VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 13/3/2020.

COVID-19 “gõ cửa” trụ sở Liên hợp quốc; Đông – Tây khẩn cấp chống dịch;  Tổng thống Donald Trump đình chỉ đi lại giữa Mỹ và châu Âu;  Quan chức Trung Quốc nghi ngờ Mỹ ‘mang nCoV đến Vũ Hán’; Philippines ‘đóng cửa’ thủ đô Manila ngăn Covid-19; 10.000 người Anh có thể đã nhiễm virus corona; CẬP NHẬT dịch COVID-19 và ứng phó tới ngày 13/3…là những tin chính được cập nhật.

COVID-19 “gõ cửa” trụ sở Liên hợp quốc

Kết quả hình ảnh cho liên hợp quốc
Tòa nhà trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York.
Một nhân viên phái bộ Philippines tại tòa nhà trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York được xác định dương tính với virus Corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông tấn Nga TASS ngày 13/3 dẫn nguồn tin riêng từ các cơ quan thuộc LHQ cho biết ca bệnh nói trên vừa được xác nhận chỉ trước đó một ngày, trở thành người nhiễm COVID-19 đầu tiên trong trụ sở chính của LHQ ở New York, Mỹ.
“Cô ấy đã đến thăm trụ sở LHQ vào thứ Hai, ngày 9/3, trong khoảng 30 phút, từ 12h50 đến 13h20. Cô ấy không có triệu chứng gì”, nguồn tin nói thêm và cho biết khu vực của phái bộ Philippines tạm thời bị phong tỏa, trong khi toàn bộ thành viên được hướng dẫn tự cách ly.
Vẫn chưa rõ khả năng lây nhiễm của người này và việc cô đã nhiễm virus từ nguồn nào. Bất cứ ai trong trụ sở LHQ có triệu chứng của bệnh được đề nghị lập tức tìm kiếm trợ giúp y tế.
Từ khi khởi phát ở Vũ Hán cuối năm ngoái, dịch COVID-19 nay đã lan ra gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 130.000 người nhiễm và 5.000 người thiệt mạng vì dịch. Mỹ, nơi LHQ đặt trụ sở, ghi nhận 1.731 ca nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, Philippines hôm 7/3 công bố trường hợp lây nhiễm COVID-19 đầu tiên. Nước này đến nay ghi nhận 52 ca dương tính với virus. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 12/3 tuyên bố phong tỏa thủ đô Manila để ngăn dịch.

Đông – Tây khẩn cấp chống dịch
SGGP-Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, ngày 12-3, hàng loạt quốc gia từ Đông sang Tây đã công bố các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn trương tăng cường chống dịch Covid-19.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ mọi chuyến bay từ các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày và có hiệu lực từ ngày 13-3. Theo ông Donald Trump, các nước châu Âu đang ghi nhận số ca nhiễm tăng do chính phủ các nước đã thất bại trong việc ngăn các chuyến đi từ Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng hối thúc Quốc hội nước này thông qua các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch. Ông Donald Trump tuyên bố sẽ chỉ thị cho Bộ Tài chính Mỹ hoãn thu thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh và có thể sẽ bơm hơn 200 tỷ USD vào nền kinh tế. Nhiều thành phố lớn của Mỹ cấm tổ chức cũng như hủy bỏ các sự kiện hay các cuộc họp đông người. Các doanh nghiệp lớn như Google và Twitter cho phép nhân viên được làm việc tại nhà..
Chuẩn bị “kịch bản tồi tệ”
Saudi Arabia đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ một số quốc gia như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Ấn Độ, Pakistan…, đồng thời cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các quốc gia nêu trên. Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ra chỉ thị hạn chế tổ chức các sự kiện có từ 100 người trở lên tham dự. Bên cạnh đó, ông Netanyahu khuyến cáo người dân Israel thay đổi thói quen hàng ngày để phòng chống dịch, chẳng hạn như tránh bắt tay, thường xuyên rửa tay và vệ sinh cá nhân, lấy khăn che miệng và mũi khi hắt hơi. Chính phủ Israel đang cân nhắc đóng cửa các trường đại học và chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Hạ viện Nhật Bản ngày 12-3 đã thông qua dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm năm 2013, cho phép Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 13-3.

