Dịch Covid-19: Thế giới đã có hơn 109 triệu ca nhiễm, WHO cảnh báo người khỏi bệnh có thể nhiễm biến thể mới; WTO lần đầu tiên có nữ tổng giám đốc; Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ‘bong bóng Tesla’ vỡ tung?; Ngay đầu năm mới, Hải quân của 45 nước rầm rập tập trận trên biển; Chủ tịch Kim Jong Un thừa nhận Triều Tiên đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất; Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới; Myanmar: Xe bọc thép đầy đường, nguy cơ về cuộc đàn áp đổ máu; Số người mắc COVID-19 trên thế giới sắp đạt mốc 110 triệu…là những tin chính được cập nhật.
Dịch Covid-19: Thế giới đã có hơn 109 triệu ca nhiễm, WHO cảnh báo người khỏi bệnh có thể nhiễm biến thể mới
WHO cảnh báo người khỏi bệnh Covid-19 có thể nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Kinhtedothi – Thế giới ghi nhận 109 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 2,4 triệu người chết. WHO nói rằng người khỏi bệnh có thể nhiễm biến thế mới của virus SARS-CoV-2.
Tính đến 9 giờ sáng 14/2, số ca mắc trên toàn cầu là 109.091.326 người, trong đó 2.404.174 trường hợp tử vong và 81,117,985 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, báo cáo sơ bộ từ Nam Phi cho thấy những người đã khỏi Covid-19 đã bị tái nhiễm một loại biến chủng mới dễ lây lan hơn.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học tại WHO, tin tốt là vaccine hiện nay dường như có thể giúp bệnh nhân Covid-19 không mắc bệnh nặng, cho dù vaccine không thể hoàn toàn giúp họ tránh tái mắc bệnh.
Bà Swaminathan nói: “Thử nghiệm nhiều loại vaccine khác nhau từ trước tới nay ở Nam Phi cũng như Brazil cho thấy vaccine hoàn toàn có thể ngăn chặn các ca tử vong và bệnh nặng”. Ngoài ra, tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng có thể làm các biến chủng mới giảm mức độ lây lan.
Theo bà Swaminathan, hiện giờ có báo cáo rằng nếu một người đã tiêm vaccine và mắc bệnh, lượng virus trong cơ thể sẽ thấp hơn nhiều. Vì thế rủi ro họ lây bệnh cho người khác có thể thấp hơn. Bà vẫn nhấn mạnh rằng người đã tiêm vaccine phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
Sau khi nhiễm Covid-19, cơ thể người có kháng thể và miễn dịch, có thể ngăn chặn tái nhiễm. Tiêm chủng cũng giúp mọi người chống đỡ tốt hơn trước virus SARS-CoV-2.
Trước đó, hôm 11/2, Giáo sư John Edmunds, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) thuộc Chính phủ Anh cảnh báo: Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được gọi là biến thể Bristol có thể làm những người từng mắc Covid-19 hoặc những người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được nhận diện ở một số thành phố nước Anh như Bristol, Liverpool và Manchester.
Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng Anh cho biết các ca mắc mới phát hiện ở Anh đã nhiễm biến thể virus mới với đột biến E484K – cùng kiểu đột biến với biến thể virus SARS-CoV-2 tìm thấy ở Nam Phi và Brazil. Đột biến này có thể cho phép virus lẩn trốn kháng thể.
WTO lần đầu tiên có nữ tổng giám đốc
SGGP Hãng Reuters đưa tin, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chính thức chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, TS Ngozi Okonjo-Iweala, là lãnh đạo tiếp theo của WTO từ ngày 1-3, với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31-8-2025.
Với quyết định này của WTO, bà Okonjo-Iweala trở thành người phụ nữ và là người gốc Phi đầu tiên lãnh đạo WTO. Phát biểu sau khi trúng cử, TS Okonjo-Iweala bày tỏ vinh dự khi được chọn làm Tổng giám đốc WTO. Theo bà Okonjo-Iweala, một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch Covid-19.
Bà Okonjo-Iweala mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với những thực tế ngày nay.
