Biến thể Delta hoành hành, Nga nguy cơ ‘vỡ trận’ trong cuộc chiến chống COVID-19; WHO cảnh báo biến thể Delta lây lan nhanh, trở thành chủng trội toàn cầu; Giá bất động sản tại Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh, đây là các lý do; Lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta…là những tin chính được cập nhật.
Biến thể Delta hoành hành, Nga nguy cơ ‘vỡ trận’ trong cuộc chiến chống COVID-19
Ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Nga do biến thể delta. (Ảnh: Reuters)
(VTC News) – Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh trong thời gian qua do biến thể Delta khiến Nga phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh trở lại ở Nga kể từ đầu tháng 6, duy trì ở mức trên 10.000 người mỗi ngày từ 11/6. Nguyên nhân chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta nguồn gốc từ Ấn Độ và tốc độ tiêm vaccine chậm.
Riêng hôm 18/6, Nga ghi nhận 17.262 ca COVID19, trong đó 453 trường hợp thiệt mạng. Matxcơva là nơi có số người nhiễm bệnh cao nhất với 9.056 trường hợp. Chỉ trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở thủ đô của Nga tăng gấp 3 lần.
Trước tình hình ca mắc COVID-19 tăng mạnh, Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin đã mở rộng các hạn chế, trong đó cấm các sự kiện hơn 1.000 người, đóng cửa từ 11 giờ đêm đối với các nhà hàng và đóng cửa các địa điểm tổ chức cho người hâm mộ theo dõi giải vô địch bóng đá châu Âu.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thị trưởng Sergei Sobyanin: “Theo dữ liệu mới nhất, 89,3% cư dân Matxcơva được chẩn đoán mắc COVID-19 có biến Delta, nguồn gốc từ Ấn Độ”.
Theo các chuyên gia y tế, Delta hiện là biến thể COVID-19 thống trị tại Matxcơva. Tình trạng số ca bệnh tăng nhanh thời gian gần đây khiến Nga đối mặt với nguy cơ rơi vào tình cảnh khủng hoảng COVID-19 tương tự Ấn Độ, Nepal.
WHO cảnh báo biến thể Delta lây lan nhanh, trở thành chủng trội toàn cầu
Kinhtedothi – Quan chức phụ trách khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta, có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/6, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho biết: “Biến thể Delta đang dần trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao của nó”.
Anh báo cáo số ca nhiễm biến chủng Delta, hay B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ tăng mạnh. Các quan chức y tế công cộng cao cấp của Đức dự đoán biến thể Delta sẽ trở thành chủng trội ở nước này bất chấp tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng.
Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Moscow gần đây tăng đột biến, chủ yếu với biến chủng Delta, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba tại Nga.
Bà Swaminathan cũng bày tỏ thất vọng về thất bại của vaccine CureVac, đặc biệt trong bối cảnh các biến chủng mới với khả năng lây nhiễm cao làm tăng nhu cầu về vaccine mới hiệu quả hơn.
Theo bà Swaminathan, thế giới đã kỳ vọng nhiều hơn từ ứng viên vaccine của CureVac, sản phẩm sử dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA), tương tự vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna với hiệu quả cao tới 90%.
“Chỉ vì một loại vaccine mRNA, chúng ta không thể cho rằng tất cả vaccine mRNA đều giống nhau vì mỗi loại đều có công nghệ hơi khác nhau”, bà Swaminathan cho biết, đồng thời nói rằng thất bại bất ngờ của CureVac nhấn mạnh giá trị của các thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ nhằm kiểm tra sản phẩm mới.
Trước đó, hãng CureVac của Đức thông báo thất bại trong phát triển vaccine Covid-19, khi sản phẩm của họ chỉ đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh khoảng 47% và không đáp ứng tiêu chuẩn 50% của WHO. Hãng CureVac nói rằng họ ghi nhận ít nhất 13 biến chủng.
Theo các quan chức WHO, châu Phi vẫn là khu vực đáng lo ngại, dù khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới chiếm khoảng 5% và ca tử vong mới chiếm khoảng 2% toàn cầu.
Mike Ryan – người đứng đầu Chương trình Các tình trạng khẩn cấp của WHO, cho biết số ca nhiễm mới ở Namibia, Sierra Leone, Liberia và Rwanda tăng gấp đôi trong tuần trước khi khi việc tiếp cận vaccine còn hạn chế. “Đó là tình trạng cực kỳ đáng lo ngại”, ông Ryan cho hay. “Thực tế phũ phàng là trong thời điểm xuất hiện nhiều biến chủng với khả năng lây lan ngày càng tăng, chúng ta đã bỏ lại những vùng dân cư rộng lớn và dễ bị tổn thương của châu Phi, vốn không được bảo vệ với vaccine”./.
Giá bất động sản tại Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh, đây là các lý do
(DTO) Theo chuyên gia của Deutsche Bank, nhu cầu bất động sản nhà ở của người Trung Quốc vẫn đang tăng mạnh và có 3 yếu tố để thúc đẩy điều này.
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố cho thấy giá nhà mới tại đất nước tỷ dân trong tháng 5 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,8% so với tháng 4.
Cụ thể, giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố của Trung Quốc đã tăng 0,6% so với tháng 4, tương tự mức tăng trưởng trong tháng 4 so với tháng 3.