 Tổng thống Donald Trump đình chỉ đi lại giữa Mỹ và châu Âu
(ĐCSVN) – Sáng 12/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ việc đi lại giữa Mỹ và các nước châu Âu (EU), ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày giữa lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đang lan nhanh tại Mỹ.
Trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Trump cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 13/3 tới. Ông Donald Trump cho biết ông đưa ra quyết định này nhằm “ngăn chặn các ca nhiễm mới xâm nhập vào lãnh thổ Mỹ”.
Phát biểu tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump nêu rõ: “Để ngăn không có thêm các ca nhiễm mới xâm nhập vùng biển, chúng ta sẽ ngừng tất cả hoạt động đi lại từ châu Âu tới Mỹ trong vòng 30 ngày. Quy định mới có hiệu lực từ đêm 13/3.”
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ có những miễn trừ nhất định đối với một số công dân Mỹ “đã trải qua các buổi kiểm tra phù hợp”.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã có 1.135 người và 38 trường hợp tử vong. Bên cạnh đưa ra công bố sẽ đình chỉ việc đi lại từ EU, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra các đề xuất nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Ông cũng hối thúc Quốc hội thông qua các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và các chỉ số chứng khoán Phố Wall lao dốc. Ông tuyên bố sẽ chỉ thị cho Bộ Tài chính Mỹ hoãn thu thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh có thể sẽ bơm hơn 200 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện, đã có gần 20 bang và thành phố của Mỹ đã đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp do virus SARS-CoV-2, bao gồm cả thủ đô Washington D.C. Thị trưởng thành phố Washington D.C Muriel Bowser hôm 11/3 tuyên bố về cả tình trạng khẩn cấp và cấp cứu y tế công cộng như một nỗ lực giảm thiểu sự lây lan của Covid-19 mới tại thủ đô của quốc gia này. Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Tính đến sáng 12/3, riêng tại châu Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 đã vượt 2.000 trường hợp và có 930 người tử vong. Thế giới ghi nhận có 125.834 ca nhiễm Covid-19, trong đó 4.617 ca tử vong và 67.057 người được chữa khỏi./.

 Quan chức Trung Quốc nghi ngờ Mỹ ‘mang nCoV đến Vũ Hán’
(VnExpress) Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng quân đội Mỹ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán, sau khi Washington chỉ trích Bắc Kinh.
“Bệnh nhân số 0 ở Mỹ bắt đầu khi nào? Có bao nhiêu người nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Rất có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu của các ông đi! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích”, ông Triệu hôm 12/3 viết bằng tiếng Anh trên tài khoản Twitter của  mình.
Lời chỉ trích nặng nề nhưng không có bằng chứng chứng minh của ông Triệu được coi là nhằm đáp trả cáo buộc của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 11/3 rằng Trung Quốc đã phản ứng chậm chạp trong những ngày đầu Covid-19. O’Brien cho rằng sự chậm trễ này của Trung Quốc có thể đã khiến thế giới mất đi hai tháng để chuẩn bị ứng phó với dịch.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/3 cũng chỉ trích quan chức Mỹ “vô trách nhiệm và vô đạo đức” khi đổ lỗi cho nước này vì đại dịch Covid-19. Ông Cảnh khẳng định những tuyên bố của Mỹ “không giúp ích gì cho nỗ lực chống dịch”, khuyên các quan chức ở Washington “hãy tập trung sức lực vào việc ứng phó với virus, thúc đẩy hợp tác, không đổ lỗi cho Trung Quốc”.
Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện ở 127 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 134.000 người nhiễm bệnh, gần 5.000 người thiệt mạng.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã qua đỉnh dịch, với số ca nhiễm mới đang giảm nhanh. Trung Quốc đã ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm nCoV và gần 3.200 người chết.
Trong khi đó, Mỹ ngày 12/3 ghi nhận thêm 415 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.725, trong đó 41 người đã tử vong. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/3 tuyên bố cấm công dân 26 nước thuộc Liên minh châu Âu tới nước này nhằm ngăn nCoV “đổ bộ thêm vào đất Mỹ”.