Việc bổ nhiệm bà Okonjo-Iweala chấm dứt nhiều tháng trì hoãn và phải mất hơn 6 tháng WTO mới thống nhất về một tổng giám đốc mới. Vai trò của tân Tổng giám đốc WTO chủ yếu giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của tổ chức này, vốn chịu sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
TS Okonjo-Iweala, với niềm đam mê thương mại và lời hứa về sự lãnh đạo chủ động, rất có thể là động lực dẫn dắt mà WTO đang cần.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ‘bong bóng Tesla’ vỡ tung?
Những diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán và những câu chuyện trước đây đã tạo ra một tâm lý chung rằng sự bùng nổ của bong bóng chứng khoán sẽ khiến nền kinh tế bị tàn phá. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo hướng đó.
Những “cơn sốt” gần đây đối với cổ phiếu xe điện, năng lượng sạch hay thậm chí là chất kích thích chắc chắn là mối đe dọa đối với tài sản của các cổ đông của họ. Nhưng ngay cả khi có một quả bong bóng được thổi phồng thì thảm họa sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Diễn biến trong vài thập kỷ qua đã cho thấy điều ngược lại. Nhật Bản hiện vẫn chịu ảnh hưởng bởi bong bóng bất động sản và chứng khoán những năm 1980, hay bong bóng dot-com đã gây ra những tổn thất nặng nề và nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Thế nhưng, không phải bong bóng nào cũng giống nhau. Những mối hiểm họa của bong bóng chứng khoán đến từ những người đi vay nợ để mua cổ phiếu và các công ty được đầu tư quá mạnh tay. Khi quả bong bóng nổ tung, những nhà đầu tư này buộc phải cắt giảm chi tiêu hoặc thậm chí là phá sản. Các công ty bất ngờ phải đối mặt với việc nhà đầu tư yêu cầu sa thải nhân viên và cắt giảm đầu tư.
Không có yếu tố nào ở trên là vấn đề rõ ràng đối với các cổ phiếu đang được yêu thích trong thời gian gần đây. Tesla được định giá ở mức cực kỳ cao và trở thành công ty có vốn hóa lớn thứ 5 nước Mỹ. Ngay cả khi công ty này bỗng dưng biến mất vào ngày mai, thì việc này cũng không có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, vì quy mô hoạt động của Tesla vẫn rất nhỏ.
Lý do là bởi, nhà sản xuất xe điện chủ yếu được tài trợ bằng vốn tự có, vì vậy sự sụp đổ sẽ không gây ra thảm họa domino đối với các ngân hàng. Dù các cổ đông sẽ chịu tổn thất đáng kể, nhưng chi tiêu của người dân trên toàn nước Mỹ lại không bị giảm sút vì sự kiện này.
Ngay đầu năm mới, Hải quân của 45 nước rầm rập tập trận trên biển
– Mặc dù quan hệ giữa các nước NATO với Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở nên xa cách nhưng lực lượng hải quân đến từ các nước này đang có cơ hội hợp tác chung với nhau trong cuộc tập trận chung do Pakistan chủ trì trong tuần này.
Hải quân Pakistan đã khai hỏa một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới ở Biển Arabian cùng với sự tham gia của hải quân 45 nước. Lễ mở màn cuộc tập trận đã được tổ chức trong ngày hôm qua (12/2) ở Karachi với sự tham dự của một số lượng lớn đại diện quân sự, các nhà quan sát và ngoại giao đến từ các nước tham gia tập trận.
Cuộc tập trận AMAN-21 diễn ra ở Karachi và Biển Arabian tuần này là lần đầu tiên tàu chiến của Nga và NATO tập trận cùng với nhau kể từ năm 2010 và cũng là lần đầu tiên lực lượng hai nước Mỹ-Trung hợp tác với nhau kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức hồi tháng trước.
Chuẩn Đô đốc Naveed Ashraf – Chỉ huy Hạm đội Pakistan, hồi đầu tuần này cho biết các cuộc diễn tập tập trung vào nội dung “xóa bỏ các khoảng cách và cùng nhau hợp tác để theo đuổi những mục tiêu chung.” Một phần quan trọng trong cuộc tập trận là các cuộc tuần tra chống cướp biển chung.
