– Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; Công bố thời gian và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên; Tổng thống Nga V. Putin đối thoại trực tuyến với toàn dân; Khai mạc kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa VIII của Lào; Chính phủ mới của Italy vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm; Châu Âu nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran… là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Việt Nam tham gia với tư cách khách mời
Ngày 9/6, tại vùng Charlevoix, bang Québec, Canada, Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng đã chính thức khai mạc. Nhận lời mời của Thủ tướng Canada (nước chủ nhà) Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Trong khuôn khổ chủ đề và nghị sự của G7 năm 2018 dưới sự chủ trì và điều phối của Canada, nội dung của Hội nghị G7 mở rộng đặt trọng tâm vào vấn đề biển và đại dương. Hội nghị đã đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển; kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh.
Tại Hội nghị, hầu hết các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21); chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và biện pháp tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống xói mòn bờ biển và nước biển dâng, hình thành các cơ chế hợp tác và chuẩn mực quốc tế chung về chống rác thải nhựa, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tăng cường quản lý và bảo tồn sinh thái biển, phát triển cơ sở hạ tầng biển, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển… Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Canada về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam ủng hộ nước chủ nhà Canada dành trọng tâm nội dung nghị sự của Hội nghị G7 mở rộng năm nay tập trung vào chủ đề biển và đại dương; hoan nghênh các nước G7 đã thể hiện quyết tâm và tinh thần hợp tác để cùng tìm giải pháp thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu; đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong. Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam về thực hiện nghiêm túc cắt giảm phát khí thải theo Thỏa thuận COP 21; đề nghị các nước G7 và quốc tế tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với biến đổi khí hậu, chống nước biển dâng và xâm nhập mặn cũng như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước hạ lưu sông Mekong.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh mục tiêu đại dương xanh chỉ có thể đạt được khi môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác được gìn giữ và lan tỏa trên các đại dương. Thủ tướng hoan nghênh các nước G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó cần tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nước chủ nhà Canada và nhiều nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cũng như lập trường của ASEAN về Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc, khó lường. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất của G7 trong năm 2018 với sự tham dự của Tổng thống/ Thủ tướng các nước G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Canada), Liên minh châu Âu, 12 nước khách mời (Việt Nam, Agentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenia, Na Uy, Quốc đảo Marshall, Nam Phi, Rwanda, Senegal, Seychelles). Hội nghị còn có sự tham gia của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Cùng với tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016 tại Nhật Bản và Hội nghị G20 năm 2017 tại Đức, việc Việt Nam được mời dự Hội nghị G7 mở rộng năm 2018 cho thấy quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề quan tâm chung của thế giới và khu vực.
Công bố thời gian và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên
Ngày 5/6, Nhà Trắng thông báo, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã quyết định địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới là Khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore. Trước đó một ngày, phía Mỹ cũng thông báo thời gian dự kiến diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/6 (giờ Singapore).
Để đi đến quyết định trên, kể từ ngày 30/5/2018, các nhóm tiền trạm của cả Mỹ và Triều Tiên đã tới một số khách sạn tại Singapore để tìm kiếm địa điểm phù hợp tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều. Cũng trong tuần qua, các phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau 4 lần tại khách sạn Capella để thảo luận các khâu hậu cần cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Khách sạn Capella nằm trên một hòn đảo tách biệt, đảo Sentosa. Theo tiếng Malaysia, Sentosa có nghĩa là “hòa bình và thanh bình”. Là một hòn đảo nhỏ, Sentosa chỉ có một đường bộ duy nhất kết nối với phần lãnh thổ của Singapore và điều này rất thuận tiện cho việc đảm bảo an ninh trong quá trình diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh nếu diễn ra tại đây. Hiện các đội hậu cần của cả Mỹ, Triều Tiên và nước chủ nhà Singapore đang gấp rút hoàn tất các công việc chuẩn bị cuối cùng để đảm bảo cho cuộc gặp lịch sử này diễn ra suôn sẻ và thành công.
