VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Tiến trình bầu cử tại Pháp xuát hiện nhiều diễn biến bất ngờ, khiến cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Pháp trở lên khó đoán định; dự luật của Israel về hợp pháp hóa các khu định cư ở Bờ Tây gây căng thẳng giữa các bên liên quan; bà Angela Merkel tiếp tục được Liên minh CDU/CSU bầu làm làm ứng cử viên Thủ tướng Đức; Chính phủ Colombia và ELN chính thức khởi động hòa đàm; bất ổn an ninh ở Afghanistan; Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo gây căng thẳng trên bán đảo và khu vực Đông Bắc Á… là một số tin tức nổi bật tuần qua.
Bà Marine Le Pen và  ông Francois Fillon. (Ảnh: AFP)

Hai ứng cử viên Tổng thống Pháp vướng cáo buộc giả mạo việc làm

Tiến trình bầu cử Tổng thống Pháp đang rơi vào thời khắc khó đoán định, sau khi ứng cử viên cánh hữu – ông Francois Fillon vốn là người được đánh giá cao trước đó – lâm vào tình thế nguy hiểm. Uy tín của ông đã bị tổn hại nghiêm trọng sau những cáo buộc ông “sử dụng sai mục đích tài chính công” khi tạo ra một vị trí việc làm giả mạo cho vợ, bà Penelope Fillon và con của mình trong nhiều năm và trả cho họ mức lương lên tới gần 1 triệu euro.

Ngay sau đó, ông Fillon đã chính thức xin lỗi công chúng, song ông cũng khẳng định sẽ không từ bỏ cuộc đua vào Điện Elyseé vào tháng 5-2017 này, cho dù ông đang phải đứng trước nguy cơ bị thay thế bằng một ứng cử viên khác thuộc đảng Những người Cộng hòa.

Các nhà phân tích cho rằng, việc ứng cử viên sáng giá của cánh hữu rơi vào “tâm bão” chỉ trích của dư luận dường như đem lại lợi thế cho đối thủ, ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen, người được mệnh danh là “bà Trump” khi có đường lối tranh cử tương tự Tổng thống Mỹ là đặt “nước Pháp lên trên hết”. Tuy nhiên, chính bà Le Pen hiện cũng đang vướng vào một rắc rối tương tự như đối thủ của mình. Đó là cáo buộc tạo việc làm giả ở Nghị viện châu Âu, nơi bà Le Pen là nghị sĩ.

Những rắc rối trên đường đua hiện nay báo hiệu triển vọng khó đoán định của kỳ bầu cử quan trọng sắp tới của nước Pháp.

Căng thẳng quanh dự luật của Israel về hợp pháp hóa các khu định cư Do Thái

Ngày 6-2-2017, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà định cư được xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất của người Palestine. Không những vậy, trước đó, ngày 5-2, Bộ Quốc Phòng Israel đã hoàn thành việc xây dựng 10km hàng rào chắn nằm ở phía Nam khu Bờ Tây thành phố Hebron. Hàng rào chắn kéo dài từ trạm kiểm soát Tarqumiya ở phía Tây Hebron đến hướng nam trạm kiểm soát Meitar, với tổng chiều dài lên đến 42km chạy dọc theo đường tránh 35 ở khu bờ Tây.

Ngay lập tức, dư luận thế giới đồng loạt chỉ trích quyết định này của các nghị sĩ Israel đe dọa nghiêm trọng tiến trình hòa bình Trung Đông vốn nhiều thăng trầm, kéo dài, mà chưa biết khi nào tới đích.

Theo Liên hợp quốc, đạo luật nêu trên của Israel đã “vượt ranh giới đỏ”, nhằm tiến đến việc sáp nhập khu Bờ Tây vào Israel, tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm và đe dọa phá hủy giải pháp “hai nhà nước”. Liên đoàn Arab thì cảnh báo, luật này chẳng khác nào “vỏ bọc” cho hành động chiếm đoạt đất đai và tài sản của người Palestine, xóa bỏ mọi cơ hội hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại và việc hình thành Nhà nước Palestine độc lập.

Tất cả các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem và Bờ Tây vốn bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp, kể cả khi khu vực này được Chính phủ Israel cấp phép xây dựng. Đây cũng là rào cản chính đối với các nỗ lực kiến tạo hòa bình Trung Đông.

Bà Angela Merkel tiếp tục được Liên minh CDU/CSU bầu làm làm ứng cử viên Thủ tướng Đức

Ngày 6-2-2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp tục được Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) bầu là ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức vào ngày 24-9-2017.

CDU và CSU là 2 trong số 3 đảng thuộc liên minh cầm quyền ở Đức hiện nay, bên cạnh đảng Dân chủ xã hội (SPD). Liên đảng CDU/CSU hiện chiếm 42,8% ghế tại Quốc hội liên bang, còn SPD giữ 30% số ghế. Về phía SPD, đảng này đã chọn ông Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, làm ứng cử viên Thủ tướng tranh cử cùng bà Merkel.

Việc bà Merkel được chọn làm ứng cử viên của liên minh CDU/CSU cho thấy kỳ vọng lớn của cả CDU và CSU đối với bà “đầm thép” của nước Đức. Có thể thấy, trên cương vị thủ tướng Đức thời gian qua, những gì bà Merkel làm được cho nước Đức là rất ấn tượng. Dưới thời của bà, nước Đức đã vươn lên giữ vị trí quan trọng nhất châu Âu đồng thời có tiếng nói trên trường quốc tế. Nếu bà Merkel giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9-2017 và giữ ghế Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, bà sẽ tái lập kỷ lục làm Thủ tướng Đức của ông Helmut Kohl, đồng thời trở thành nữ lãnh đạo lâu năm nhất tại châu Âu.

