VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 12/4/2021.

     Thượng viện Mỹ chuẩn bị dồn lực để tổng công kích Trung Quốc trên khắp các mặt trận?; Philippines: Trung Quốc “hoàn toàn coi thường” luật pháp quốc tế ở Biển Đông; Chiến tranh công nghệ Trung – Mỹ ra sao khi các nước đang phát triển chọn bên?; Mỹ cảnh báo Trung Quốc “sai lầm nghiêm trọng” nếu tấn công Đài Loan; Tàu sân bay Trung Quốc vào Biển Đông; Vaccine Covid-19 đang bị vũ khí hóa trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu; Gần 137 triệu ca toàn cầu, Campuchia nguy cơ vỡ trận Covid-19…là những tin chính được cập nhật.
Thượng viện Mỹ chuẩn bị dồn lực để tổng công kích Trung Quốc trên khắp các mặt trận?
Quốc huy Trung Quốc và quốc kỳ Mỹ. Ảnh: AP.VOV.VN – Nếu được thông qua tại Thượng viện, Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 sẽ huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế, và ngoại giao của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc, phá bỏ các rào cản tương tác giữa giới chức Mỹ và giới chức Đài Loan…
Giới lập pháp Mỹ đang có kế hoạch giới thiệu dự luật mới vào tuần tới nhằm chống lại Trung Quốc một cách toàn diện. Cụ thể, dự luật mới sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc, thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan, và có thể áp thêm các kiềm chế đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc cũng như các tuyên bố chủ quyền phi lý của họ. Ngoài ra còn có cả các biện pháp khác nữa.
Huy động tổng lực sức mạnh Mỹ để đối đầu với Trung Quốc
Nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez của bang New Jersey – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch bang Idaho, phát biểu vào hôm 8/4 (giờ Mỹ) rằng họ sẽ đưa ra thảo luận Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 (Dự luật Menendez-Risch) tại ủy ban này vào ngày 14/4 tới đây.
Nghị sĩ Menendez nói: “Tôi rất tự hào được công bố nỗ lực lưỡng đảng này nhằm huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế, và ngoại giao vào một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho phép quốc gia của chúng ta thực sự đối diện với các thách thức do Trung Quốc gây ra cho an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của chúng ta”.
Xoáy mạnh vào vấn đề Đài Loan, ngăn chặn sức mạnh quân sự Trung Quốc
Dự luật này lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối từ bỏ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục, và cho rằng quan điểm của Trung Quốc về việc chỉ có duy nhất sự lựa chọn tái thống nhất đã khiến cho mục tiêu này mang tính cưỡng ép.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ vô hiệu hóa tất cả các hạn chế lên tương tác giữa quan chức Mỹ với giới chức Đài Loan.
Ngoài ra, dự luật này còn kêu gọi có thêm hành động củng cố quan hệ quân sự với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bảo vệ bí mật công nghệ Mỹ trước tai mắt của Trung Quốc
Liên quan đến các mối đe dọa trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, dự luật kêu gọi mở rộng quy mô của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) nhằm giám sát mối quan hệ giữa các thể chế giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cơ quan trên kiểm tra các giao dịch tài chính để phát hiện các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho các công ty nước ngoài để bảo đảm rằng các công nghệ này không bị sử dụng cho mục đích đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Philippines: Trung Quốc “hoàn toàn coi thường” luật pháp quốc tế ở Biển Đông
VOV.VN – Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mô tả sự coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông là “kinh khủng”.
Philippines và Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong những tranh cãi liên quan đến điều mà Manila gọi là “sự hiện diện tràn ngập và đe dọa” của hơn 200 tàu Trung Quốc quanh một bãi đá ngầm ở Biển Đông kể từ đầu tháng 3/2021 đến nay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cáo buộc Philippines “thổi phồng” vấn đề và tiếp tục nói rằng các tàu của họ đang neo đậu trong khu vực đơn thuần chỉ là để “tránh gió”.
Phản bác lại, Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ ra rằng thời tiết trong khu vực hoàn toàn thuận lợi trong những ngày gần đây. Về phía các nhà phân tích, họ không ngại chỉ ra rằng những động thái tương tự trên biển thường xảy ra trước khi Trung Quốc xây dựng các công trình kiên cố trên các rạn san hô sau khi bồi lấp và cải tạo trái phép chúng, để thông qua đó củng cố yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo các bức ảnh vệ tinh được công bố trên truyền thông, đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc đã tập trung trái phép xung quanh Đá Ba Đầu [thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – ND] từ hôm 7/3.
