VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 14/4/2021.

    “Thế giới lại bước vào thời kỳ cam go của đại dịch Covid-19”; Ukraine “căng như dây đàn”, ông Biden đề nghị gặp trực tiếp ông Putin; Bóng ma chiến tranh Mỹ – Trung rình rập trên vũ trụ; Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia; Mỹ yêu cầu dừng sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson ngừa Covid-19; Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
“Thế giới lại bước vào thời kỳ cam go của đại dịch Covid-19”
Cập nhật 7h ngày 1/3: Covid-19 đã xuất hiện tại 64 quốc gia và vùng lãnh  thổ, tại sao WHO chưa dùng từ 'đại dịch'    Ảnh minh họa – Ảnh: Getty/CNBC.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/4 nói rằng đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, với 4,4 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trong tuần trước.
Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách kỹ thuật về Covid của WHO, nói “chúng ta đang ở vào một thời điểm rất cam go của đại dịch”, vì một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch giữa lúc số ca nhiễm mới hàng tuần đang cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Đây không phải là tình huống mà chúng ta muốn chứng kiến, sau 16 tháng Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và chúng ta đã áp dụng những biện pháp kiểm soát chứng minh được hiệu quả. Chính vào lúc này đây, mỗi người cần phải nhìn nhận lại và xác định nên làm gì”, hãng tin CNBC dẫn lời bà Kerkhove trong một cuộc họp báo. “Vaccine và tiêm chủng đang được triển khai, nhưng chưa có mặt tại tất cả mọi nơi trên thế giới”.
Trong tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu tăng 9% so với tuần trước đó, đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Ngoài ra, số ca tử vong vì Covid trong tuần cũng tăng 5%, bà Kerkhove cho hay, đồng thời đề nghị các chính phủ hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp an toàn để chống lại sự lây lan của virus, như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và tránh tụ tập đông người.
Từ tháng trước, các quan chức WHO đã cảnh báo về sự gia tăng đều đặn của số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid, cho rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn căng thẳng của đại dịch.
Virus đang trở nên “mạnh hơn, lây lan nhanh hơn”, với sự xuất hiện của những biến thể mới nguy hiểm hơn so với biến chủng ban đầu – bác sỹ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cảnh báo hôm 31/3.
Ukraine “căng như dây đàn”, ông Biden đề nghị gặp trực tiếp ông Putin
Dân trí Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đề nghị một cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp, trong bối cảnh Washington lo ngại về căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraine.
Theo CNBC, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hôm 13/4 đã điện đàm thảo luận hàng loạt vấn đề. Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây khác lo ngại việc Nga tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Ukraine.
Nhà Trắng cho hay, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận “nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu”. Trong cuộc điện đàm, ông Biden đã đề cập đến các vấn đề như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay tấn công mạng nhằm vào các định chế của Mỹ. Ngoài ra, ông Biden cũng nêu quan ngại về động thái tăng cường lực lượng của Nga ở Crimea và gần biên giới Ukraine gần đây. “Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”, Nhà Trắng cho biết.
Ông Biden đã đề nghị tiến hành cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Nga ở một địa điểm trung gian nhằm “thảo luận các vấn đề mà hai nước đang phải đối mặt”.
Điện Kremlin sau đó cho hay, ông Biden đã đề nghị tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo trong vài tháng tới. Tuy nhiên, thông cáo không đề cập đến liệu ông Putin có nhận lời mời họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ hay không.
Bóng ma chiến tranh Mỹ – Trung rình rập trên vũ trụ
(DTO) Nếu Mỹ và Trung Quốc bất ngờ rơi vào một cuộc chiến trên vũ trụ ngay lúc này, một câu hỏi đặt ra là: ai sẽ giành chiến thắng?
Câu trả lời là không có gì chắc chắc, dù lực lượng của Lầu Năm Góc hiện nay được xác định là mạnh và hiện đại hơn rất nhiều so với quân đội Trung Quốc. Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilino gần đây đã phát biểu trước một phiên điều trần trước Quốc hội rằng các lực lượng Mỹ triển khai Ấn Độ-Thái Bình Dương đang bị các đối thủ Trung Quốc vượt mặt.
