VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 18/2/2021.

      Mỹ và đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông; Pfizer cảnh báo: Biến thể Nam Phi làm giảm 2/3 công hiệu của vaccine; Số ca COVID-19 ở Ấn Độ giảm sâu đột ngột khiến giới chuyên gia bối rối; Liên Hợp Quốc chỉ trích bất công: 130 nước chưa nhận vaccine COVID-19 nào; Thế giới vượt mốc 110 triệu ca mắc COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Mỹ và đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông
Kết quả hình ảnh cho tàu sân bay Mỹ  diễn tập chung ở Biển Đông ngày 9/2. (Ảnh: US Navy)     Mỹ đưa tàu sân bay và nhiều tàu chiến đến Biển Đông – BBC News
(DTO) Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh NATO đối với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz diễn tập chung ở Biển Đông ngày 9/2. (Ảnh: US Navy)
Trong động thái mới nhất ở Biển Đông, Hải quân Mỹ đã điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng tham gia diễn tập tại vùng biển này hôm 9/2. Hộ tống các tàu sân bay của Mỹ còn có các tàu chiến khác gồm các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Princeton, cùng các tàu khu trục USS Russell và USS John Finn.
Hải quân Mỹ nói rằng cuộc diễn tập ở Biển Đông cho thấy năng lực của lực lượng này trong việc hoạt động ở các môi trường “đầy thách thức”. Đây là cuộc diễn tập chung thứ hai của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong 7 tháng.
Cuộc diễn tập diễn ra một ngày sau khi tàu ngầm hạt nhân tấn công Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết cuộc diễn tập mới nhất ở Biển Đông nhằm “duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như các lực lượng đáng tin cậy của Mỹ để trấn an các đồng minh và đối tác, đồng thời gìn giữ hòa bình trong khu vực”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng cuộc tuần tra của các tàu chiến Pháp là bằng chứng cho thấy hải quân nước này có thể triển khai hoạt động cùng các đối tác chiến lược trong khoảng thời gian dài và ở xa lãnh thổ.
Pfizer cảnh báo: Biến thể Nam Phi làm giảm 2/3 công hiệu của vaccine
LĐO Biến thể Nam Phi của virus SARS-CoV-2 có thể làm giảm 2/3 khả năng bảo vệ kháng thể từ vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Pfizer thông tin ngày 17.2, nghiên cứu chỉ ra, vaccine vẫn có thể vô hiệu hóa virus và chưa có bằng chứng từ các thử nghiệm trên người cho thấy biến thể này làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine.
Dù vậy, hãng đang đầu tư và trao đổi với các nhà quản lý về việc phát triển một phiên bản cập nhật vaccine hoặc một mũi tiêm nhắc lại, nếu cần.
Nghiên cứu do các nhà khoa học từ các công ty và Chi nhánh Y tế Đại học Texas (UTMB) thực hiện trong đó phát triển virus chứa các đột biến tương tự gai protein trên biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi được gọi là B1351. Các gai protein này được virus dùng để xâm nhập vào tế bào cơ thể người và là mục tiêu chính của nhiều loại vaccine COVID-19.
Các nhà nghiên cứu thử nghiệm virus này với máu của những người đã được tiêm vaccine và nhận thấy mức độ các kháng thể trung hòa giảm 2/3 so với công hiệu trong các thử nghiệm với những chủng virus phố biến ở Mỹ.
Phát hiện của các chuyên gia đã được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM).

Số ca COVID-19 ở Ấn Độ giảm sâu đột ngột khiến giới chuyên gia bối rối
LĐO Các ca COVID-19 ở Ấn Độ, ghi nhận khoảng 11.000 ca mới mỗi ngày, giảm mạnh so với mức cao nhất là gần 100.000 ca. Điều này khiến các chuyên gia bối rối.
Diễn biến mới về dịch COVID-19
Các chuyên gia đưa ra nhiều lý giải cho sự sụt giảm đột ngột các ca COVID-19 được ghi nhận ở hầu khắp các khu vực ở Ấn Độ, trong đó cho rằng, có thể một số khu vực ở nước này đã đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc người Ấn Độ có thể có một số biện pháp bảo vệ khỏi virus từ trước, AP thông tin.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho rằng, một phần nguyên nhân của việc giảm ca mắc COVID-19 là nhờ đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng đã trở thành quy định bắt buộc và các trường hợp vi phạm ở một số thành phố sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, nguyên nhân có thể khác bởi việc giảm số ca mắc xảy ra đồng đều trong khi việc tuân thủ đeo khẩu trang chỉ tập trung ở một số khu vực.
Theo AP, thành công của việc giảm số ca mắc mới cũng không thể nhờ vào tiêm chủng vì Ấn Độ mới chỉ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 1.
Liên Hợp Quốc chỉ trích bất công: 130 nước chưa nhận vaccine COVID-19 nào
LĐO Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích việc phân phối vaccine COVID-19 “cực kỳ không đồng đều và không công bằng”: 10 nước nắm 75% tổng vaccine, 130 nước chưa nhận được liều nào.
