VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 14/5/2021.

      Ca nCoV châu Á bùng nổ, cao hơn tổng các khu vực khác; WHO Việt Nam: Khả năng virus đã lây âm thầm trong cộng đồng; WHO xem xét đề xuất chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam; 99/100 thành phố chịu rủi ro cao nhất về môi trường nằm ở châu Á; Thế giới ghi nhận 161.783.786 ca Covid 19 và hơn 700 nghìn ca nhiễm mới một ngày…là những tin chính được cập nhật.
Ca nCoV châu Á bùng nổ, cao hơn tổng các khu vực khác
     Nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát ở châu Á
Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cảnh báo ca nhiễm nCoV đang bùng phát ở châu Á – Thái Bình Dương, với hơn 5,9 triệu ca trong hai tuần qua, lớn hơn tổng các khu vực khác.
Số liệu được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế hôm 12/5 dựa trên ca nhiễm trong hai tuần qua ở khu vực châu Á – Thái Dương. Hội Chữ thập đỏ cảnh báo các ca nhiễm liên tục gia tăng có thể đẩy các bệnh viện và hệ thống y tế khu vực tới bờ vực sụp đổ.
Tổ chức này cho biết thêm 7 trong số 10 nước trên thế giới đang tăng gấp đôi số ca nhiễm nCoV nhanh nhất đều ở châu Á – Thái Bình Dương. Lào trong 12 ngày đã tăng gấp đôi tổng ca nhiễm, trong khi ca nhiễm ở Ấn Độ tăng gấp đôi lên hơn 23 triệu ca trong chưa đầy hai tháng, Hội Chữ thập đỏ báo cáo.
“Covid-19 đang bùng nổ khắp châu Á, gây quá tải cho bệnh viện và các cơ sở y tế. Số người được xác nhận nhiễm nCoV ở châu Á trong hai tuần qua cao hơn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi cộng lại”, giám đốc Hội Chữ thập đỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương Alexander Matheou nhận định.
Matheou cũng kêu gọi cần sự đoàn kết toàn cầu để hỗ trợ khu vực thêm nhiều thiết bị y tế và nâng cao khả năng tiếp cận vaccine Covid-19. Hội Chữ thập đỏ nhận định các chiến dịch tiêm chủng vaccine khu vực đang bị cản trở do thiếu hụt vaccine và khó tiếp cận nguồn cung.
“Để kiểm soát đại dịch này, chúng ta cần sự hợp tác toàn cầu nhiều hơn để các nguồn lực cứu sinh, thiết bị y tế, vaccine và tiền bạc đến được những nơi cần nhất. Chúng ta chỉ an toàn khi tất cả mọi người đều an toàn”, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.
WHO Việt Nam: Khả năng virus đã lây âm thầm trong cộng đồng
Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park, cho rằng không thể bỏ qua khả năng Covid-19 âm thầm lây trong cộng đồng, do một số ca bệnh không xác định được mối liên hệ dịch tễ.
– Ông đánh giá thế nào về đợt dịch thứ 4 đang diễn ra ở Việt Nam?
– Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Dịch đang lây lan nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đợt dịch này, bao gồm nhiều trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp hoặc từng tham gia các hoạt động xã hội trong kỳ nghỉ lễ, gây khó khăn cho việc truy vết. Nguồn lây nhiễm ở một số ổ dịch vẫn chưa rõ ràng, cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại. Những tuần tiếp theo là giai đoạn quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
– Đợt bùng phát này có gì khác so với những đợt trước?
– Đợt này lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian ngắn hơn so với các đợt trước. Sau khi ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được báo cáo vào ngày 27/4, đến ngày 9/5, 26 tỉnh thành đã ghi nhận ca bệnh. Dự kiến sẽ có thêm nhiều ca bệnh vào những ngày tới, vì công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm đang diễn ra quyết liệt ở nhiều điểm trên khắp các tỉnh và các cơ sở bị ảnh hưởng.
Chúng ta cũng phát hiện hai biến thể đáng lo ngại (VOC) là B.1.1.7 và B.1.617.2 trong các ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng các biện pháp y tế công cộng và xã hội cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân như vệ sinh tay, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang vẫn là các biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của tất cả các biến thể đáng lo ngại.
WHO xem xét đề xuất chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang xem xét đề nghị từ một đơn vị của Việt Nam về việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.
Ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hôm 12/5: “Nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA”.
WHO hy vọng Việt Nam sẽ đăng ký “sản xuất quy mô lớn” vaccine mRNA.
“Nếu trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19, Việt Nam sẽ đóng góp cho nguồn cung trong nước cũng như khu vực”, ông Park nói. WHO hiện nay đang tìm cách mở rộng năng lực và quy mô sản xuất vaccine tại các nước thu nhập thấp, trung bình nhằm kiểm soát đại dịch.
Đầu tháng này, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, xác nhận “sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam”.
Ngày 8/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ mRNA, đồng thời tham gia vào cơ chế chia sẻ công nghệ chung của WHO.
99/100 thành phố chịu rủi ro cao nhất về môi trường nằm ở châu Á
(ĐCSVN) – Các thành phố ở châu Á phải đối mặt với những rủi ro về môi trường ở mức cao nhất thế giới, bao gồm ô nhiễm không khí và các thảm họa tự nhiên.
Báo cáo cho biết, trong số 100 thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do các hiểm họa về môi trường, có tới 99 thành phố nằm ở khu vực châu Á. Trong số này, có tới 37 thành phố ở Trung Quốc, 43 thành phố ở Ấn Độ – hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất và thứ ba thế giới. Lima (Peru) là thành phố duy nhất bên ngoài châu Á nằm trong danh sách 100 thành phố nói trên.
