VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 17/12/2020

       Định hình thế kỷ 21; Nhìn lại cách đại dịch Covid-19 ‘chiếm đoạt’ thế giới năm 2020; Những nền kinh tế chịu tác động dài hạn nhất của Covid-19; Apple chính thức chuyển sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam; Hơn 74 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, WHO thúc giục đeo khẩu trang vào Giáng sinh…là những tin chính được cập nhật.

Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Bloomberg

   Ảnh minh họa.
Định hình thế kỷ 21
SGGP Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ hình thành một cục diện mới của thế giới, sau mô hình thế giới lưỡng cực, vốn được coi là kết thúc vào năm 1989. Có thể nói, nếu Thế chiến I được coi là làm thay đổi thế giới trong thế kỷ 20 thì đại dịch Covid-19 đã định hình lại thế giới trong thế kỷ 21.
Vai trò của Mỹ và trật tự từ năm 1945 được Mỹ bảo đảm đã bị lung lay từ sau các vụ tấn công khủng bố 11-9-2001; những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria làm Washington tiêu tốn hơn 6.000 tỷ USD; rồi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và giờ là virus SARS-CoV-2. Đại dịch Covid-19 tạo dấu ấn lịch sử khi chứng tỏ sự lệ thuộc sâu sắc lẫn nhau giữa con người, doanh nghiệp và các quốc gia; bộc lộ thực tế về những nguy cơ toàn cầu từ y tế, tài chính, công nghệ, đến khí hậu, chiến lược. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã dẫn đến việc hình thành 2 cực thế giới mạng: một bên là GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) của Mỹ và bên kia là nhánh vũ trang kỹ thuật số của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc là bên thắng lớn khi chế ngự được dịch bệnh và tăng trưởng 1,8% trong năm 2020. Giờ là lúc Bắc Kinh không còn che giấu ý định đảo lộn trật tự mà phương Tây đã đặt ra để “xưng vương”. Điều này có thể thấy rõ trên nhiều phương diện như Bắc Kinh đẩy mạnh ảnh hưởng của mình thông qua các dự án kinh tế mà tiêu biểu là Con đường tơ lụa mới, hay liên tục đưa ra những yêu sách về chủ quyền phi lý tại Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Mới nhất, căng thẳng thương mại Australia – Trung Quốc với việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá đối với hàng loạt sản phẩm của Australia được xem là lời răn đe “làm gương” cho mọi quốc gia lệ thuộc thương mại vào Bắc Kinh. Mục đích của Trung Quốc là cô lập và đẩy dần Mỹ ra khỏi châu Á, rồi cắt đứt hẳn với các nước mới trỗi dậy.
Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia mới nổi hiện nay dường như là bên thất bại. Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, dù đã dành 17% GDP cho y tế và tránh được suy thoái, nhưng sẽ không thể tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2019. Không chỉ có vậy, nước Mỹ hiện cũng chia rẽ hơn bao giờ hết. Tình hình châu Âu còn tệ hại hơn, suy thoái 7,5%, thất nghiệp 8,5%, nợ công tăng vọt từ 85% lên 105% GDP, Trung Quốc nhân đó tiếp tục mua rẻ các tích sản, doanh nghiệp và công nghệ mang tầm chiến lược. Chưa kể châu Âu hiện còn là mục tiêu hàng đầu của Hồi giáo cực đoan. Rồi các quốc gia mới nổi cũng đang phải vất vả chống chọi với cú sốc đại dịch và suy thoái.
Có thể nói, với dân số đông đảo và trọng lượng kinh tế lớn, việc Trung Quốc đóng vai trò to lớn đối với toàn cầu là điều có thể. Nhưng thế giới sẽ chấp nhận hay không sự dẫn dắt của Trung Quốc? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và phương Tây có vực dậy mạnh mẽ sau đại dịch được hay không. Mỹ có lại sự đoàn kết nội bộ và tiếp tục hợp sức với các đồng minh hay không? Theo các chuyên gia, 10 năm tới sẽ mang tính quyết định để định hình thế giới trong thế kỷ 21.
Nhìn lại cách đại dịch Covid-19 ‘chiếm đoạt’ thế giới năm 2020
Virus corona xuất hiện lần đầu tiên cách đây một năm ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan khắp thế giới trong năm 2020, tàn phá những nơi nó hiện diện.
Hầu như không có nơi nào trên Trái đất thoát được cuộc tấn công của virus corona, theo nhận định của hãng tin AP.
