Ý tưởng ‘người già ưu tiên người trẻ’ thổi bùng tranh cãi; 40% người Mỹ nói không với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc; Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19; Thụy Điển ghi nhận tháng chết chóc nhất trong gần 30 năm; Trung Quốc sẽ phong tỏa khu vực hơn 100 triệu dân vì Covid-19; Thử thành công vaccine Covid-19 trên người…là những tin chính được cập nhật.
Ý tưởng ‘người già ưu tiên người trẻ’ thổi bùng tranh cãi
Ảnh minh họa.
Nhật BảnMột bác sĩ nhận nhiều chỉ trích khi kêu gọi người cao tuổi chấp nhận dành ưu tiên y tế cho các bệnh nhân trẻ tuổi mắc Covid-19.
“Thẻ chấp thuận” là ý tưởng của chuyên gia tim mạch Fuminobu Ishikura, mẫu thẻ được đăng tải trên trang web của ông từ tháng 2. Theo ông, người già có thể sử dụng “thẻ” để khẳng định sự đồng ý để bác sĩ ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trẻ hơn, có cơ hội sống sót cao hơn.
“Một tháng trước, Italy và Tây Ban Nha có quá nhiều bệnh nhân. Lượng máy thở và thậm chí giường bệnh không đủ để điều trị. Vì vậy bác sĩ phải lựa chọn sẽ chữa bệnh cho ai”, ông Ishikura nói.
Y bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới phải nhắc giữa việc điều trị cho người già, cần chăm sóc khẩn cấp nhưng có tỷ lệ khỏi bệnh thấp hơn; hay ưu tiên bệnh nhân trẻ, cơ hội sống sót cao.
“Đây là một quyết định rất khó khăn. 20 năm trước, tôi làm việc trong một phòng cấp cứu của bệnh viện và biết được những gì bác sĩ phải đối mặt. Các đồng nghiệp của tôi đang phải đưa ra lựa chọn sinh tử, và điều này khiến họ cảm thấy tổn thương”, ông Ishikura nói.
Đề xuất về “thẻ chấp thuận” vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia và hội đồng y đức. Ngày 23/4, Hiệp hội các bậc phụ huynh có con bị Down cho rằng ý tưởng của ông Ishikura có thể khiến người khuyết tật chịu thiệt thòi và không được điều trị một cách thích hợp.
40% người Mỹ nói không với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc
(NLĐO) – Khoảng 40% người Mỹ cho biết họ sẽ không mua các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, theo cuộc khảo sát mới của Công ty tư vấn FTI Consulting, trụ sở ở thủ đô Washington.
Cuộc khảo sát trên được tiến hành với 1.012 người từ ngày 12 đến 14-5.
Cũng theo cuộc khảo sát trên, 55% người tham gia không nghĩ rằng nên tin tưởng Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký kết hồi tháng 1. 78% người Mỹ nói họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm nếu công ty sản xuất chúng dời nhà máy khỏi Trung Quốc. 66% người xem việc tăng các hạn chế nhập khẩu, thay vì theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do, là cách thức tốt hơn để thúc đẩy kinh tế Mỹ.
Với các nhà quan sát của chính sách thương mại, việc người tham gia ủng hộ tăng hạn chế nhập khẩu rất đáng chú ý vì đa số người Mỹ có truyền thống xa lánh chủ nghĩa bảo hộ. Theo một khảo sát của Công ty Gallup, gần 4/5 người dân nước này xem thương mại quốc tế là cơ hội chứ không phải mối đe dọa và con số này đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua.
Sau 2 năm chiến tranh thuế quan và giờ là đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi không ít người Mỹ có suy nghĩ tiêu cực về đối thủ kinh tế chính của nước này. Tuy nhiên, mức độ và thời điểm dư luận Mỹ thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc (chưa đầy 6 tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra) có thể tác động không nhỏ.
Chẳng hạn như một số nhân vật không ưa Trung Quốc trong nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể leo thang chỉ trích Bắc Kinh, đe dọa gây xáo trộn thị trường tài chính.
Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19
(Doanhnhan.vn) – ‘Con rồng châu Á” đã không thể vượt qua những ảnh hưởng khủng khiếp của dịch bệnh khi ghi nhận tăng trưởng GDP âm 2 quý liên tiếp.
Nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2015. Theo số liệu chính thức công bố hôm 18/5, GDP quý I/2020 của Nhật suy giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, và giảm 7,4% so với quý IV/2019.
Như vậy, kinh tế Nhật Bản đã có quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, qua đó về lý thuyết được đánh giá là chính thức rơi vào suy thoái. Quốc gia này là cường quốc kinh tế đầu tiên trên thế giới suy thoái vì dịch Covid-19.
Ở Nhật Bản, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khỏe cho nền kinh tế. Thế nhưng, dưới tác động của Covid-19, các hộ gia đình Nhật đã thắt chặt chi tiêu, ngay cả với nhu yếu phẩm, các công ty thu hẹp quy mô, giảm bớt nhân sự.
Xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 6,0% trong quý đầu tiên, mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2011. Tiêu dùng tư nhân, vốn chiếm hơn một nửa trong nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD của Nhật, đã giảm 0,7% trong quý I/2020. Điều này đã ngay lập tức khiến GDP quý I của Nhật thu hẹp 3,4% và siết chặt dư địa tăng trưởng của quý II.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dự báo nền kinh tế Nhật sẽ suy giảm 22% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục kể từ khi số liệu về nền kinh tế này được ghi nhận.
Thụy Điển ghi nhận tháng chết chóc nhất trong gần 30 năm
Số người Thụy Điển tử vong trong tháng 4 cao nhất 27 năm qua, khi nước này không áp phong tỏa nghiêm ngặt ngăn Covid-19.
Số liệu do Cơ quan Thống kê Thụy Điển công bố hôm 18/5 cho thấy nước này ghi nhận 10.458 người chết trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 12/1993, thời điểm có nhiều đợt bùng phát dịch cúm bất thường khiến 11.057 người chết.
“Chúng tôi phải lật lại số liệu từ tháng 12/1993 mới phát hiện số người chết cao nhất trong một tháng kể từ thời điểm đó”, Tomas Johansson, nhà thống kê dân số thuộc cơ quan thống kê Thụy Điển, cho hay.
Trung Quốc sẽ phong tỏa khu vực hơn 100 triệu dân vì Covid-19
Khoảng 108 triệu dân ở các tỉnh đông bắc Trung Quốc sẽ phải quay lại phong tỏa khi một ổ dịch mới bùng phát đe dọa việc khôi phục trở lại nền kinh tế và xã hội của Bắc Kinh.
Chính quyền Trung Quốc đã buộc phải áp dụng biện pháp phong tỏa, đi ngược với xu thế mở cửa trở lại đang diễn ra trên toàn quốc. Các thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa, dừng hoạt động đường sắt và xe buýt, đóng cửa trường học và cách ly hàng chục nghìn người, Bloomberg cho biết.
Trong một thông báo trên WeChat hôm 18/5, chính quyền thị xã Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, cho biết sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn virus. Các khu dân cư có người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 sẽ bị phong tỏa hoàn toàn, mỗi gia đình chỉ có một người được phép ra ngoài để mua nhu yếu phẩm trong 2 giờ mỗi ngày.
Các biện pháp phong tỏa mới làm nản lòng nhiều người dân, những người tin rằng dịch bệnh tồi tệ nhất ở Trung Quốc đã kết thúc.
Thử thành công vaccine Covid-19 trên người
8 tình nguyện viên khỏe mạnh được tiêm thử vaccine đã sinh kháng thể đặc hiệu chống lại nCoV.
Kết quả được công ty công nghệ sinh học Moderna công bố ngày 18/5. Vaccine Covid-19 đầu tiên thử nghiệm trên người dường như an toàn và có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch.
8 tình nguyện viên được tiêm thử hai liều vaccine, bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Kết quả cho thấy nồng độ kháng thể sản sinh bằng với người đã khỏi Covid-19, đủ để ngăn ngừa virus nhân lên.
Đại diện công ty cho biết họ đang tăng tốc nghiên cứu. Giai đoạn hai, với sự tham gia của 600 người, sẽ bắt đầu sớm. Giai đoạn ba dự kiến diễn ra vào tháng 7, trên hàng nghìn tình nguyện viên khoẻ mạnh.
