VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 11/5/2020.

 Báo Anh: “Việt Nam đã nghiền nát Covid-19, nhưng câu chuyện bây giờ là bài toán kinh tế”;  Bill Gates: Vắc-xin chống Covid-19 phải có hiệu quả trên 70% mới dập tắt được dịch;  Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 14,7%, cao nhất từ sau Thế chiến thứ 2;  Sợ Trung Quốc thâu tóm hết công ty lớn, các quốc gia lên kế hoạch phòng thủ; Trung Quốc, Hàn Quốc đối mặt với ổ dịch mới; Thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, gần 30 vạn ca tử vong vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
  Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?   Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?

Báo Anh: “Việt Nam đã nghiền nát Covid-19, nhưng câu chuyện bây giờ là bài toán kinh tế”
(Doanhnhanh.vn) – Thiệt hại của ngành du lịch trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020 ước tính lên đến 5,9 – 7,7 tỷ USD, và không dễ để khôi phục trong tình cảnh các quốc gia xung quanh ghi nhận hàng nghìn người mắc Covid-19 mới mỗi ngày.
Tính đến ngày 6/5, Việt Nam có 271 ca nhiễm bệnh, 0 người chết và qua 14 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng. Dưới con mắt của các chuyên gia của The Guardian, Việt Nam không chỉ đẩy lùi mà còn “nghiền nát” Covid-19.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, ông Kidong Park ca ngợi Chính phủ Việt Nam đã phản ứng chống dịch kịp thời và hiệu quả. Ông Park cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục ở cấp độ cộng đồng và việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại các cơ sở y tế, văn phòng, trường học và các nơi công cộng khác đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Park cũng đặc biệt cảnh báo về các hậu quả kinh tế do lệnh giãn cách xã hội gây ra cho Việt Nam.
Du lịch, ngành công nghiệp đóng góp 6% GDP, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 – 4 năm 2020 ước tính đến 5,9 – 7,7 tỷ USD. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2020 là 3,7 triệu người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của CBRE Việt Nam công bố ngày 6/5.
Tháng trước, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ít nhất 10 triệu người Việt Nam có thể mất việc hoặc bị giảm thu nhập trong quý II năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng GPD Việt Nam năm 2020 là 2,7%, giảm gần 4,3 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Vân Trang, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội cho rằng “con đường phía trước là rất đáng quan ngại”. Khó khăn lớn nhất đối với Chính phủ là quyết định thời điểm và cách thức mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp các rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục các hoạt động trong ngành sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Theo bà Vân Trang, khả năng phục hồi kinh tế từ trong nước là rất lớn.

 Bill Gates: Vắc-xin chống Covid-19 phải có hiệu quả trên 70% mới dập tắt được dịch
(Doanhnhan.vn) – Là người trực tiếp đầu tư cho 7 công ty nghiên cứu vắc – xin, vị tỷ phú cho rằng hiệu quả vắc-xin dưới 70% không mang ý nghĩa trong cuộc chiến dập tắt Covid-19. Thế giới cũng cần tới số lượng hàng tỷ liều với thời gian nhanh nhất có thể.
Trong bài viết mới trên blog cá nhân, Bill Gates đưa ra ý kiến riêng của mình về tính hiệu quả của vắc-xin chống lại Covid-19 mà thế giới đang cần. “Nếu muốn mọi thứ trở lại bình thường, chúng ta phải phát triển được vắc-xin an toàn, hiệu quả. Thế giới cần hàng tỷ liều, phân phát tới từng ngõ ngách toàn cầu và càng sớm có được nó càng tốt”, Bill Gates phát biểu trên blog cá nhân.
Ông cho biết thêm, vắc-xin này phải có hiệu quả ít nhất 70% mới có thể chấm dứt được Covid-19, 60% có thể tạm chấp nhận được nhưng các quốc gia vẫn phải giãn cách xã hội. Tất cả các loại vắc-xin hiệu quả dưới 60%, theo Bill Gates, đều khó đưa vào sử dụng thực tế.
Là người đầu tư cho 7 công ty nghiên cứu vắc-xin phòng chống Covid-19, ông cũng đưa ra dự đoán phải 18 tháng nữa một loại vắc-xin hiệu quả như đề cập mới xuất hiện và sẽ cần thêm thời gian để tùy biến loại vắc-xin này, giúp nó phù hợp với tất cả mọi người.
Khi vắc-xin xuất hiện, nó phải được ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch, từ bác sĩ, người lao động trong vùng dịch và sau đó phân phát tới nhóm người khó thu nhập thấp, các quốc gia chưa phát triển. Bill Gates cho rằng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nên được áp dụng làm tiêu chuẩn để tiêm cho trẻ sơ sinh như nhiều loại thuốc khác hiện nay.
“Thời điểm hiện tại rất khó để có cái nhìn lạc quan, thế nhưng cuối đường hầm luôn có ánh sáng. Chúng ta đang làm đúng cách, đi đúng hướng để phát triển thuốc chữa trị, phòng ngừa Covid-19 nhanh nhất có thể”, Bill Gates nói.

 Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 14,7%, cao nhất từ sau Thế chiến thứ 2
(Doanhnhan.vn) – 20,5 triệu người ở Mỹ đã mất việc trong tháng 4, hủy hoại gần như tất cả số việc làm được tạo ra trong thập kỷ trước của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 ở Mỹ đã vượt xa kỷ lục 10,8% từ năm 1948 và tiến gần tới con số 25% mà các chuyên gia kinh tế ước tính ở thời kỳ Đại khủng hoảng những năm 1930.
Tình trạng mất việc làm ở Mỹ tăng nhanh là do các doanh nghiệp phải đóng cửa theo quy định của chính phủ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ mất việc làm trong tháng 4 của Mỹ thậm chí còn vượt cả tỷ lệ thất nghiệp 10,8% của tháng 11/1982, mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Adam Blandin, chuyên gia kinh tế thuộc đại học Virginia Commonwealth cho biết, đây chính là hệ quả nặng nề do đại dịch Covid-19 để lại cho nền kinh tế, thậm chí tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chính phủ không có những chính sách kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động.
Tình trạng thất nghiệp tại Mỹ tăng lên nhanh chóng chỉ trong 2 tháng, đánh dấu mức cao kỷ lục trong 50 năm. Điều này cũng tỷ lệ thuận với tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp.
Trong số này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí và khách sạn là những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, với tỷ lệ cắt giảm lên tới 7,65 triệu việc làm. Các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và giáo dục, bán lẻ và dịch vụ đều mất hơn 2 triệu việc làm.
79.000 nhân viên văn phòng, 68.000 nhân viên kế toán và 64.000 nhân sự tại các công ty luật cũng bị cắt giảm.
Gần đây, nhiều công ty cũng công khai tuyên bố cắt giảm số lượng lớn nhân sự như Airbnb dự kiến sẽ cắt giảm 1.900 vị trí hay Uber cũng thông báo sẽ sa thải tới 3.700 nhân viên.
Đối với nhiều người dân Mỹ từng mất việc và nhà trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì thời điểm hiện tại đang gợi nhớ cho họ về những mất mát trong quá khứ. Phải mất nhiều năm để nền kinh tế Mỹ có thể hồi phục từ thời điểm đó và nước Mỹ đã thành công khi tạo ra 22,8 triệu việc làm mới trong vòng hơn 10 năm.

 Sợ Trung Quốc thâu tóm hết công ty lớn, các quốc gia lên kế hoạch phòng thủ
(Doanhnhan.vn) – Covid-19 đang tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp suy yếu và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Để ngăn chặn nguy cơ bị “thâu tóm” và kiểm soát bởi các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nhiều quốc gia phải tìm đến các biện pháp mạnh mẽ.
Chính phủ nhiều quốc gia từ Mỹ, Ấn Độ đến Australia đều đưa ra các cảnh báo về việc cần thiết phải bảo vệ các công ty thuộc ngành công nghiệp trụ cột, tránh bị nước ngoài mua lại. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán nhiều quốc gia giảm sâu, dẫn tới giá cổ phiếu ở mức thấp và trở thành miếng mồi ngon cho các tập đoàn khác thâu tóm.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, dù chỉ số công nghiệp Dow Jones có phục hồi những ngày gần đây, nhưng so với cuối tháng 2, con số vẫn giảm tới 18%. Hàng nghìn tỷ USD giá trị thị trường của các công ty đã bị thổi bay. Điển hình như Boeing và Airbus, hai gã khổng lồ trong ngành hàng không của Mỹ và châu Âu, cũng đã mất gần 60% giá trị thị trường kể từ giữa tháng 2. Giá cổ phiếu của công ty năng lượng hàng đầu của Italy ENI và công ty khai thác mỏ lớn nhất Australia, BHP Group, đã giảm hơn 40% kể từ tháng 1.
Ngay lập tức, trong vài tuần qua, các quốc gia này đã đưa ra các biện pháp bảo vệ mới, bằng việc tăng cường đánh giá đầu tư nước ngoài, thậm chí cân nhắc xem có nên đầu tư góp vốn, mua lại cổ phần ở một số công ty chiến lược hay không.
Margrethe Vestager, người đứng đầu chính sách cạnh tranh của Liên minh châu Âu tháng trước đã đề xuất các nước châu Âu nên xem xét đầu tư, hỗ trợ hoặc mua lại cổ phần trong các công ty để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, Financial Times đưa tin. “Chúng tôi không có vấn đề gì khi các chính phủ đóng vai trò là người tham gia thị trường nếu cần, nếu họ hỗ trợ mua cổ phần trong một công ty và nếu họ muốn ngăn chặn việc tiếp quản từ bên ngoài theo loại hình này”, bà Vestager nói.

