Bì thư “chết người” được gửi đến Nhà Trắng; Ông Suga Yoshihide chính thức trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản; Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain; LHQ kêu gọi toàn thế giới ngừng bắn để ứng phó đại dịch; Khai mạc khóa 75 Đại Hội đồng Liên hợp quốc; Tình hình dịch Covid 19 trên toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Bì thư “chết người” được gửi đến Nhà Trắng
Chất độc ricin được gửi đến Nhà Trắng có thể được dùng để chế tạo vũ khí sinh học. Ảnh: AP.
New York Times ngày 20/9 đưa tin, một phong bì chứa chất kịch độc ricin vốn có thể gây chết người đã được gửi đến Nhà Trắng hôm 19/9. Theo giới chuyên gia, chất kịch độc này hiện không có thuốc giải.
Theo đó, một quan chức liên bang Mỹ chia sẻ trên New York Times rằng, chiếc phong bì “chết người” này được cho là gửi từ Canada. Tuy nhiên, trước khi có thể lọt vào Nhà Trắng, bì thư này đã bị chặn lại ở một trung tâm thư tín của chính phủ.
Hiện tại, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang phối hợp với Cơ quan Mật vụ (USSS) và Cơ quan Thanh tra Bưu điện Mỹ điều tra về vụ việc này. Được biết, không có bất kỳ mối đe doạ nào đối với sự an toàn công cộng.
Nhà Trắng và phía USSS từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Theo CNN, ricin là một chất độc được tìm thấy tự nhiên trong các hạt thầu dầu. Chất này có thể được sử dụng để tạo thành vũ khí sinh học và có thể gây tử vong trong vòng 36 – 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với một lượng nhỏ như đầu kim. Hiện không có thuốc giải độc cho chất độc này.
Việc Nhà Trắng nhận được các phong bì thư chứa chất độc không phải là chuyện hiếm. Hồi năm 2018, William Clyde Allen III ở Utah đã bị truy tố vì gây ra các mối đe dọa liên quan đến ricin, trong đó có việc gửi thư có chứa hạt thầu dầu nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức liên bang khác, bao gồm Giám đốc FBI Christopher Wray. Allen vẫn đang bị giam giữ.
Năm 2014, một người đàn ông ở Mississippi là James Everett Dutschke đã bị kết án 25 năm tù sau khi thừa nhận đã gửi thư có chất gây chết người cho Tổng thống Obama, cũng như một thượng nghị sĩ Mỹ và một thẩm phán tiểu bang.
Ông Suga Yoshihide chính thức trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản
Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn ông Suga Yoshihide – Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền làm Thủ tướng thứ 99 của nước này. Theo đó, ông Suga, 71 tuổi, một chính trị gia kỳ cựu của Nhật Bản đã chính thức trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo, người vừa thông báo từ chức vào tháng trước vì lý do sức khỏe.
Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị mới, ông Suga đã từng có 8 năm làm “cánh tay phải” cho người tiền nhiệm Abe Shinzo dưới vai trò Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Phương châm của tân Thủ tướng Nhật Bản là tiếp tục thúc đẩy các chính sách của người tiền nhiệm Abe Shinzo trong đối phó với đại dịch COVID-19 và chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số biện pháp về cải cách hành chính và cải cách luật lệ cũng trở thành ưu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản.
Trước đó, ngày 14/9, ông Suga Yoshihide Suga, đã được bầu làm Chủ tịch đảng LDP. Trong phiên bỏ phiếu của các nhà lập pháp LDP diễn ra ở cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản cùng ngày, với 377 phiếu ủng hộ, ông Suga đã giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida – với lần lượt 68 và 89 phiếu ủng hộ.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo khẳng định sẽ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga với tư cách một nghị sĩ. Ông Abe đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ người kế nhiệm và Nội các mới của ông Suga. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đứng ở mức cao là 66,4%, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ 16,2%.
Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain
Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel – Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Vương quốc Bahrain tại Nhà Trắng, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa các bên.
Lễ ký Hiệp định Abraham diễn ra giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan trước sự chứng kiến của hơn 200 quan khách.
Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai, mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. Ông Trump khẳng định: “Chúng ta ở đây để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới”.
Các thỏa thuận mang tên Hiệp định Abraham là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Theo đó, Israel đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận về việc sáp nhập.
Sau các thỏa thuận trên, Tổng thống Trump tuyên bố có thêm khoảng 5 hoặc 6 quốc gia Arab sẵn sàng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, phù hợp với những thỏa thuận then chốt mới đây giữa nhà nước Do Thái với UAE và Bahrain.
Thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều sẽ được thực hiện bất chấp những trở ngại
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trái và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự một buổi biểu diễn thể dục dụng cụ ở Bình Nhưỡng vào ngày 19/9/2018. (Ảnh: Yonhap)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19/9 nhấn mạnh cam kết thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều ký kết ở Bình Nhưỡng giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được thực hiện bất chấp những trở ngại ở trong và ngoài nước.
Thông điệp trên được ông Moon Jae-in đưa ra nhân kỷ niệm 2 năm ký kết thỏa thuận này. Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Hàn Quốc nhớ lại bài phát biểu lịch sử của mình trước 150.000 người dân Bình Nhưỡng 2 năm trước. Ông viết: “Cùng với Chủ tịch Kim Jong-un, tôi đã tuyên bố phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”. Ông nhắc lại 2 bên đã đạt được thỏa thuận “cụ thể và thiết thực” trong lĩnh vực quân sự, dẫn đến việc phi quân sự hóa làng đình chiến Panmunjom và khai quật hài cốt binh sỹ tử trận trên đồi Mũi tên, chiến trường quan trọng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ông lưu ý: “Kể từ khi ký kết không có vụ đụng độ vũ trang nào giữa hai bên. Đây là tiến bộ rất có giá trị, điều sẽ không thể xảy ra nếu không có mong muốn của những người dân khát khao hòa bình và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nhưng chiếc “đồng hồ” hòa bình đã ngừng chạy, thỏa thuận thượng đỉnh không được thực hiện nhanh chóng do không thoát khỏi những hạn chế bên trong và bên ngoài.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Cam kết của chúng tôi đối với hòa bình là vững chắc. Thỏa thuận hai miền ngày 19/9 sẽ được thực hiện thành công. Hạt giống đã được gieo vào lịch sử chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái…”.
LHQ kêu gọi toàn thế giới ngừng bắn để ứng phó đại dịch
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 17/9 cảnh báo đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nguy cơ đối với hòa bình ở khắp mọi nơi, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên toàn thế giới để tập trung ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết người dân trong các cuộc xung đột đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tại các vùng chiến sự, đại dịch đang hoành hành và gây ra các loại bất công, đẩy các cộng đồng và các quốc gia tới sự đối đầu lẫn nhau. Do đó, thế giới cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tập trung vào kẻ thù chung, đó là dịch bệnh.
Ông Antonio Guterres kêu gọi các nỗ lực để thúc đẩy hòa bình, đồng thời cho biết sẽ lặp lại lời kêu gọi này tại Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ vào tuần tới. Trước đó, ngày 16/9, ông Antonio Guterres cũng đã kêu gọi thế giới tăng cường nỗ lực hơn nữa để giải quyết những nguy cơ của thế giới đang ngày càng bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19.
Theo ông Antonio Guterres, trước khi xảy ra đại dịch, thế giới đã đi rất xa trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững song lại bị mất đà trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh cần phải thực hiện quá trình phục hồi xanh vì việc hỗ trợ phát triển các loại nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã khiến thế giới với mắc kẹt trong tình trạng ô nhiễm trong hàng thập kỷ qua. Bên cạnh đó, phục hồi phải đi đôi với thúc đẩy bình đẳng giới và đòi hỏi hợp tác đa phương hiệu quả.
Khai mạc khóa 75 Đại Hội đồng Liên hợp quốc
Sáng 16/9 (giờ Việt Nam), Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã họp phiên bế mạc khóa 74 và khai mạc ĐHĐ khóa 75. Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký (TTK) LHQ António Guterres nhấn mạnh ĐHĐ khóa 74 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19 và đây là điều chưa xảy ra trong tiền lệ của LHQ.