 Vợ Thủ tướng Canada nhiễm nCoV
Sophie Gregoire, vợ Thủ tướng Canada Justin Trudeau, dương tính với nCoV, nhưng vẫn cảm thấy khỏe và chỉ có triệu chứng nhẹ.
“Đầu tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người đã liên lạc và hỏi thăm sức khỏe của tôi. Mặc dù đang trải qua những triệu chứng không thoải mái do virus, tôi sẽ sớm khỏe mạnh trở lại”, bà Sophie Gregoire Trudeau, người đang cách ly tại nhà, cho biết trong thông báo hôm 12/3.
“Việc bị cách ly tại nhà không là gì so với những gia đình Canada có thể đang phải trải qua dịch bệnh, cũng như những người đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn”, thông báo có đoạn.
Văn phòng Thủ tướng Canada cũng xác nhận việc bà Sophie nhiễm nCoV, cho biết thêm rằng ông Trudeau chưa xét nghiệm do vẫn khỏe mạnh và chưa xuất hiện triệu chứng bệnh, nhưng sẽ tự cách ly 14 ngày.
Trước đó, Trudeau cũng thông báo ông sẽ tự cách ly do vợ xuất hiện triệu chứng. Bà vừa trở về Canada sau chuyến công tác tại London, Anh, bắt đầu thấy không khỏe vào tối 11/3 và ngay lập tức tìm kiếm hỗ trợ y tế.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 134.000 người mắc bệnh và gần 5.000 người chết. Canada hiện ghi nhận hơn 140 ca nhiễm nCoV và một trường hợp tử vong.

Philippines ‘đóng cửa’ thủ đô Manila ngăn Covid-19
Theo Reuters, Tổng thống Philippines hôm 12/3 tuyên bố ngừng các hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ Manila.
Quyết định trên được đưa ra cùng với nhiều biện pháp cách ly cộng đồng khác mà Tổng thống Philippines gọi là “đóng cửa” thủ đô nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua nghị quyết cho phép thực thi hàng loạt biện pháp hạn chế, gồm cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học một tháng, cách ly các cộng đồng đã phát hiện người dương tính với Covid…
Những động thái này được đưa ra trong bối cảnh Philippines đã phát hiện được hơn 50 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó bao gồm 2 ca đã tử vong. Hôm 7/3, Philippines đã xác nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở nước này.

Báo Trung Quốc phanh phui vụ che đậy khiến Covid-19 mất kiểm soát
Bệnh viện nơi bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), từng công tác chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ nơi nào khác một phần do sự che đậy thông tin của giới chức trách.
Đó là kết quả sau cuộc điều tra do báo Caixin (Trung Quốc) thực hiện. Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cũng là nơi bác sĩ Lý qua đời, đã ghi nhận hơn 230 trong số 4.000 nhân viên y tế bị chẩn đoán nhiễm Covid-19, đạt tỉ lệ nhân viên y tế mắc bệnh cao nhất tại bệnh viện ở tâm dịch Vũ Hán.
Hôm 9/3, bác sĩ nhãn khoa Zhu Heping, đồng nghiệp của bác sĩ Lý Văn Lượng, là bác sĩ thứ 4 qua đời vì Covid-19 tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng, Jiang Xueqing và Mei Zhongming lần lượt tử vong vào ngày 7/2, 1/3 và 3/3.
Y tá trưởng bệnh viện Trung ương Vũ Hán cho hay phó khoa phẫu thuật tim mạch và phó khoa tiết niệu của bệnh viện này vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Một trưởng khoa tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán cáo buộc các cơ quan chức năng gây nguy hiểm cho tính mạng các y bác sĩ khi lan truyền thông tin sai lệch.
Trưởng khoa này nói với Caixin: “Thông tin sai lệch do các bộ phận liên quan đưa ra – theo đó cho rằng căn bệnh này vẫn trong tầm khống chế và sẽ không lây từ người sang người – khiến hàng trăm bác sĩ và y tá ra sức điều trị cho bệnh nhân mà không biết gì về dịch bệnh. Ngay cả khi ngã bệnh, họ cũng không thể báo cáo vụ việc mà chỉ còn biết hy sinh. Đây là mất mát và bài học đau lòng nhất”.
Một số bác sĩ đổ lỗi cho sự quản lý thiếu năng lực của lãnh đạo. Trong nhiều năm qua, người đứng đầu bệnh viện chỉ làm việc trên giấy tờ và xa rời công việc y tế ở tuyến đầu.