Chính phủ Colombia và ELN chính thức khởi động hòa đàm

Ngày 7-2-2017, Chính phủ Tổng thống Juan Manuel Santos và nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) đã công bố danh sách thành viên đoàn đàm phán, chính thức khởi động cuộc hòa đàm tại thủ đô Quito của Ecuador. Sau thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), sự kiện này được đánh giá là nhân tố thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Colombia tiếp tục bước vào một thời điểm quan trọng mới. Cuba, Chile, Brazil, Na Uy và Ecuador  giữ vai trò trung gian hòa giải.

Đại diện ELN, ông Beltrán, khẳng định đối thoại là phương thức hữu hiệu để giải quyết bất đồng và tuyên bố tổ chức này sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về những hậu quả đã gây ra trong suốt thời gian nội chiến. Trong khi đó, ông Restrepo, trưởng đoàn đối thoại của Chính phủ Colombia thì kêu gọi hòa giải dân tộc và chấm dứt chiến tranh, đổ máu, đồng thời cảm ơn Chính phủ Ecuador, đặc biệt là Tổng thống Rafael Correa vì sự ủng hộ đối với tiến trình hòa đàm của Colombia.

Sau ba năm đàm phán kín, Chính phủ Colombia và ELN đã dự định khởi động hòa đàm từ cuối tháng 10-2016. Tuy nhiên kế hoạch này chưa thể khởi động bởi các bên cáo buộc lẫn nhau không thực thi các cam kết. Những ngày gần đây, ELN và Chính phủ đã tỏ rõ thiện chí hòa đàm khi trả tự do cho các con tin. Trước những tiến triển này, các nước Mỹ Latinh đã khẳng định ủng hộ nỗ lực hòa bình của Colombia, đóng góp cho hòa bình và phát triển chung của khu vực.

Bất ổn an ninh tại Afghanistan

Ngày 7-2-2017, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại trụ sở Tòa án tối cao ở trung tâm thủ đô Kabul của Afghanistan, làm ít nhất 22 người chết và hơn 40 người bị thương. Sau đó một ngày, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng thừa nhận gây ra vụ tấn công này. Theo đó, kẻ đánh bom là Abu Bakr Altajiki đã kích nổ đai bom cài trên người khi các nhân viên tòa án rời nhiệm sở sau giờ làm việc.

Có thể thấy, tình hình bạo lực và khủng bố vẫn luôn đe dọa đến an ninh ở Afghanistan. Trong tháng 1-2017 vừa qua cũng đã xảy ra một vụ đánh bom kép do các tay súng Taliban tiến hành tại khu nhà Quốc hội ở Kabul đã làm 30 người thiệt mạng và 80 người bị thương.

Các vụ đánh bom trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng Taliban đang tăng cường hoạt động tấn công trên khắp đất nước Afghanistan, bất chấp đã bước sang mùa Đông, thời điểm các cuộc giao tranh thường giảm bớt, cũng như bất chấp những nỗ lực quốc tế thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán hòa bình cho Afghanistan. Những vụ tấn công này đã làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng bất ổn an ninh tại Afghanistan, trong bối cảnh các lực lượng vũ trang được Mỹ hậu thuẫn đang nỗ lực chiến đấu chống lại Taliban cũng như lực lượng khủng bố Al-Qaeda và IS.

Hai năm sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu rút quân khỏi Afghanistan và lực lượng an ninh nước sở tại tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc gia Tây Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng tham nhũng và bất ổn, trong khi quân đội liên tục là mục tiêu tấn công của lực lượng Taliban.

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Nhật Bản, Hàn Quốc lập tức lên tiếng phản đối  

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo chưa rõ chủng loại sáng ngày 12/2. Đây là lần bắn tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Theo Bộ này, quả tên lửa được bắn vào khoảng 7:55 sáng (giờ địa phương) từ căn cứ không quân Banghyon ở một khu vực thuộc miền Tây Triều Tiên, lao về phía Đông hướng vào biển Nhật Bản.

Ngay trong ngày 12/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này đã trao công hàm phản đối Triều Tiên về vụ phóng tên lửa này.

Phát biểu tại cuộc họp báo khẩn, ông Suga cho biết, tên lửa trên, dường như đã rơi xuống biển Nhật Bản nhưng không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Ông khẳng định việc vụ phóng diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nhật chứng tỏ đây là một hành động nhằm khiêu khích Nhật Bản và khu vực. Theo người đứng đầu Văn phòng Nội các Nhật Bản, Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong mọi nỗ lực kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Trong phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, khẳng định hành động này đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và là một sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Tại Seoul, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết, Seoul đang làm hết sức mình để đáp trả “một cách tương xứng nhằm trừng phạt Triều Tiên về vụ phóng tên lửa”.

Nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết nước này đang phối hợp với Mỹ xác định xem đây là tên lửa thuộc loại Musudan tầm trung được cải tiến hay tên lửa Rodong có tầm bắn ngắn hơn. Nhận định bước đầu cho thấy đây dường như không phải là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hiện chưa có xác nhận từ phía Triều Tiên về vụ phóng thử này. Tuy nhiên, trong thông điệp mừng năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng nước này đã bước vào giai đoạn cuối của việc chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trong khi truyền thông Triều Tiên cho hay một vụ phóng như vậy có thể diễn ra vào bất cứ thời gian nào. Gần đây hơn, ngày 15/1, nhật báo “Rodong Sinmun”, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng rocket có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo./.

Nguồn ĐCSVN-TT