VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 17/7/2020.

 “Sóng thần” Covid-19 trở lại, Nam Á có thể thành tâm chấn mới;  Brazil tăng thêm 1 triệu ca mắc Covid-19 trong 1 tháng; ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc khắc phục lũ lụt; Gần 14 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

 “Sóng thần” Covid-19 trở lại, Nam Á có thể thành tâm chấn mới

 Sóng thần Covid-19 trở lại, Nam Á có thể thành tâm chấn mới - 1     Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khắp thế giới. (Ảnh minh họa: AFP)
Dân trí Dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh đang cản trở các nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại, thậm chí khu vực Nam Á có thể trở thành tâm dịch tiếp theo của thế giới.
Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở khắp khu vực châu Á. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước đó được ca ngợi nhờ chiến dịch chống dịch hiệu quả thì nay cũng đối mặt với tình trạng số người mắc Covid-19 tăng nhanh, một số nơi thậm chí phải áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa.
Với nhiều người, hy vọng nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường đang phai nhạt dần. Tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương có thể yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa một lần nữa và phải hoãn kế hoạch mở cửa biên giới. Thậm chí ở Thái Lan, tuy không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào liên tục gần 2 tháng qua, nhưng chính phủ nước này vẫn quyết định siết quy định về cách ly đối với du khách nước ngoài.
Covid-19 tái bùng phát mạnh
Trong ngày 16/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 610 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất kể từ giữa tháng 4. Trong đó, Tokyo ghi nhận gần 300 ca. Dịch bùng phát trở lại đang đe dọa kế hoạch tỷ USD của Nhật Bản nhằm thúc đẩy du lịch.
Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra ở Australia khi bang đông dân thứ hai của nước này – Victoria – buộc phải phong tỏa trở lại từ tuần trước sau khi phát hiện một số ổ dịch mới. Nhiều bang của Australia cũng đóng cửa biên giới trở lại.
Nam Á có thể thành tâm dịch mới
“Trong khi thế giới tập trung chú ý đến cuộc khủng hoảng ở Mỹ và Nam Mỹ, một thảm kịch nhân đạo đang hình thành nhanh chóng ở Nam Á”, John Fleming, người phụ trách vấn đề y tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hội chữ Thập đỏ, nhận định.
Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh ghi nhận tổng cộng hơn 1,4 triệu ca mắc Covid-19 và gần 33.000 trường hợp tử vong do Covid-19.
Tại Philippines, số người mắc Covid-19 đã tăng hơn 3 lần kể từ tháng 6 lên hơn 61.000 ca. Giới chức nước này có thể phải phong tỏa trở lại khu vực thủ đô Manila với 12 triệu dân từ cuối tháng 7.

 Brazil tăng thêm 1 triệu ca mắc Covid-19 trong 1 tháng
(Dân trí) Brazil tăng thêm 1 triệu người mắc Covid-19 chỉ trong 27 ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ vượt mốc 2 triệu.
Brazil ngày 16/7 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt mốc 2 triệu, với rất ít dấu hiệu cho thấy tỷ lệ gia tăng về số ca nhiễm mới sẽ giảm xuống. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị chỉ trích vì cách chính phủ của ông ứng phó với dịch Covid-19.
Brazil tăng thêm 1 triệu ca bệnh trong 27 ngày và hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ (3,68 triệu ca). Brazil hiện có 76.822 người chết vì dịch. Trong vài tuần qua, mỗi ngày Brazil đều ghi nhận thêm gần 40.000 ca bệnh mới.

ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc khắc phục lũ lụt
SGGP  Theo đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tình hình lũ lụt tại Trung Quốc.
Trong tuyên bố, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Trung Quốc trước những tổn thất to lớn về tính mạng, nhà cửa, tài sản do mưa lũ gây ra cũng như việc hàng triệu người dân phải đi sơ tán.
Chia sẻ những khó khăn này, ASEAN bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua thách thức và khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra.
ASEAN cũng khẳng định tình đoàn kết và cam kết sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Gần 14 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần 14 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 591.000 người chết, nhiều nơi phải siết chặt biện pháp kiểm soát để ngăn Covid-19 lây lan.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 13.916.980 ca nhiễm và 591.556 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 259.545 và 6.025 trong 24 giờ qua, trong khi 8.263.929 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.680.868 ca nhiễm và 140.957 người chết, tăng lần lượt 72.039 và 979 ca trong 24 giờ qua. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do nCoV ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng tới. Mỹ hiện ghi nhận hơn 140.000 người chết do nCoV.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.
Các trường học tại nhiều địa phương đã quyết định tổ chức học trực tuyến, thay vì yêu cầu học sinh trở lại trường khi năm học mới bắt đầu sau vài tuần nữa, bất chấp áp lực từ Tổng thống Donald Trump. Bang California thậm chí tái đóng cửa phần lớn cơ sở kinh doanh chỉ sau một tháng mở lại.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 43.829 ca nhiễm và 1.299 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.014.738 và 76.822. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.
Một số cửa hàng, nhà hàng và quán bar đã nối lại hoạt động với chính sách khác nhau giữa các địa phương, trong khi toàn bộ trường học vẫn phải đóng cửa. Những bãi biển tại thành phố Rio de Janeiro đã mở cửa cho người dân tới tập thể dục và chơi thể thao dưới nước, nhưng họ thường không đeo khẩu trang hoặc tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn dương tính Covid-19 sau khi xét nghiệm lần hai, dù ông đã dùng thuốc trị sốt rét sau một tuần nhiễm nCoV. Văn phòng báo chí của Tổng thống cho biết Bolsonaro vẫn cách ly tại Dinh Alvorada và làm việc từ xa. Lãnh đạo Brazil cho hay ông “không thể chịu được thói quen ở nhà này” và đang chờ được thông báo rời khỏi nhà.

Peru, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, ghi nhận thêm 3.862 ca nhiễm và 198 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 341.586 và 12.615, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới.
Peru hồi tháng ba áp lệnh phong tỏa để ngăn nCoV lây lan, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do tổn hại kinh tế ngày càng gia tăng. Nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch. Các trung tâm thương mại mở cửa với số lượng khách nhất định. Chính phủ còn dự định tái khởi động giao thông đường bộ và hàng không nội địa trong tháng này.

Chile xếp thứ sáu thế giới với 323.698 ca nhiễm và 7.290 ca tử vong, tăng lần lượt 2.493 và 104 ca so với hôm trước. Do tình hình còn nghiêm trọng, các trường học, nhà hàng và quán bar tại nước này vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

Mexico là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 317.635 ca nhiễm và 36.906 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.149 và 579 ca. Hôm 12/7, nước này vượt Italy trở thành quốc gia ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao thứ tư thế giới. Các trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 167 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.937. Số ca nhiễm tăng 6.424, lên 752.797, đánh dấu ngày thứ 21 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. Một quan chức cấp cao Nga cho biết nước này có thể nối lại các chuyến bay quốc tế ngay trong tháng 7, bằng cách tạo ra các trung tâm sân bay không có virus.
Một số hạn chế, bao gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, sẽ duy trì đến tháng 8 nhưng nhiều biện pháp đã được nới lỏng. Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.

Tây Ban Nha thông báo ca nhiễm và ca tử vong ở nước này lần lượt là 305.935
và 28.416, tăng 1.361 và 3 trường hợp trong 24 giờ. Đây là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng được cho là đã kiểm soát được tình hình. Quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế được tiến hành theo nhiều giai đoạn từ hồi tháng 5, trong đó trường học vẫn phải đóng cửa.
Vùng tự trị Catalonia và quần đảo Balearic, hai nơi thu hút du khách hàng đầu của đất nước, ra quy định người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, bất kể trường hợp nào.

Anh báo cáo thêm 641 ca nhiễm và 66 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 292.552 và 45.119.
Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau “trong trường hợp xấu nhất”. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích phản ứng chậm với đại dịch, đáng lẽ nên phong tỏa sớm hơn và phải duy trì quá trình truy vết lây nhiễm.
Vào tháng 8, Anh sẽ phát phiếu giảm giá cho người dân với tổng giá trị 625 triệu USD để khuyến khích công chúng đến các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Phiếu giảm giá này không thể dùng để mua rượu.

Italy ghi nhận thêm 230 ca nhiễm và 20 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 243.736 và 35.017. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên bị Covid-19 tấn công trong đợt bùng phát đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng các con số đã giảm xuống từ cuối tháng ba. Hành khách từ các nước trên thế giới, trừ 13 quốc gia thuộc danh sách những vùng dịch nguy cơ lớn, hiện có thể đến Italy nhưng phải chịu cách ly 14 ngày sau khi đến nơi.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.

