hàn Quốc công bố, nước này sẽ bắt đầu chuẩn bị tổ chức một cuộc bầu cử để tìm ra người kế nhiệm bà Park Geun-hye trong vòng 60 ngày tới, và có nhiều khả năng rơi vào ngày 9/5.
Đối với các tội danh của bà Park Geun-hye, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc kết luận: Việc cựu Tổng thống cho phép bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc của đất nước là một hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, Tòa cũng bác bỏ việc bà Park Geun-hye đã lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm các quan chức trong chính phủ với lập luận “chưa đủ bằng chứng”.
Với vị trí là Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye được miễn trừ khởi tố hình sự liên quan tới vụ bê bối chính trị. Tuy nhiên, sau khi bị phế truất, cựu lãnh đạo Hàn Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra.
Việc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đẩy nhanh thời điểm công bố phán quyết cũng như những nhận định trên của các chuyên gia Hàn Quốc đã thể hiện rõ sự mong muốn tình hình đất nước sớm ổn định và thống nhất dư luận. Kể từ sau khi vụ bê bối chính trị của bà Park Geun-hye bị phanh phui vào tháng 10/2016, dư luận Hàn Quốc đã bị chia rẽ bởi hai sự lựa chọn giữa việc ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình trên diện rộng.
Wikileaks công bố những tài liệu mới về CIA
Ngày 7-3-2017, Wikileaks – một trang web nổi tiếng chuyên thu thập và công bố những tài liệu bị rò rỉ của các chính phủ trên thế giới – đã công bố hàng nghìn tài liệu cho thấy các phương thức theo dõi của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Theo đó, Wikileaks cho rằng, CIA đã sử dụng để xâm nhập điện thoại thông minh, máy tính, thậm chí là ti vi có kết nối mạng Internet. Toàn bộ các dữ liệu của CIA liên quan đến hàng trăm triệu mã kết nối máy tính.
Tuy nhiên, Wikileaks không tiết lộ nguồn cung cấp thông tin, và chỉ nói rằng những tài liệu này – được gọi tên là “Vault 7” – đã được phổ biến trong giới tin tặc thuộc Chính phủ Mỹ và các nhà thầu theo một cách thức không được phép.
Số tài liệu vừa được Wikileaks công bố trên đã được CIA lưu hành trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016. Đây được xem là “đợt công bố thông tin lớn nhất về tài liệu mật của CIA” mà Wikileaks đã từng công bố.
Người phát ngôn của CIA Dean Boyd cho biết, cơ quan này không bình luận về tính chân thực cũng như nội dung các tài liệu tình báo có chủ đích. Tuy nhiên nếu những tài liệu trên là xác thực thì đây sẽ là thông tin khiến giới công nghệ quốc tế rúng động và có thể là đòn giáng mạnh nhằm vào CIA – tổ chức tình báo luôn duy trì tiềm lực xâm nhập mạng cho mục đích do thám.
Mỹ cáo buộc, Nga bác bỏ việc vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Mỹ
Ngày 9/3, điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai nước ký kết vào năm 1987, thay vào đó, Nga khẳng định Moscow đã và sẽ tiếp tục tôn trọng hiệp ước này.
Trong một tuyên bố ngày 8/3, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – Tướng Paul Selva – cho rằng việc Nga triển khai một tên lửa hành trình SSC-8 là một động thái vi phạm “tinh thần cũng như nội dung” của Hiệp ước INF năm 1987. Bên cạnh đó, ông Selva cũng cáo buộc Nga đang có ý đồ “đe dọa” tới các căn cứ của Mỹ tại châu Âu cũng như các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngay lập tức, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Moscow phản đối và bác bỏ tất cả các cáo buộc tương tự từ phía Mỹ. Phát biểu trước phóng viên ngày 9/3, ông Peskov nói: “Nga đã và sẽ tuân thủ mọi nghĩa vụ quốc tế của nước này, gồm cả các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước INF”.
Chính vì thế, giới quan sát lo ngại những tranh cãi mới bùng phát giữa Moscow và Washington xung quanh một hiệp ước lịch sử được hai nước ký kết năm 1987 sẽ tạo thêm rào cản cho tương lai hiện thực hóa mục tiêu cải thiện các mối quan hệ song phương vốn đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Hiện mối quan hệ Nga – Mỹ được đánh giá là đang ở “mức thấp nhất” kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh do hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine và một số vấn đề quốc tế khác.
Về phía ông D.Trump mới chỉ đề cập rất ít về Hiệp ước INF. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này lại chỉ trích Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được Nga và Mỹ ký kết năm 2010 với lập luận rằng, thỏa thuận này đã tạo ưu thế cho Moscow khi giới hạn mỗi nước chỉ được sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã khẳng định thiện chí của Moscow nhằm tiến hành đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nhằm cởi bỏ những lo ngại cũng như làm sáng tỏ những tranh cãi đang nảy sinh giữa hai nước xung quanh vấn đề này./.
Nguồn ĐCSVN-TT