Hôm qua (8/4), Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đang giữ “tất cả các lựa chọn được để ngỏ” trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa Manila với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Chiến tranh công nghệ Trung – Mỹ ra sao khi các nước đang phát triển chọn bên?
Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng cạnh tranh gay gắt về công nghệ mạng và truyền thông ở các nước đang phát triển, nơi đóng vai trò ngày càng lớn trong mạng lưới toàn cầu trong thập niên tới.
lựa chọn hệ thống truyền thông của các nước đang phát triển “sẽ tác động đến quỹ đạo phát triển của các nhà cung cấp mạng lớn nhất thế giới” và có thể biến thập kỷ tới trở nên quyết định trong cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung. Ảnh tư liệu: AFP
Lý giải cho nhận định trên, giới phân tích cho rằng hơn một nửa dân số toàn cầu đang bị hạn chế hoặc không có quyền truy cập Internet, nhưng số quốc gia đang phát triển được kết nối internet sẽ tăng lên trong thập niên tới.
Nhật báo South China Morning Post dẫn nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng, xu hướng trên có thể định hình lại các mạng lưới toàn cầu khi 9 trong số 10 siêu đô thị toàn cầu mới sẽ xuất hiện ở châu Á và châu Phi vào năm 2030 và hai châu lục này được dự báo sẽ chiếm 90% mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050.
Trong Báo cáo “Mạng lưới toàn cầu năm 2030” (Global Networks 2030) công bố tháng trước, Trung tâm CSIS lưu ý rằng, lựa chọn hệ thống viễn thông của các nước đang phát triển “sẽ tác động đến quỹ đạo phát triển của các nhà cung cấp mạng lớn nhất thế giới” và có thể biến thập niên tới trở thành thập niên quyết định của cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung.
“Các quốc gia có thể bị mắc kẹt bởi chi phí thay thế cao khi sử dụng các thiết bị (công nghệ – BTV)”, báo cáo của CSIS nêu rõ. Các chuyên gia CSIS cho rằng, khi nền kinh tế của các quốc gia này phát triển lên, các công ty công nghệ sẽ giành thị phần và điều này sẽ quyết định các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của họ.
Trong cuộc cạnh tranh ở các thị trường đang phát triển, Trung Quốc đã nâng cấp tầm nhìn của mình bằng dự án “Con đường tơ lụa số” – một phần trong chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, Sáng kiến “Vanh đai, Con đường” (BRI). Được công bố vào năm 2015, “Con đường tơ lụa số” cung cấp cho các quốc gia các khoản viện trợ cải thiện mạng lưới viễn thông, phạm vi phủ sóng internet băng thông rộng, thương mại điện tử, và hệ thống thanh toán di động.
Theo đó, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ với ít nhất 16 quốc gia ở châu Phi, châu Á, Mỹ-Latinh, Trung Đông, và châu Âu. Dự án “Con đường tơ lụa số” đã xây dựng hơn 30 tuyến cáp quang đất liền xuyên biên giới và hơn 10 tuyến cáp ngầm dưới biển quốc tế với các quốc gia trong “Vành đai, Con đường”. Hơn nữa, khoản viện trợ của Bắc Kinh cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại châu Phi đã vượt qua khoản chi của các nước châu Phi, các tổ chức đa phương, và các nước G7 cộng lại.
Ông Lu Chuanying, Giám đốc Trung tâm quản trị không gian mạng quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đánh giá, các công ty công nghệ Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn doanh nghiệp Mỹ. “Các nước đang phát triển cần những sản phẩm giá rẻ, trong khi giá cả các sản phẩm Trung Quốc lại thấp hơn”, ông Lu Chuanying lý giải.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc “sai lầm nghiêm trọng” nếu tấn công Đài Loan
(DTO) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngầm cảnh báo Trung Quốc về “sai lầm nghiêm trọng” nếu tìm cách làm thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan.
“Những gì chúng tôi đã thấy, và những gì chúng tôi thực sự quan ngại, là những hành động ngày càng hung hăng của chính quyền tại Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng ở eo biển”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với NBC ngày 11/4.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra sau khi Bắc Kinh ngày 8/4 chỉ trích Mỹ đưa tàu chiến áp sát Đài Loan, khiến căng thẳng leo thang. Tuần trước, Trung Quốc cũng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tập trận gần Đài Loan.