Đại dịch Covid-19 là một sự kiện toàn cầu, hơn bất kỳ vụ việc nào xảy ra trước đó. Mỗi lục địa, mỗi hộ gia đình đều cảm nhận được sự tàn phá của Covid-19. Bệnh tật, chết chóc, thất nghiệp, lệnh phong tỏa… và nỗi sợ hãi không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một cách đương đầu khác nhau. Trung Quốc áp dụng những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn virus, trong khi Brazil vật lộn với đại dịch dù tổng thống nước này coi đó là trò đùa.
Tây Ban Nha chứng kiến cái chết của hàng nghìn người cao tuổi. Các biện pháp phong tỏa hà khắc của Ấn Độ được áp dụng nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh… Tuy nhiên, tất cả chỉ là tạm thời và cái giá phải trả là rất kinh khủng.
Cuối năm 2020, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đầy hứa hẹn đã làm lóe lên những tia hy vọng giữa lúc làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn ra. Dưới đây là đánh giá của hãng tin AP về tình hình đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia trên thế giới.
Italia
Cuối tháng 2, Italia trở thành “tâm chấn” của đại dịch Covid-19 ở châu Âu. Hệ thống y tế ở một trong những khu vực giàu có nhất thế giới bị sụp đổ dưới sức nặng của bệnh tật và chết chóc do đại dịch gây ra.
Khi làn sóng lây nhiễm thứ hai tấn công nước này hồi tháng 9, những bài học rút ra từ làn sóng lây nhiễm thứ nhất cũng không đủ để cứu dân số già không cân đối của Italia khỏi sự tàn phá.
Bất chấp các kế hoạch, quy định, hệ thống giám sát và máy móc được triển khai, hàng nghìn người vẫn thiệt mạng và các bệnh viện một lần nữa lại gần tới mức vỡ trận do quá tải.
Ấn Độ
Với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus corona cao nhất thế giới. Nước này đã ứng phó với đại dịch từ sớm với việc áp phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt khi các hạn chế được nới lỏng và hệ thống y tế công cộng phải vật lộn để theo kịp với tốc độ lây lan.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tỷ lệ tử vong thấp bất thường của Ấn Độ. Những lo ngại về virus corona cũng được nhân lên gấp bội, khi nền kinh tế khó khăn trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng ít nhất là hai thập niên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới ngay cả khi đại dịch đã lui dần.
Trung Quốc
Người lao động đã quay lại các nhà máy, công sở, trong khi sinh viên trở lại lớp học. Những người xếp hàng dài bên ngoài các quán lẩu được ưa chuộng lại tái diễn. Ở nhiều thành phố, việc đeo khẩu trang y tế đã trở thành một thói quen, dù không còn là một việc bắt buộc.
Theo nhiều cách, cuộc sống bình thường đã trở lại ở Trung Quốc – nơi virus corona xuất hiện đầu tiên cách đây một năm. Trung Quốc đã thu hồi một số biện pháp kiểm soát. Thách thức chính là việc làm. Kinh tế nước này đang tăng trưởng trở lại nhưng mức độ hồi phục không đồng đều.
Đức
Người Đức đã tận hưởng một mùa hè khá thoải mái với nhiều hạn chế được dỡ bỏ, do nước này có phản ứng nhanh chóng với sự bùng phát của đại dịch từ sớm, tiến hành xét nghiệm rộng. Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Đức đã giảm từ mức đỉnh điểm hơn 6.000 ca hồi cuối tháng 3 xuống còn vài trăm vào những tháng ấm hơn.
Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu lơi lỏng trong việc thực hiện các quy định liên quan tới Covid-19, số ca nhiễm bắt đầu tăng gấp gần 4 lần so với con số kỷ lục mỗi ngày của tháng 3. Đức lại quay lại với lệnh phong tỏa mới khi nước này cố kiểm soát đại dịch.
Những nền kinh tế chịu tác động dài hạn nhất của Covid-19
Nghiên cứu của Oxford Economics cho rằng Philippines, Ấn Độ và Tây Ban Nha là 3 nước chịu tác động dài hạn lớn nhất của đại dịch.
Mô hình hóa bởi Oxford Economics đã làm sáng tỏ những tác động lâu dài của Covid-19. Nghiên cứu này dự báo những quốc gia nào dễ bị tổn thương kinh tế dài hạn nhất, và quốc gia nào có thể phục hồi sớm.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, bao gồm cả Ebola và SARS, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, để tạo ra 31 thước đo về mức độ tổn thương kinh tế, bao gồm các lĩnh vực như cấu trúc nền kinh tế, tăng trưởng GDP và niềm tin của người tiêu dùng.