*** Cập nhật 7h ngày 19/5: Số ca Covid-19 ở Ấn Độ vượt 100.000, Nga nỗ lực ngăn chặn lây lan theo cấp số nhân
TGVN. Tính đến 6h ngày 19/5, theo Worldometers, thế giới ghi nhận 4.884.738 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 319.763 ca tử vong và 1.901.974 người bình phục.
Theo Worldometers, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt 100.000, lên 100.340 trường hợp, sau khi tăng thêm 4.642 ca mới trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số người tử vong cũng tăng thêm 131 ca lên 3.156 và đã có 39.233 trường hợp bình phục.
Theo hãng thông tấn PTI, hàng ngàn công dân Ấn Độ, bao gồm cả sinh viên, bị mắc kẹt ở Mỹ trong nhiều tuần do các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, đang thúc giục Chính phủ bổ sung các chuyến bay để sơ tán ở một số thành phố như Houston và Dallas.
Đại sứ quán và lãnh sự quán Ấn Độ ở Mỹ đang làm việc suốt ngày đêm và phải đối mặt với nhiều thách thức để hỗ trợ mọi trường hợp khẩn cấp như bệnh nhân ung thư, phụ nữ mang thai, sinh viên, khách du lịch bị mắc kẹt, công nhân bị sa thải… được trở về quê nhà.
* Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết, đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn “tình trạng lây lan theo cấp số nhân” của dịch bệnh Covid-19 và hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng SARS-CoV-2 trong vài tuần tới.
Phát biểu tại hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên của Đại Hội đồng Y tế Thế giới thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ trưởng Murashko thông báo: “Chúng tôi đang phát triển các loại thuốc điều trị cho mọi người trong tất cả các giai đoạn của Covid-19 và những loại thuốc đó đang được sử dụng. Chúng tôi đang rất nỗ lực phát triển vaccine và hy vọng sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong vòng 1 tháng hoặc lâu hơn”.
Nga hiện tiến hành thử nghiệm các nguyên mẫu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên động vật.
Theo thống kê của Worldometers, hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Nga đã lên tới 290.678 với 2.722 ca tử vong và 70.209 người bình phục.
* Số liệu cập nhật hàng ngày của Bộ Y tế Pháp cho biết, Pháp đã ghi nhận thêm 131 ca tử vong do SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp Covid-19 tử vong lên 28.239 người.
Đáng chú ý, số bệnh nhân Covid-19 thuộc diện điều trị đặc biệt ở Pháp đã giảm 89 người, xuống còn 1.998 trường hợp, lần đầu tiên ở mức dưới 2.000 người kể từ hôm 22/3. Con số này – đóng vai trò là thước đo quan trọng về sức ép đối với hệ thống bệnh viện – đã giảm liên tiếp kể từ ngày 9/4 sau khi lên đến đỉnh điểm 7.148 bệnh nhân.
Hiện Pháp ghi nhận 179.927 ca nhiễm Covid-19, trong đó, vẫn còn 19.015 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.
* Ngày 18/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ghi nhận thêm 451 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc dịch Covid-19 lên 225.886 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 32.007 trường hợp (tăng 99 ca) và số ca hồi phục là 127.326 ca (tăng 2.150 ca).
Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết, số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm với tổng số 10.207 ca (giảm 104 ca), trong đó số ca điều trị tích cực là 749 ca (giảm 13 trường hợp).
* Ngày 18/5, Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan, cựu lãnh đạo phiến quân Riek Machar đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đang tự cách ly. Phu nhân của ông Machar, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Angelina Teny, cùng một số nhân viên văn phòng và vệ sĩ cũng bị mắc bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận 339 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 6 người đã tử vong. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực nhưng dư luận nhận định con số mắc bệnh trên thực tế có thể cao hơn, do các điều kiện để phát hiện dịch bệnh ở Nam Sudan rất thiếu thốn, khi chỉ có 3.908 xét nghiệm đã được thực hiện.
Các cơ quan nhân đạo quốc tế đã đưa ra cảnh báo về sự tăng mạnh các trường hợp nhiễm mới trong những ngày gần đây, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh có thể lây nhiễm cho lượng lớn người trước tình trạng có quá đông người đang tập trung trong các trại tị nạn.