Theo bà Linan Liu – Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Deutsche Bank – đầu tư vào bất động sản của người dân Trung Quốc vẫn tăng khá mạnh. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng lại thấp hơn dự đoán.
Nói với CNBC, bà Liu cho rằng, các hộ gia đình vẫn có nhu cầu khá cao về bất động sản để làm nơi ở chính hoặc làm tài sản cất giữ.
Đô thị hóa tăng
Theo bà, một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu là tốc độ đô thị hóa tăng. Bà cho biết, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc vào cuối năm 2020 là khoảng 64%.
Chính sách 3 con
Một yếu tố nữa khiến người Trung Quốc quan tâm nhiều đến bất động sản là chính sách 3 con vừa ban hành mới đây của nước này, theo bà Liu.
Thị trường việc làm cải thiện
Cuối cùng, khi thị trường lao động được cải thiện cũng có thể thúc đẩy nhu cầu về bất động sản, theo bà Liu.
Theo Reuters, tỷ lệ thất nghiệp chung tại các thành phố ở Trung Quốc đã giảm xuống 5% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019.
*** Lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta (ĐCSVN) – Trong báo cáo cập nhật mới nhất về Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về một mối nguy hiểm khác từ “các biến thể đáng lo ngại”. Đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia cho biết đã phát hiện 107 ca nhiễm biến thể Delta trong 148 ca nhiễm 3 biến thể được WHO liệt vào trong danh sách cần quan tâm. Con số này tăng đáng kể so với 32 ca ghi nhận tuần trước.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 19/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 178.572.678 ca, trong đó 3.866.196 ca tử vong và 163.033.070 ca đã được chữa khỏi.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 11.514 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.391.053 ca, trong đó 616.884 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm, với 60.798 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 29.822.762 ca, trong đó 385.167 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 1.269 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 17.802.176 ca và số ca tử vong là 498.621. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 98.135 ca nhiễm mới, 2.449 ca tử vong.
Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (54.220.937 ca). Với 47.387.289 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.300.910 ca và Nam Mỹ với 31.390.927 ca. Châu Phi (5.200.862 ca) và châu Đại Dương (71.032 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Âu, trong khi tình hình dịch bệnh nhiều nước có xu hướng giảm và đã bắt đầu mở cửa trở lại, thì dịch bệnh tại Anh và Nga vẫn diễn biến phức tạp. Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Nga, trên cả nước có 17.262 ca mắc mới – cao chưa từng có kể từ ngày 1/2/2021 đến nay, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 5.281.309 ca. Cũng trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva ghi nhận 9.056 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong một ngày ghi nhận tại Moskva kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh công bố các số liệu cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tính theo tuần tiếp tục tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, trong tuần (tính đến ngày 16/6), đã có 33.630 ca mới nhiễm biến thể Delta, đưa tổng số ca nhiễm lên 75.953, tăng 79% so với mức tổng ghi nhận trong tuần trước đó. Hiện biến thể Delta chiếm 91% số ca nhiễm. Tính đến ngày 14/6, tổng cộng 806 ca nhập viện vì nhiễm biến thể này, tăng gần gấp đôi so với con số 423 ca trong tuần trước. Cho đến nay, Anh ghi nhận tổng số 4.610.893 ca nhiễm COVID-19.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 18/6, Indonesia ghi nhận thêm 12.990 ca mắc mới – mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay kể từ cuối tháng 1, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.963.266 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 290 trường hợp tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 54.043.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về một mối nguy hiểm khác từ “các biến thể đáng lo ngại”. Đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia cho biết đã phát hiện 107 ca nhiễm biến thể Delta trong 148 ca nhiễm 3 biến thể được WHO liệt vào trong danh sách cần quan tâm. Con số này tăng đáng kể so với 32 ca ghi nhận tuần trước. Do đó, WHO kêu gọi Indonesia thực thi các biện pháp nghiêm ngặt hơn và hành động khẩn cấp trước sự gia tăng các ca nhiễm biến thể đáng lo ngại.
Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 41.581 ca, sau khi có thêm 799 ca mắc mới, trong đó có 702 ca lây nhiễm cộng đồng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, số ca hồi phục tiếp tục có dấu hiệu khả quan với 910 người khỏi bệnh. Trước tình trạng số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao (97 ca trong ngày 18/6), Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo điều trị riêng những ca nhập cảnh nhiễm các biến thể dễ lây lan, đồng thời yêu cầu phải cách ly riêng những trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm những biến thể này.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã điều chỉnh việc phân loại các khu vực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ tuần tới. Thái Lan đã ghi nhận 3.058 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc COVID-19 lên 210.782, trong đó có 1.577 ca tử vong.
Trong khi đó, với việc xuất hiện thêm các ổ dịch mới và số ca lây nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng tăng trở lại, nhà chức trách Singapore quyết định điều chỉnh kế hoạch giãn cách xã hội và triển khai thêm một số biện pháp mới nhằm sớm kiểm soát tình hình. Theo đó, từ ngày 21/6 tới, các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như các địa điểm ăn uống và thể dục/thể thao trong nhà sẽ chỉ giới hạn theo nhóm 2 người từ ngày 21/6 tới, thay vì nhóm 5 người như kế hoạch trước đó. Thời gian mở lại cho nhóm 5 người có thể sẽ bắt đầu vào giữa tháng 7 nếu tình hình cho phép. Hiện Singapore ghi nhận tổng số 62.382 ca nhiễm COVID-9./.