 Công ty tỷ đô của Trung Quốc âm thầm biến London thành “sân nhà” giữa đại dịch Covid-19
(Doanhnhan.vn) – TikTok, ứng dụng mạng xã hội cực kỳ phổ biến và được ưa thích bởi giới trẻ, đã lặng lẽ tuyển quân và biến London thành tổng hành dinh tại châu Âu, theo phân tích của LinkedIn và trang tuyển nhân sự của công ty này.
Thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, TikTok là một ứng dụng video mà mọi người có thể chia sẻ các clip ngắn dài không quá 15 giây. Phần lớn các video xuất hiện trên TikTok đều mang tính giải trí, đôi khi là các thủ thuật dễ chia sẻ và thực hành.
Theo công ty giám sát ứng dụng Sensor Tower, TikTok đã đạt 2 tỷ lượt tải xuống. Văn phòng lớn nhất của công ty là ở Los Angeles, nhưng chỉ vài tháng nay, London đã lặng lẽ nổi lên như một tổng hành dinh thứ hai với quy mô gần như xấp xỉ với những gì TikTok đã có được tại Mỹ.
Ở Châu Âu không thiếu những thành phố đồng thời là trung tâm công nghệ, nhưng chỉ có London được TikTok nhắm tới. Công ty này đang tuyển dụng các kỹ sư để xây dựng các tính năng mới cho ứng dụng này, nhằm hướng tới nhu cầu của người dân châu Âu, điều rất khác biệt với những khách hàng quen thuộc tại châu Á.
“Họ đang tổ chức một đợt tuyển dụng lớn,” một nhân viên công nghệ ở London, người được TikTok tiếp cận, cho hay.
Mức lương được TikTok đưa ra đã lôi kéo được khá nhiều nhân viên từ các công ty như Google và Facebook. Hiện TikTok từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Trung Quốc, Hàn Quốc đối mặt với ổ dịch mới
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/5 cảnh báo sẽ có làn sóng Covid-19 thứ hai vào cuối năm nay và lưu ý cụm lây nhiễm mới đây ở một số hộp đêm thủ đô Seoul cho thấy nguy cơ dịch bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Ngày 10/5, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở khu phố Tây sầm uất Itaewon (thuộc quận Yongsan, Seoul), cao nhất trong vòng 1 tháng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC) cho biết trong số các ca nhiễm mới, 26 ca là lây nhiễm trong nước, 8 ca là từ nước ngoài.
Theo hãng Reuters, cụm lây nhiễm mới hiện vẫn nhỏ nhưng đang gia tăng. Một thanh niên 29 tuổi đã đi tới 3 hộp đêm trước khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hậu quả là hơn 2.100 quán bar và hộp đêm tại Hàn Quốc phải đóng cửa, trong khi các nhân viên y tế phải truy tìm ít nhất 1.940 người đến 3 hộp đêm trên và các tụ điểm xung quanh. Theo báo cáo sơ bộ của quận Yongsan, ước tính có khoảng 7.200 người đã ghé thăm 5 hộp đêm và quán bar (nơi bệnh nhân nam 29 tuổi có mặt) trong thời gian từ ngày 30/4 đến 5/5.
Trước sự việc này, Thị trưởng Seoul, ông Park Won-soon, nói rằng những nỗ lực chống dịch từ trước đến nay đang bị đe dọa bởi “sự cẩu thả, chủ quan của một số người”. Tình hình chuyển biến bất ngờ giữa lúc Hàn Quốc đã nới lỏng một số quy định giãn cách và đang muốn mở lại hoàn toàn trường học.
Ổ dịch mới mang tên Itaewon khiến Hàn Quốc trao cho KCDC thêm nhiều quyền hạn, đổi tên KCDC từ một “trung tâm” thành Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh trong “cuộc chiến dài hơi” chống Covid-19. Các chính quyền địa phương cũng sẽ thiết lập hệ thống ứng phó dịch bệnh, thành lập các bệnh viện chuyên chữa bệnh truyền nhiễm.
Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc cũng có xu hướng tăng lại, tương tự Hàn Quốc. Trung Quốc ghi nhận 14 ca nhiễm mới trên toàn quốc trong ngày 9/5, số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ ngày 28/4. Trong đó, có tới 12 trường hợp là người bệnh trong nước, 2 ca nhiễm còn lại đều là các trường hợp đi từ nước ngoài về.

