Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” đã chính thức được khai mạc.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh TTXVN)
Diễn ra trong 2 ngày  12 – 13/7/2018, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện do Chính phủ Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chủ trì tổ chức nhằm phối hợp triển khai xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” và các chương trình hành động, chiến lược, chính sách tham gia cuộc cách mạng này.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 gồm có phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0” và 5 phiên hội thảo chuyên đề với các chuyên gia đến từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), các doanh nghiệp và tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu về công nghiệp 4.0.
Mở đầu chuỗi chuyên đề của Diễn đàn, phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0” do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Bình chủ trì, tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.
Bên cạnh Diễn đàn cấp cao là Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 có quy mô gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như VNPT, Viettel, FPT, CMC… với nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như: hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, Fintech, ảo hóa, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực…
Hội nghị thượng đỉnh NATO đạt được đồng thuận
Ngày 11 và 12/7, hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại Brussels (Bỉ). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh châu Âu – Mỹ, vốn được coi như hòn đá tảng cho sự tồn tại của NATO, thời gian gần đây đang trong thời kỳ căng thẳng. Ngay trước thềm hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ D.Trump đã nặng lời chỉ trích các nước đồng minh châu Âu chi tiêu không tương xứng với nhu cầu của chính họ về trợ giúp an ninh. Ông hối thúc các nước đồng minh NATO phải tăng mức chi tiêu dành cho quốc phòng lên mức 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2024. Hiện Mỹ đang chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và trước hội nghị lần này mới chỉ có ba nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia. Dù các thành viên NATO từ năm 2014 đã nhất trí hoàn thành mục tiêu nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, song hiện mới chỉ có một số ít thành viên NATO triển khai thực hiện mục tiêu nêu trên.
Trong bối cảnh đó, tại hội nghị lần này, các nước thành viên NATO đã cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP “trong vài năm tới”. Mặc dù cam kết không có lộ trình cụ thể, song điều này được cho là đã thể hiện sự thừa nhận của các nước NATO rằng chi tiêu quốc phòng là đối với nghĩa vụ an ninh tập thể của các nước thành viên.
Ngoài ra, lãnh đạo các nước đồng minh NATO còn đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề được cho là quan trọng, như tăng cường sự thích ứng của tổ chức, chống khủng bố và chia sẻ tài chính cân bằng hơn.
Về phía Mỹ, kết thúc hội nghị, Tổng thống D.Trump bày tỏ duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO. Điều này cho thấy các nước NATO đã phần nào vượt qua được mối bất hòa gay gắt ngay trước thềm hội nghị diễn ra.
Kết thúc WORLD CUP 2018, đội tuyển Pháp lên ngôi vô địch
Ngày 15/7, sau Lễ bế mạc ngắn gọn, sinh động, Vòng Chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 (World Cup 2018) đã khép lại sau trận chung kết giữa đội tuyển quốc gia Pháp và đội tuyển quốc gia Croatia.
Được đánh giá cao hơn đối thủ nhờ phong độ ấn tượng trong các trận đấu đã qua và sở hữu nhiều ngôi sao sáng giá trong đội hình nhưng Pháp lại nhập cuộc trận chung kết World Cup 2018 không ấn tượng như Croatia. Dường như tâm lý của nhiều cầu thủ trẻ của đội tuyển Pháp chưa thực sự thoải mái trước một trận đấu “quá lớn” như này trong sự nghiệp của họ nên Croatia đã tận dụng cơ hội này, kiểm soát được thế trận ngay từ đầu.
Trong cách bố trí chiến thuật của Pháp trước Croatia, việc Kante và Matuidi phải làm nhiệm vụ phòng ngự quá nhiều, liên tục phải đeo bám Rakitic và Perisic, đã dẫn tới việc Pháp không có đủ người hỗ trợ cho Pogba làm bóng ở khu vực giữa sân. Tuy nhiên, trong thời điểm Pháp đang loay hoay trước cách chơi của đối phương, đội bóng của HLV Didier Deschamps bất ngờ có bàn thằng mở tỷ số ở phút 18. Nỗ lực truy cản Varane trong một tình huống bóng bổng đã khiến Mario Mandzukic đánh đầu phản lưới nhà.
