Hội nghị ASEM về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ (Việt Nam)
Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng quan chức cao cấp ASEM của Việt Nam phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Trong hai ngày 19 và 20/6, Hội nghị ASEM về “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – định hướng tương lai” đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ (Việt Nam). Hội nghị đã nhất trí thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brúc-xen tháng 10 năm 2018.
Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò và sự tham gia của các bên liên quan và tăng cường hợp tác giữa hai châu lục Á – Âu trong ứng phó biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững.
Các đại biểu thống nhất khuôn khổ hoạt động trong thời gian tới của ASEM về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu phải xoay quanh “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, vì đây là những thỏa thuận mang tính chất toàn cầu, góp phần xử lý các vấn đề cốt lõi của phát triển; tạo động lực mới cho tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp; nâng cao khả năng tự cường của người dân, cộng đồng và quốc gia.
Nhiều kinh nghiệm thực tiễn, điển hình hay ở các thành viên Á – Âu cũng được chia sẻ tại Hội nghị, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực; sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch; phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu… Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ban ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam với các đối tác Á – Âu, triển lãm về “Biến đổi khí hậu – Thách thức và cơ hội cho hợp tác Á – Âu” cũng như chương trình tham quan Cồn Sơn, Cần Thơ đã góp phần giới thiệu những thách thức đặt ra, nỗ lực của Chính phủ và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các thành viên Á – Âu.
Hội nghị cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường vai trò và sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, địa phương, các quỹ tài chính, các tổ chức chính trị – xã hội, phụ nữ, thanh niên… nhằm ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Các đại biểu nhất trí vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xây dựng các cộng đồng tự cường…, tạo động lực mới cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng cho mọi người dân.
Tại phiên tổng kết, Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp tăng cường phối hợp hành động trong ASEM; nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xác định cách tiếp cận tổng thể, thống nhất trong nhận thức và hành động để gắn vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển bền vững; tăng cường gắn kết các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM; đẩy mạnh hợp tác về dự báo, đánh giá tác động, dự báo rủi ro, nâng cao năng lực, tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên, thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các chương trình đối tác công – tư.
Các thành viên ASEM cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về biến đổi khí hậu, đặc biệt về hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ xanh, sạch, tăng cường hợp tác ASEM về giảm chất thải nhựa ra đại dương và ủng hộ các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng nhất trí ủng hộ các cơ chế hợp tác tiểu vùng và khu vực, trong đó có hợp tác Mekong – Danube.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng quan chức cao cấp ASEM của Việt Nam tuyên bố, Hội nghị ASEM về “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững” đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao tính thiết thực của hợp tác ASEM, khẳng định đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu vì phát triển bền vững. Hội nghị cũng tiếp tục góp phần triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập diễn đàn.
Bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, các kết quả của Hội nghị đã góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo ASEM về tăng cường hợp tác liên khu vực và hành động quyết liệt hơn để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Các khuyến nghị chính sách và hành động cụ thể được thông qua tại Hội nghị sẽ đóng góp xây dựng những hướng hợp tác mới của ASEM về ứng phó biến đổi khí hậu.
Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 19/6, trong cuộc họp báo có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã thông báo quyết định Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC). Theo bà Haley, UNHRC đã không tiến hành “những thay đổi quan trọng, đột phá và có hệ thống” mà Washington yêu cầu. Bà Haley cũng chỉ trích UNHRC có thành kiến đối với Israel và trao tư cách thành viên của hội đồng này cho những quốc gia không xứng đáng. Tuy nhiên, bà Nikki Haley cũng nêu rõ việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không có nghĩa là nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.
Phản ứng sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, người phát ngôn Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký Liên hợp quốc rất muốn Mỹ tiếp tục ở lại trong Hội đồng Nhân quyền. Kết cấu của cơ quan này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Vojislav Šuc cho biết vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 20/6 cũng cho biết Đức lấy làm tiếc khi Washington quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).
Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006, nhằm thay thế cho Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ngừng hoạt động trong cùng năm. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Geogre W.Bush, Mỹ đã không tham gia vào tổ chức này. Tới năm 2009, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama đã gia nhập Hội đồng này.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã có nhiều động thái đi ngược lại với chính quyền tiền nhiệm như rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan Liên hợp quốc, và nhất là công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn được Liên hợp quốc ủng hộ.
Quyết định của Mỹ rút khỏi UNHRC lần này được đưa ra chỉ một tháng sau khi UNHRC quyết định thành lập một cơ chế độc lập để điều tra những sự việc gần đây ở Dải Gaza, đặc biệt sau khi quân đội Israel sát hại hơn 100 người dân Palestine trong các cuộc biểu tình phản đối việc Mỹ công nhận nhà nước Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem. UNHRC cho rằng các vụ sát hại dân thường Palestine có thể được coi là một tội ác chiến tranh và cần phải được điều tra.
Châu Âu đối mặt thách thức trong vấn đề người di cư
Trong tuần qua, vấn đề người tị nạn nhập cư vào châu Âu đã “nóng” trở lại bởi những tranh cãi giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) về việc tiếp nhận những người nhập cư trái phép.
Mặc dù trong nhiều năm qua, các nỗ lực giải cứu người di cư của châu Âu đã được tiến hành, song nhiều nước ở “lục địa già” đã tỏ ra mệt mỏi trước gánh nặng người di cư từ Trung Đông – châu Phi. Đó là một trong những lý do khiến Italy và Malta từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ Aquarius của Pháp neo đậu sau khi tàu này cứu được hơn 600 người di cư ngoài khơi bờ biển Libya ngày 9/6 vừa qua. Tuy sau đó, những người di cư này đã được Tây Ban Nha tiếp nhận vào ngày 17/6, song sự việc trên đã gây căng thẳng giữa các nước châu Âu.
Tổng thống Pháp Macron sau đó đã cáo buộc Italy vô trách nhiệm khi từ chối tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius. Điều này đã vấp phải phản đối gay gắt của giới chức Italy, làm bùng nổ tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.
Có thể thấy, châu Âu đang lúng túng trước làn sóng di cư từ châu Phi không ngừng đổ vào các bờ biển châu Âu. Là lục địa chịu ảnh hưởng trực tiếp của làn sóng di cư từ Trung Đông – châu Phi, châu Âu đang đứng trước phép thử mang tính quyết định đối với tương lai của EU, khi phải tìm cách hạ nhiệt căng thẳng nội khối liên quan vấn đề người nhập cư.
Sau sự việc Italy và Malta đùn đẩy việc tiếp nhận người di cư như ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Đức A.Merkel đã tái khẳng định sự cần thiết phải có một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho vấn đề này, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong sự gắn kết của châu Âu. Thủ tướng Đức cũng đang tìm cách tổ chức một cuộc họp giữa các nước EU để thảo luận về vấn đề di cư. Mặc dù là quốc gia đi đầu trong chính sách mở cửa đối với người nhập cư, song cũng chính bởi chính sách tiếp nhận người nhập cư này mà hiện nay chính Đức cũng đang bị rơi vào tình trạng “rối như canh hẹ” bởi nội bộ bất đồng sâu sắc. Những tranh cãi nảy lửa xung quanh chính sách nhập cư đang đe dọa sẽ phá vỡ liên minh cầm quyền ở Đức.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp và Italy cũng kêu gọi EU thay đổi các quy định xin tị nạn vốn đang khiến các quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp và Italy bị quá tải vì làn sóng người di cư trái phép.
Rõ ràng, châu Âu đang cần một chính sách chung đối với vấn đề người di cư bất hợp pháp. Và để giải quyết tận gốc vấn đề người nhập cư, châu Âu không thể đơn phương giải quyết nếu không có sự phối hợp với các nước châu Phi bên kia bờ Địa Trung Hải, điểm xuất phát của những hành trình vượt biển nguy hiểm đe dọa tính mạng người di cư.
