Bắc cực – Tam quốc tranh hùng; Người Việt tại Nga giao lưu với thủ môn Đặng Văn Lâm cùng gia đình; Chuyên gia quốc tế tán dương phản ứng của Việt Nam ở Biển Đông; Nhận thức đúng; ASEAN và Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược…là những tin chính được cập nhật.
Bắc cực – Tam quốc tranh hùng
Lực lượng của Nga tăng cường hiện diện tại Bắc cực. Ảnh: AP
(SGGP) Báo cáo đánh giá rủi ro thường niên của Cơ quan Tình báo quốc phòng Đan Mạch (DDIS) vừa công bố cảnh báo cuộc cạnh tranh quyền lực của các cường quốc đang được định hình giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng mức độ căng thẳng tại Bắc cực.
Mục đích kép
Theo báo cáo của DDIS, Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các nghiên cứu khoa học ở Bắc cực để mở đường xâm nhập khu vực này. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc tự nhận là một quốc gia gần Bắc cực, có tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như đẩy nhanh hoạt động thương mại ở tuyến đường biển phương Bắc, còn gọi là Con đường tơ lụa Bắc cực. Hồi năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường này vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ, nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.
Lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen cho biết, các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc cực không chỉ là vấn đề khoa học mà còn nhằm phục vụ cho mục đích kép: “Chúng tôi đã giám sát hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc cực và nhận thấy quân đội Trung Quốc đang có sự quan tâm ngày càng tăng ở khu vực này”. Báo cáo của DDIS nêu rõ: “Có khả năng đây là một phần trong quá trình tích lũy kiến thức của Trung Quốc về Bắc cực và năng lực hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực này sẽ diễn ra với sự kết hợp của cả yếu tố quân sự lẫn dân sự”.
Đan Mạch đến nay vẫn khẳng định mối quan tâm hàng đầu của nước này là gìn giữ Bắc cực như một lĩnh vực hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề tiềm năng thông qua đàm phán giữa các nước nằm trong khu vực Bắc cực. Tuy nhiên, Đan Mạch khó có thể đạt được mục tiêu này khi Nga cũng đang tăng cường khả năng quân sự ở Bắc cực.
Đua tranh không ngơi nghỉ
Hồi tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cáo buộc Nga có hành vi gây hấn tại Bắc cực và các hành động của Trung Quốc tại khu vực này cần phải được theo dõi chặt chẽ. Sự quan tâm của Mỹ đối với Bắc cực ngày càng tăng, được nhìn thấy rõ hơn hết hồi tháng 8, khi Tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland của Đan Mạch. Đề nghị này nhanh chóng bị Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland bác bỏ. Song song đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định thành lập một bộ chỉ huy Bắc cực và Đại Tây Dương trong khi các cuộc diễn tập của NATO ở Bắc cực đang dần trở nên thường xuyên hơn với quy mô lớn.
Dù vậy, Mỹ vẫn chưa thể tiến sát khu vực này trong khi Hải quân Nga đã khám phá thêm 5 đảo mới quanh quần đảo ở Bắc Băng Dương trong chuyến thám hiểm vào tháng 8 và tháng 9. Hạm đội Phương Bắc và Hiệp hội Địa lý Nga đã cùng hợp tác thực hiện chuyến thám hiểm và phát hiện ra những đảo mới có diện tích từ 900-54.500m².
Người Việt tại Nga giao lưu với thủ môn Đặng Văn Lâm cùng gia đình
Tại buổi giao lưu, Đặng Văn Lâm và cha mẹ anh đã “bật mí” khá nhiều điều thú vị về cuộc sống và con đường sự nghiệp, giấc mơ bóng đá của thủ thành số một Việt Nam hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, chiều 1/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu với thủ môn đội tuyển quốc gia Việt Nam Đặng Văn Lâm cùng gia đình nhân dịp anh trở về Nga nghỉ ngơi sau hơn hai năm thi đấu xa nhà.
Buổi giao lưu kéo dài gần 3 tiếng trong bầu không khí sôi động và cuồng nhiệt cùng SEA Games 2019, trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva – ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Nga.
Cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, các cán bộ nhân viên Đại sứ quán, các hội đoàn người Việt cùng hàng trăm người hâm mộ bóng đá Việt Nam tại Nga đã có buổi giao lưu vô cùng đáng nhớ với tuyển thủ Đặng Văn Lâm và gia đình.
Tại buổi giao lưu, Đặng Văn Lâm và cha mẹ anh đã “bật mí” khá nhiều điều thú vị về cuộc sống và con đường sự nghiệp, giấc mơ bóng đá của thủ thành số một Việt Nam hiện nay.
Người hâm mộ cũng được giải đáp những quan tâm của mình về một số “điểm nhấn,” đặc biệt là pha cản phá cú đá phạt đền 11m, trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại thứ hai (khu vực châu Á) Vòng chung kết bóng đá thế giới 2022.
Theo Văn Lâm, mặc dù đồng đội Quang Hải có động tác “phím” hướng bóng của cầu thủ Thái Lan, song trong khoảnh khắc đó, Lâm chỉ tập trung vào quả bóng và cầu thủ đối phương nên không kịp sử dụng sự “trợ giúp” này.
Trong khuôn khổ buổi giao lưu đặc biệt này, Ban tổ chức đã trình chiếu một clip ghi lại những hình ảnh tuyệt vời của thủ môn Đặng Văn Lâm, hành trình đầy gian khó song cũng rất thành công và đáng nhớ của cầu thủ mang trong mình hai dòng máu Việt-Nga khi thi đấu dưới màu cờ sắc áo của Đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Người hâm mộ cũng được nghe lại bức thư cảm động của bà Olga Zhukova gửi con trai Văn Lâm một ngày sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018.
Ngoài ra, tất cả những người có mặt còn được cùng nhau chứng kiến màn lội ngược dòng của đội tuyển U22 Việt Nam trước đội tuyển U22 Indonesia trong hiệp hai của lượt trận thứ ba vòng bảng bóng đá nam SEA Games 2019.
Buổi giao lưu không chỉ để lại trong lòng người hâm mộ, những cổ động viên trung thành của đội tuyển bóng đá Việt Nam niềm vui, niềm tự hào trong không khí của một “bữa tiệc” bóng đá, mà còn được chia sẻ bí quyết để có được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Đó là một gia đình hòa thuận và luôn yêu thương nhau, là ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn và thử thách. Đây là những điều may mắn mà thủ thành Đặng Văn Lâm đang có./.
Chuyên gia quốc tế tán dương phản ứng của Việt Nam ở Biển Đông
Tại Hội thảo “Biển Đông: Thách thức hiện tại và quan điểm tương lai,” các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng hiện đang có xu hướng nhìn nhận vấn đề Biển Đông qua lăng kính của Trung Quốc.
Chuyen gia quoc te tan duong phan ung cua Viet Nam o Bien Dong hinh anh 1Quang cảnh buổi hội thảo. (Nguồn: Trần Gia Trung/Vietnam+)
Ngày 29/11, tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ, thành phố New Dehli, Trung tâm nghiên cứu An ninh, Đại học O.P Jindal Global đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Thách thức hiện tại và quan điểm tương lai.”
Tại buổi hội thảo, 14 học giả nổi tiếng đến từ các nhóm tư tưởng và những trường đại học khác nhau tại Ấn Độ đã trình bày thuyết trình, thu hút sự tham gia của hơn 50 học giả, chuyên gia, nhà báo và sinh viên.
Trong bài phát biểu giới thiệu, tiến sỹ Pankaj Jha, Điều phối viên buổi hội thảo khẳng định mục đích của hội thảo nhằm nêu bật diễn biến tại Biển Đông và các tác động đến chính trị cường quyền, cũng như niềm tin vào trật tự hàng hải quốc tế.
Ông cũng cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần lưu ý hơn về những diễn biến trên Biển Đông và đưa ra những giải pháp khả thi để bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ hơn.
Giáo sư Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal đã có bài phát biểu mở màn với nội dung xoay quanh chính sách hiện nay của Tổng thống Mỹ trong khi đề cập cuốn sách mới của ông mang tên “Trumped” nói về trật tự quốc tế “hậu Mỹ,” đồng thời phân tích những nguy cơ nếu Trung Quốc dẫn dắt trật tự này.