Sau khi tính toán, họ dự đoán rằng, về trung bình, các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong dài hạn so với các nền kinh tế tiên tiến. Yếu tố dự báo quan trọng nhất, như sự sụt giảm tăng trưởng GDP trong năm nay, có xu hướng lớn hơn ở các nền kinh tế tiên tiến. Nhưng các yếu tố khác, chẳng hạn như sự cứng nhắc của thị trường lao động và giới hạn hỗ trợ tài khóa, đe dọa nhiều hơn đến các thị trường mới nổi.
Apple chính thức chuyển sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam
Việc chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất iPad và Macbook từ Trung Quốc sang Việt Nam của Foxconn được thực hiện theo yêu cầu của Apple.
Chiều ngày 16/12, Văn phòng Chính phủ phát thông báo công ty Foxconn đã chuyển dây chuyền sảng xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (Macbook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple từ ngày 26/11/2020.
Foxconn đã thông báo khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất iPad và Macbook tại Bắc Giang và sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt tại Đài Loan tương tự như Foxconn cũng đang tìm cách dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến Việt Nam, Mexico, Ấn Độ để phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Tại Việt Nam đã có số lượng đáng kể Airpod được sản xuất trong thời gian vừa qua. Dự kiến đến năm 2021, thế hệ thứ 3 của Airpod cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam được đánh giá sẽ giảm thiểu đáng kể tác động khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trở nên tồi tệ, đồng thời duy trì sản lượng cho các doanh nghiệp.
*** Hơn 74 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, WHO thúc giục đeo khẩu trang vào Giáng sinh
    Hơn 74,4 triệu người nhiễm, 1,6 triệu người chết vì nCoV toàn cầu, chi nhánh WHO ở châu Âu kêu gọi các gia đình đeo khẩu trang trong các buổi họp mặt vào Giáng sinh.
Thế giới ghi nhận 74.454.822 ca nhiễm và 1.653.503 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 704.587 và 13.682 ca trong một ngày, trong khi 52.234.639 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 231.289 ca nhiễm và 3.550 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 17.348.541, trong đó 314.140 người đã chết. Đây là lần thứ ba trong một tuần ca nhiễm trong một ngày vượt 3.000.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tất cả bang của Mỹ đều ghi nhận tỷ lệ gia tăng ca nhiễm nCoV trên 3%, trong đó hơn 20 bang báo cáo tỷ lệ hơn 10%. Hơn 112.000 người trên toàn quốc đã nhập viện vì nhiễm nCoV.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Mỹ bắt đầu sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech vào tối 11/12. FDA hôm 15/12 đã công bố đánh giá khả quan về vaccine Covid-19 của hãng công nghệ sinh học Moderna, trước khi các chuyên gia họp về việc phê duyệt khẩn cấp sản phẩm này.
Nhiều bệnh viện ở California đã hết giường trong khu điều trị tích cực. Thống đốc Gavin Newsom cho biết bang đã đặt hàng nhiều xe container bảo quản lạnh và phân phát 5.000 túi đựng thi thể cho các hạt San Diego, Los Angeles và Inyo.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 881 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 183.735. Số người nhiễm nCoV tăng 66.350 trong 24 giờ qua, lên 7.040.608.
Chính phủ Brazil hôm 12/12 công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, tức là khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa của nước này hôm 14/12 đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
Giữa lúc đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, CoronaVac lại trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả đây là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ, chứng minh “tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc”.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 21.861 ca nhiễm và 357 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.954.769 và 144.487.
Một số công ty dược phẩm Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hoặc sản xuất ít nhất 8 công thức vaccine chống Covid-19. Quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới được cho là tập trung vào những loại vaccine giá cả phải chăng, thay vì các sản phẩm đắt tiền của Pfizer và Moderna.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện tại New Delhi rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức thủ đô đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Anh báo cáo thêm 25.161 ca nhiễm và 612 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.913.277 và 65.520. Anh hồi tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại 73 bệnh viện trên cả nước.
Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) và Tạp chí Dịch vụ Y tế (HSJ) hôm qua cảnh báo đề xuất cho phép 3 hộ gia đình ở chung trong nhà 5 ngày của chính quyền có thể khiến Dịch vụ Y tế Quốc gia bị quá tải.