Mỹ hủy bỏ chính sách đối với trẻ em nhập cư bất hợp pháp
Ngày 21/6, trước sự phản đối của dư luận Mỹ cũng như quốc tế về chính sách di trú gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ quy định chia tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ với bố mẹ chúng ngay tại khu vực biên giới. Theo đó, trẻ em trong những nhóm gia đình di cư vượt biên trái phép sẽ không bị chia tách khỏi cha mẹ. Tuy nhiên, Bộ An ninh nội địa Mỹ sẽ tiếp quản từ Bộ Tư pháp và Bộ Dịch vụ con người và nhà ở trách nhiệm giam giữ những nhóm gia đình này. Các gia đình này sẽ bị giam giữ trong thời gian chờ tòa xét xử và thời gian các cơ quan chức năng Mỹ xét duyệt đơn xin nhập cư. Khoảng thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng tới vài năm.
Mặc dù vậy, sắc lệnh này vẫn bao gồm những điều kiện siết chặt đối với những người nhập cư trái phép bị bắt giữ. Những đối tượng là người trưởng thành vượt biên trái phép, kể cả có ý định xin cấp quy chế tị nạn, vẫn sẽ bị bắt giữ và buộc tội xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Mỹ.
Quyết định trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang chịu sức ép khi kể từ đầu tháng 5/2018 tới nay, hơn 2.340 trẻ em đã bị tách khỏi bố mẹ hoặc người bảo hộ. Đây là hệ quả của chính sách “không khoan nhượng” mà chính quyền Mỹ áp đặt nhằm bảo vệ biên giới và ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp. Việc hàng loạt trẻ em nhập cư Mỹ bị tách khỏi gia đình mình do chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống D.Trump đã gây ra làn sóng phản ứng đầy phẫn nộ.
Trước khi có chính sách chia cắt các gia đình nhập cư trái phép này, chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump cũng từng gây tranh cãi bởi các chính sách nhập cư khắt khe khác. Do vậy, việc Tổng thống Trump quyết định đảo ngược lại chính sách di trú lần này đã ngay lập tức nhận được những phản ứng tích cực từ quốc tế, trước tiên là tại các nước Trung Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, với sắc lệnh mới này sẽ khiến người đứng đầu nước Mỹ phải đối mặt với một thách thức khác là làm thế nào để không chia rẽ gia đình nếu cha mẹ của những đứa trẻ bị tạm giữ trong một thời gian dài do nhập cư trái phép. Trước mắt, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tìm cách thay đổi quy định Định cư Flores 1997, vốn quy định cấm việc giam giữ trẻ em quá 20 ngày.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc
Trong các ngày 19 và 20/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện chuyến thăm lần thứ 3 trong vòng 3 tháng qua (sau hai chuyến thăm hồi tháng 3 và tháng 5) tới Trung Quốc. Trước khi trở về Bình Nhưỡng trên máy bay riêng mang tên Chammae-1 cất cánh từ sân bay quốc tế Bắc Kinh,  ông Kim Jong-un đã đến thăm một trung tâm khoa học nông nghiệp ở Bắc Kinh, một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang quan tâm tới cải cách ngành nông nghiệp.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thảo luận về quan hệ song phương và vấn đề phi hạt nhân hóa.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao sự hợp tác chiến lược được củng cố gần đây giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với “triển vọng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cam kết hợp tác với các lãnh đạo Trung Quốc để đảm bảo “hòa bình thật sự” trong quá trình “mở ra một tương lai mới” trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và ông D.Trump hôm 12/6 tại Singapore đưa tình hình Bán đảo Triều Tiên theo hướng đối thoại đàm phán, hòa bình và ổn định. Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ ủng hộ hoàn toàn lập trường và quyết tâm của Triều Tiên phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong tương lai.