Bất kỳ một cuộc xung đột nào giữa Mỹ-Trung cũng có thể khởi phát trên biển và trên không ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó là lý do Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vẫn ngày đêm nỗ lực tạo thành mũi nhọn trong khu vực.
Theo Asiatimes, để đáp trả bất kỳ động thái nào của Trung Quốc, các lực lượng của Mỹ (cùng các đồng minh) cần tiếp cận không bị cản trở với các vệ tinh. Ngoài ra, để bảo vệ hiệu quả an ninh hòa bình và an toàn hàng hải ở Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông cũng như năng lực hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo này, các lực lượng Mỹ cũng cần chú trọng đến sự phối hợp ăn ý giữa các đội tàu với nhau và các nhóm chỉ huy chiến đấu thông qua các vệ tinh thuộc Hệ thống mục tiêu người dùng di động (MUOS) trong quỹ đạo không đồng bộ địa lý (GSO).
Gần 70% vũ khí của Lầu Năm Góc hoạt động dựa vào vệ tinh. Vì vậy, đã có nhiều lo ngại về khả năng các vệ tinh Mỹ trên quỹ đạo có thể bị “đánh lén” nhằm vô hiệu hóa năng lực kết nối của Lầu Năm Góc. Theo các chuyên gia, một nhóm vệ tinh quan trọng khác mà Trung Quốc có thể nhắm đến là vệ tinh băng thông rộng toàn cầu WGS.
Mỹ sử dụng chòm vệ tinh của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) phục vụ cho việc di chuyển và triển khai các lực lượng, đặc biệt là ở khu vực hoạt động rộng lớn như Ấn Độ -Thái Bình Dương. Ngay cả các vệ tinh như chỉ huy, kiểm soát và lệnh tác chiến hạt nhân (NC3) vốn rất được đánh giá cao của Mỹ cũng nguy cơ bị phá hủy trong quỹ đạo GSO, vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Lầu Năm Góc.
Trước thực tế đó, Bắc Kinh luôn tính toán để người Mỹ không thể tiếp cận các chòm vệ tinh quan trọng đó, để có thể “tự tung tự tác” trong khu vực chiến lược này. Bắc Kinh cũng có khả năng khơi mào trận “Trân Châu Cảng trên vũ trụ”, đặt quân đội Mỹ vào tình thế choáng váng, hỗn loạn. Việc tung đòn phủ đầu hoặc giành lợi thế bằng cách “chọc mù” các khí tài quân sự trên vũ trụ như vậy giúp Trung Quốc đứng trước “cơ hội vàng” là có thể đánh bại một Lầu Năm Góc.
Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia
(DTO) Gần đây, số ca mắc mới Covid-19 tại Campuchia tăng vọt lên 3 con số mỗi ngày. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới vào Việt Nam.
Cuối tháng 3, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp nhập cảnh trái phép bằng đường thủy từ biên giới phía Tây Nam. Điều đó cho thấy nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào nước ta là hiện hữu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia vào nước ta là ở mức cao. Lý do vì người Việt giao thương, đi lại, sinh sống ở Campuchia rất nhiều. Số người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) cũng nhiều.
Trong khi đó, đường biên giới giữa hai nước trên đất liền rất dài, ngoài ra còn có đường hàng không và đường biển. Trong đó, đường biển rất khó kiểm soát.
“Tình hình ở Phnompenh đang rất căng thẳng. Campuchia chưa kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam với tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 chưa cao, nếu để lọt ca bệnh vào thì sẽ dễ bùng phát thành dịch”, TS Phu nhấn mạnh.
Vì thế, ông cho rằng Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển, thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với người nhập cảnh. Nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại. Người dân có người thân ở nước ngoài nếu về nước thì nên nhập cảnh theo con đường chính ngạch, để được cách ly, xét nghiệm. Đồng thời, nếu phát hiện tại khu vực mình sinh sống có người nhập cảnh trái phép cũng cần thông báo cho chính quyền địa phương.