“Chúng tôi tin rằng chính phủ sắp phạm phải một sai lầm lớn khác, đánh đổi bằng nhiều mạng người. Thay vì gỡ các hạn chế vào Giáng sinh như kế hoạch hiện nay, Anh nên làm theo Đức, Italy và Hà Lan trong việc thận trọng hơn”, hai tạp chí cho hay trong bài xã luận chung thứ hai trong vòng hơn một thế kỷ.
Cảnh báo được đưa ra sau khi chính phủ tuyên bố London và một số địa phương xung quanh từ ngày 16/12 sẽ chịu những lệnh hạn chế cứng rắn nhất, tương tự miền trung và miền bắc đất nước, nhằm nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm nCoV. Các quán rượu, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, trừ dịch vụ mua về. Nhà hát và những địa điểm giải trí khác cũng phải ngừng hoạt động. Thành viên từ các hộ gia đình khác nhau không được ở cùng nhà.
Đức ghi nhận 28,969 ca nhiễm và 749 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.407.487 và 24.441. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 15/12 cho biết họ muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech “trước Giáng sinh”, để họ có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, trước đó cho biết họ dự định tổ chức cuộc họp đặc biệt, chậm nhất là vào ngày 29/12, để thảo luận về việc cấp phép có điều kiện cho vaccine, trong bối cảnh Anh, Mỹ và Canada đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm này đã được đẩy nhanh lên ngày 21/12.
Sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của Spahn thể hiện rõ ràng trong loạt tweet hôm 13/12, khi ông viết rằng việc châu Âu trì hoãn phê duyệt vaccine có thể làm suy yếu niềm tin vào “khả năng hành động của EU”.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 26.509 ca nhiễm nCoV và 596 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.734.454 và 48.564.
Nga đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức St Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Theo thông báo lần thứ tư của Nga hôm 14/12, kết quả thử nghiệm trên quy mô hơn 22.714 người của vaccine Sputnik V cho thấy hiệu quả đạt 91,4%. Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, sẽ công bố kết quả trên tuần san y khoa được bình duyệt quốc tế. Một báo cáo cũng sẽ được thực hiện để đăng ký khẩn cấp Sputnik V ở các quốc gia khác.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 52.883 người chết, tăng 213, trong tổng số 1.131.077 ca nhiễm, tăng 7.603. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani hôm 9/12 cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
“Chúng tôi muốn mua vaccine. Ngân sách đã sẵn sàng, nhưng không có ngân hàng nào chịu xử lý giao dịch”, Rouhani nói với các quan chức.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 1.078 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 45.442, trong đó 612 trường hợp tử vong, tăng 12 ca so với một ngày trước. Đây là mức tăng ca nhiễm kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải gửi lời xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay “vô cùng nghiêm trọng”.
Chính phủ trong tuần này chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 636.154 ca nhiễm, tăng 6.725, trong đó 19.248 người chết, tăng 137.
Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ. Theo kế hoạch hiện tại, những người Indonesia đang làm việc trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, như nhân viên y tế, cảnh sát và quân nhân, sẽ được tiêm chủng trước.
Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine, đồng thời đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX, một sáng kiến vaccine Covid-19 toàn cầu. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.
Philippines báo cáo 452.988 ca nhiễm và 8.833 ca tử vong, tăng lần lượt 1.156 và 21 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Chi nhánh châu Âu của WHO ngày 16/12 kêu gọi các gia đình đeo khẩu trang trong các buổi họp mặt vào dịp Giáng sinh. WHO khuyến cáo rằng nếu có thể, các hoạt động ăn mừng nên được tổ chức ngoài trời và “những người tham gia nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách”.
Đối với các hoạt động trong nhà, WHO cho rằng nên hạn chế số lượng khách và đảm bảo không gian thông thoáng. “Có thể các bản sẽ cảm thấy gượng gạo khi đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với bạn bè và gia đình, nhưng làm vậy góp phần đáng kể vào việc đảm bảo mọi người an toàn và khỏe mạnh”, WHO ra tuyên bố.
“Có nhiều nguy cơ Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại trong những tuần và tháng đầu năm 2021, chúng ta sẽ cần phải chung sức nếu muốn kiềm chế dịch thành công”, tổ chức này cảnh báo.
Covid-19 trên Thế giới
*** Nhân viên y tế Mỹ “dị ứng nghiêm trọng” sau khi tiêm vaccine COVID-19
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 11/12 đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất.
Mỹ có đại sứ đầu tiên tại Belarus sau 12 năm
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn nhà ngoại giao Julie Fisher, người từng nhiều năm làm việc tại Nga, Gruzia và Ukraine, làm đại sứ mới ở Belarus, sau 12 năm chức vụ này bị bỏ trống.
