VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 19/3/2019.

“Giải mã” thói quen đúng giờ của người Nhật; Mùa xuân Arab thứ hai?;  Xả súng nghi khủng bố tại Hà Lan: 3 người chết, 9 người bị thương; Thảm họa khủng khiếp, hơn nghìn người có thể đã chết…là những tin chính được cập nhật.

“Giải mã” thói quen đúng giờ của người Nhật

    Tính đúng giờ đã được xem là một nguyên lý chủ chốt cho những bước tiến của Nhật Bản từ một đất nước nông nghiệp trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại – Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Trước đây, người Nhật Bản không phải lúc nào cũng đúng giờ…
Tháng trước, Nhật Bản rúng động vì một vụ bê bối: Bộ trưởng phụ trách vấn đề Olympics của nước này Yoshikata Sakurada đến dự một cuộc họp tại Quốc hội muộn 3 phút.
Phe đối lập đã tiến hành một cuộc biểu tình kéo dài 5 giờ đồng hồ để phản đối vụ đến muộn của ông Sakurada, trong khi dư luận tỏ thái độ giận dữ. Vài ngày sau, vị Bộ trưởng buộc phải lên tiếng xin lỗi.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), không chỉ đối với các chính trị gia, mà đối với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào ở Nhật Bản, đúng giờ luôn là một vấn đề quan trọng nhất.
Vào năm 2018, một đoàn tàu điện ngầm của công ty đường sắt Nhật Bản JR-West Railway khởi hành sớm 25 giây, dẫn tới một làn sóng chỉ trích và công ty này cũng phải xin lỗi. Truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin về vụ việc và đánh giá đây là một lỗi lớn của JR-West Railway. “Sự bất tiện to lớn mà chúng tôi gây ra cho khách hàng của mình thực sự không thể biện minh được”, tuyên bố của JR-West Railway sau đó có đoạn viết.
“Cha mẹ luôn dạy tôi việc quan trọng là không được đi muộn, phải nghĩ đến sự bất tiện mà mình gây ra cho người khác khi mình đến muộn”, Issei Izawa, một sinh viên Nhật 19 tuổi, nói.
Bà nội trợ Kanako Hosomura, 35 tuổi, sống ở Saitama, Nhật Bản, nói rằng cô rất không thích việc đến muộn, cho dù chỉ muộn 1 phút.
“Tôi thích đến sớm, vì tôi thà chờ người khác còn hơn là để người khác phải đợi mình”, Hosomura nói, và cho biết cô sẽ không giữ quan hệ bạn bè với những người đến muộn và gây sự bất tiện cho người khác.
Thói quen đúng giờ của người Nhật thậm chí đã bị nhiều du khách nước ngoài đến nước này xem là một trong những điều “kỳ quặc” nhất của xứ mặt trời mọc. Tuy nhiên, trên thực tế, sự đúng giờ ở nơi làm việc có một ảnh hưởng không hề nhỏ đối với nền kinh tế.

Mùa xuân Arab thứ hai?
(SGGP) Những hình ảnh các cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô nhiều nước khối Arab gần đây cho người ta liên tưởng tới một cuộc cách mạng Mùa xuân Arab lần thứ 2 tương tự như lần đầu vào năm 2011.
Tại Ai Cập, nơi bắt nguồn của Mùa xuân Arab, Tổng thống Abdel Fatah al-Sissi đang trong quá trình gia tăng quyền lực để có thể cầm quyền lâu dài như cựu Tổng thống Hosni Mubarak từng làm. Tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng giành nhiều ưu thế và có thể sẽ cầm quyền thêm nhiều nhiệm kỳ. Ngay cả các nước được xem là “dân chủ” ở vùng Vịnh Persic, đứng đầu là Saudi Arabia, các lực lượng đối lập cũng đang bị thất thế. Tại Algeria, các nhóm tướng lĩnh, quan chức và giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn vẫn đang ủng hộ Tổng thống Bouteflika. Nhiều người tham gia các cuộc cách mạng năm 2011 tại đây đã chết, bị cầm tù hoặc mất tinh thần.
Khác xa với sự hưng thịnh của kinh tế Trung Quốc hay Nga, là 2 hình mẫu mà các nước Arab đang hướng tới, xã hội các nước Arab lại một lần nữa khiến người dân cảm thấy chán nản và thất vọng. Kinh tế Ai Cập và Saudi Arabia chưa phát triển, cùng với tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa tư bản nhà nước đang đẩy lùi đầu tư nước ngoài. Hai nước này cũng đang lãng phí hàng chục tỷ USD đầu tư vào các thành phố mới. Tương tự, ngân sách Algeria đang giảm sút do giá dầu giảm. Dự trữ ngoại hối đã giảm một nửa kể từ năm 2013, và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 11%, trong đó người trẻ tuổi thất nghiệp có tỷ lệ cao gấp đôi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì 2/3 dân số Algeria (42 triệu người) dưới 30 tuổi.
Leslie Campbell, một chuyên gia kỳ cựu của Viện Dân chủ Quốc gia (Mỹ), tóm tắt bối cảnh khu vực Arab trong một bài tiểu luận gần đây: Sự tức giận vì tính kiêu ngạo và áp đặt của giới tinh hoa chính trị, quân sự và kinh tế cùng sự thất bại của chính phủ trong việc kìm hãm chi tiêu, chống tham nhũng gợi nhớ đến tâm trạng tương tự như những gì diễn ra trong năm 2010 và đầu năm 2011.