10.000 người Anh có thể đã nhiễm virus corona
Ông Johnson cảnh báo sẽ có thêm nhiều gia đình chứng kiến người thân qua đời vì virus corona, giữa lúc cố vấn của chính phủ nói Anh có thể đã có 10.000 người nhiễm virus.
Tại một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp chính phủ hôm 12/3, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh bắt đầu bước sang “giai đoạn trì hoãn” của cuộc chiến chống dịch, với mục tiêu trì hoãn đỉnh dịch cho đến mùa hè, chấm dứt giai đoạn ngăn chặn triệt để.
“Nó sẽ lây lan rộng hơn”, Reuters dẫn lời ông Johnson nói trong một cuộc họp báo, bên cạnh các cố vấn khoa học và y tế hàng đầu chính phủ.
“Tôi phải thành thật với các bạn, thành thật với công chúng Anh rằng sẽ có thêm các gia đình, nhiều gia đình mất đi người thân trước khi họ phải ra đi”.
Chính phủ Anh đã đối diện với những câu hỏi về việc tại sao họ không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn như nhiều nước khác. Ông Johnson nói chính phủ tuân theo khuyến cáo khoa học và sẽ “làm điều đúng đắn đúng lúc”.
Ông nói những người có triệu chứng nhiễm virus dù nhẹ cũng nên tự cách ly ít nhất 7 ngày. Trong những tuần tới, khuyến cáo sẽ là toàn bộ gia đình cần ở trong nhà nếu một người có triệu chứng.
“Đây là cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong một thế hệ”, ông nói.
Số người nhiễm Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã tăng 29% trong 24 giờ hôm 12/3, lên đến 590 ca, trong đó 10 người đã tử vong.
“Nếu bạn tính toán ý nghĩa thực sự của những con số này, khả năng cao là khoảng 5.000 đến 10.000 người đã nhiễm virus vào lúc này”, cố vấn khoa học hàng đầu chính phủ Anh, Patrick Vallance, nói.
Ông Vallance nói Anh hiện ở trên quỹ đạo đi sau 4 tuần so với Italy, nước đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 1.000 ca tử vong. Ông dự đoán đỉnh dịch tại Anh có thể xảy ra trong ít nhất 10 đến 14 tuần tới.
Thủ tướng Johnson cho biết Anh chưa ra lệnh cấm các sự kiện tập trung đông người và trường học vẫn sẽ mở cửa, nhưng khuyến cáo có thể thay đổi nếu virus lan rộng.

CẬP NHẬT dịch COVID-19 và ứng phó tới ngày 13/3
(Chinhphu.vn) – Báo Điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc.
Ngày 11/3 (tối 11/3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.
Trước đó, ngày 31/1/2020, WHO công bố dịch bệnh là SỰ KIỆN Y TẾ CÔNG CỘNG KHẨN CẤP GÂY QUAN NGẠI TOÀN CẦU (PHEIC).
Cập nhật lúc 7h45 ngày 13/3:
Thế giới: 132.936 người mắc, 4.952 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 3.169 người tử vong.
– 108 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc: 1.783 người tử vong
Việt Nam: 44 trường hợp nhiễm COVID-19.
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Số ca nhiễm tại Việt Nam hiện nay gồm có:
– 01 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17-BN17).
– 01 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (BN18).
– 02 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (BN19, BN20).
-01 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (BN21).
– 10 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ BN22 đến BN31).
– 01 phụ nữ 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với bệnh nhân 17 ngày 27/2 tại Anh, đã trở về Việt Nam ngày 9/3/2020 (BN32).
– 01 bệnh nhân nam, 58 tuổi, quốc tịch Anh, cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam (BN33).
– 01 phụ nữ 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, bay từ Washington (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Qatar và sáng ngày 02/3/2020 nhập cảnh vào Việt Nam (BN34).
– 01 bệnh nhân nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ngày 04/3/2020 có tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh tại siêu thị Điện máy Xanh sau này xác định là BN22 và BN23. (BN35).
– 03 người ở Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34 đã được xác định mắc COVID-19 ngày 10/3/2020 (BN36, BN37, BN38).
– 01 nam giới 25 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với BN24 khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình (BN39).
– 03 người gồm bé gái 2 tuổi, nam giới 59 tuổi và nam giới 28 tuổi quê ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN34 (BN40, BN41, BN42).
– 01 nữ giới 47 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, Bình Thuận tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN38 (con dâu của BN34) (BN43).
– 01 nam thiếu niên 13 tuổi, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN37 (nhân viên của BN34) (BN44).
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (04); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (05); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (04); Lào Cai (02); Đà Nẵng (03); Huế (01); Quảng Nam (02); Bình Thuận (09).
Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 4.544 trường hợp.

Tình hình khủng bố ở châu Phi đáng lo ngại
(ĐCSVN) – Các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng khủng bố tại châu Phi và về tác động của khủng bố đối với an ninh, ổn định và phát triển của khu vực. Các nước chia sẻ quan điểm về việc cần có giải pháp toàn diện trong xử lý vấn đề khủng bố và bạo lực cực đoan, trong đó có giải quyết các thách thức về kinh tế – xã hội, bất bình đẳng và nhân quyền, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên, giải quyết các thách thức về chính trị còn tồn tại ở châu Phi.