Ông cũng kêu gọi các học giả và chuyên gia nêu vấn đề trên trong mọi diễn đàn để làm nổi bật vấn đề và đưa ra lời cảnh báo Mỹ rằng nước này có nhiều việc phải làm hơn là tăng chi phí đóng quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuyen gia quoc te tan duong phan ung cua Viet Nam o Bien Dong hinh anh 2Quang cảnh buổi hội thảo. (Nguồn: Trần Gia Trung/Vietnam+)
Ông cho rằng các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần nhận thức rõ ràng về diễn biến tình hình và triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an để nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Giáo sư Sreeram Chaulia cũng nhấn mạnh việc cần thiết hoàn thiện dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước nhỏ hơn như Việt Nam.
Giáo sư Brahma Challany nhấn mạnh cần lưu ý và tán dương phản ứng của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông, mặc dù Việt Nam ít nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, song vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích tại đây của nước này vẫn không thể bị phủ nhận.
Ông đánh giá rằng cộng đồng quốc tế cần hành động và cam kết hơn nữa đối với vấn đề này, để tránh phải chứng kiến việc Trung Quốc biến Biển Đông thành một hồ nước trong sân nhà của Bắc Kinh.
Nhận thức đúng
(SGGP) Sau một loạt sự kiện, Ủy ban châu Âu (EC) mới do Ursula von der Leyen, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch, đã nhận nhiệm vụ vào ngày 1-12 trong môi trường chính trị và ngoại giao đặc biệt khó khăn.
Theo Le Monde, từ ngày 3-12, tân Chủ tịch EC có chuyến đi đầu tiên của mình đến Madrid dự hội nghị của Liên hiệp quốc về khí hậu. Bà Ursula von der Leyen đã giới thiệu “thỏa thuận xanh” của mình với tư cách là một trong những ưu tiên của EC; nhưng câu hỏi về việc giảm hơn 50% lượng khí nhà kính vào năm 2030 và thuế carbon ở biên giới của Liên minh châu Âu (EU) hiện tại không tạo ra sự nhất trí giữa các nước châu Âu.
Ngoài ra, có các ưu tiên khác của tân Chủ tịch EC là kỹ thuật số, tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính khi EU đang trên bờ vực chia cắt với Vương quốc Anh. Ê kíp mới cũng dự kiến sẽ có một “hiệp ước di cư” mới với quyền tị nạn chung và cải cách quy định Dublin, một hồ sơ về thống nhất châu Âu, vẫn đang được xây dựng.
Khi ra mắt ê kíp vào tháng 9-2019, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của bà, EC sẽ là một bên tham gia địa chính trị. Trong thư gửi tới các ủy viên khóa mới, bà tuyên bố “EU cần mang tính chiến lược hơn, trở nên quyết đoán hơn và đoàn kết hơn trong cách tiếp cận quan hệ đối ngoại”.
Đại diện cao cấp mới về chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng muốn châu Âu trở thành người chơi lớn trên trường thế giới. Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu Charles Michel ủng hộ việc tăng cường hoạt động đối ngoại của EU.
Có thể nói, trong đội ngũ lần này có một nhận thức rõ ràng về sự cần thiết để EU nổi bật trên trường quốc tế, trong bối cảnh buộc phải thích ứng với tình trạng khủng hoảng lan tràn trong các khu vực khác và sự gia tăng cạnh tranh giữa nước lớn. Đặc biệt, EU phải tự bảo vệ lợi ích của mình trước 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Từ đồng minh thân cận nhất của EU, Mỹ đã trở thành một đối tác đầy khó chịu. Chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Washington nhằm vào Iran là minh chứng về cách Mỹ theo đuổi các lợi ích của nước này mà hầu như không để tâm tới những mối quan ngại của các đối tác châu Âu. Đối với EU, Trung Quốc đã từ cơ hội biến thành thách thức. Sáng kiến Vành đai và Con đường, với phạm vi vươn tới trung tâm của EU, cho thấy tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Bản thân một số nước thành viên EU tỏ ra do dự trước việc chống đối Trung Quốc khi xét tới các khoản đầu tư lớn của nước này vào cơ sở hạ tầng châu Âu. Nga cũng đang ngày càng lấy lại vị thế trên trường quốc tế.
