VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 15/9/2020.

Tổng thống Putin “quăng dây cứu đắm” cho lãnh đạo Belarus; Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp hạ giá thuốc chữa bệnh động thái thỏa lòng cử tri; Nhật Bản có tân Thủ tướng; Singapore sắp có chuyến bay lòng vòng trên trời; Giáo sư Mỹ cảnh báo dịch bệnh kép Covid-19 và cúm; Cập nhật Covid-19: Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ Latinh, Ấn Độ thành tâm dịch mới…là những tin chính được cập nhật.
Tổng thống Putin “quăng dây cứu đắm” cho lãnh đạo Belarus
Tổng thống Putin “quăng dây cứu đắm” cho lãnh đạo Belarus   Tổng thống Nga Putin và Lãnh đạo Belarus. Ảnh: RT
Tổng thống Nga Putin đã đồng ý cho Minsk vay 1,5 tỷ USD và công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống hợp pháp của Belarus.
Theo RT, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết như vậy sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Sochi hôm qua (14/9). Và rằng, Tổng thống Putin đồng ý cấp khoản vay mới cho Belarus theo đề nghị của ông Lukashenko.
Thông tin trên được công bố sau khi người đứng đầu phe đối lập ở Belarus Svetlana Tikhanovskaya đe dọa, bất cứ thoả thuận nào giữa Moscow và Minsk đều không được phong trào của bà công nhận nếu bà lên nắm quyền. Bà Svetlana Tikhanovskaya nói ông Lukashenko là Tổng thống “phi pháp” nên bất cứ thoả thuận nào ông ký kết đều không có hiệu lực pháp lý.
Người phát ngôn Peskov nói, không nên hiểu việc Nga cho vay là hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Belarus. Ông cũng giải thích, số tiền vay mới được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ cũ của Belarus.
Ông Lukashenko nói với Tổng thống Putin: “Trước hết, tôi muốn cảm ơn ông… cảm ơn ông và tất cả người dân Nga và tôi sẽ không liệt kê hết ra đây những người đã ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian hậu bầu cử”.
Theo Reuters, khoản vay trên là sự trợ giúp của Nga với lãnh đạo Belarus, người phải đối mặt với các cuộc biểu tình đòi ông từ chức suốt nhiều tuần qua.
Biểu tình nổ ra tại Belarus kể từ cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/8. Theo kết quả chính thức của Uỷ ban bầu cử, ông Lukashenko thắng áp đảo, thu được 80,1% phiếu ủng hộ. Đối thủ của ông là Tikhanovskaya về nhì với 10,12% số phiếu nhưng từ chối công nhận kết quả và rời khỏi đất nước trong vòng vài ngày.
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp hạ giá thuốc chữa bệnh động thái thỏa lòng cử tri
SGGP Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp được chờ đợi từ lâu nhằm hạ giá thuốc, mà theo ông sẽ giúp cho bệnh nhân ở Mỹ được mua thuốc với giá tương đương như tại một số quốc gia khác.
Theo sắc lệnh hành pháp mới ký ngày 13-9, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh được yêu cầu thử nghiệm “ngay lập tức” một mô hình thanh toán cho Medicare – chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang dành cho người từ 65 tuổi trở lên, để trả mức phí không cao hơn giá đãi ngộ tối huệ quốc, tức đồng bộ giá thuốc ở Mỹ với quốc tế. Điều này có nghĩa bệnh nhân trong diện này sẽ được trả mức giá thấp nhất mà các nước phát triển khác đang trả cho các sản phẩm và thuốc kê đơn. Sắc lệnh mới sẽ áp dụng cho thuốc thuộc phần B và phần D của Medicare và không giảm giá thuốc cho những người không nằm trong chương trình Medicare.