Phát hiện mới về đột biến của virus corona
Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về đột biến ở virus corona mới cho thấy virus có thể thích nghi với con người sau khi lây truyền từ dơi, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu vaccine.
Phân tích hơn 5.300 bộ gene virus corona mới từ 62 quốc gia cho thấy dù virus khá ổn định, một số đã có đột biến, bao gồm hai biến đổi di truyền làm thay đổi “protein hình gai” (spike protein) mà virus sử dụng để bám vào tế bào người, theo Guardian.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nhấn mạnh rằng không rõ các đột biến này ảnh hưởng đến virus như thế nào, nhưng vì chúng phát sinh độc lập ở các quốc gia khác nhau, điều này có thể giúp virus lây lan dễ dàng hơn.
Đột biến về protein hình gai là rất hiếm gặp tại thời điểm này, nhưng ông Martin Hibberd, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và là một trong các tác giả của nghiên cứu, nói sự xuất hiện các đột biến này nhấn mạnh tính cần thiết của việc giám sát virus trên toàn cầu để có thể phát hiện nhanh chóng những thay đổi đáng lo ngại hơn.
“Đây là chính xác những gì chúng ta cần để ý”, ông Hibberd nói. “Người ta đang chế tạo vaccine và các liệu pháp khác chống lại protein hình gai này vì đây có vẻ là một mục tiêu rất tốt. Chúng ta cần để mắt đến nó và đảm bảo rằng mọi đột biến sẽ không làm vô hiệu bất kỳ cách tiếp cận nào trong số này”.

***    Thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, gần 30 vạn ca tử vong vì COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, đến sáng 11/5, thế giới ghi nhận 4.180.303 ca nhiễm COVID-19, 283.859 ca tử vong và 1.490.776 ca bình phục. Dịch bệnh hiện đã lan ra 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với 1.628.576 ca nhiễm và 152.740 ca tử vong, châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” COVID-19. Tây Ban Nha là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi ghi nhận 264.663 ca nhiễm và 26.621 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp theo sau là Anh, Italy, Nga…với số ca nhiễm COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại lần lượt là 219.183; 219.070 và 209.688 trường hợp.

Trong một thông điệp trực tuyến phát đi ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiết lộ kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa theo từng giai đoạn trong vòng 2 tháng tới. Theo đó, các trường học và cửa hàng sẽ được mở cửa trở lại ngay trong tháng sau. Còn hoạt động của các nhà hàng và một số dịch vụ khác sẽ được nối lại vào tháng 7/2020. Số liệu do worldometers.info công bố vào sáng 11/5 cho thấy, Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ có thêm 1.959 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca ghi nhận được tại khu vực này lên 1.498.724. Với 1.367.638 ca nhiễm, Mỹ là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới. Hiện số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ cũng đã lên tới con số 80.787.

Tính tới thời điểm hiện tại, châu Á ghi nhận 668.792 ca nhiễm COVID-19 và 22.189 ca tử vong vì dịch bệnh. Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng đầu bảng danh sách thống kê trong khu vực, với 138.657 ca nhiễm COVID-19. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận thêm 17 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 82.918 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 119 ca nhiễm COVID-19 và 4 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng các con số thống kê tại khu vực này tính tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 310.189 và 16.388. Với 162.699 ca nhiễm COVID-19 và 11.123 ca tử vong, Brazil đang là nước chịu tác nhiều nhất bởi dịch bệnh tại khu vực Nam Mỹ.

Cũng theo worldometers.info, sau khi ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 64.752, với 2.301 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi đang là nước đứng đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 10.015 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Đại dương ghi nhận 8.549 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 118 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Australia là nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất trong khu vực (7/10 trường hợp), nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 6.948 ca, trong đó có 97 ca tử vong./.

***   Thêm 11 mật vụ Nhà Trắng nhiễm COVID-19
COVID-19 đang ngày càng đe dọa Nhà Trắng khi ít nhất 11 nhân viên mật vụ đã xét nghiệm dương tính với virus Corona.