Al Jazeera dẫn lời ông Guterres phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17.2 cho biết, 130 quốc gia chưa nhận được một liều vaccine nào.
“Vào thời điểm quan trọng này, công bằng vaccine là bài kiểm tra đạo đức lớn nhất trước cộng đồng toàn cầu” – ông Guterres nói.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi một “Kế hoạch tiêm chủng toàn cầu” khẩn cấp để tập hợp những người có quyền lực đảm bảo việc phân phối vaccine công bằng – gồm các nhà khoa học, nhà sản xuất vaccine và những người có thể tài trợ cho nỗ lực này – để đảm bảo tất cả mọi người ở mọi quốc gia được tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Ông Guterres kêu gọi các thành viên kinh tế hàng đầu của G20 thành lập một lực lượng đặc trách khẩn cấp để tập hợp “các công ty dược phẩm và các thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp và hậu cần”.
Trước đó, ngày 17.2, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả. Ông Blinken cũng kêu gọi các nước không cho phép “sử dụng vaccine như một cái cớ để vi phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản”.
“Để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, tất cả các quốc gia phải cung cấp tất cả dữ liệu từ những ngày sớm nhất của bất kỳ dịch bệnh nào. Và trong tương lai, tất cả các quốc gia nên tham gia vào một quy trình minh bạch và mạnh mẽ để ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, để thế giới học hỏi càng sớm càng tốt. Minh bạch, chia sẻ thông tin, tiếp cận các chuyên gia quốc tế – đây phải là những điểm nổi bật trong cách tiếp cận chung của chúng ta đối với những gì thực sự là một thách thức toàn cầu” – Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
*** Thế giới vượt mốc 110 triệu ca mắc COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 18/2/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 110.394.838 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.438.825 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 369.005 ca mắc và 10.362 ca tử vong mới vì đại dịch.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 28.444.849 ca nhiễm COVID-19, trong đó 502.022 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (63.330 ca); Brazil (56.766 ca); Nga (12.828 ca); Anh (12.718 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (2.024 ca); Mexico (1.329 ca); Brazil (1.107 ca); Anh (738 ca); Đức (538 ca); Nga (467 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 32.594.308 người, với 778.426 ca tử vong. Hết ngày 17/2, châu lục này ghi nhận đã có thêm 141.805 ca nhiễm mới và 4.180 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.112.151 ca mắc COVID-19 và 81.446 ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong ngày tại Nga cũng đang có dấu hiệu giảm dần. Ngày 17/2, nước này ghi nhận 12.828 ca nhiễm mới và 467 ca tử vong mới.
Châu Á đã có tổng cộng 24.230.191 ca nhiễm và 388.137 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 67.459 ca mắc và 856 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 22.779.543 ca được điều trị khỏi; 1.062.511 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.216 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 17/2, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 12.440 ca mắc mới và 89 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 10.949.546 ca và 156.038 ca.
Tại ASEAN, khu vực này có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 14.074 ca mắc mới và 267 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.298.769 người mắc COVID-19, trong đó 49.711 ca tử vong.
Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận có thêm 9.687 ca mắc mới COVID-19 và 192 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.243.646 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 33.788 ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 77.527 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 32.587.699 ca, tổng số người tử vong là 724.803 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 21.966.319 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.004.575 ca nhiễm và 175.986 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 17.124.051 ca nhiễm; 446.468 ca tử vong và 15.521.048 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 9.978.747 ca nhiễm, trong đó 242.090 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 28.911 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tại New Zealand, nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tóng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này là 2.340 người. Số ca tử vong tại New Zealand tính tới thời điểm này là 26 ca.
Các thành phố lớn của Australia và New Zealand ngày 17/2 đã dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hàng triệu người dân sau khi lệnh phong tỏa nhanh đã ngăn chặn thành công sự bùng phát lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giới chức Australia và New Zealand cho biết hành động nhanh chóng tại Melbourne và Auckland đã giúp kiềm chế sự lây lan biến thể mới tại Anh vốn được cho là có khả năng lây nhiễm rất cao.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 3.807.219 ca mắc COVID-19, trong đó 99.893 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.496.439 trường hợp, trong đó 48.478 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.320 ca mắc mới COVID-19 và 165 ca tử vong vì đại dịch. Khu vực Nam Phi chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tính về số ca nhiễm, tiếp đến là khu vực Bắc Phi.
Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Ngày 17/2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đạt một thỏa thuận mua thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) trong năm nay, tăng gần gấp đôi số liều vaccine mà EC đăng ký mua từ công ty công nghệ sinh học này của Mỹ cho năm 2021. Theo thỏa thuận, EU còn có thể lựa chọn mua thêm 150 triệu liều vaccine nữa của hãng Moderna cho năm 2022.