Xả súng nghi khủng bố tại Hà Lan: 3 người chết, 9 người bị thương
(SGGP) Ngày 18-3, một vụ xả súng xảy ra vào khoảng 10 giờ 45 (giờ địa phương) nhằm vào một tàu điện trên phố 24 Octoberplein thuộc TP Utrecht (Hà Lan), khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 9 người bị thương, trong đó có 3 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngay sau vụ xả súng, Chính phủ Hà Lan đã nâng mức đe dọa khủng bố lên cao nhất ở TP Utrecht trong bối cảnh nghi phạm xả súng vẫn đang lẩn trốn. An ninh được thắt chặt tại các trường học, đền thờ Hồi giáo, sân bay và các địa điểm giao thông công cộng. Các trường học ở TP Utrecht cũng đã được lệnh đóng cửa.
Trên tài khoản xã hội Twitter, cảnh sát TP Utrecht cho biết đang truy lùng một người đàn ông có tên Gokman Tanis (ảnh), gốc Thổ Nhĩ Kỳ, 37 tuổi, nghi phạm trong vụ xả súng. Tuy nhiên, theo mạng tin AD của Hà Lan, có nhiều đối tượng tham gia và một nhân chứng cho biết, đã nhìn thấy 4 người đàn ông xả súng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung truy bắt “một hoặc nhiều nghi can” trong vụ xả súng.

Thảm họa khủng khiếp, hơn nghìn người có thể đã chết
Hơn 1.000 người có thể đã chết sau khi lốc xoáy tấn công Mozambique, nhấn chìm toàn bộ nhiều ngôi làng, khiến các thi thể trôi nổi trên nước lũ.
AP dẫn lời Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi nói: “Chúng tôi ghi nhận chính thức là có 84 người thiệt mạng song mọi thứ cho thấy, con số tử vong có thể lến tới hơn 1.000. Đó thực sự là một thảm hoạ nhân đạo khủng khiếp”.
Nhà lãnh đạo này nói thêm: “100.000 người đang gặp nguy hiểm”.
Ông Nyusi tuyên bố như vậy sau khi có chuyến bay thị sát các khu vực bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy và chứng kiến cảnh tàn phá cũng như những nỗ lực cứu hộ.
Lốc xoáy Idai là trận bão chết chóc nhất trong nhiều năm qua, tấn công quốc gia nghèo đói tại đông nam châu Phi này.
Lốc xoáy Idai tấn công Beira, thành phố cảng gồm nửa triệu dân của Mozambique vào hôm thứ năm tuần trước (14/3) rồi sau đó đổ bộ vào Zimbabwe và Malawi.
Tuy nhiên, mất nhiều ngày quy mô thảm họa khủng khiếp này mới được chú ý, do mạng lưới giao thông và thông tin của Mozambique lạc hậu.
Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC) ngày 18/3 cảnh báo, số người thiệt mạng có thể tăng vọt.

***   Nghi phạm xả súng bị bắt giữ, Hà Lan hạ mức đe dọa khủng bố
Cảnh sát Hà Lan ngày 18-3 (giờ địa phương) đã bắt giữ một nghi phạm 37 tuổi, kẻ được cho là đã gây ra vụ xả súng tại thành phố Utrecht nước này sáng cùng ngày khiến 3 người thiệt mạng, The Guardian đưa tin.

Nga điều oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 mang tên lửa Kinzhal đến Crimea
Quân đội Nga thông báo điều oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 tới bán đảo Crimea để đáp trả việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở quốc gia láng giềng Romania.

Vụ án mạng chấn động làn sóng chống người di cư
Năm 2018, một thiếu niên người Đức bị sát hại và cái chết của cô gái nhanh chóng trở thành tâm điểm cho làn sóng chống người di cư. Tin đồn nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội rằng cô gái bị một người nhập cư Hồi giáo sát hại. Nhưng sự thật về những gì đã xảy ra rất khác với suy đoán mang tính hoang đường.