Ông Claudio Miglietta, trưởng phái đoàn của tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Nam Sudan cho biết sự tăng mạnh số lượng bệnh nhân COVID-19 là điều đáng lo ngại. Vấn đề càng trở nên khó giải quyết khi dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện trong các trại tị nạn lớn nhất cả nước. Điều kiện sống khó khăn, sự thiếu thốn các điều kiện vệ sinh tối thiểu cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản đã khiến công tác ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều trở ngại.
Trong tuần này, cơ quan chức năng Nam Sudan cho biết đã phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong một trại tập trung có khoảng 30.000 người ở thủ đô Juba. Đây là những người buộc phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn bạo lực, đang phải trông chờ vào sự hỗ trợ, bảo vệ của Liên hợp quốc từ năm 2013. Một trường hợp nhiễm bệnh khác cũng đã được ghi nhận tại một trại tương tự ở Bentiu, phía Bắc nước này, nơi đang tiếp nhận 120.000 người tị nạn.
* Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 535 ca nhiễm SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 12.764 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Khaled Megahed, số bệnh nhân tử vong do SARS-CoV-2 ở Ai Cập hiện là 645 người, sau khi có thêm 15 ca tử vong trong ngày 18/5. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng ghi nhận thêm 268 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 3.440 người.
Cùng ngày, hãng hàng không quốc gia Egypt Air đã thực hiện chuyến bay đặc biệt để đưa 340 công dân Ai Cập từ Mỹ hồi hương. Ngay khi máy bay hạ cánh tại thành phố Marsa Alam của Ai Cập, những người này đã được kiểm tra y tế và chuyển tới các cơ sở cách ly trong vòng 14 ngày.
Ai Cập bắt đầu hoạt động hồi hương công dân ở nước ngoài kể từ tháng 3 vừa qua, sau khi nhiều nước đóng cửa không phận đối với các chuyến bay thương mại. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly hy vọng sẽ hồi hương tất cả các công dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài trước khi diễn ra kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, dự kiến bắt đầu vào ngày 24/5 tới.
* Bộ Y tế Nam Phi thông báo ghi nhận thêm 918 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 16.433 người, trong đó có 286 ca tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, trong 24 giờ qua, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 14.198 người, nâng tổng số người được xét nghiệm tại nước này lên 475.000 trường hợp. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện, Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 7.298 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh.
Nam Phi đã bước sang ngày thứ 52 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, bắt đầu từ cuối tháng 5, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm từng bước khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
Tính đến 7h ngày 19/5, Việt Nam, đã 33 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, trong khi đó, các ca nhiễm “ngoại nhập” đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam đã có 324 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 263 người đã được công bố khỏi bệnh, 61 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.
*** Những vấn đề gai góc tại cuộc họp trực tuyến về COVID-19 của WHO
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) trực tuyến đầu tiên diễn ra vào hai ngày 18 và 19-5 trong bối cảnh nhiều vấn đề có liên quan nổi lên giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đợt bùng phát COVID-19 thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu
Các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã bày tỏ lo ngại rằng làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 có thể xảy ra vào mùa thu này và có khả năng bị làm trầm trọng thêm bởi các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Ông Trump tiết lộ thuốc đặc biệt phòng nhiễm COVID-19
Hydroxychloroquine, một loại thuốc dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh tự miễn, đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là thuốc “thay đổi cuộc chơi” trong việc chống lại chủng virus Corona mới.
Hơn 100 nước yêu cầu điều tra về COVID-19, Trung Quốc chi 2 tỷ USD ứng phó đại dịch
Trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố gói 2 tỷ USD để giúp giải quyết đại dịch COVID-19.
Mở cửa sau dịch, Australia khuyên người dân “tránh giờ cao điểm”
Chính phủ Australia đang lên kế hoạch mở lại các bãi đỗ xe di động và mở thêm làn đường cho xe đạp ở Sydney cũng như một số thành phố khác, vào thời điểm khu vực đông dân nhất cả nước bắt đầu cho phép hoạt động trở lại trong ngày 18/5 sau nhiều tuần hạn chế đi lại.