Bị thua trước, các cầu thủ Croatia vẫn bình tĩnh triển khai thế trận tấn công. Có một thực tế rằng Croatia là đội đã “ngược dòng” nhiều nhất trong những trận đấu loại trực tiếp từ vòng 1/8. Họ đã bị Đan Mạch, Nga rồi Anh dẫn trước nhưng bằng tinh thần thi đấu quả cảm và sự bình tĩnh của những thủ lĩnh kinh nghiệm trên sân, đội bóng của HLV Zlatko Dalic đều tìm được chiến thắng sau tiếng còi chung cuộc. Và một lần nữa, cổ động viên yêu bóng đá trên thế giới say đắm trước cách chơi của Croatia. Pha lên bóng của Perisic đã giúp đội nhà hưởng 1 quả đá phạt ở phút 28 và cũng chính cầu thủ này sau đó đã xử lý khéo léo rồi dứt điểm san hoà tỷ số 1-1 cho Croatia.
Có bàn thắng san lấp cách biệt, Croatia càng chơi càng tự tin. Có cảm giác như những trận đấu phải bước vào hiệp phụ trước đó không khiến thể lực của các cầu thủ Croatia bị hao mòn. Bóng thường được Modric luân chuyển khá “trôi” ở khu vực giữa sân và hướng sang đến vị trí của Perisic. Tuy nhiên, cũng như bàn thua đầu tiên, Croatia bất ngờ để đối phương dẫn lên trước. Từ “người hùng”, Perisic trở thành “tội đồ” sau khi để bóng chạm tay trong vòng cấm địa. Sau khi dùng công nghệ VAR để xác định, trọng tài chính cho Pháp hưởng quả 11m và Griezmann đã thực hiện thành công cú sút này để nâng tỷ số lên 2-1 cho đội tuyển Pháp.
Để thua trong hiệp 1 buộc Croatia phải dồn lên tấn công trong 45 phút còn lại. Họ đã có những cơ hội nhưng Hugo Lloris chơi khá chắn chắn trong khung thành của Pháp. Trong khi đó, việc Croatia dồn lên cũng mang đến cơ hội cho Pháp tổ chức phản công. Và với đẳng cấp của mình, Pogba đã có cú dứt điểm cực lạnh lùng ở phút 59 rồi Kylian Mbappe ở phút 64, để nâng tỷ số lên 4-1 cho Pháp. Trong những phút còn lại trên sân, các cầu thủ Croatia cố gắng tổ chức tấn công nhưng họ chỉ tìm được thêm 1 bàn rút ngắn tỷ số sau sai lầm trong khâu xử lý bóng của Hugo Lloris.
Với chiến thắng 4-2 trước Croatia ở trận chung kết World Cup 2018, Pháp đã trở thành nhà vô địch của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Chính phủ Anh ra Sách Trắng về Brexit
Ngày 12/7, sau nhiều tháng trì hoãn, Chính phủ Anh đã chính thức công bố “Sách Trắng Brexit”. Văn bản dài 98 trang này được đánh giá là tài liệu “có ý nghĩa nhất” về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu.