EC cho biết với thỏa thuận mới này, EU đã mua đủ 2,6 tỉ liều vaccine của 6 hãng sản xuất vaccine trong khi dân số của EU là 450 triệu người.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận này giúp EU tiến gần tới mục tiêu chính là đảm bảo rằng toàn bộ người dân trong khối được tiếp cận càng sớm càng tốt với vaccine phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả./.
*** Tân Thủ tướng Italia “tự tin” vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tiếp theo
Vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Italia hôm 17/2 (giờ địa phương), chính phủ mới của tân Thủ tướng Mario Draghi sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào hôm nay (18/2).
Nga tung video tiêm kích Su-27 “đuổi” máy bay Pháp ở Biển Đen
Hai tiêm kích hạng nặng Su-27 được quân đội Nga triển khai tới Biển Đen để ngăn chặn nguy cơ nhóm máy bay quân sự của Pháp tiến vào không phận Nga.
Mỹ kêu gọi Iran “mở cửa” cho thanh tra của IAEA
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 17/2 cho biết Mỹ hối thúc Iran hủy bỏ quyết định hạn chế việc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hàng trăm nam sinh viên Nigeria bị bắt cóc
The Guardian ngày 17/2 đưa tin, một băng nhóm tội phạm tại Nigeria đã bắt cóc hàng trăm nam sinh cùng một số giáo viên tại ký túc xá của trường cao đẳng ở thị trấn Kagara, bang Niger, miền Trung nước này.
“Luồng gió mới” cho Tổ chức Thương mại Thế giới
Việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tân Tổng giám đốc đã chính thức chấm dứt hơn nửa năm tổ chức này hoạt động ở trạng thái “rắn không đầu”. Giới chuyên gia nhận định, làn gió mới mang tên Okonjo-Iweala sẽ mang đến những cơ hội để vực dậy nền kinh tế thế giới hậu đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần định vị lại “thương hiệu” WTO.
Toà cấp cao nhất Seoul ra bản án với Phó Chủ tịch Samsung
Yonhap ngày 17/2 dẫn tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong hồi cùng ngày đã bị Toà án cấp cao Seoul tuyên án trong vụ hối lộ cụ Tổng thống Park Geun-hye.
Tổng thống Mỹ muốn “đổ” nhiều tiền hơn thay vì cắt ngân sách cảnh sát
Tổng thống Mỹ muốn “đổ” nhiều tiền hơn vào hoạch định lực lượng cảnh sát địa phương nhằm đa dạng hóa và đào tạo các sĩ quan cảnh sát tốt hơn.
Bắt giữ người đàn ông mặc đồ lặn vượt biên sang Hàn Quốc
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 17/2 cho biết một người đàn ông Triều Tiên đã bị bắt sau khi cố tìm cách vượt biên sang Hàn Quốc qua biên giới hàng hải phía đông.
Tuyết phủ trắng nước Mỹ, nhiệt độ thấp kỷ lục được ghi nhận
Mùa đông khắc nghiệt lịch sử tại Mỹ đã giết chết ít nhất 21 người, khiến hàng triệu người mất điện và đe dọa vùng Đông Nam nước Mỹ.
Nga-Iran tập trận chung trên Ấn Độ Dương
Tàu quân sự của Nga và Iran tham gia một cuộc tập trận chung trên biển Ấn Độ Dương nhằm tăng cường an ninh và thương mại hàng hải quốc tế.
Trung Quốc “không muốn thấy” những gì đang xảy ra tại Myanmar
Đại sứ Trung Quốc cho biết tình hình chính trị hiện tại tại Myanmar “hoàn toàn không phải như những gì Trung Quốc muốn thấy” và bác bỏ những tin đồn trên mạng xã hội về việc Trung Quốc có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 vừa qua.
Mỹ “cân nhắc lại” quan hệ với một số nước Trung Đông
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc điện đàm với nhiều đồng minh, tuy nhiên, ông vẫn chưa có cuộc điện đàm nào với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển thông qua công nghệ số tại Liên hợp quốc
Từ ngày 8 đến 17/2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Khóa họp lần thứ 59 Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp quốc (CsoD) được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững: Vai trò của công nghệ số đối với phát triển xã hội và phúc lợi cho tất cả mọi người”. Việt Nam đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong khóa họp lần này.
Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh mới
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị giới chức buộc tội vi phạm Luật quản lý thảm họa quốc gia, sau cáo buộc đầu tiên về nhập khẩu bộ đàm trái phép.
Bom nổ trong lớp học chế tạo bom, 30 tay súng Taliban bỏ mạng
Ít nhất 30 tay súng thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban thiệt mạng khi một quả bom bất ngờ phát nổ trong lúc họ đang tham gia một lớp học chế tạo mìn ở Afghanistan.
Xe bus lao xuống kênh nước, 37 người thiệt mạng
Ít nhất 37 hành khách trên một chiếc xe bus đã thiệt mạng khi chiếc xe chở họ lao xuống một kênh nước ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ.
Iran dọa “khóa tay” thanh sát viên hạt nhân quốc tế
Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể bị tước quyền thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Mỹ không dỡ bỏ cấm vận.

Tổng hợp-TT