Hạ giá thuốc là vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Trước đó, hôm 24-7, Tổng thống Donald Trump đã ký 4 sắc lệnh liên quan đến vấn đề giảm giá thuốc, song trì hoãn ký sắc lệnh này để Chính phủ Mỹ và ngành dược phẩm đạt thỏa thuận mới. Tuy nhiên, hai bên đã không thể đi tới thống nhất. Đến đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cũng đã ký một sắc lệnh yêu cầu một số loại thuốc, trang thiết bị y tế “chủ chốt” mà chính phủ liên bang mua, cần được sản xuất trong nước. Đây là động thái nhằm giúp tăng cường hệ thống y tế Mỹ và mang chuỗi cung ứng dược phẩm về nước, thu hẹp khoảng trống trong chuỗi cung ứng y tế đã bị phơi bày trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đây được cho là hành động mạnh mẽ nhất mà nội các của Tổng thống Donald Trump thực hiện tính đến thời điểm này để giảm giá thuốc. Hiện người Mỹ phải chi nhiều hơn 80% cho thuốc kê đơn so với người dân Đức, Canada và một số quốc gia khác đối với một số loại dược phẩm đắt nhất. 90% các loại thuốc kê theo đơn ở Mỹ là các loại thuốc generic (thuốc có công thức tương tự biệt dược gốc mà các công ty dược khác được phép sản xuất sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh) và phần lớn thành phần các loại thuốc generic trên được sản xuất ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ không thể phụ thuộc vào Trung Quốc hay các nước khác trên thế giới, tránh tình trạng không được cung cấp sản phẩm ngay thời điểm cần nhất.
Nhật Bản có tân Thủ tướng
Ông Suga Yoshihide, 71 tuổi đã trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản sau khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng LDP.
Ông Suga, Chánh văn phòng nội các của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đánh bại hai đối thủ còn lại với 377 phiếu ủng hộ trong tổng 534 phiếu bầu. Theo sau là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishia với 89 phiếu và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida với 68 phiếu.
Với tỷ lệ ủng hộ trên 70%, ông Suga đã trở thành Chủ tịch đảng cầm quyền tại Nhật Bản. Ngày 16/9 tới, quyết định này sẽ được phê chuẩn tại cuộc họp Quốc hội bất thường, đánh dấu việc ông Suga chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
“Chúng tôi sẽ không có bất kỳ khoảng trống nào trong chính sách. Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục phát triển những gì đã được thực hiện dưới thời Thủ tướng Abe. Tôi muốn tạo ra một bộ máy mà mọi người đều tin tưởng. Tôi sẽ đẩy mạnh viêc chấm dứt chủ nghĩa phân quyền, các quyền lợi đặc hữu hay những tiền lệ trước đó”, ông Suga khẳng định.
Ông Suga còn là Chủ tịch Đảng hiếm hoi không thuộc phe phái nào. Người kế nhiệm ông Abe trước đó đã được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì chính sách kinh tế Abenomics nổi tiếng. .
“Tôi muốn tiếp tục thực hiện và phát triển chính sách Abenomics hơn nữa”, ông Suga khẳng định. Ông cũng ủng hộ việc duy trì chính sách tiền tệ hiện nay của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda.
Sau khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử đảng, ông Suga gần như chắc chắn sẽ lên vị trí tân Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu của cả hai viện tại Quốc hội, nơi đảng cầm quyền LDP chiếm đa số.
Theo Nikkei, ông Suga có thể tại vị đến tháng 9/2021 sau đó đảng cầm quyền Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử thủ tướng nhiệm kỳ mới. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân trồng dâu tây ở miền Bắc nước Nhật. Từ năm 2012, ông đã giữ chức vụ Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng Abe với vai trò là người phát ngôn cho chính phủ.
Tấn công mạng bùng nổ trong đại dịch Covid-19
– Trong suốt đại dịch Covid-19, những kẻ tấn công trên mạng đã không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào với những cuộc tấn công lừa đảo và lợi dụng những sơ hở về bảo mật thông tin của đội ngũ nhân viên làm việc từ xa.