***   Cuộc chiến chống COVID-19 tại Italia qua câu chuyện của nhân viên y tế
Nền y tế Italia đang “rên rỉ” dưới sức ép của đại dịch COVID-19, đó là tiêu đề một bài báo do New York Times đăng tải. Alessia Bonari, một y tá làm việc ở tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19, đã nói về điều đó một cách thực tế hơn từ trải nghiệm của cô.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên từ chối đeo khẩu trang khi thị sát tập trận
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tham gia thị sát tập trận pháo binh lần thứ 2 trong vòng 1 tuần qua, truyền thông nước này ngày 13/3 đưa tin. Không giống như các quan chức tháp tùng, ông tiếp tục không đeo khẩu trang, trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống lại COVID-19.

Nhân vật thân cận với lãnh tụ tối cao Iran mắc COVID-19
Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, là quan chức mới nhất ở Iran dương tính với virus Corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Liệu COVID-19 có yếu đi khi thời tiết ấm lên?
Khi virus Corona chủng mới mới bắt đầu lan rộng khắp thế giới, một số người cho rằng dịch bệnh COVID-19 do virus này gây ra cũng giống như cúm thông thường, chỉ nguy hiểm với một nhóm người nhạy cảm, không khiến phải đóng cửa cả một thành phố.

Mỹ không kích lực lượng Iran hậu thuẫn trên đất Iraq
Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích ngày 12/3 nhằm vào nhiều địa điểm của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Iraq, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Quá 10.000 người nhiễm COVID-19, Iran mong được vay 5 tỷ USD và trợ cấp đồ y tế
Iran đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay khẩn cấp 5 tỷ USD phục vụ công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này vượt 10.000 người.

Hồ Bắc nới phong toả, tái khởi động sản xuất
Tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của thế giới – tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã nới lỏng lệnh phong toả, cho phép sản xuất công nghiệp được tái khởi động tại một số địa phương.

Mỹ-Trung cãi vã gay gắt giữa đại dịch COVID-19
Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc phản ứng chậm với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Bắc Kinh đáp trả, gọi phát biểu trên là vô trách nhiệm.

Dùng xe rác cáu bẩn chở thịt lợn cho dân khu cách ly COVID-19 ở Vũ Hán
Ít nhất hai quan chức thành phố Vũ Hán bị cách chức, một người khác bị điều tra do có liên quan đến việc dùng xe rác để chở thịt lợn tới cho người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa giữa đại dịch COVID-19.

Trung Quốc tuyên bố vượt đỉnh dịch COVID-19
Quan chức y tế Trung Quốc khẳng định nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm và ca tử vong giảm rõ rệt.

Cụ bà 103 tuổi nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh sau 6 ngày
Cụ bà Zhang Guangfen, 103 tuổi, được điều trị khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới chỉ chưa đầy một tuần từ nhập viện ở Vũ Hán.

“Bão” COVID-19 bao trùm nhiều nước châu Âu
Cho tới lúc này, dịch COVID-19 đang gây hoang mang khắp châu Âu, trong khi các biện pháp chống dịch chưa thực sự cho thấy hiệu quả. Hàng loạt câu hỏi về khả năng sẵn sàng ứng phó của châu lục này với dịch bệnh đã được đặt ra. Trong khi đó kinh tế nhiều nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề.

Hơn 126.000 người nhiễm, đại dịch toàn cầu COVID-19 không loại trừ bất cứ ai
Đại dịch toàn cầu COVID-19 lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ với ít nhất 126.273 ca dương tính. Người nhiễm bao gồm từ những chính trị gia, tài tử điện ảnh đến vận động viên thể thao nổi tiếng.

Tiếp nối Italia, Đan Mạch phong tỏa toàn quốc vì COVID-19
Sau Italia, Đan Mạch trở thành quốc gia thứ 2 tại châu Âu ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc, theo đó yêu cầu đóng cửa tất cả trường học các cấp trong ít nhất 2 tuần, trong bối cảnh WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch.

Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” Mỹ đã hạ giọng khi nói về S-400
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói Mỹ đã hạ giọng đáng kể khi nói tới thương vụ S-400 giữa Ankara và Moscow, đồng thời đề nghị bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng hợp-TT