Đức báo cáo thêm 580 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 201.832, trong khi số ca tử vong ở mức 9.157, tăng 9 trường hợp. Các cửa hàng đã mở cửa trở lại, nhưng một số bang chỉ cho phép địa điểm rộng tối đa 800 m2 hoạt động. Trường học tại nhiều địa phương cũng mở cửa để học sinh chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới. Các quán bar, nhà hàng và giao thông công cộng nối lại hoạt động một phần.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.500 ca nhiễm, nâng tổng số lên 267.061, trong đó 13.608 người chết, tăng 198 ca so với hôm qua. Giới chức quyết định tái đóng cửa một số doanh nghiệp tại thủ đô Tehran để kiềm chế nCoV từ 14/7. Biện pháp này dự kiến kéo dài một tuần, với các phòng gym, bể bơi, sở thú và quán cà phê phải ngừng hoạt động.
Thông báo đưa ra trong bối cảnh các số liệu Covid-19 tại Iran có xu hướng đi lên kể từ đầu tháng 5, khiến chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.764 ca nhiễm và 45 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 243.238 và 2.370. Trong những hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đại dịch, Arab Saudi tuyên bố chỉ cho phép khoảng 1.000 tín đồ đã có mặt tại nước này tham gia cuộc hành hương Hajj vào cuối tháng, trong khi nghi thức này năm ngoái thu hút hơn 2,5 triệu người Hồi giáo khắp thế giới.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 35.468 ca nhiễm và 680 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.005.637 và 25.609. Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Trung Quốc chưa công bố số liệu hôm nay.
Giới chức Bắc Kinh thông báo đã kiềm chế được ổ dịch bắt nguồn từ chợ Tân Phát Địa và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7. Tất cả những người sống trong khu vực được coi là “nguy cơ thấp” có thể rời Bắc Kinh mà không cần kết quả xét nghiệm nCoV.
Trung Quốc đang triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn quốc đối với sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ “các quốc gia có nguy cơ cao”.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 81.668 ca nhiễm, tăng 1.574 trường hợp so với hôm trước, trong đó 3.873 người chết, tăng 76 ca.

Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó. Ông nói thêm rằng đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế nCoV. Chính phủ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 61.266 người nhiễm và 1.643 người chết, tăng lần lượt 2.498 và 29 trường hợp trong 24 giờ.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết giới chức và cảnh sát nước này sẽ tiến hành tìm kiếm người nhiễm nCoV tại từng hộ gia đình nhằm ngăn chặn virus lây lan, đồng thời kêu gọi công chúng báo cáo các ca nhiễm trong khu dân cư của họ. Bất cứ ai nhiễm nCoV từ chối hợp tác đều phải đối mặt với án tù.

Manila duy trì phong tỏa một phần thêm hai tuần. Trường học đóng cửa, trung tâm mua sắm và quán ăn hoạt động hạn chế, người dân bị cấm tụ tập đông người và phải giãn cách xã hội trên giao thông công cộng, và trẻ em và người già được yêu cầu ở nhà.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 47.126 người nhiễm, tăng 248 ca, trong đó 27 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 13/7 cảnh báo các nước không thể trở lại trạng thái “bình thường cũ” trong tương lai gần, đặc biệt nếu các biện pháp chống dịch bị phớt lờ. Ông còn chỉ trích một số lãnh đạo chính phủ làm xói mòn lòng tin của công chúng khi đưa ra các “thông điệp lộn xộn” về Covid-19, nhưng không chỉ đích danh nước nào.

***   Anh, Mỹ tố Nga đánh cắp thông tin vaccine COVID-19
Một báo cáo từ Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Anh (NCSC) cho rằng, một nhóm gián điệp mạng có liên quan đến các cơ quan tình báo của Nga đã cố gắng xâm nhập vào nghiên cứu vaccine COVID-19 ở Mỹ, Anh và Canada.

Trinh sát cơ Thổ Nhĩ Kỳ đâm vào vách núi, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng
Máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm vào vách núi Artos ở tỉnh Van thuộc miền Đông nước này, khiến 7 nhân viên an ninh trên khoang thiệt mạng.

Mỹ úp mở khả năng sớm tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Triều Tiên nối lại đàm phán, đồng thời không loại trừ khả năng có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước trong tương lai gần.