Theo ông Blinken, Mỹ vẫn duy trì cam kết lâu dài theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan để đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng phòng vệ, đồng thời duy trì hòa bình và an ninh ở Tây Thái Bình Dương.
Khi được hỏi liệu Mỹ có phản ứng quân sự trong trường hợp Trung Quốc có động thái với Đài Loan hay không, Ngoại trưởng Blinken từ chối bình luận về giả thuyết này. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ hối tiếc nếu quyết định hành động quân sự.
Tàu sân bay Trung Quốc vào Biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng chiến hạm hộ tống tiến vào Biển Đông hôm 10/4 và hiện diện ngoài khơi quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.
Hình ảnh được vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp hôm 10/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vượt eo biển Luzon nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines, tiến vào Biển Đông và xuất hiện ngoài khơi quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát.
Lực lượng này gồm tàu sân bay Liêu Ninh, một tàu khu trục phòng không Type-052D, một tàu hộ vệ tên lửa Type-054A và một tàu hậu cần Type-901. Khu trục hạm hạng nặng Type-055 và một tàu khu trục phòng không Type-052D trước đó tách nhóm, di chuyển theo hướng bắc về phía eo biển Đài Loan.
Bám theo nhóm chiến hạm Trung Quốc là một tàu khu trục Mỹ, dường như là chiếc USS Mustin.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Đài Loan lên kế hoạch tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Đông Sa, trong khi Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến tàu đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông.
Vaccine Covid-19 đang bị vũ khí hóa trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu
VOV.VN – Nhiều quốc gia đang thúc đẩy “ngoại giao vaccine” như một vũ khí để gia tăng lợi thế địa chính trị.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Anh đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Việc xuất khẩu máy thở và hóa chất diệt khuẩn cũng bị ngăn chặn trong bối cảnh các dịch vụ y tế quốc gia phải cạnh tranh tìm nguồn cung.
Thời gian gần đây, Italy cũng ngăn chặn việc xuất khẩu 250.000 liều vaccine của AstraZeneca từ nước này sang Australia. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động thể hiện “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, bị thúc đẩy bởi động cơ địa chính trị và sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Những hành động nói trên đã đi ngược với các chuẩn mực về thương mại quốc tế và nguyên tắc trao đổi về khoa học, xã hội, vốn mang lại lợi ích cho các quốc gia suốt nhiều thập kỷ qua trong một hệ thống toàn cầu có tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau.
Alex Capri, nhà nghiên cứu của Hinrich Foundation kiêm chuyên gia cao cấp và giảng viên Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể là tiền thân của ngoại giao vaccine – một chính sách thực dụng mà qua đó các quốc gia tận dụng khả năng điều chế và sản xuất vaccine của mình để đạt được lợi ích về địa chính trị.
*** Gần 137 triệu ca toàn cầu, Campuchia nguy cơ vỡ trận Covid-19
Thế giới ghi nhận gần 137 triệu người nhiễm, hơn 2,9 triệu người chết do nCoV, LHQ cảnh báo Campuchia đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do Covid-19.
Thế giới ghi nhận 136.609.593 ca nhiễm nCoV và 2.948.581 ca tử vong, tăng lần lượt 613.596 và 7.430, trong khi 109.772.794 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/4 phê phán Trung Quốc không cung cấp quyền tiếp cận cho các chuyên gia quốc tế và không chia sẻ thông tin theo thời gian thực. “Kết quả là dịch bệnh mất kiểm soát nhanh và trầm trọng hơn dự kiến”, ông nói trên truyền hình.
Phát biểu gay gắt của Blinken nhấn mạnh những chỉ trích từ các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm vào Bắc Kinh gần đây, trong đó cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong những ngày đầu đại dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30/3 cho biết nhiều dữ liệu không được cung cấp cho những nhà điều tra của WHO trong chuyến làm việc tại Trung Quốc để tìm ra nguồn gốc nCoV, thêm rằng vấn đề cần được nghiên cứu thêm.