Mặc dù vậy, trong hơn 7 tháng qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua hơn 70 nghị quyết và quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết “Ứng phó toàn diện và phối hợp với đại dịch COVID-19” được nhiều nước quan tâm và ủng hộ. Chủ tịch ĐHĐ Khóa 74 Tijjani Muhammad-Bande cảm ơn sự hỗ trợ của các nước trong suốt một năm qua, thúc đẩy ĐHĐ LHQ vượt qua khó khăn, giải quyết các vấn đề quốc tế.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống đa phương và sự hợp tác quốc tế. Ông cho biết sẽ tập trung thúc đẩy hệ thống đa phương hoạt động hiệu quả, xây dựng lòng tin và sự đồng thuận giữa các thành viên của ĐHĐ. Ông cho biết sẽ quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo ở các khu vực xung đột, trao quyền cho phụ nữ… Ông cũng cam kết nỗ lực phát huy vai trò của ĐHĐ LHQ trong hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
Trước thềm Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khoá 75, Chủ tịch Volkan Bozkir cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tổ chức Hội nghị Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ; Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ khoá 75; Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học; Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về phụ nữ lần thứ 4; và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm và thúc đẩy Ngày Quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trong khóa 75, ông Volkan Bozkir cũng sẽ dành ưu tiên trong việc tổ chức hai phiên họp đặc biệt về đại dịch COVID-19 và chống tham nhũng. ĐHĐ LHQ khóa 75 chính thức hoạt động từ ngày 15/9/2020 đến ngày 15/9/2021.
FED cam kết giữ nguyên lãi suất
Ngày 16/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo duy trì mức lãi suất từ 0% – 0,25%, đồng thời cam kết duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi thị trường lao động được cải thiện, đồng thời lạm phát tăng lên mức 2% và có thể vượt ngưỡng 2% ở mức vừa phải trong một khoảng thời gian.
Quyết định trên được đưa ra sau khi FED cho biết, hoạt động kinh tế và việc làm đã tăng lên trong những tháng gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đầu năm. Tuyên bố của FED cho thấy sự phục hồi kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang diễn ra sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới, gây ra những nguy cơ lớn đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn.
Đây là lần công bố chính sách tiền lệ đầu tiên của FED kể từ tháng 7. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nhắc lại khả năng cần phải có thêm nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa từ FED để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế Mỹ và cắt giảm lãi suất trong khoảng thời gian kéo dài hơn so với dự kiến.
Cũng trong ngày 17/9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở thời điểm hiện tại, nhưng cảnh báo triển vọng kinh tế nước này vẫn “luôn duy trì ở trạng thái bất ổn”. Theo đó, tất cả các quan chức thuộc Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) đã quyết định bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,1%, sau 2 lần ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất từ mức 0,75% kể từ đầu đại dịch COVID-19./.
*** Tình hình dịch Covid 19 trên toàn cầu
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 20/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 30.982.249 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 961.373 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 22.582.580 người. Hiện vẫn còn khoảng 1% số người mắc bệnh đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.967.403 ca nhiễm và 203.824 ca tử vong. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố dự báo mới, cho rằng đến ngày 10/10 tới, tổng số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 207.000-218.000 ca.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc sẽ tăng cao vào mùa đông
Trung Quốc đã trải qua 4 ‘làn sóng lây nhiễm’ kể từ khi dịch bệnh bùng phát, và ‘làn sóng thứ 5’ sẽ xảy ra và lây lan trong hai mùa đông-xuân sắp tới
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia dịch tễ học của CDC Trung Quốc Ngô Tôn Hữu và chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp Chung Nam Sơn cho biết, Trung Quốc đã trải qua bốn ‘làn sóng lây nhiễm’ kể từ khi dịch bệnh bùng phát, và ‘làn sóng thứ năm’ sẽ xảy ra và lây lan trong hai mùa đông-xuân sắp tới.