Xác định danh tính nghi phạm nổ súng tại Hà Lan
CNN ngày 18-3 đưa tin, liên quan tới vụ nổ súng tại ga tàu điện ở Utrecht, miền Trung Hà Lan, cảnh sát thành phố này đã nhận dạng được nghi phạm, đồng thời nêu rõ nghi phạm là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ: Phanh phui đường dây chạy trường triệu đô
Ngày 12-3 vừa qua, Chính phủ liên bang Mỹ đã truy tố William Singer, một nhà tư vấn tuyển sinh đại học có trụ sở tại Newport Beach, California và 33 phụ huynh khác, bao gồm cả nữ diễn viên Lori Loughlin và Felicity Huffman, vì các tội danh hối lộ và lừa đảo nhằm chạy cho con vào các trường đại học danh tiếng như Yale, Stanford, Nam California.

Chuyến thăm Iraq của Tổng thống Iran Rouhani
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa thực hiện chuyến thăm Iraq từ ngày 11 đến 14-3, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, đồng thời được cho là sẽ mở ra hướng đi để Iran thoát vòng vây cấm vận của Mỹ.

Canada: Bê bối chính trị nhằm vào Thủ tướng
Một vụ lùm xùm thao túng hậu trường chính trị đang khiến cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau gặp rắc rối đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 4 năm. Giới quan sát đánh giá vụ việc đang làm mờ đi phần nào hình ảnh hấp dẫn của vị thủ tướng trẻ từng là tâm điểm thu hút báo chí, từng được đa số dân Canada mến mộ do những chính sách mới mẻ nhằm nâng cao vị thế phụ nữ, quan tâm người da đỏ bản xứ…

Cơn khủng hoảng của Boeing
Nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 của Hãng Hàng không Ethiopia ngày 10-3 vẫn chưa được làm sáng tỏ. Dựa trên nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên, trước mắt, Boeing 737 Max 8 vẫn là thứ để dư luận đổ lỗi. Và điều này đang khiến hãng Boeing thực sự lao đao.

Brexit chưa đoán định
Nghị Viện Anh hôm 12-3 đã bỏ phiếu bác bỏ lần 2 kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu của Thủ tướng Theresa May. Ngày 13-3, cơ quan này lại bỏ phiếu phản đối việc rời EU trong bất cứ trường hợp nào nếu không có thỏa thuận. Một kịch bản khả thi cho Brexit giờ đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Hy Lạp tưởng niệm các nạn nhân của “chuyến tàu chết chóc Holocaust”
Euronews đưa tin, hôm 17-3, hơn 2.000 người Hy Lạp tại thành phố Thessaloniki đã tổ chức tuần hành để tưởng nhớ những nạn nhân Do Thái đầu tiên của “chuyến tàu chết chóc Holocaust” 76 năm về trước (15-3-1943).

Ethiopia hé lộ dữ liệu trích xuất từ hộp đen vụ rơi máy bay
Reuters hôm 17-3 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Ethiopia cho biết dữ liệu hộp đen của máy bay Boeing 737 MAX 8 thuộc Ethiopian Airlines bị rơi hôm 10-3 có “những điểm tương đồng” với vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10-2018.

Cuộc chiến không của riêng ai
New Zealand vừa trải qua “những ngày đen tối” khi 50 người thiệt mạng trong hai vụ xả súng tại các đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15-3.

Gia đình nghi phạm xả súng hàng loạt ở New Zealand nói gì?
Hai ngày sau vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch (New Zealand) hôm 15-3, mới đây, gia đình của nghi phạm mang quốc tịch Australia Brenton Tarrant đã chính thức lên tiếng.

Tiết lộ hành tung nghi phạm xả súng đẫm máu tại New Zealand
Truyền thông New Zealand ngày 17-3 đã tiết lộ về hành tung của Tarrant, tay súng đứng sau hai vụ xả súng hàng loạt vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Giới chức Ethiopia nắm trong tay dữ liệu hộp đen vụ máy bay rơi
Mới đây, Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA) đã thông báo rằng, dữ liệu của một trong hai hộp đen trong vụ máy bay Ethiopia bị rơi cách đây một tuần đã được gửi tới các nhà điều tra Addis Ababa.

Bất đồng xung quanh việc phóng thích cựu Tổng thống Cote d’Ivoire
Sau khi cựu Tổng thống Cote d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Laurent Gbagbo được phóng thích tạm thời với sự bảo lãnh của Bỉ, tranh cãi đã nổ ra. Bởi hơn 3 năm trước (28-1-2016), ông Laurent Gbagbo trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Hay, Hà Lan xét xử.

Đằng sau quyết định buộc tội cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf của Tòa án chống tham nhũng
Ngay sau khi Tòa án chống tham nhũng đưa ra cáo buộc đối với cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf cùng 6 quan chức, dư luận đã có những phản ứng khác nhau.

Tổng hợp-TT