Trung Quốc “oằn mình” trong đợt mưa lũ lịch sử
Những trận mưa lớn bất thường trút xuống suốt nhiều tuần liên tiếp đã nhấn chìm một loạt địa phương của Trung Quốc trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về người, tải sản.

Trùm của những trùm gangster
Lâu nay Semyon Judkovich Mogilevich, người có tới 4 quốc tịch và hiện đang sống ở Moscows, một tỉ phú do tạp chí Forbes bình chọn và là một trong 10 tội phạm trên thế giới bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao được rất nhiều người quan tâm theo dõi.

Thế giới quan tâm đến nạn tấn công tình dục trẻ em
Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm, ước tính có khoảng 300.000 phụ nữ bị hãm hiếp và 3,7 triệu người phải đối mặt với các hoạt động tình dục.

Cuộc đối đầu mới giữa các trường đại học Mỹ và Tổng thống Donald Trump
Theo quyết định được đưa ra bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vào đầu tuần trước, các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ không được phép ở lại Mỹ nếu trường của họ chỉ dạy online.

Mỹ hạn chế thị thực với nhân viên của Huawei
Chính phủ Mỹ dự định sẽ hạn chế thị thực đối với một số nhân viên của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, gây thêm áp lực cho công ty này sau khi Anh công bố kế hoạch loại bỏ việc sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G của Anh.

“Mồi lửa” Hong Kong sẽ thổi bùng bất đồng Trung-Mỹ?
Như CAND online đã đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-7 (giờ Việt Nam) thông báo ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Diễn biến mới này phải chăng sẽ là “mồi lửa” châm ngòi cho một cuộc chiến giữa hai nước, sau loạt căng thẳng trên các mặt trận thương mại và công nghệ?

Kỷ lục liên tục bị xô đổ, chuyên gia lo ngại Mỹ còn lâu mới thoát khỏi COVID-19
Số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn đang tăng vọt ở miền Nam và Tây Nam nước Mỹ, hàng chục tiểu bang rút lại kế hoạch mở cửa trở lại, các chuyên gia y tế công cộng nhận định rằng đại dịch chưa thể kết thúc trong tương lai gần.

CEO trẻ tuổi bị sát hại tại căn hộ cao cấp
Cơ quan thực thi pháp luật đã phát hiện một CEO 33 tuổi “không còn nguyên vẹn” tại căn hộ cao cấp ở New York.

Một loạt tàu bốc cháy dữ dội tại cảng biển Iran
Hãng tin IRNA ngày 15/7 đưa tin, ít nhất ba tàu biển đang bốc cháy tại một nhà máy tàu công nghiệp ở thành phố Bushehr phía Nam Iran.

Quân đội Nga bước đầu thử nghiệm thành công vaccine COVID-19
Một bệnh viện quân đội Nga đã cho phép 18 tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 xuất viện, sau thời gian theo dõi 28 ngày, với nhận định giai đoạn đầu là thành công, Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/7 tuyên bố.

Rapper tai tiếng bậc nhất nước Mỹ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng
Đã hai tuần kể từ khi rapper đình đám Kanye West của Mỹ gây ra một “cơn địa chấn” trên mạng xã hội với tuyên bố tranh cử Tổng thống, thậm chí, West còn nhận được sự ủng hộ từ tỷ phú công nghệ Elon Musk.

Ông Trump tước ưu đãi Hong Kong: Trung Quốc nói sẽ trả đũa
Bắc Kinh ngày 15/7 cho biết sẽ trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật Đạo luật Tự trị Hong Kong, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm thực thi luật an ninh quốc gia.

Bậc thầy của các thám tử
Raymond là một trong những thám tử tài giỏi nhất thời đại của mình, và cũng là người đã đặt ra nhiều quy chuẩn mà ngành điều tra hiện đại vẫn còn nhớ tới.

Sự cố hạt nhân ở Palimares – Tây Ban Nha
Vụ rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở nhà máy điện Chernobyl thực sự là một mối nguy hiểm lâu dài và sâu rộng nhưng có một vụ tai nạn hạt nhân gần như có thể vượt xa cả Chernobyl, một quốc gia có thể bị phá hủy và một lục địa bị ảnh hưởng… Nhưng may mắn là đã không xảy ra thảm họa.

Tổng hợp-TT