Theo hai chuyên gia Ngô và Chung, việc cô lập các trường hợp không có triệu chứng nhiễm bệnh và theo dõi nguồn tiếp xúc là những biện pháp quan trọng và hiệu quả để ngăn virus lây lan, cũng như việc xét nghiệm axit nucleic sẽ được phổ biến hơn để phát hiện sớm các ca bệnh.
Ngoài ra, ông Ngô nhận định một số thành phố ở Trung Quốc năm nay sẽ tiến hành việc tiêm chủng vắc-xin phòng cúm sớm hơn so với các năm trước, để làm giảm nguy cơ người dân nhiễm bệnh kép từ cúm thường và Covid-19.“Vắc-xin có thể làm giảm khả năng viêm phổi và cúm, nên việc tiêm phòng sẽ giảm bớt những khó khăn và yêu cầu khi chẩn đoán Sars-CoV-2”, ông nói.
Trang Worldometers cho biết, Trung Quốc tính tới nay đã ghi nhận 85.269 ca dương tính, trong đó có 4.634 trường hợp tử vong.
Anh xem xét phong tỏa toàn quốc lần hai vì dịch bệnh
Một số quan chức chính phủ Anh cho biết, họ đang xem xét việc tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, khi số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày ở nước này tăng cao trong thời gian gần đây, nhất là số trường hợp nhập viện và nhiễm bệnh tăng vọt ở một số vùng miền bắc nước Anh và thủ đô London.
“Tôi nghĩ rằng một số biện pháp bổ sung sẽ rất cần thiết. Hiện tại, mức độ lây bệnh ở Anh đang ở mốc cuối tháng 2/2020, và nếu chúng ta cứ kệ tình trạng này kéo dài từ 2-4 tuần tới, thì tỷ lệ nhiễm sẽ trở lại mốc giữa tháng 3/2020. Như vậy sẽ khiến các ca tử vong tăng nhiều”, giáo sư Neil Ferguson làm việc ở bộ phận dịch tễ học thuộc Đại học Hoàng gia London nói.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một thông báo hôm 18/9 cho biết, ông không muốn áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần nữa nhưng các lệnh hạn chế phòng dịch sẽ là cần thiết, bởi nước Anh đang phải đối mặt với ‘làn sóng dịch’ thứ hai.
Thủ đô Tây Ban Nha tái phong tỏa
Trong thông cáo được chính quyền Madrid ban bố hôm 18/9, các lệnh hạn chế đi lại áp dụng tại sáu quận trong thành phố này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/9 tới.
Cụ thể, các đám đông tụ tập trên sáu người sẽ bị cấm, việc đi lại tại các công viên cũng như khu vực công cộng bị hạn chế, còn các cửa hàng tạp hóa buộc phải đóng cửa trước 10 giờ tối.
Tuy nhiên, người dân vẫn được đi tới công sở làm việc. Chủ tịch Cộng đồng Madrid, bà Isabel Diaz Ayuso trả lời phỏng vấn Reuters nói rằng, một số khu vực buộc phải áp lệnh phong tỏa do mức độ lây nhiễm Covid-19 đã vượt mức 1000 ca/100.000 dân.
Dự kiến, cảnh sát thành phố sẽ được triển khai để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh phong tỏa. Số liệu trên trang thống kê Worldometers cho biết, Tây Ban Nha tính tới nay đã ghi nhận 659.334 ca dương tính với virus Sars-CoV-2, trong đó có 30.495 ca tử vong.
Ấn Độ tiếp tục ghi nhận hơn 90.000 bệnh nhân nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.398.230 và 86.774 ca tử vong; Brazil với 4.528.347 ca nhiễm và 136.565 ca tử vong.
Tại châu Âu, Cơ quan Y tế công cộng Pháp thông báo nước này ghi nhận 13.498 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Pháp, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên 442.194 ca. Hiện số ca tử vong tại Pháp là 31.274 ca sau khi tăng thêm 26 ca.
Dich benh sang 20/9: Hon 61.000 nguoi trong tinh trang nguy kich hinh anh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố London, Anh khi lệnh phong tỏa có hiệu lực nhằm ngăn dịch COVID-19 lan rộng, ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Số ca nhiễm mới tại Anh tăng thêm 4.422 ca – số ca trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/5. Số ca không qua khỏi tăng thêm 27 ca. Như vậy, tổng số ca mắc tại Anh hiện là 390.358 ca và 41.759 ca tử vong.