Trong suốt đại dịch, những kẻ tấn công trên mạng đã không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào. Chúng làm gia tăng thêm nỗi sợ hãi và lo lắng xung quanh dịch bệnh Covid-19 bằng các cuộc tấn công lừa đảo và lợi dụng những sơ hở về bảo mật thông tin của đội ngũ nhân viên làm việc từ xa. Điều đó đã có tác động đáng kể đến vai trò của những chuyên gia an ninh mạng. Một cuộc nghiên cứu gần đây từ ISC – một tổ chức chuyên nghiệp về an ninh mạng trên thế giới đã chỉ ra rằng 81% chức năng công việc của người tham gia khảo sát đã bị thay đổi trong đại dịch.
Thượng đỉnh EU- Trung Quốc lại kết thúc trong bất đồng
Cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc ngày 14/09 tiếp tục ghi nhận các bất đồng lớn như thương mại-đầu tư, an ninh, nhân quyền. Cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến thứ hai trong năm 2020 giữa các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu – EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 14/09 đã dành một thời lượng lớn để bàn về quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai bên.
Trong thông điệp gửi đến lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, cả 3 quan chức cấp cao của EU là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhắc lại yêu cầu từ nhiều năm qua của phía EU rằng Trung Quốc cần mở cửa mạnh mẽ hơn thị trường nội địa của Trung Quốc theo nguyên tắc có đi-có lại với châu Âu.
Theo ông Charles Michel, châu Âu không phải chỉ là sân chơi mà châu Âu còn là người chơi và khối này không chấp nhận việc tiếp tục bị thiệt thòi trong quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Hiện trao đổi thương mại hai bên đạt hơn 1 tỷ euro/ngày và châu Âu là thị trường lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc trong khi Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ hai cho hàng hóa và dịch vụ của EU, sau Mỹ.
Trung Quốc tung video tập trận ở biên giới khi đang đàm phán với Ấn Độ
Video mới được quân đội Trung Quốc công bố cho thấy hình ảnh tập trận quân sự phối hợp quy mô lớn, trong khi đàm phán giảm căng thẳng biên giới Trung-Ấn diễn ra.
Đoạn video mới được quân đội Trung Quốc công bố cho thấy hình ảnh tập trận quân sự phối hợp quy mô lớn, liên quan đến các lực lượng đặc biệt, xe tăng, bệ phóng tên lửa, máy bay không người lái và máy bay tấn công.
Theo Sputnik, đoạn video không rõ thời gian này cho thấy quân đội Trung Quốc và lực lượng không quân Trung Quốc đang tham gia tập trận phối hợp tầm cao. Trong khi đó, Bắc Kinh đang có các cuộc đàm phán hòa bình với New Delhi, thảo luận về việc rút quân khỏi biên giới Himalaya, nơi hai nước đang xung đột.
Hé lộ lý do đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đột ngột từ chức
New York Times ngày 14/9 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad quyết định từ chức và sẽ rời Trung Quốc vào đầu tháng 10 tới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gián tiếp xác nhận việc từ chức của ông Branstad với việc ca ngợi những đóng góp của ông trong hơn 3 năm qua nhằm tái cân bằng quan hệ Mỹ – Trung.
Hiện chưa rõ lý do ông Branstad bất ngờ từ chức, song Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông từ chức để trở về Mỹ hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump khi chỉ còn khoảng 50 ngày nữa là tới bầu cử.
Hôm 12/9, ông Trump cũng gợi ý rằng ông Branstad có thể sẽ tham gia vào đội ngũ vận động tranh cử của ông. Trong một đoạn video được thượng nghị sĩ Iowa Joni Ernst đăng tải trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông Branstad sắp trở về Mỹ.
Singapore sắp có chuyến bay lòng vòng trên trời
Cuối tháng 10, Singapore Airlines có thể mở lại các chuyến bay thương mại cho khách nội địa, nhưng không có đích đến.
Những chuyến bay “không đi đến đâu” khởi hành từ sân bay Jewel Changi và hạ cánh tại điểm xuất phát sau 3 tiếng.
Stefan Wood, giám đốc bộ phận Singapore Air Charter, tự tin thị trường sẽ có nhu cầu cao cho trải nghiệm này. Theo khảo sát trên 308 người, 75% phản hồi sẵn sàng trả phí để ngồi trên chuyến bay hơn một lần, 60% muốn thời gian bay khoảng 2 tiếng. Khoảng 50% người tham gia khảo sát có thể trả 210 USD cho một ghế phổ thông, còn 40% cho rằng 430 USD là một khoản vừa phải cho ghế hạng thương gia.