Nga vượt 200.000 ca COVID-19, tỷ lệ tử vong ở Moscow tăng chóng mặt
Nga xác nhận hơn 70.000 ca nhiễm mới COVID-19 chỉ trong tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên gần 210.000, đứng thứ 5 toàn cầu về số người mắc bệnh.

COVID-19 ở Trung Quốc phức tạp trở lại
Sau vài ngày không có ca bệnh nội địa mới, Trung Quốc đại lục lại ghi nhận sự tăng bật trở lại của 14 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong ngày 9/5. Các địa phương ở Trung Quốc một lần nữa phải nhắc nhở người dân không được mất cảnh giác trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh trong nước.

Châu Âu nới lỏng hạn chế, hàng triệu người quay trở lại làm việc
Hàng triệu người châu Âu đang chuẩn bị để quay trở lại làm việc từ ngày mai (11/5), khi chính phủ các nước tiến hành nới lỏng một số hạn chế ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan được ban hành trước đó.

Iran nói sẵn sàng trao đổi tù nhân với Mỹ không cần điều kiện
Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 10/5 khẳng định, nước này sẵn sàng thực hiện thoả thuận trao đổi tù nhân đầy đủ với Mỹ, song hiện tại phía Washington chưa hồi đáp về vấn đề này, theo Reuters.

Cụ bà ở Trung Quốc bị con trai chôn sống
Một người đàn ông ở tây bắc Trung Quốc đã bị bắt sau khi chôn sống người mẹ 79 tuổi

Một cuộc điều tra khoa học có thể ngăn chặn xung đột Mỹ-Trung?
Thông thường, những thảm hoạ tồi tệ sẽ đem tới vài khía cạnh tích cực. Trong quá khứ, các thảm hoạ đã khiến chúng ta phải rút ra nhiều bài học xương máu, từ đó tạo ra thay đổi đáng kể và giúp nhân loại tiến bộ. Giờ đây, đại dịch COVID-19 cũng không phải là ngoại lệ.

Cháy bệnh viện điều trị COVID-19, một người thiệt mạng
Ít nhất một người đã thiệt mạng sau vụ hoả hoạn hôm 9/5 xảy ra tại một bệnh viện điều trị COVID-19 ở Moscow, Nga.

Nhật Bản thử nghiệm lâm sàng thuốc mới điều trị COVID-19
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc có thể điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19.

“Không ai bị quên lãng và không điều gì bị lãng quên”
Đó là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh về dòng chữ khắc trên bia đồng ở các nghĩa trang liệt sĩ thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Đây là lời nhắc nhở về những bài học của Chiến tranh Thế giới thứ hai khi nhân loại đang trong những cuộc đấu tranh mới.

Khu Itaewon nguy cơ thành ổ dịch mới, Seoul đóng cửa trở lại các quán bar
Chính quyền thủ đô Seoul ngày 9/5 đã yêu cầu các câu lạc bộ và quán bar đóng cửa sau khi ghi nhận thêm 13 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến một bệnh nhân từng đến các hộp đêm và quán bar tại khu Itaewon cuối tuần trước.

Mỹ áp đặt các hạn chế thị thực mới đối với các phóng viên Trung Quốc
Mỹ vừa tiến hành siết chặt các quy định xin thị thực đối với các phóng viên Trung Quốc nhằm đáp trả các động thái trước đó của Bắc Kinh, trong bối cảnh leo thang căng thẳng hai nước vì đại dịch COVID-19, theo SCMP.

Điều cần biết về căn bệnh chết người ở trẻ em liên quan đến COVID-19
Một căn bệnh đáng sợ khác đã xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến trẻ em – một tình trạng có vẻ giống với bệnh Kawasaki.

Thử nghiệm hỗn hợp thuốc điều trị COVID-19 chỉ trong 7 ngày
Các nhà khoa học tại Hong Kong ngày 9/5 cho biết, bộ ba loại thuốc chống virus và tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp bệnh nhân COVID-19 hồi phục nhanh chóng hơn.

Y tá trộm thẻ tín dụng của bệnh nhân COVID-19
Cảnh sát cho biết, một nữ y tá tại bệnh viện ở thành phố New York đang phải đối mặt với tội danh ăn cắp thẻ tín dụng của một bệnh nhân COVID-19 trong thời gian nhập viện.

Nga phô diễn không lực siêu khủng mừng Ngày Chiến thắng
Các sự kiện ở Moscow và các nơi khác ở Nga dành cho lễ Kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô và đồng minh trước Đức Quốc xã sẽ bị hoãn lại do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, màn trình diễn máy bay và pháo hoa vẫn diễn ra.

Tổng hợp-TT