“Điều quan trọng là phải có kết luận chắc chắc về cách đại dịch bùng phát. Chúng ta cần làm điều đó dể hiểu chuyện gì đã xảy ra và ngăn nó tái diễn. Đó là lý do chúng ta cần tìm hiểu đến cùng”, Blinken nói, thêm rằng Trung Quốc cần tham gia cải cách hệ thống an ninh y tế toàn cầu để bảo đảm minh bạch và chia sẻ thông tin.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.917.316 ca nhiễm và 575.821 ca tử vong do nCoV, tăng 50.236 ca nhiễm và 268 ca tử vong so với một ngày trước đó. Gần 175 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Mỹ từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu tháng 12 năm ngoái. Hơn 112 triệu người Mỹ, tức hơn một phần ba dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.
Tính tới ngày 8/4, gần 20% người Mỹ đã nhận đủ hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tập đoàn Pfizer ngày 9/4 cho biết đang xin chính phủ Mỹ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi và có kế hoạch đưa ra đè xuất tương tự với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới trong những ngày tới.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.525.364 ca nhiễm và 170.209 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 169.899 và 904 ca.
Đợt bùng phát dịch thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi chưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc vì lo ngại thiệt hại kinh tế quá lớn.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng dịch bùng phát trở lại do tình trạng tập trung đông người và không đeo khẩu trang kể từ khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ tháng 2. Nhiều bang đã lên tiếng về tình trạng thiếu vaccine, dù chương trình tiêm chủng hiện nay chỉ áp dụng cho khoảng 400 triệu trong tổng số 1,35 tỷ người dân Ấn Độ.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.482.023 ca nhiễm và 353.137 ca tử vong, tăng lần lượt 37.017 và 1.668. Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.
Bất chấp ca nhiễm gia tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng. Tòa án Tối cao Brazil hôm 8/4 yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra cách chính phủ Bolsonaro xử lý đại dịch. Tổng thống Brazil sau đó lên tiếng phê phán cuộc điều tra, cho rằng đây là nỗ lực làm suy yếu chính phủ.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.058.680 ca nhiễm và 98.750 ca tử vong. Tất cả các nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã bị đóng cửa 5 tháng qua. Pháp tuần này bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng.
Cảnh sát Paris cho biết hôm 10/4 phạt hơn 100 thực khách tại một nhà hàng dưới lòng đất vì vi phạm quy định phòng dịch và bắt chủ nhà hàng. Trước đó, họ cũng cáo buộc một số bộ trưởng tham dự các sự kiện vi phạm tương tự.
Thủ tướng Jean Castex ngày 8/4 thông báo 10 triệu người Pháp đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Pháp khuyến cáo những người dưới 55 tuổi đã tiêm liều đầu tiên vaccine AstraZeneca nên được tiêm mũi thứ hai một loại vaccine khác, nhưng WHO cảnh báo rằng không có đủ dữ liệu để khuyến nghị làm vậy.
Anh, báo cáo 4.369.775 người nhiễm và 127.087 người chết, tăng lần lượt 1.730 và 7 trường hợp.
Các nhà khoa học tại trường University College London (UCL) dự báo Anh có thể đạt ngưỡng quan trọng khi tỷ lệ người “an toàn” trước virus nhờ tiêm chủng, từng bị nhiễm hoặc miễn dịch tự nhiên đạt 73,4% vào ngày 12/4.
Đây là cột mốc mà giới khoa học cho rằng Anh có thể đạt khả năng miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi virus. Song họ vẫn cảnh báo những động thái đẩy nhanh tốc độ nới lỏng biện pháp hạn chế đều có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều học giả và nhà khoa học ở Anh vẫn hoài nghi về dự đoán của nhóm nghiên cứu trường UCL, trong khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi những số liệu thực tế.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.566.995 ca nhiễm, tăng 4.127, trong đó 42.530 người chết, tăng 87.
Jakarta cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca.
Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 13,5 triệu liều. Khoảng 4,43 triệu người, chiếm 1,6% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 864.868 ca nhiễm và 14.945 ca tử vong, tăng lần lượt 11.681 và 201 ca.
Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau các báo cáo về tình trạng đông máu ở nhiều nước, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.
Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.
Campuchia ghi nhận thêm 157 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.238. Nước này cũng báo cáo hơn 1.000 ca chỉ trong hai ngày trước đó, phần lớn là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.
Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo nước này đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do Covid-19. “Ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày và chúng tôi đang chạy đua với virus. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát”, bà cho hay.
Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.

Tổng hợp-TT