Sách Trắng Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu trong mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào quan hệ thương mại và hợp tác với Liên minh châu Âu trong những năm tới. Văn bản thể hiện mong muốn của Chính phủ Anh trong việc duy trì quan hệ gần gũi với Liên minh châu Âu sau Brexit, với việc tiếp tục tham gia vào các cơ quan của khối này trong những lĩnh vực hóa chất, hàng không và y tế…
“Sách Trắng Brexit” được Chính phủ Anh đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ “nổi loạn” của đảng Bảo thủ đang gia tăng áp lực đòi Thủ tướng Theresa May phải từ bỏ kế hoạch Brexit của mình, đồng thời những nghị sỹ “nổi loạn” còn đưa ra một loạt những sửa đổi đối với dự luật hải quan và thương mại do Chính phủ đệ trình, làm gia tăng khả năng dự luật này có thể bị bác bỏ tại Hạ viện vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, đáp trả những lời chỉ trích, tân Bộ trưởng Brexit Anh Dominic Raab khẳng định “Sách Trắng Brexit” vừa công bố thể hiện tôn trọng nguyện vọng của  cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016; đồng thời ông cho rằng, “Sách Trắng Brexit” giúp Anh giành lại quyền ấn định mức thuế quan, kiểm soát hoàn toàn ngành dịch vụ, kiểm soát biên giới và tự do xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do.
Đáp lại, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier, đã khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc từng đề xuất của Chính phủ Anh. Hiện cả Liên minh châu Âu và Anh đều đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận về Brexit trong tháng 10 năm nay, để đảm bảo đủ thời gian cho các cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu và Anh thông qua trước thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 3/2019.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Đức
Từ ngày 8 đến 10/7/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức tới Đức để tham dự vòng tham vấn liên chính phủ Trung – Đức lần thứ 5. Đây là chuyến công du Đức lần thứ 4 của ông Lý Khắc Cường trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc.
Tại đây, nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết duy trì hợp tác đa phương và một trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật định. Đức và Trung Quốc đều mong muốn duy trì hệ thống các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tại cuộc tham vấn liên chính phủ Trung – Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cùng ký một dự thảo về thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các công ty của Đức và Trung Quốc. Thủ tướng Merkel hoan nghênh việc Trung Quốc đã có nhiều động thái mở cửa thị trường để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy, kể từ khi Đức và Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2014, hai nước đã duy trì hoạt động trao đổi cấp cao thường xuyên và sâu rộng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác thực chất song phương. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực cũng ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Hiện Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu trong 43 năm liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trên toàn cầu. Chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là cơ hội để hai nước tiếp tục tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời để tìm kiếm các lợi ích kinh tế song phương.
Giải cứu thành công 13 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan
Sau những ngày dài chạy đua với thời gian và những cơn mưa lũ, tối ngày 10/7, chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan đã thành công khi  toàn bộ 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên của đội bóng Wild Boars (Lợn Rừng) đã được đội cứu hộ đưa ra khỏi hang Tham Luang an toàn.
Trước đó, sau 10 ngày “bặt vô âm tín” về số phận của đội bóng, vào tối ngày 2/7, các thợ lặn kỳ cựu người Anh đã tìm thấy 13 thành viên đội bóng thiếu niên trên một mỏm đá nổi bên trên mặt nước trong lòng hang Tham Luang.
Sau khi tính toán các phương án khả thi, đội cứu hộ đã quyết định phương án tối ưu nhất để cứu các thành viên đội bóng thoát khỏi hệ thống hang động phức tạp là các thành viên trong đội bóng phải lặn dưới dòng nước, sau đó trèo lên và đi bộ ra cửa hang. Mỗi thành viên đội bóng đã được hai thợ lặn đi kèm – một ở phía trước và một phía sau. Và sau 3 ngày khẩn trương làm việc, tất cả 13 thành viên đội bóng đã được giải cứu an toàn. Đây được coi là một kỳ tích, cho dù trong quá trình giải cứu đã có một thợ lặn của Lực lượng Hải quân Thái Lan hy sinh trong quá trình hỗ trợ công tác cứu hộ.
Trong điều kiện hang sâu bị ngập nước, địa hình khó khăn, tầm nhìn hạn chế, nước mưa vẫn không ngừng đổ vào hang thì việc những nhân viên cứu hộ đánh cược mạng sống của mình để cứu các em nhỏ rất đáng khâm phục. Hiện tình trạng sức khỏe của các thành viên đội bóng cũng như các thành viên tham gia cứu hộ vẫn được theo dõi sát sao. Các cậu bé này sẽ được điều trị cách ly trong bệnh viện cho đến khi các bác sĩ kết luận họ không bị nhiễm trùng khi ở trong hang.