Phản ứng không ngờ của nhân viên y tế Bỉ khi Thủ tướng đến thăm
Chuyến thăm của Thủ tướng Bỉ Sophia Wilmes đến một bệnh viện ở thủ đô Brussels được chào đón bằng sự im lặng, khi hàng trăm nhân viên y tế xếp hàng hai bên đường quyết định quay lưng ngay khi bà xuất hiện.
Charles Ponzi: Sau trăm năm thế giới vẫn nhắc tên
Có một doanh nhân được báo chí lăng xê như là một tấm gương rực rỡ, làm ăn chính trực và làm khuynh đảo cả một vùng. Doanh nhân này đã thừa nhận hoạt động kinh doanh bấy lâu nay của mình là lừa đảo và cuối cùng phải mang tiếng siêu lừa suốt cả cuộc đời. Đó là Charles Ponzi.
Dự lễ nhà thờ, 180 người phơi nhiễm COVID-19
Một người không biết mình nhiễm COVID-19 đã tham dự một buổi lễ nhân dịp Ngày của Mẹ tại bang California (Mỹ), khiến 180 người khác phơi nhiễm với virus.
Bất chấp rủi ro để phục vụ nghiên cứu khoa học
Bất chấp rủi ro tử vong hoặc lâm bệnh nguy kịch, hàng ngàn người Mỹ vẫn sẵn sàng cho phép phơi nhiễm chủ động mầm bệnh COVID-19 vào cơ thể. Họ cho rằng, chấp nhận một nghiên cứu nguy hiểm hơn bình thường là hợp lý nhằm tìm ra nhanh nhất vaccine hiệu quả ngừa COVID-19.
Nhà máy sô cô la “Tháng Mười Đỏ” trong chiến tranh Vệ quốc
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhiều xí nghiệp công nghiệp được đưa đi sơ tán đến khu vực an toàn, còn các doanh nghiệp phi quân sự được tái kết cấu dành cho mục đích quân sự, trong số đó có nhà máy sô cô la “Tháng Mười Đỏ”, nơi đã sản xuất hàng nghìn tấn lương khô, sô cô la để cung cấp cho những người lính ngoài mặt trận.
Đại sứ Trung Quốc ở Israel đột tử tại nhà riêng
Jerusalem Post ngày 17/5 dẫn thông báo của cảnh sát Israel cho biết, Đại sứ Trung Quốc ở nước này được tìm thấy tử vong tại nhà riêng. Hiện phía cảnh sát chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về nguyên nhân gây ra cái chết của nhà ngoại giao này.
Barack Obama: Từ “đứa trẻ hư” đến Tổng thống Mỹ
Từ một “cậu bé da đen” rồi “một đứa trẻ hư” đến Tổng thống nước Mỹ, con đường trưởng thành của ông Obama giống như một bộ phim sinh động trong đó ông Obama là vai chính nhưng đạo diễn lại là mẹ của ông.
Hàn Quốc: Vấn nạn “Phòng chat thứ N”
Vấn nạn “phòng chat thứ N” ở Hàn Quốc đã gây chấn động dư luận, các phòng chat này là nơi để các tội phạm tình dục trực tuyến hoạt động bán dâm. Bọn tội phạm lưu trữ các video khiêu dâm của các cô gái trẻ Hàn Quốc bị ép buộc tự quay, hoặc bị hiếp dâm trong các phòng chat trực tuyến.
Nga chuẩn bị điều chế hàng loạt vaccine COVID-19
Hôm 16/5, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh học Nga Alexander Ginsburg cho biết, nhiều khả năng nước này sẽ bắt đầu điều chế hàng loạt vaccine COVID-19 vào tháng 8 tới.
Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra mới với Tổng thống Trump
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick theo đề nghị của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Sau động thái này, Hạ viện Mỹ hôm 16/5 (giờ địa phương) đã quyết định mở cuộc điều tra mới đối với người đứng đầu nước Mỹ.
Biểu tình rầm rộ chống hạn chế đi lại tại châu Âu
Trong khi đại dịch COVID-19 tại “lục địa già” vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu thực sự khả quan, thì mới đây làn sóng biểu tình phản đối các hạn chế đi lại tại nhiều nơi đã nổ ra, gây cản trở nỗ lực chống lại sự lây lan bệnh dịch của các chính phủ.
Tổng hợp-TT