Ca mắc Covid-19 tại Thái Lan tăng kỷ lục
Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan ngày 13/4 ghi nhận thêm 956 ca mắc Covid-19 mới, bao gồm 194 ca tại thủ đô Bangkok, trong bối cảnh dịch bệnh đã lan rộng ra hầu hết các khu vực tại nước này. Con số này đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca nhiễm mới tăng kỷ lục.
Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp các nhà chức trách Thái Lan hủy lễ hội té nước trên các đường phố trong dịp tết Songkran, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế đi lại không cần thiết, giảm các cuộc tụ tập để kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh biến chủng B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh dễ lây lan hơn.
Trong đợt bùng phát dịch mới từ đầu tháng này, Thái Lan đã ghi nhận thêm 5.597 ca nhiễm, bao gồm 1.625 ca ở Bangkok, nâng tổng số ca nhiễm tại Thái Lan lên 34.575 và 97 ca tử vong.
Các tụ điểm về đêm như quán rượu hay quán karaoke ở Bangkok và 40 tỉnh sẽ đóng cửa cho đến ngày 23/4. Một quan chức y tế cho biết biện pháp này sẽ giúp giảm gần 1/3 tỷ lệ lây nhiễm vào tháng tới, đồng thời cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, số ca mắc Covid-19 tại Thái Lan có thể lên tới hơn 28.000 trường hợp mỗi ngày.
Giới chức Thái Lan thông báo sẽ bố trí 10.000 giường bệnh dã chiến tại Bangkok, sau khi một số bệnh viện tuần trước thông báo dừng xét nghiệm Covid-19 do thiếu bộ xét nghiệm hoặc quá tải.
Thủ đô Campuchia gia hạn lệnh giới nghiêm
Chính quyền thành phố Phnom Penh, thủ đô Campuchia, ngày 13/4 thông báo sẽ kéo dài lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm. Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ tiếp tục được triển khai tại Phnom Penh từ ngày 15/4 tới ngày 28/4.
Trước đó, Phnom Penh đã áp lệnh giới nghiêm từ 20 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 1/4. Campuchia hy vọng biện pháp này sẽ giúp cắt giảm chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong 2 tuần.
Trong thời gian áp lệnh giới nghiêm, mọi hoạt động di chuyển tại Phnom Penh đều bị cấm, trừ những trường hợp cấp cứu hoặc công việc gia đình. Lệnh giới nghiêm cũng miễn trừ đối với nhân viên y tế, lính cứu hỏa, quân nhân, công nhân và một số trường hợp khác.
Lệnh giới nghiêm áp dụng với các hàng ăn, tiệm cà phê, nhà hàng, ngoại trừ phục vụ mang về. Các hoạt động tụ tập đông người, trừ trường hợp các thành viên trong gia đình sống cùng nhà, đám tang, nhân viên y tế và nhân viên công quyền đang làm nhiệm vụ, đều bị cấm.
Tính đến ngày 13/4, Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận 33 ca tử vong vì Covid-19 và 4.696 ca nhiễm. Riêng trong ngày 13/4, Campuchia ghi nhận 181 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn liên quan đến ổ dịch cộng đồng được phát hiện vào ngày 20/2.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan ngày 11/4 cảnh báo Campuchia “đang trên bờ vực một thảm kịch quốc gia do dịch Covid-19”. Đại diện WHO nói rằng nếu không ngăn chặn được dịch bệnh, hệ thống y tế của Campuchia có nguy cơ “vỡ trận” và sẽ gây ra những hệ lụy lớn.
Mỹ yêu cầu dừng sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson ngừa Covid-19
Cơ quan Quản lý Thực phẩm – Dược phẩm và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ sẽ ngừng sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson tại các điểm tiêm chủng liên bang và thúc giục các bang làm điều tương tự trong khi kiểm tra các vấn đề an toàn.
New York Times đưa tin, ngày 13/4, các cơ quan y tế liên bang của Mỹ kêu gọi tạm dừng ngay việc sử dụng vắc-xin một liều ngừa virus corona của Johnson & Johnson sau khi 6 người biểu hiện chứng rối loạn hiếm gặp liên quan đến cục máu đông trong khoảng 2 tuần sau khi tiêm.
