VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 2/6/2021.

      EU khởi động kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19; Mỹ sắp công khai chia sẻ 80 triệu liều vắc xin, một loạt nước xin giúp; Mỹ đau đầu tìm cách chia sẻ vaccine thừa; Kinh tế thế giới biến động như thế nào trong tháng 5?; Tổ chức quốc tế đồng loạt kêu gọi các nước giàu ủng hộ 50 tỷ USD để tiêm vaccine toàn cầu; Thế giới có tổng số 171.899.542 ca nhiễm và 3.575.253 ca tử vong vì dịch COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
EU khởi động kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19
   EU thông qua kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP)
(ĐCSVN) – Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết: “EU sẽ có được nguồn tài trợ cần thiết cho kế hoạch phục hồi kinh tế và xã hội”.
Ngày 31/5, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 sau khi 27 quốc gia thành viên đã thông qua chương trình này.
Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết: “EU sẽ có được nguồn tài trợ cần thiết cho kế hoạch phục hồi kinh tế và xã hội”.
EC sẽ có thể tiếp cận các thị trường vốn và vay tiền để chi cho kế hoạch phục hồi trên danh nghĩa các nước thành viên EU.
Trước đó, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (910 tỷ USD) vào tháng 7/2020 để tái thiết các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng COVID-19. Theo kế hoạch, gói cứu trợ này sẽ bao gồm 500 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 250 tỷ euro cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế.
Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
EU đã đạt thỏa thuận về kế hoạch phục hồi nhưng chương trình này cần phải được tất cả 27 quốc gia thành viên liên minh “bật đèn xanh” trước khi Ủy ban châu Âu có thể vay tiền nhân danh EU.
Mỹ sắp công khai chia sẻ 80 triệu liều vắc xin, một loạt nước xin giúp
(vietnamnet.vn) Mỹ sẽ công bố cách thức bán và phân phối 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 mà nước này đã cam kết chia sẻ với thế giới trong 2 tuần tới.
Theo hãng tin Reuters, khi trò chuyện tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado hôm 1/6, ông Blinken nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào việc phân phối công bằng số vắc xin này, và sẽ không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào vào quá trình phân phối.
Trước đó, hôm 31/5, Tổng thống Biden xác nhận chính quyền của ông sẽ chia sẻ ít nhất 20 triệu liều vắc xin Pfizer Inc/BioNTech SE, Moderna Inc và Johnson & Johnson, cùng với 60 triệu liều AstraZeneca Plc mà ông đã lên kế hoạch cung cấp cho các quốc gia khác.
“Trong vòng hai tuần tới, chúng tôi sẽ công bố quy trình phân phối và bán những loại vắc xin đó”, ông Blinken cho biết trong chuyến công du đầu tiên của mình trên cương vị ngoại trưởng tới Mỹ Latinh, khu vực đang chật vật chống chọi với đại dịch Covid-19.
Nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ thêm, khi đó, các tiêu chí và chi tiết của quy trình sẽ được nêu cụ thể.
Washington đã phải chịu áp lực chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19 để giúp kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ ở nhiều quốc gia, từ Ấn Độ đến Brazil, nơi giới chuyên gia y tế lo ngại các biến thể virus corona mới dễ lây lan hơn có nguy cơ làm giảm hiệu quả của các vắc xin hiện có.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 ở Mỹ đã đạt mức trên 50% đối với người trưởng thành. Nước này đang tích cực triển khai nhiều biện pháp khuyến khích những ngươi chưa muốn đi tiêm thay đổi quyết định.
Mỹ đau đầu tìm cách chia sẻ vaccine thừa
(vnexpress.net) Biden hồi tháng 4 tuyên bố chia sẻ hàng triệu liều vaccine Covid-19 với thế giới trước cuối tháng 6. Năm tuần sau, các nước vẫn chờ đợi xem Mỹ sẽ phân phối thế nào.
Đối với Tổng thống Joe Biden, vaccine dư thừa có thể đóng vai trò là “phần thưởng” cho các đối tác của Mỹ, nhưng cũng là công cụ cần thiết cho y tế toàn cầu, có khả năng cứu sống hàng triệu người và giúp các nước trở lại cuộc sống bình thường, kể cả bạn bè lẫn đối thủ của Mỹ.