Một số tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp 052D – the Guiyang; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp 054A – Zaozhuang; và một tàu lớp 903A – Dongpingh. Về phía Nga, lực lượng tham gia tập trận gồm có một tàu tuần tra thuộc Đề án 22160 – Dmitry Rogachev, và một tàu khu trục hạng nhất – Đô đốc Grigorovich cùng một tàu kéo
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, các cuộc diễn tập có hai phần. Phần 1 diễn ra trên bờ – bao gồm Hội nghị Hàng hải quốc tế và các hội thảo, các chuyến thăm đến tàu của các lực lượng hải quân khác và các cuộc thao diễn chống khủng bố trên biển. Phần hai sẽ diễn ra trên biển, trong đó các lực lượng hải quân sẽ thực hiện những bài tập mà họ đã học được và đã thảo luận khi ở trên bờ.
Ngoài các nước kể tên ở trên, các nước tham gia tập trận còn có Anh, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và các nước đến từ Đông Phi. Ông Talat Masood – một tướng nghỉ hưu và giờ là nhà phân tích về an ninh của Pakistan, cho rằng, việc đưa 45 quốc gia cùng đến tham gia tập trận, “trong đó có các đối thủ, là điều rất đáng chú ý” đối với Lahore.
Chủ tịch Kim Jong Un thừa nhận Triều Tiên đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất
– Trong cuộc họp đảng mới diễn ra gần đây, Chủ tịch Kim Jong Un đã thừa nhận những khó khăn mà Triều Tiên đang phải đối mặt hiện nay “là tồi tệ nhất từ trước đến nay”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ hơn về luật để hậu thuẫn cho các kế hoạch phát triển của ông, báo chí nhà nước của Triều Tiên hôm 11/2 đưa tin. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Kim Jong Un đang nỗ lực tìm cách cứu vãn nền kinh tế đang khốn đốn vì đại dịch Covid-19 cùng với nhiều thách thức khác.
Chủ tịch Kim Jong Un dường như đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 9 năm cầm quyền của ông khi nền kinh tế vốn đã yếu kém của Triều Tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19, một loạt thảm họa thiên nhiên hồi mùa hè năm ngoái và những biện pháp trừng phạt dai dẳng của Mỹ và các nước.
Trong cuộc họp đảng, Chủ tịch Kim miêu tả những khó khăn nói trên là “tồi tệ chưa từng có”.
Những phát biểu trên được ông Kim đưa ra trong một cuộc họp của Đảng Lao động cầm quyền diễn ra trong tuần này. Cuộc họp được triệu tập sau các quyết định được đưa ra tại Đại hội đảng hồi tháng Một. Trong cuộc họp đó, ông Kim thừa nhận các kế hoạch kinh tế trước đó đã thất bại và tuyên bố kế hoạch phát triển 5 năm mới.
Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới
Tổng thống Nga Pu-tin (Vladimir Putin) đã chỉ thị cho chính phủ đánh giá hiệu quả của các vaccine trong nước để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với biến thể của virus SARS CoV-2.
Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ đánh giá hiệu quả của các vaccine trong nước để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với biến thể của virus SARS CoV-2.
Theo chỉ thị của Tổng thống Nga V.Putin, chính phủ cần “đảm bảo việc phân tích và đánh giá hiệu quả của vaccine trong nước để ngăn ngừa nhiễm Covid-19 liên quan đến các chủng virus mới gây ra sự lây nhiễm này, cũng như, nếu cần, tiến hành các nghiên cứu bổ sung về các vaccine này và sửa đổi hồ sơ đăng ký của chúng”.
Báo cáo về vấn đề này cần trình trước ngày 15 tháng 3, sau đó – sáu tháng một lần. Đồng thời, trong cùng thời hạn, chính phủ cần “đảm bảo mở rộng nghiên cứu khoa học-thực tiễn nhằm giải mã các bộ gen lưu hành ở Liên bang Nga và trên thế giới của các mầm bệnh truyền nhiễm”, và tài trợ cho các nghiên cứu này.