Hãng hàng không quốc gia này có thể phối hợp với Tổng cục Du lịch để giúp khách hàng trả phí qua thẻ tín dụng du lịch. Loại thẻ này được giới thiệu sau khi ngành du lịch của đảo quốc sư tử bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch. Chính phủ Singapore muốn hồi sinh ngành kinh tế này bằng cách khuyến khích công dân khám phá đất nước, thông qua chiến dịch SingapoRediscovers, phát hàng loạt voucher du lịch.
Những chuyến bay không đi đến đâu ngày càng phổ biến trong vài tháng qua. Các hãng hàng không tìm cách quảng cáo đầy sáng tạo về trải nghiệm chỉ có một lần trong đời này. Starlux Airlines, hãng hàng không Đài Loan, mới đây giới thiệu những chuyến bay không đi đến đâu là cơ hội “Bay lên Mặt trăng”. Đặc biệt, hành khách có thể đặt vé vào 1 và 2/10 đúng dịp Trung thu để ngắm cung trăng.
Trước đó, EVA Air đã bán vé thành công một chuyến bay không đến đâu. Chuyến vào Ngày của Cha trên dòng máy bay Hello Kitty A330-300s cũng kín chỗ. Video: SCMP
Bên cạnh đem đến trải nghiệm ngắm cảnh mới cho hành khách, dịch vụ này còn giúp các hãng hàng không vận hành đội tàu bay nằm bãi dài ngày, và bảo trì bảo dưỡng máy móc. ANA, hãng bay Nhật Bản, đã thực hiện một chuyến bay ngắm cảnh theo chủ đề Hawaii trên chiếc “Flying Honu” A380s. Chuyến bay kéo dài 90 phút vào ngày 22/8, với 334 hành khách lựa chọn theo mô hình xổ số.
*** Cập nhật Covid-19: Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ Latinh, Ấn Độ thành tâm dịch mới
Sáng 15/9, thế giới đã ghi nhận hơn 29,4 triệu ca mắc, trong đó có 931.965 ca tử vong do Covid-19. Đáng chú ý, dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ Latinh, Ấn Độ thành tâm dịch mới.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 15/9, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 29.416.961 trường hợp, trong đó có 931.965 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 21.260.929 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới
Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, , Ấn Độ, Brazil, Nga và Peru.
Giáo sư Mỹ cảnh báo dịch bệnh kép Covid-19 và cúm
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 931.927 người trên toàn cầu, thống kê của trang Worldometer tính tới sáng nay (15/9).
Hơn 29,4 triệu người trên khắp thế giới được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, virus corona đã lan nhanh chóng tới mọi lục địa, trừ Nam Cực.
Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, với hơn 6,7 triệu người nhiễm bệnh và ít nhất 198.897 người chết.
Gần 170 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển và có ít nhất 6 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng quan trọng, WHO cho hay.
Nguy cơ dịch bệnh kép
Hai giáo sư của Đại học Emory, Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin cúm trong năm nay để tránh cái gọi là dịch bệnh kép gồm Covid-19 và cúm, theo CNN.
Giáo sư Carlos del Rio tại Trường Y thuộc Đại học Emory cho biết, hiện không phải là lúc mất cảnh giác và trở nên thoả mãn. “Chúng ta cần tiếp tục cách ly xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay và tiêm ngừa cúm…Với cúm, chúng ta đã có vắc-xin. Hãy dùng nó”.
Giáo sư Walter Orenstein thuộc Trung tâm vắc-xin Emory cho hay, “trong mùa 2019-2020, tính hiệu quả của vắc-xin cúm là 38%. Dù nó chưa hiệu quả như chúng ta mong muốn nhưng nó còn tốt hơn là không tiêm ngừa”.