Câu hỏi Biden đang phải cân nhắc là nên cung cấp bao nhiêu liều cho những bên đang cần vaccine nhất và bao nhiêu liều cho các đối tác của Mỹ. Câu trả lời dường như là chính quyền sẽ cung cấp phần lớn số vaccine thừa cho Covax, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước có thu nhập thấp hơn.
Mặc dù Mỹ chưa chốt tỷ lệ vaccine ủng hộ cho chương trình này, sự đóng góp của họ sẽ giúp ích rất lớn cho Covax khi chương trình đang bị chững lại vì đại dịch ở Ấn Độ và mới chỉ chia sẻ 76 triệu liều cho các nước nghèo.
Kho dự trữ vaccine Covid-19 ngày càng tăng không chỉ được coi là minh chứng cho sức mạnh của Mỹ mà còn là lợi thế toàn cầu của nước này. Hơn 50% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine và hơn 135 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, giúp đưa tỷ lệ nhiễm và tử vong ở Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Nhiều quốc gia đã đề nghị Mỹ chia sẻ vaccine, nhưng hiện chỉ Mexico và Canada đã nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng công bố kế hoạch gửi vaccine cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ nước này.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ vẫn trong giai đoạn chờ hoàn thiện. Nó là chủ đề của các cuộc tranh luận chính sách bên trong Nhà Trắng và các cơ quan liên bang, liên quan đến Covax, các nhà sản xuất và chuyên gia hậu cần.
Kinh tế thế giới biến động như thế nào trong tháng 5?
(vneconomy.vn) Tháng 5 vừa qua tiếp tục chứng kiến những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Á giữa lúc Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại nhờ tiêm chủng.
Olympics Tokyo 2020 từng được kỳ vọng sẽ là một lễ ăn mừng chiến thắng – một minh chứng rằng thế giới đã đánh bại virus corona. Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tháng là tới lễ khai mạc sự kiện này, nhà chức trách Nhật Bản phải gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và một số thành phố lớn khác để chống lại sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm mới Covid-19.
Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân Nhật muốn hoãn hoặc thậm chí huỷ đăng cai Thế vận hội vì lo ngại đó sẽ là một “sự kiện siêu lây nhiễm”. Một lãnh đạo doanh nghiệp nước này thậm chí còn gọi Thế vận hội là một “sứ mệnh tự sát”.
Tổ chức quốc tế đồng loạt kêu gọi các nước giàu ủng hộ 50 tỷ USD để tiêm vaccine toàn cầu
(/vneconomy.vn) “Rõ ràng thế giới sẽ không thể phục hồi trên diện rộng nếu cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này không chấm dứt. Tiếp cận vaccine Covid-19 là chìa khóa cho cả hai bên”…
Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đồng loạt kêu gọi các nước giàu tài trợ 50 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu, giúp chấm dứt đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
Nhóm nhà lãnh đạo của 4 tổ chức kinh tế và y tế hàng đầu thế giới cho rằng các nước giàu cần hành động trước khi Covid-19 có cơ hội lan rộng tại các quốc gia chưa được tiêm vaccine và phát triển thành các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Theo CNBC, trong thư gửi các tòa soạn báo trên khắp thế giới tuần này, nhóm trên nhấn mạnh rằng thế giới đang chia rẽ theo hai hướng. Thứ nhất là các nước giàu đang tiến tới tiêm vaccine Covid-19 cho hầu hết dân số. Thứ hai là các nước nghèo hơn với chưa tới 1% dân số được tiêm vaccine và đang bị “bỏ lại phía sau”.
“Trong khi một số nước giàu đang thảo luận về việc triển khai tiêm mũi vaccine thứ hai cho người dân, thì đại đa số người dân ở các nước đang phát triển – thậm chí cả những nhân viên y tế tuyến đầu – vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên”, bức thư có chữ ký của Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala viết.
WHO phê duyệt vaccine Sinovac của Trung Quốc
(VTC News) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.
Hôm 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 do Sinovac Biotech sản xuất, mở đường cho vaccine thứ hai của Trung Quốc có thể được sử dụng ở các nước nghèo.