Có thể thấy, sau những tuyên bố “ăn miếng, trả miếng” khiến cả Mỹ và Triều Tiên ngày càng rời xa khỏi “cơ hội vàng” của cuộc gặp lịch sử ở Singapore, hiện cả hai nước đều đang nỗ lực đưa tiến trình đối thoại Mỹ – Triều trở lại đúng hướng. Rõ ràng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là cơ hội duy nhất để hai bên hóa giải những bất đồng trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Để đạt được điều đó đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên cần sẵn sàng gạt bỏ những nghi kỵ, cùng nhau xây dựng lòng tin và tìm được “mẫu số chung” để hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa, qua đó mang lại nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đối thoại trực tuyến với toàn dân
Ngày 7/6, tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao lưu trực tuyến, trả lời các câu hỏi của toàn thể nhân dân về các vấn đề họ quan tâm đối với đất nước. Đây là cuộc giao lưu trực tuyến đầu tiên từ khi ông tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư (2018 – 2024) và là cuộc thứ 16 từ năm 2001. Trong đó 12 lần ông giao lưu với tư cách Tổng thống và 4 lần với tư cách Thủ tướng của nước Nga.
Trong buổi giao lưu trực tuyến lần này, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm đối với đất nước, Tổng thống Putin cho biết, nước Nga đã đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế bền vững, mặc dù tăng trưởng năm 2017 chỉ đạt 1,5%, lạm phát ở mức thấp kỷ lục. Thu nhập thực tế của người dân cũng tăng bền vững, trong đó tiền lương tăng 1,9%, thu nhập thực tăng 3,8%. Ông Putin cho rằng, mức nợ quốc gia thấp, dự trữ vàng và ngoại tệ tăng và đạt 450 tỷ USD, là điều kiện tốt đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.
Ngoài các vấn đề trong nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng trả lời các câu hỏi về các vấn đề đối ngoại. Tổng thống Putin khẳng định, điều quan trọng đối với Nga hiện nay là bảo vệ lợi ích của đất nước cả trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng tìm kiếm sự dung hòa. Mỗi quốc gia có lợi ích riêng, nhưng không thể bảo vệ lợi ích bằng cách sử dụng các biện pháp ích kỷ như trừng phạt kinh tế. Tổng thống Putin cảnh báo thế giới cần tránh một cuộc xung đột toàn cầu, theo đó các bên cần phải cùng nhau tìm kiếm các hình thức hợp tác đáp ứng thực tế hiện nay.
Theo ông, các cáo buộc của phương Tây đối với Nga nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt với mục đích kiềm chế sự phát triển của Nga, vì nhiều thế lực ở phương Tây xem Nga là một đối thủ cạnh tranh. Ông nhấn mạnh, “đây là chính sách sai lầm,” đồng thời nêu rõ “không cần phải kiềm chế ai, kể cả Nga, mà cần xây dựng quan hệ hợp tác.”
Ngoài ra, trong các vấn đề đối ngoại, Tổng thống Putin còn trả lời các cầu hỏi liên quan đến tình hình Ukraine, vấn đề Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu, vấn đề an ninh mạng…
Năm nay, hình thức cuộc đối thoại trực tuyến của Tổng thống Nga với người dân đã có sự đổi mới so với các năm trước. Trong phòng trả lời trực tuyến không có khán giả để Tổng thống Putin hoàn toàn tập trung vào các thắc mắc của người dân. Ngoài ra, trong buổi đối thoại, Tổng thống Putin còn yêu cầu toàn bộ Thống đốc các tỉnh, lãnh đạo các chủ thể liên bang của Nga đều phải trực điện thoại để sẵn sàng báo cáo về giải pháp cho vấn đề và nhận chỉ thị từ Tổng thống trong quá trình giao lưu.