Australia yêu cầu WTO điều tra Trung Quốc
Australia yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra việc Trung Quốc áp đặt mức thuế cao đối với sản phẩm lúa mạch của nước này hồi tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Toàn bộ học sinh lớp 12 Campuchia được đỗ tốt nghiệp mà không phải thi
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố, do COVID-19, tất cả học sinh lớp 12 tại nước này sẽ được cho đỗ mà không phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến diễn ra ngày 11/1/2021.
Nga đặt lịch biên chế siêu tên lửa mạnh nhất thế giới Sarmat
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat, mẫu vũ khí tấn công có sức công phá mạnh nhất và được cho là đủ sức vượt qua mọi hệ thống phòng thủ, sẽ được bàn giao cho quân đội Nga năm 2022.
Tổng thống đắc cử Mỹ ho không ngừng khi phát biểu
Vấn đề sức khỏe của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, 78 tuổi, đang trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội của nước này.
Tổng thống Brazil cuối cùng cũng chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 15/12 đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Vụ bê bối “Falsos Positivos” chấn động Colombia: Bê bối đổ bể
Chiến dịch Check không chỉ là bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên với quân du kích, mà còn là bước ngoặt thay đổi cách nhìn của nhiều người Colombia về đất nước mình. Mọi người lái xe trên đường phố Bogotá bấm còi và vẫy cờ Colombia. Đối với nhiều người, đất nước này đã lột xác, không còn là quốc gia bạo lực, lạc hậu, bị tấn công bởi các băng đảng, quân du kích và các nhóm bán quân sự. Chính phủ cuối cùng đã thắng cuộc nổi dậy. Montoya đã mang đến cho người Colombia niềm tự hào.
Lệnh trừng phạt “xói mòn” tình đồng minh Washington – Ankara
Bộ Tài chính Mỹ ngày 14/12 đã áp trừng phạt với 4 quan chức và Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB) Thổ Nhĩ Kỳ, một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm tăng cường an ninh quốc gia và quản lý việc cung cấp công nghệ quân sự, do Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Lễ rước đuốc Olympic sẽ có số người tham dự “chưa từng có tiền lệ”
Các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo ngày 15/12 cho biết, lễ rước đuốc bị trì hoãn trước đây sẽ bắt đầu vào ngày 25/3/2021 từ tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản.
Triều Tiên đã mua vaccine ngừa COVID-19 của Nga
Thời báo Asahi Nhật Bản hôm 15/12 đưa tin, Triều Tiên đã tiến hành mua vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga và một số thiết bị chẩn đoán bệnh của Trung Quốc, bao gồm cả máy đo thân nhiệt.
Tổng thống Putin chúc mừng ông Biden đắc cử
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng đến ông Joe biden sau khi ứng viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ được đại cử tri đoàn xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020.
Nga biên chế radar cảnh giới đầu tiên không cần người điều khiển
Hệ thống radar kiểm soát không phận mới nhất Nablyudatel hay “người giám sát” của Nga sở hữu hàng chục modul tự động, giúp nó theo dõi mọi hoạt động bay trong khoảng không rộng 300.000km2.
Lây lan COVID-19 trong các ký túc xá nhập cư Singapore
Gần một nửa số lao động nhập cư đang cư trú trong các ký túc xá tại Singapore đã từng mắc COVID-19, chính phủ nước này ngày 15/12 tuyên bố, cho thấy mức độ lan rộng của dịch bệnh này tại các khu nhà ở của người lao động.
Cháy viện dưỡng lão, 11 người cao tuổi thiệt mạng
Ít nhất 11 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy bên trong đống đổ nát sau vụ hỏa hoạn tại một viện dưỡng lão ở nước cộng hòa Bashkortostan, vùng Ural của nước Nga.
Siêu tên lửa vũ trụ hạng nặng Angara của Nga bay lên quỹ đạo
Tên lửa đẩy vũ trụ hạng nặng Angara-A5 của Nga đã được phóng thử thành công ngày 14/12, sau khoảng 6 năm gián đoạn do các sự cố kĩ thuật.
Quy mô đáng kinh ngạc của vụ hack nhằm vào Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ
Nhiều chính phủ và các tập đoàn lớn trên toàn thế giới đang tìm hiểu liệu họ có nằm trong danh sách nạn nhân của một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu, đã thâm nhập vào nhiều cơ quan chính phủ Mỹ hay không.

Tổng hợp-TT