Tổng thống V.Putin đã giao nhiệm vụ cho chính phủ cùng với người đứng đầu các khu vực tổ chức tiêm chủng đại trà cho người dân cả nước chống lại Covid-19, có tính đến các chỉ thị đã đưa ra trước đó, cũng như đảm bảo kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt, do các cơ quan hành pháp liên bang quan tâm hỗ trợ về tổ chức và phương pháp, và nếu cần, cung cấp thêm kinh phí. Báo cáo về vấn đề này phải được trình trước ngày 20 tháng 2, sau đó báo cáo hàng tháng.
Myanmar: Xe bọc thép đầy đường, nguy cơ về cuộc đàn áp đổ máu
– Các nhóm biểu tình nhỏ bắt đầu xuất hiện ở Myanmar bất chấp lực lượng binh sĩ và các phương tiện bọc thép được triển khai trên đường phố của nhiều thành phố. Việc quân đội đẩy mạnh sự hiện diện như thế này là dấu hiệu mới nhất về khả năng xảy ra một cuộc đàn áp thẳng tay nhằm vào lực lượng biểu tình chống lại cuộc đảo chính mà quân đội thực hiện hôm 1/2.
*** Số người mắc COVID-19 trên thế giới sắp đạt mốc 110 triệu
(ĐCSVN) – Đến sáng 16/2, thế giới có tổng số 109.669.584 ca nhiễm và 2.418.211 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 262.941 ca nhiễm và 6.573 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 16/2, đã có 84.203.002 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.895.769 ca bệnh đang điều trị, có 22.950.675 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 97.696 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 52.785 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (32.197 ca) và Nga (14.207 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 954 ca, sau đó là Brazil (601 ca) và Mexico (436 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, khiến khu vực này có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với tổng số 32.433.658 ca, trong đó có 718.938 ca tử vong và 21.711.002 ca được điều trị khỏi. Với 28.317.703 ca nhiễm và 498.203 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.992.794 và 826.924 ca nhiễm, cùng 174.207 và 21.311 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 82.474 ca nhiễm và 2.681 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Anh và Pháp là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.086.090; 4.047.843 và 3.469.539 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 117.396 ca, sau khi có thêm 230 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (93.835 ca) và Pháp (82.226 ca).
Với 24.094.522 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 16/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 386.440 ca đã tử vong do COVID-19 và 22.646.514 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.925.311; 2.594.128 và 1.526.023 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 155.840; 27.562 và 59.028 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 48.547 ca nhiễm và 1.244 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16.978.375 ca và 443.281 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 32.197 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 9.866.710 vào thời điểm hiện tại. Với 601 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 181 ca tử vong mới, và Peru với 177 ca tử vong mới do COVID-19..
Tính đến sáng 16/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.785.677 ca, trong đó có 99.075 ca tử vong và 3.317.277 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.492.909 ca nhiễm và 48.094 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.102 ca nhiễm mới và 195 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 478.595 và 223.549 ca nhiễm bệnh cùng 8.491 và 7.575 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.587 ca nhiễm (tăng 38 ca) và 1.080 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 2 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.900 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine của hãng dược AstraZeneca, qua đó cho phép khởi động việc phân phối những vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới thông qua cơ chế COVAX (chương trình phân phối công bằng vaccine của WHO). Hai loại vaccine được phê duyệt nói trên hiện đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tại Hàn Quốc. Ngoài 2 phiên bản vaccine nói trên, đến nay mới chỉ có vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.
Ngày 16/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết thông qua cơ chế COVAX và các hợp đồng riêng lẻ mà Hàn Quốc đã ký với các hãng dược phẩm nước ngoài, nước này có thể đảm bảo nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 79 triệu người (dân số Hàn Quốc hiện khoảng 52 triệu người).
Bộ Y tế Zimbabwe thông báo nước này đã nhận được một lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng dược Sinopharm từ Trung Quốc, là quốc gia đầu tiên ở khu vực Nam châu Phi nhận được vaccine của Sinopharm. Lô vaccine này gồm 200.000 liều, do Chính phủ Trung Quốc tài trợ./.