Khai mạc kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa VIII của Lào
Ngày 5/6, tại thủ đô Viêng Chăn, kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa VIII của Lào chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou. Tham dự kỳ họp còn có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Volachith; Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisulith; các đại biểu Quốc hội và các vị khách mời…
Phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cho biết, kỳ họp sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận thông qua việc xây dựng và sửa đổi 13 bộ luật, trong đó có 2 bộ luật trong lĩnh vực tư pháp, 8 bộ luật trong lĩnh vực kinh tế -xã hội, 3 bộ luật về các tổ chức quần chúng, quốc phòng-an ninh và về Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Các dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại kỳ họp được cho là rất quan trọng, giúp cụ thể hóa việc tổ chức triển khai đường lối chủ trương của Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X, cũng như các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, tăng công cụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội trong từng lĩnh vực công việc.
Kỳ họp cũng sẽ lắng nghe các báo cáo, các ý kiến đóng góp cho báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch ngân sách quốc gia 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng công việc trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.
Ngoài ra, kỳ họp cũng sẽ nghiên cứu, thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội số 018-QH ngày 28/11/2016, về việc ban hành văn bản dưới luật và những tác động, ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất nguy hiểm vượt tiêu chuẩn đối với môi trường, xã hội và thiên nhiên; thảo luận và thông qua các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tổng thể quốc gia về quy hoạch đất đai; về cơ chế giá xăng dầu, việc tổ chức thực hiện công tác 3 xây gắn với phát triển nông thôn và giảm nghèo, biện pháp và phương thức giải quyết các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như ma túy, tai nạn và chính sách đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng đường sắt; thảo luận và thông qua việc đề xuất bổ nhiệm thành viên hội đồng tư pháp của Tòa án nhân dân tối cao; thảo luận báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Ban Thường vụ Quốc hội,…
Chính phủ mới của Italy vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
Ngày 6/6/2018, Chính phủ liên minh dân túy và cực hữu của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện (630 ghế) với 350 phiếu thuận, 236 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Trước đó một ngày, Chính phủ của ông Conte cũng đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện (320 ghế) với 171 phiếu thuận và 117 phiếu chống.
Như vậy, với việc Chính phủ của tân Thủ tướng Conte vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Italy đã kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ mới dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Về đối nội, chính phủ mới sẽ phải nỗ lực nhằm thực hiện các cam kết mang tính “dân túy” được đưa ra khi vận động tranh cử như thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang trì trệ, giảm thuế, nâng cao đời sống của người dân, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách vốn đang ở các mức cao, củng cố hệ thống ngân hàng vốn đang có những gánh nặng nợ xấu khổng lồ và giải quyết vấn đề người di cư. Nếu không thực hiện được những cam kết này, cử tri Italy sẽ quay lưng lại với liên minh cầm quyền.
Về đối ngoại, việc chính phủ mới ở Italy có quan điểm chống nhập cư, hoài nghi châu Âu sẽ khiến giới chức Liên minh châu Âu quan ngại. Mặc dù tân Thủ tướng Italy vừa tuyên bố ”Italy không có ý định rời khỏi Eurozone” nhưng các chính sách tài khóa mang tính dân túy, cực hữu của chính phủ mới sẽ khiến quan hệ giữa Italy với các nước Liên minh châu Âu trở nên khá căng thẳng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Italy có thể đề cao các giá trị của nước này và phớt lờ những quy định của Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, việc chính phủ mới có quan điểm thân Nga, muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moskva cũng khiến Italy phải khéo léo trong xử lý quan hệ với các nước Liên minh châu Âu, Mỹ và các đồng minh NATO.
Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Italy từng là nước ủng hộ thỏa thuận này, nhưng do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, nên các công ty Italy giờ đây sẽ phải quyết định liệu Mỹ hay Iran là thị trường quan trọng hơn đối với nước mình.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Conte đã cam kết sẽ thay đổi mạnh mẽ Italy, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về tăng trưởng giữa nước này với Liên minh châu Âu nhưng vẫn đảm bảo được tình trạng ổn định về tài chính và sự tín nhiệm của các thị trường. Ông Conte cũng kêu gọi xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và công bằng hơn, đồng thời cam kết ngăn chặn hoạt động đưa người di cư bất hợp pháp vào Italy, giảm bớt tỷ lệ nợ công, hiện đứng ở mức khoảng 132% GDP, thông qua thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Trong quan hệ giữa phương Tây với Nga, ông Conte kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Moskva. Tân Thủ tướng Italy đồng thời nhấn mạnh cam kết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như vai trò đồng minh với Mỹ.