Trên quy mô toàn cầu, có 1,5 tỷ người sống tại 414 thành phố đang đối mặt với nguy cơ cao vì các vấn đề môi trường như: Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách tổng hợp rủi ro dựa trên 9 yếu tố được phân tích bởi Verisk Maplecroft. Các vị trí tiếp theo của lần lượt là thủ đô New Delhi và thành phố Chennai (cùng ở Ấn Độ) và thành phố Surabaya (Indonesia). Ấn Độ là quốc gia có tới 13 trong số 20 thành phố có nguy cơ rủi ro cao nhất trên thế giới.
Ông Will Nichols, trưởng nhóm thực hiện báo cáo cho biết: Biến đổi khí hậu sẽ khuếch đại các rủi ro liên quan đến thời tiết. Theo đó, nhiệt độ cao hơn, mức độ nghiêm trọng và tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng cực đoan sẽ làm thay đổi chất lượng sống và triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều thành phố trên toàn cầu./.
*** Thế giới ghi nhận 161.783.786 ca Covid 19 và hơn 700 nghìn ca nhiễm mới một ngày
    (ĐCSVN) – Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 14/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 161.783.786 ca đã xuất hiện tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 3.357.159 ca tử vong và 140.631.428 ca đã được chữa khỏi. Ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 706.889 ca nhiễm mới.
Ba nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 32.438 ca, Ấn Độ ghi nhận 338.019 ca nhiễm mới, Brazil ghi nhận 72.303 ca nhiễm mới.
Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Trong ngày 13/5, Ấn Độ thông báo có thêm 4.120 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp con số tử vong cao hơn 4.000. Số ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận dưới 400.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan rất nhanh tại các khu vực nông thôn, nơi rất khó ghi nhận đầy đủ vì thiếu thiết bị xét nghiệm. Tình hình đặc biệt tồi tệ tại các khu vực nông thôn ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ với hơn 230 triệu người. Truyền hình đăng tải những hình ảnh nhiều thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã được thả trôi trên sông Hằng do các lò hỏa thiêu luôn trong tình trạng quá tải và không đủ củi để thiêu.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 15.433.989 ca và số ca tử vong là 430.417. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 34.162 ca nhiễm mới, 856 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (45.863.759 ca). Với 45.691.271 ca mắc, châu Á trở thành khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.059.348 ca và Nam Mỹ với 26.398.056 ca. Châu Phi (4.705.232 ca) và châu Đại Dương (65.399 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 3.090 ca mắc COVID-19 và 267 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.371.483 ca, trong đó 219.590 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.242.103 ca nhiễm, trong đó 69.254 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc cao nhất với 1.605.252 ca, trong đó 55.012 ca tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.950 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca.
Tại châu Âu, Nga đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Toàn bộ 16 ca nhiễm biến thể ở Ấn Độ là những sinh iên Ấn Độ học tại Đại học tổng hợp Ulyanovsk, cách thủ đô Moskva khoảng 700km về phía Đông. Hiện họ đang thực hiện tự cách ly và được theo dõi y tế. Theo lực lượng đặc trách phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, nước này ghi nhận thêm 8.380 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.913.439 ca. Ngoài ra, Nga có thêm 392 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 114.723 ca.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á. Singapore ngày 13/5 ghi nhận 34 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 24 ca mắc trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 11/7/2020. Tính đến nay, Singapore có tổng cộng 61.453 người mắc COVID-19, trong đó có 31 trường hợp không qua khỏi.
Lào cũng thông báo ghi nhận thêm 65 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau hơn 10 ngày luôn ghi nhận số ca mắc mới dưới 20 ca, tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn có dấu hiệu “nóng” trở lại khi ghi nhận 26 ca mắc mới, vượt qua tỉnh Bokeo với 24 ca. Đáng chú ý, tất cả các ca nhiễm mới tại 2 địa bàn trên đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 1.482 trường hợp, trong đó phần lớn là các ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay.
Bộ Y tế Campuchia trưa 13/5 cho biết nước này có thêm 472 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 15 ca nhập cảnh), trong khi số ca khỏi bệnh nhiều gấp đôi, với 980 người. Đây là một tín hiệu tốt trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Campuchia. Bộ trên cũng xác nhận có thêm 6 ca tử vong vì COVID-19. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Phnom Penh đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm (từ 20h00′ tối hôm trước đến 3h00′ sáng hôm sau) và tiếp tục phong tỏa “Khu vực Đỏ” thêm 1 tuần từ ngày 13-19/5. Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết chính quyền phải phong tỏa “Khu vực Đỏ” thêm 1 tuần để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong thành phố và việc phân chia Phnom Penh thành các khu vực để chống dịch đã và đang giúp giảm số ca mắc mới COVID-19.
Thái Lan cùng ngày ghi nhận 4.887 ca mắc mới COVID-19 – số thống kê cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 93.794 ca. Ngoài ra, giới chức y tế sở tại cùng ngày xác nhận đã có thêm 32 ca tử vong, nâng tổng tổng số ca tử vong lên 518 ca.
Bộ Y tế Malaysia cũng thông báo có thêm 4.855 ca mới mắc COVID-19 – mức cao nhất kể từ ngày 31/1, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 458.077 ca. Mức tăng mới nhất này phần nào là do các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Malaysia cũng ghi nhận thêm 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.788 ca./.

Tổng hợp-TT