*** Mỹ “cân nhắc lại” quan hệ với một số nước Trung Đông
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc điện đàm với nhiều đồng minh, tuy nhiên, ông vẫn chưa có cuộc điện đàm nào với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển thông qua công nghệ số tại Liên hợp quốc
Từ ngày 8 đến 17/2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Khóa họp lần thứ 59 Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp quốc (CsoD) được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững: Vai trò của công nghệ số đối với phát triển xã hội và phúc lợi cho tất cả mọi người”. Việt Nam đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong khóa họp lần này.
Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh mới
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị giới chức buộc tội vi phạm Luật quản lý thảm họa quốc gia, sau cáo buộc đầu tiên về nhập khẩu bộ đàm trái phép.
Bom nổ trong lớp học chế tạo bom, 30 tay súng Taliban bỏ mạng
Ít nhất 30 tay súng thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban thiệt mạng khi một quả bom bất ngờ phát nổ trong lúc họ đang tham gia một lớp học chế tạo mìn ở Afghanistan.
Xe bus lao xuống kênh nước, 37 người thiệt mạng
Ít nhất 37 hành khách trên một chiếc xe bus đã thiệt mạng khi chiếc xe chở họ lao xuống một kênh nước ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ.
Iran dọa “khóa tay” thanh sát viên hạt nhân quốc tế
Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể bị tước quyền thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Mỹ không dỡ bỏ cấm vận.
Navalny lại hầu tòa vụ án mới ở Nga
Nhân vật đối lập tai tiếng người Nga Alexei Navalny sẽ tiếp tục hầu tòa hôm nay (16/2) vì cáo buộc phỉ báng một cựu chiến binh thời Thế chiến II.
Mạo nhận là sát thủ để lừa cảnh sát đến… dọn tuyết
Người đàn ông Ukraine gọi điện khai với cảnh sát mình đã giết người với hi vọng nhà chức trách sẽ lập tức tới bắt ông ta, tiện thể giúp ông dọn đống tuyết ngổn ngang trước cửa nhà.
Đắm thuyền trong đêm, ít nhất 60 người thiệt mạng
Ít nhất 60 thi thể được tìm thấy, trong khi 240 người khác vẫn đang mất tích sau khi chiếc thuyền cỡ lớn chở họ bất ngờ bị đắm trên một con sông ở miền Tây Congo.
Phe Dân chủ quyết không “tha” ông Trump
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, thành viên cốt cán của đảng Dân chủ Mỹ, tuyên bố thành lập một ủy ban độc lập để điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol và hoạt động giống uỷ ban điều tra vụ 11/9.
Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ bênh vực khủng bố
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích Mỹ đứng về phe “những kẻ khủng bố” sau phát ngôn của Washington về một chiến dịch của Ankara.
Căn cứ có lính Mỹ ở Iraq bị tấn công, nhà thầu nước ngoài thiệt mạng
Ít nhất một nhà thầu dân sự nước ngoài thiệt mạng và 6 người khác bị thương sau khi một căn cứ không quân ở Iraq bị tấn công bằng rocket.
WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine AstraZeneca1
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine COVID-19 do hãng dược AstraZeneca chế tạo do nó đáp ứng các tiêu chí khắt khe về hiệu quả và độ an toàn cao.
Phát hiện biến chủng COVID-19 ở Anh có thể kháng vaccine
Các chuyên gia Anh phát hiện thêm một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 có tốc độ lây lan cao hơn các chủng cũ và khả năng kháng lại vaccine.
Trung Quốc bắt vụ 58.000 liều vaccine COVID-19 giả
Trung Quốc đang quyết liệt trấn áp tội phạm, triệt phá hàng chục vụ sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 giả, hãng thông tấn Tân Hoa xã hôm 15/2 đưa tin.
Sạt lở đất ở Indonesia, ít nhất 4 người chết
Mưa lớn gây lở đất tại tỉnh Đông Java đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà, khiến ít nhất 4 người chết, 14 người mất tích và hàng trăm người phải sơ tán.
Bà Aung San Suu Kyi bị gia hạn giam giữ
Luật sư riêng của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị gia hạn giam giữ cho đến ngày 17/2 để phục vụ cho quá trình điều tra.
Tổng hợp-TT