Hiện nay ở Anh có ít nhất khoảng 13,5 triệu người, tương đương với 20% tổng dân số Anh đang sống trong lệnh phong tỏa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cân nhắc đưa ra những biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt hơn nữa tại vùng England sau khi xác nhận Anh ” đang bước vào làn sóng thứ hai” của dịch COVID-19.
Trong những ngày cuối tuần, chính phủ đã họp để chuẩn bị đưa ra những lệnh cấm mới trong tuần tới như các gia đình không được phép gặp gỡ tiếp xúc với nhau và giảm thời gian cho phép các quán rượu mở cửa.
Một số nước Đông Âu ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Slovakia ghi nhận thêm 290 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 6.500 ca. Lítva công bố thêm 99 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên hơn 3.600 ca.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục sáng 20/9 công bố thêm 10 ca mắc trong ngày 19/9 và tất cả đều là các ca nhập cảnh. Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19 và thêm 13 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.
Tính đến hết ngày 19/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.279 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong và 80.477 ca khỏi bệnh.
Dich benh sang 20/9: Hon 61.000 nguoi trong tinh trang nguy kich hinh anh 2Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lần đầu tiên trong hơn một tháng qua, số ca mắc mới tại Hàn Quốc trong ngày giảm xuống dưới 100 nhờ việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội và phòng dịch, song số ca mắc bệnh không rõ nguồn gốc vẫn là một thách thức lớn đối với Hàn Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 82 ca mắc sáng 20/9, trong đó có 72 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 22.975 ca.
Đây là lần đầu tiên số ca ghi nhận trong ngày giảm xuống dưới 100 ca kể từ ngày 14/8. Số ca lây nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc đã liên tục ở mức 3 chữ số trong hơn một tháng qua sau khi một số ổ dịch bùng phát liên quan đến một nhà thờ ở phía Bắc thủ đô Seoul và các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 8.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết tính đến hết ngày 19/9, châu lục này ghi nhận tổng cộng 1.390.560 ca mắc và 33.626 ca tử vong, trong khi 1.140.980 người đã được chữa khỏi bệnh. Những nước châu Phi ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.
Ngày 19/9, Bộ Y tế Maroc cho biết nước này ghi nhận thêm 2.552 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Vương quốc Bắc Phi này lên 99.816 ca.
Bộ Y tế cho biết thêm tổng số ca tử vong tại quốc gia này là 1.795 người và số ca được điều trị bình phục tăng lên 79.008 người, trong khi đó 39 người trong tình trạng nguy kịch.
Trước tình trạng số ca nhiễm bệnh mới ngày càng gia tăng, Bộ Y tế Maroc yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang, tôn trọng các quy tắc về vệ sinh và an ninh y tế cũng như các biện pháp phòng ngừa do chính quyền đề ra.
Dich benh sang 20/9: Hon 61.000 nguoi trong tinh trang nguy kich hinh anh 3Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 8/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang khuyến khích châu Phi nghiên cứu các loại thuốc thảo dược để đối phó với dịch bệnh COVID-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các chuyên gia của WHO và 2 tổ chức gồm TCDC châu Phi và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Liên minh châu Phi, đã phê duyệt quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại thuốc thảo dược chống COVID-19.
Trong một tuyên bố tại thành phố Brazzaville, trụ sở khu vực của tổ chức này tại châu Phi, WHO cho biết việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là rất cần thiết để đánh giá đầy đủ tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm y tế mới này./.
*** Nhiều nghị sĩ nhiễm COVID-19, Ấn Độ có thể hoãn họp Quốc hội
Phiên họp mới của Quốc hội Ấn Độ có thể sẽ phải bị cắt ngắn sau khi 30 nhà lập pháp bị phát hiện dương tính với COVID-19, trong bối cảnh tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt qua mốc 5,3 triệu.