Mưa lũ tại Nhật Bản khiến gần 200 người thiệt mạng
Đợt mưa lớn lịch sử tại miền Tây Nhật Bản trong tuần qua (bắt đầu từ ngày 5/7) đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Lượng mưa được cho là kỷ lục đã bao phủ hoàn toàn nhiều làng mạc ở miền Tây Nhật Bản, buộc nhiều cư dân phải lánh nạn trên nóc nhà chờ giải cứu.
Tính đến sáng ngày 12/7, số người thiệt mạng trong đợt mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất tại khu vực miền Tây Nhật Bản đã lên tới 199 người. Đây là đợt mưa lũ được cho là tồi tệ nhất tại nước này trong vòng 30 năm qua.
Truyền thông địa phương cho biết công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Hiện vẫn còn hàng chục người mất tích trong đợt thiên tai nghiêm trọng này.
Trước đó, lệnh sơ tán và khuyến cáo đã được đưa ra đối với 5,9 triệu người tại 19 khu vực. Theo thống kê, 17 cơ quan vận tải đường sắt đã phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ tại 56 tuyến đường ở miền Tây Nhật Bản. Dự kiến, sau khi nước rút, những khu vực bị ngập lụt cũng cần một thời gian dài để phục hồi khi khoảng 276.000 hộ gia đình tại 11 khu vực không có nước sinh hoạt.
Trong nỗ lực tái thiết sau mưa lũ, ngày 11/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trực tiếp đến thị sát vùng chịu ảnh hưởng lũ lụt của nước này. Phát biểu trong chuyến thăm tỉnh Okayama, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mưa lũ nghiêm trọng nhất, Thủ tướng Abe đã chỉ thị chính quyền địa phương dốc toàn lực để tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân, đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa các vùng đang bị thiên tai hoành hành nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đánh bom liều chết tại Pakistan, gần 70 người thương vong
Đánh bom kinh hoàng tại Pakistan, nhiều người thiệt mạng
Ngày 13/7, một vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhất trong vòng 1 năm qua tại Pakistan đã xảy ra tại cuộc vận động bầu cử ở tỉnh Baluchistan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 132 người.
Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, hơn 1.000 người đang tham gia cuộc vận động tranh cử. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận tiến hành vụ tấn công đẫm máu này.
Trước đó cùng ngày, ít nhất 4 người chết và 39 người bị thương trong một vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe của cựu Bộ trưởng Nhà ở và Việc làm Pakistan Akram Khan Durrani tại khu vực Bannu thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan khi đoàn xe của ông Durrani đang trên đường đến một cuộc họp.
Ba vụ tấn công liên tiếp trong tuần nhằm vào các sự kiện tranh cử đang làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh của cuộc bầu cử Pakistan dự kiến diễn ra ngày 25/7 tới.
Hôm 10/7, một vụ đánh bom nhằm vào một cuộc vận động tranh cử đã xảy ra tại thành phố Peshawar, miền Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 13 người, trong đó có một chính khách, thiệt mạng và 54 người khác bị thương.
Quân đội Pakistan đã quyết định triển khai 371.388 binh sĩ theo yêu cầu của cơ quan giám sát bầu cử quốc gia nhằm đảm bảo trật tự trong quá trình bầu cử.
Cuộc tấn công diễn ra vài giờ trước khi cựu Thủ tướng Sharif trở về từ London cùng với con gái Maryam để đối mặt với án tù 10 năm về tội tham nhũng, các quan chức chống tham nhũng cho biết. Maryam Sharif phải đối mặt với án 7 năm tù.
Ông Sharif bị giới chức Pakistan bắt giam để thi hành bản án, tuy nhiên ông dự kiến sẽ kháng cáo và tìm cách tại ngoại. Đây được cho là bước đi trong quyết định quay trở về Pakistan tham gia chính trường của ông Sharif./.
Nguồn ĐCSVN-TT