Hội đồng chuyên gia độc lập của WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Sinovac cho người trên 18 tuổi. Các dữ liệu đánh giá cho thấy, loại vaccine này có tác dụng hiệu quả trong việc bảo vệ ở người lớn tuổi.
Quyết định của WHO được đưa ra dựa trên việc xem xét các dữ liệu lâm sàng mới nhất về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Sinovac cũng như thực tiễn sản xuất của công ty. Hôm 5/5, nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO đã họp, xem xét, đánh giá vaccine Sinovac.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng vaccine Sinovac an toàn và hiệu quả, nhấn mạnh không yêu cầu mức độ bảo quản vaccine cao, phù hợp cho các nước có thu nhập thấp.
“Giờ đây, điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa những dụng cụ cứu sinh này đến tay những người cần chúng”, người đứng đầu WHO cho hay.
Sinovac là vaccine thứ hai của Trung Quốc được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Hôm 7/5, vaccine Sinopharm trở thành vaccine đầu tiên không phải của một hãng dược phương Tây được WHO phê chuẩn.
Trong khi đó vaccine thứ ba của Trung Quốc, do CanSino Biologics sản xuất, cũng đã nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiện WHO chưa lên kế hoạch đánh giá.
Tính đến cuối tháng 5, hãng dược phẩm Sinovac đã cung cấp hơn 600 triệu liều ở trong và ngoài Trung Quốc, trong đó có hơn 430 triệu liều đã được sử dụng.
*** Thế giới có tổng số 171.899.542 ca nhiễm và 3.575.253 ca tử vong vì dịch COVID-19
  (ĐCSVN) – Đến sáng 2/6, thế giới có tổng số 171.899.542 ca nhiễm và 3.575.253 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 432.968 ca nhiễm và 10.110 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
     Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 2/6, đã có 154.388.271 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 13.936.018 ca bệnh đang điều trị, có 13.845.344 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 90.674 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 133.228 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (77.898 ca) và Mỹ (10.683 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.205 ca, sau đó là Brazil (2.346 ca) và Argentina (640 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 51.482.408 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 2/6, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 690.694 ca đã tử vong do COVID-19 và 47.628.390 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 28.306.883; 5.256.516 và 2.923.823 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 335.114; 47.656 và 80.327 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 47.305 ca nhiễm và 1.331 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.677.172; 5.081.417 và 4.490.438 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh hiện vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.782 ca, dù không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (126.221 ca) và Nga (121.873 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 39.832.676 ca, trong đó có 894.702 ca tử vong và 32.697.816 ca được điều trị khỏi. Với 34.133.793 ca nhiễm và 619.379 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.413.742 và 1.383.215 ca nhiễm, cùng 223.568 và 25.566 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 149.200 ca nhiễm và 3.670 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 28.959.497 ca và 784.103 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 77.898 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.625.572 vào thời điểm hiện tại. Với 2.346 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 640 ca tử vong mới và Colombia với 523 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 2/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.895.690 ca, trong đó có 131.317 ca tử vong và 4.414.697 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.669.231 ca nhiễm và 56.601 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.614 ca nhiễm mới và 95 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 519.610 và 346.986 ca nhiễm bệnh cùng 9.154 và 12.720 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 68.645 ca nhiễm (tăng 43 ca) và 1.252 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 12 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.118 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Các nước châu Á như: Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka hiện đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 mà Mỹ sẽ hỗ trợ các nước vào cuối tháng 6 này.
Đối mặt với sức ép phải chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh với nhiều chủng mới ở Ấn Độ và Brazil, chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất. Mỹ tuyên bố sẽ gửi số vaccine nói trên cho các nước thông qua cả phương thức trực tiếp và sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo (COVAX).
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 1/6, đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vaccine thứ hai của Trung Quốc đã được WHO “bật đèn xanh”. Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2 – 4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.
Quyết định này của WHO sẽ mở đường cho vaccine thứ hai của Trung Quốc được sử dụng tại các nước nghèo theo COVAX, trong bối cảnh cơ chế này đang đối mặt các vấn đề lớn về nguồn cung khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine./.

TQ-TT