Giáo sư Rio cho biết, tính hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm theo tuổi tác. “Nếu tôi và các con của mình có được miễn dịch, tôi có thể bảo vệ được cha mẹ cao tuổi của tôi. Đó là vì dù họ không được vắc-xin bảo vệ thì những người ở gần đã được bảo vệ, sẽ bảo vệ họ”.
Covid-19 là thất bại chung của thế giới
Tổ chức Giám sát chuẩn bị toàn cầu (GPMB) ngày 14/9 đã công bố một báo cáo thường niên, nhấn mạnh: đại dịch Covid-19 cho thấy “thất bại chung” của thế giới. GPMB kêu gọi các nước tái cam kết để cộng tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong báo cáo năm 2019, GPMB nói, Covid-19 là mối đe doạ thực sự và thế giới vẫn chưa được chuẩn bị về mặt tài chính hoặc cấu trúc.
Indonesia tái áp đặt phong toả
Giới chức thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/9 đã tái áp đặt phong toả một phần và cam kết sẽ cách ly chặt chẽ bất cứ ai dương tính với Covid-19 khi tỷ lệ nhiễm bệnh tăng vọt tại thành phố này.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho hay, thành phố này sẽ tiếp tục hạn chế việc tập trung đông người trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 14/9. Quan chức này cho hay, đó là các biện pháp cần thiết để ngăn hệ thống y tế khỏi sụp đổ.
Các hoạt động kinh doanh không cần thiết chỉ được phép hoạt động với 25% công suất, nhà hàng chỉ được phép bán đồ để mang đi, trường học, công viên và các điểm du lịch được lệnh đóng cửa.
Jakarta bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế hồi đầu tháng 4, nhưng nới lỏng vào tháng 6. Vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thành phố này tăng vọt.
Indonesia hiện là quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất ở Đông Nam Á. Nước này ghi nhận 221.523 ca nhiễm và 8.841 trường hợp tử vong.
Cựu thủ tướng Berlusconi đánh bại virus corona
Cựu thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã ra viện sau khi được chữa trị bệnh viêm phổi có liên quan tới virus corona, văn phòng của ông Berlusconi ngày 14/9 cho biết.
Ông trùm truyền thông 83 tuổi này nhập viện San Raffaele ở Milan ngày 9/3 và xét nghiệm sau đó cho thấy ông dương tính với Covid-19. Ông cho hay, những gì mà ông vừa trải qua là “cuộc thử nghiệm nguy hiểm nhất trong cuộc đời”.
Trong vòng 24h qua, Italia ghi nhận thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì virus corona ở nước này lên tới 35.624, CNN dẫn tin từ Bộ Y tế Italia cho biết.
Tuy nhiên, một số trường học ở nước này đã tái mở cửa vào ngày 14/9. Học sinh và giáo viên được phát nước rửa tay khô, khẩu trang.
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới rơi vào suy thoái
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới Nhật Bản trong quý II/2020 rơi vào suy thoái kỷ lục khi cơn bão COVID-19 càn quét các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, từ bán lẻ cho đến ô tô.
GDP quý II lao dốc 28,1%, lạm phát giậm chận ở mức 0%. Tính đến nay, Nhật Bản đã tung ra 2 gói cứu trợ tương đường 40% GDP. Tuy nhiên, tiêu dùng yếu và doanh nghiệp phải cắt thu hẹp việc làm, giảm đầu tư vẫn diễn ra bởi làn sóng COVID-19 mới rình rập và nhu cầu hàng hóa toàn cầu vẫn ở mức thấp chưa từng có.
Chính phủ nước này dự báo tăng trưởng trong cả tài khóa 2020 có thể hạ xuống âm 4,5% , tức là giảm gấp 4 lần so với báo cáo triển vọng đưa ra hồi đầu năm.
*** Tỷ phú Bloomberg ủng hộ 100 triệu USD cho đối thủ của ông Trump
Cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg cam kết ủng hộ ít nhất 100 triệu USD để giúp chiến dịch tranh cử của ứng viên Joe Biden tại bang chiếc lược Florida.