Anh chuẩn bị tinh thần cho làn sóng COVID-19 thứ hai
Trong bối cảnh Anh đã ghi nhận hơn 4.300 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng nước này Yvonne Doyle đã đưa ra dự báo về “những điều tồi tệ hơn” có thể xảy ra với việc chính phủ xem xét một loạt các kịch bản và biện pháp khác nhau.
Canada từ bỏ đàm phán tự do thương mại với Trung Quốc
Canada đã từ bỏ cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ rạn nứt do vụ bắt giữ giám đốc điều hành của Huawei và việc Trung Quốc bắt hai người Canada khác để trả đũa, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết.
Đại dịch COVID-19 gia tăng nhu cầu nhân đạo
Trong tuyên bố chung đưa ra tại cuộc họp trực tuyến hôm 17-9, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả mọi người là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nữ thẩm phán quyền lực của Mỹ qua đời ở tuổi 87
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, một nhà đấu tranh cho quyền của phụ nữ nổi tiếng tại Mỹ, đã qua đời ngày 18/9 sau một thời gian đấu tranh với bệnh tật.
Mỹ sẽ có đủ vaccine COVID-19 cho mỗi người dân vào tháng 4 năm sau
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/9 cho biết nước này sẽ có đủ liều vaccine COVID-19 cho mỗi người dân vào tháng 4/2021.
Ông Trump “mất hết bạn bè” từ khi làm Tổng thống
Bốn năm tại vị là quãng thời gian nhiều sóng gió với các mối quan hệ xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Moscow đòi Mỹ làm rõ nghi án cấp vũ khí cho phe chống Nga ở Crimea
Nga hối thúc Mỹ lập tức xác minh thông tin sau khi một quan chức Mỹ thừa nhận quân đội nước này đã cấp vũ khí cho các tay súng chống lại Nga ở Crimea.
Ngoại trưởng Đan Mạch “hối tiếc” vì quan hệ bất chính với cô gái 15 tuổi
Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod gọi bê bối tình dục liên quan đến một cô gái 15 tuổi là “lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời” và thừa nhận điều này sẽ ám ảnh cả sự nghiệp, tuy nhiên, vụ việc không dẫn đến hậu quả pháp lý nào.
Belarus đóng cửa biên giới phía Tây, báo động quân đội
Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko quyết định đóng cửa biên giới giữa nước này và Ba Lan, Litva, đồng thời đặt quân đội vào tình thế báo động cao sau khi châu Âu phủ nhận các kết quả bầu cử ở Belarus.
Thông điệp liên minh 2020 đầy tham vọng của EU
Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một loạt thách thức lớn liên quan tới nhiều vấn đề như chính trị, kinh tế và xã hội, thì thông điệp 2020 được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra mới đây được coi là bước định hướng thức thời, nhằm củng cố niềm tin với các công dân trong khối, vực dậy nền kinh tế, đồng thời tái khẳng định một châu Âu trật tự, ổn định và đầy cơ hội.
Mỹ sắp ra sắc lệnh chặn hết đường mua bán vũ khí với Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch đưa ra lệnh hành pháp cho phép ông áp trừng phạt với bất kỳ ai vi phạm lệnh cấm vận vũ khí chống Iran.
Trước thềm bầu cử, ông Trump bị tố “tấn công phụ nữ”
Đại diện chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 đã phủ nhận báo cáo của tờ Guardian, trong đó, một cựu người mẫu cáo buộc ông Trump tấn công tình dục cô này năm 1997.
Việt Nam thông tin thêm vụ việc Malaysia bắt giữ 18 ngư dân
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đề nghị phía Malaysia sớm có hình thức hỗ trợ để đưa thi hài của nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình, đối xử nhân đạo với số ngư dân đang bị bắt giữ.
Phố biến thành sông do bão tại miền Nam nước Mỹ
Hàng trăm người đã buộc phải sơ tán khỏi khu vực ranh giới giữa bang Florida và Alabama của Mỹ vì lụt do ảnh hưởng của bão Sally hôm 16/9, trong khi giới chức địa phương lo ngại vẫn còn nhiều người đối mặt với nguy hiểm trong những ngày tới.
Tổng hợp-TT