Bầu cử Quốc hội và Tổng thống tại Thổ Nhĩ Kỳ
Sáng 24/6, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống và 600 nghị sĩ quốc hội nước này trong cuộc bầu cử sớm. Khoảng 57 triệu cử tri trong tổng số 81 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đủ tư cách được phép tham gia cuộc tổng tuyển cử.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/6 được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Người giành chiến thắng sẽ có những quyền lực mới theo hiến pháp sửa đổi vốn được Tổng thống Tayyip Erdogan ủng hộ và thông qua hồi năm ngoái sau cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức chính trị lớn nhất đối với Tổng thống Erdogan và AKP kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước trong 15 năm qua. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều khả năng Tổng thống Erdogan sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết trong vòng 1 song có thể giành chiến thắng trong vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 8/7 tới. Trong khi đó, AKP của ông có thể mất thế đa số trong quốc hội. Nếu khả năng này xảy ra, căng thẳng giữa tổng thống và quốc hội chắc chắn sẽ gia tăng.
Trong cuộc bầu cử tổng thống, cùng với ông Erdogan còn  có 5 ứng cử viên khác, bao gồm Muharrem Ince – đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), một đảng đối lập chính của MHP; Meral Aksener – cựu Bộ trưởng Nội vụ, đại diện đảng Tốt đẹp (Iyi), một đảng trung hữu mới ra đời; Selahattin Demirtas – người của đảng Dân chủ nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd; Temel Karamollaoglu – đại diện đảng Saadet (SP) theo đường lối Hồi giáo – dân chủ và ứng cử viên đảng Yêu nước (VP), theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Dogu Perincek. Hiện 4 chính đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đối lập, gây khó khăn cho Tổng thống Erdogan tại vòng 1.
Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội sẽ lựa chọn 600 nghị sĩ, tăng 50 nghị sĩ so với trước thời điểm sửa đổi hiến pháp. Đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối chính trị lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, bao gồm liên minh giữa AKP – MHP và liên minh giữa CHP, Iyi và SP. Kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy cả hai liên minh đều đang ở thế tương đối cân bằng, có khả năng giành được từ 40 đến 45% phiếu bầu.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm, thay vì diễn ra vào ngày 3/11/2019. Theo lý giải của Tổng thống Erdogan, việc có thêm các quyền lực mới sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt trong đó có việc đồng nội tệ lira giảm tới 20% giá trị so với đồng USD trong năm nay, cũng như thỏa thuận với lực lượng nổi dậy người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại các nước láng giềng Iraq và Syria.
Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau âm mưu đảo chính bất thành vào tháng 7/2016 của một nhóm binh sĩ và sĩ quan quân đội nước này. Hơn 240 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người khác bị thương trong cuộc bạo loạn mà Ankara quy trách nhiệm cho giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, Giáo sĩ Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc. Sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải, bắt giữ hàng chục nghìn người với cáo buộc ủng hộ phong trào của Giáo sĩ Gulen.
Tai nạn đường thủy thảm khốc tại Indonesia
Ngày 18/6, chiếc thuyền KM Sinar Bangun chở hành khách du lịch đang trên đường từ Samosir, một hòn đảo núi lửa ở trung tâm hồ Toba, tới thị trấn Parapat đã bị lật úp và chìm trên hồ Toba.
Giới chức Indonesia xác nhận đã có ít nhất 3 người thiệt mạng, ngoài ra còn hơn 190 người mất tích, trong đó bao gồm cả trẻ em. Đây là một trong những thảm họa đường thủy nghiêm trọng nhất trong lịch sử Indonesia. Điều đáng nói là tải trọng của thuyền chỉ cho phép chở 43 hành khách và cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa thể khẳng định con số cuối cùng những người đi trên thuyền vào lúc gặp nạn.
Hiện cảnh sát đã bắt giữ thuyền trưởng của chiếc tàu bị chìm tại hồ Toba để điều tra vụ việc. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đã huy động tối đa các lực lượng tham gia cứu hộ. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm quanh hồ Toba là khá khó khăn, do thời tiết xấu và hồ sâu từ 300 đến 500 mét. Hơn nữa, các lực lượng tham gia cứu hộ phải hoạt động trong vòng từ 3-5 km do đó gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.
Hồ Toba là một trong những hồ núi lửa sâu nhất thế giới và cũng là hồ rộng nhất của Indonesia với diện tích 1.145 km2. Hồ nằm ở phía Bắc đảo Sumatra, cách thành phố Medan khoảng 3 giờ lái xe và là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước./.
 Nguồn ĐCSVN-TT