Lãnh đạo EU trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình
Euronews dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên cho hay, Biển Đông – một trong những vấn đề gai góc hiện nay sẽ được đề cập trong chương trình nghị sự của Thượng đỉnh trực tuyến EU – Trung Quốc diễn ra ngày 14/9.
Tín hiệu tích cực quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ
Euronews ngày 14/9 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã rút tàu thăm dò dầu và khí đốt khỏi vùng biển Địa Trung Hải. Giới chức Hy Lạp đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời gọi động thái trên của Ankara là một sự “tích cực trở lại”.
Nhiều nước cảnh báo tình hình ở Biển Đông
Tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 vừa kết thúc tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cảnh báo, tình hình Biển Đông và Hoa Đông đang trở nên xấu đi bởi Trung Quốc tăng cường hoạt động tại những khu vực này. Ông kêu gọi tăng cường sự thống nhất của cộng đồng quốc tế hướng tới giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Không phải Microsoft, Oracle mới là công ty đạt được thỏa thuận với TikTok
TikTok và Oracle sẽ trở thành đối tác kinh doanh tại Mỹ, một thỏa thuận để làm dịu đi mối quan ngại về an ninh quốc gia của chính quyền Trump.
Bất chấp đàm phán hòa bình đang diễn ra, Taliban – Afghanistan vẫn giao tranh
Taliban và lực lượng chính phủ Afghanistan đã xảy ra xung đột, vài giờ sau khi bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình được chờ đợi từ lâu giữa hai bên tại Doha, Qatar.
Australia khẳng định có cơ sở “đột kích” phóng viên Trung Quốc
Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton ngày 13/9 đã lên tiếng rằng chính phủ nước này có quyền tiến hành các cuộc đột kích tình báo để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài, sau khi Trung Quốc phản đối các cuộc lục soát đối với các nhà báo của mình tại Australia.
Số ca nhiễm COVID-19 giảm, Hàn Quốc nới lỏng các hạn chế
Ngày 13/9, Hàn Quốc tuyên bố nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng trong hai tuần tới tại khu vực thủ đô Seoul đông đúc, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 thường ngày vẫn ở mức ba con số.
Đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền lớn thứ ba thế giới
Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có thể sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ ba thế giới sau đồng USD và euro vào năm 2030, theo các nhà phân tích của Morgan Stanley.
Cháy rừng ở Mỹ khiến con người dễ mắc COVID-19 hơn
Những đám cháy rừng đã bao trùm vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ với những làn khói dày đặc không tốt cho sức khỏe, làm phức tạp thêm những nỗ lực cứu hỏa và tìm kiếm hàng chục người đang mất tích, làm cuộc sống của hàng ngàn người phải di dời thêm khốn khổ.
Tổng thống Erdogan cảnh báo Pháp đừng “động” vào Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng giữa Athens và Ankara đã leo thang hồi đầu tháng trước, sau khi Bộ Ngoại giao Hy Lạp hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay các hoạt động khoan dầu khí “bất hợp pháp” ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời cảnh báo rằng Athens sẽ có biện pháp tự vệ nếu cần thiết.
Cú “ghi điểm” quan trọng của Tổng thống Mỹ
Bahrain hôm 11/9 đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel, trở thành quốc gia vùng Vịnh thứ hai và là quốc gia Arab thứ 4 đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Ấn Độ, EU cam kết cùng ASEAN thúc đẩy phục hồi sau đại dịch
Chiều 12/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 (AMM-53) đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU và ASEAN – Ấn Độ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này.
Ấn Độ và Canada “trái dấu” trong bão COVID-19
Trong khi Canada ngày 12/9 lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 trong nửa năm qua, thì Ấn Độ tiếp tục “phá kỷ lục” số ca nhiễm mới theo ngày của chính mình. Ấn Độ hiện đang có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới.
Ông Kim Jong-un bất ngờ thị sát vùng lũ
Trái ngược với hình ảnh nghiêm túc vốn thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm một ngôi làng bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt ở tỉnh Bắc Hwanghae trong trang phục đời thường và thị sát quá trình phục hồi tại đây.

Tổng hợp-TT