Các nước châu Âu nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 5/6, nhân chuyến thăm Israel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc xung đột nếu thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) bị hủy bỏ. Vì thế, ông Macron đã kêu gọi các bên liên quan ổn định tình hình để tránh leo thang căng thẳng dẫn đến nguy cơ xung đột. Ông Macron cũng khẳng định lại cam kết của Paris về việc duy trì JCPOA nhằm kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Về quyết định mở rộng cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, ông Macron cho rằng kế hoạch này không vi phạm các cam kết trong khuôn khổ JCPOA.
Không chỉ có Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean/Claude Juncker mới đây cũng đã tuyên bố, Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu) với tư cách là đồng “kiến trúc sư” của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc ký với Iran hồi năm 2015, phải kiên quyết bảo vệ giá trị cốt lõi của JCPOA và không hy sinh thỏa thuận hạt nhân này vì lợi ích chính trị của Mỹ.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran duy trì bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, bất chấp việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận Iran đã tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận JCPOA, Tổng thống Mỹ D.Trump ngày 8/5 vừa qua đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ðồng thời, Nhà trắng cũng quyết định khởi động lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế, nhất là các nước tham gia ký JCPOA. Liên minh châu Âu khẳng định quyết tâm bảo toàn văn kiện này, cho rằng hành động của Mỹ không có lợi cho hòa bình thế giới. Việc duy trì JCPOA được Liên minh châu Âu coi đây là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử.
Trong khi đó, về phía Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif thời gian qua đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án lập trường của Mỹ đối với JCPOA. Ông Zarif cũng cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của việc Mỹ rút khỏi JCPOA một cách “bất hợp pháp và đơn phương”.
Đến nay, Iran đã thông báo với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc sẽ tăng công suất làm giàu urani trong những giới hạn mà JCPOA đặt ra. Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu) cũng khẳng định, đánh giá ban đầu chỉ ra rằng quyết định của Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Đánh bom liều chết tại Afghanistan khiến 14 người thiệt mạng
Ngày 4/6, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra bên ngoài Lều hoà bình tại thủ đô Kabul (Afghanistan) làm 14 người thiệt mạng, trong đó có 7 giáo sĩ Hồi giáo.
Ngay sau vụ đánh bom, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lên án mạnh mẽ hành động đánh bom khủng bố trên. Ông tuyên bố: “Vụ đánh bom liều chết này nhắm vào số đông các giáo sĩ Hồi giáo và học giả tôn giáo từ mọi miền đất nước chính là tấn công vào những truyền nhân của Nhà tiên tri và những giá trị của đạo Hồi”. Ngoài ra, Tổng thống Afghanistan cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc cấm hành vi đánh bom liều chết. Tổng thống Ashraf Ghani cũng cho rằng, thật đáng buồn khi tình trạng bạo lực đang diễn ra hàng ngày tại Afghanistan cũng cướp đi sinh mạng của không ít trẻ em nước này.
Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom trên, mặc dù chưa cung cấp các bằng chứng chứng minh.
Thời gian qua, tình trạng bạo lực tràn lan tại Afghanistan do những nhóm phiến quân Taliban và các tổ chức khủng bố khác thực hiện đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về “bóng ma” bạo lực lan tràn. Điều này một lần nữa cho thấy, an ninh của Afghanistan vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có phần bất ổn hơn khi nhóm vũ trang Taliban đang ngày càng mạnh, mở rộng vùng kiểm soát lãnh thổ.
Không những vậy, vụ đánh bom liều chết vừa xảy ra còn làm tăng thêm những lo ngại về vấn đề an ninh ở Afghanistan, nhất là khi cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân của Afghanistan đang đến gần, dự kiến vào ngày 20/10 tới đây./.