Cả sáu trường hợp này đều là nữ, ở độ tuổi từ 18 đến 48. Một phụ nữ đã tử vong và người thứ hai ở Nebraska đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần 7 triệu người ở Mỹ đã tiêm vắc-xin Johnson & Johnson, và khoảng 9 triệu liều nữa vừa được chuyển đến các tiểu bang.
“Chúng tôi đang khuyến nghị tạm dừng việc sử dụng vắc-xin này để tránh rủi ro. Hiện tại, những sự vụ bất lợi này dường như cực kỳ hiếm”, New York Times dẫn thông cáo chung của Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của Cơ quan Quản lý Thực phẩm – Dược phẩm Mỹ (FDA), và Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó giám đốc CDC.
Động thái trên được coi như lời khuyến cáo dành cho những người hành nghề y ở các bang. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tạm dừng tiêm vắc-xin này tại tất cả các điểm tiêm chủng liên bang, đồng thời thúc giục các tiểu bang hành động tương tự.
*** Thái Lan ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mới trong một ngày
(ĐCSVN) – Thái Lan thông báo ghi nhận 965 ca mắc mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó 97 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 14/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 137.938.231 ca, trong 2.969.893 ca tử vong và 110.858.908 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 668.126 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 71.589 ca và 770 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 32.063.430 ca và 577.131 ca.
Với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 185.248 ca trong ngày 13/4, Ấn Độ vượt Brazil trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Số ca tử vong ghi nhận cùng ngày cũng ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, với 1.026 ca. Hiện tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới 13.871.321 ca, trong đó 172.115 ca tử vong.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 13.599.994 ca và số ca tử vong là 358.425. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 78.585 ca nhiễm mới. Trong khi đó Mexico trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 209.702 ca, tổng số ca nhiễm ở nước này là 2.281.840 ca.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (41.948.880 ca). Với 36.980.720 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 31863.313 ca và Nam Mỹ với 22.676.431 ca. Châu Phi (4.408.010 ca) và châu Đại Dương (60.156 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện Mexico ghi nhận 2.281.840 ca nhiễm, 209.702 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Colombia là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.552.937 ca nhiễm, trong đó 66.156 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.559.960 ca, trong đó 53.423 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.426 ca, trong đó 910 ca đã tử vong.
Tại châu Âu, Pháp là quốc gia dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 với 5.106.329 ca, trong đó 99.480 ca đã tử vong. Trong ngày 14/4, nước này ghi nhận thêm 39.113 ca nhiễm mới. Bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Pháp tăng từ tháng 3 đến nay chủ yếu do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil. Trong động thái nhằm ngăn dịch lây lan thêm nữa, ngày 13/4, Pháp thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Brazil cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Tại châu Á, Bộ Y tế Campuchia ngày 13/4 xác nhận thêm 181 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Cũng giống như 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới được phát hiện nhiều nhất ở Phnom Penh (140 ca, gồm 139 người Campuchia và một người Pháp). Chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 2 tuần (tới ngày 28/4) do số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm. Trong thời gian giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoạt động đi lại trong thành phố bị cấm, trừ các trường hợp có lý do gia đình, khám chữa bệnh khẩn cấp, cấp cứu, cứu hỏa, công nhân nhà máy làm ca, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt theo Luật ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm gây chết người khác.
Thái Lan thông báo ghi nhận 965 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó 97 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn còn 6.190 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Thái Lan.
Tương tự, Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mông Cổ cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 885 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 – mức cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 16.603 ca. Các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng và phần lớn ở thủ đô Ulan Bator. Mông Cổ cũng có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 32 ca. Tuần trước, Mông Cổ đã ghi nhận trung bình hơn 700 ca nhiễm/ngày – cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 3/2020. Mông Cổ đã áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc vào ngày 10/4 và kéo dài đến ngày 25/4./.

Tổng hợp-TT