EU đã có một số đòn bẩy để khẳng định chính mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và kỹ thuật số. Việc ủy ban mới nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại để từ đó hành động được cho là bước đi đúng hướng. Nhưng, EC không thể hoàn thành thách thức lớn này nếu thiếu vắng sự đoàn kết của các quốc gia thành viên. Sự thống nhất cũng là câu hỏi lớn về vị trí của châu Âu trong một thế giới đầy cạnh tranh mà bà Ursula von der Leyen phải đối mặt. Vào lúc này, điều EC cần nhất chính là vượt qua sự chia rẽ của mình.
*** ASEAN và Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược
Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc diễn ra ngày 25 – 26/11, ASEAN và Hàn Quốc đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác”.
ASEAN và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng chung, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), cũng như quan hệ đối tác khởi nghiệp và đổi mới sáng taọ, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thêm vào đó, ASEAN và Hàn Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Tuyên bố chung cho biết hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác, bao gồm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
ASEAN và Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đồng thời gia tăng hợp tác an ninh mạng nhằm nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số trong vực.
Văn kiện này cũng ghi nhận rằng, ASEAN sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ tái triển khai chiến dịch quân sự chống IS tại Syria
Ngày 26/11, các lực lượng chung của Mỹ và người Kurd đã nối lại hoạt động quân sự quan trọng nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền Bắc Syria.
Đoàn xe quân sự của Mỹ di chuyển tại thành phố Manbij, miền Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu với báo giới, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie thông báo trong thời gian tới, tốc độ triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn này nhằm vào tàn quân IS sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, ông McKenzie không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các hoạt động của chiến dịch quân sự này, nhưng ca ngợi mối quan hệ hiện tại của quân đội Mỹ với lực lượng người Kurd là “khá tốt đẹp” bất chấp mọi biến động.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh cho quân đội Mỹ đóng quân tại Iraq di chuyển vào miền Đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu của khu vực này trước nguy cơ các cuộc tấn công từ phía IS.
Việc Mỹ tái khởi động lại chiến dịch quân sự quy mô lớn này diễn ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ ngày 26/10 đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi – thủ lĩnh khét tiếng của IS. Một chất xúc tác khác khiến Mỹ quyết định tái khởi động chiến dịch trên là việc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) vào tuần trước đã ra báo cáo nói rằng lực lượng IS sẽ cố gắng tái tập hợp ở Syria trong bối cảnh áp lực từ lực lượng chung của Mỹ và người Kurd đang suy giảm.
Liên hợp quốc: Cần hành động sớm và kiên quyết để giảm thiểu khí thải
Ngày 26/11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố báo cáo cho biết các quốc gia G20 chiếm 78% tổng lượng phát thải nhưng 15 nước thành viên của G20 không cam kết về thời hạn đưa phát thải về bằng không.
UNEP cũng cảnh báo nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu không giảm 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030 thì thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội để đạt được mục tiêu 1,5°C theo Thỏa thuận Paris. Kể cả khi tất cả các cam kết không điều kiện hiện tại theo Thỏa thuận Paris được thực hiện thì nhiệt độ được dự kiến vẫn sẽ tăng thêm 3,2°C, gây ra những tác động khí hậu trên phạm vi rộng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Mục tiêu chung cần phải tăng gấp hơn 5 lần so với hiện tại nhằm thực hiện những cắt giảm cần thiết trong thập kỷ tới vì mục tiêu 1,5°C.
Theo Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP, “điều này chỉ ra rằng các quốc gia không thể đơn giản đợi đến cuối năm 2020 khi đến hạn thực hiện các cam kết khí hậu mới thì mới đẩy mạnh hành động. Họ – và mọi thành phố, khu vực, doanh nghiệp và cá nhân – cần phải hành động ngay”. “Chúng ta cần nhanh chóng đạt được mức giảm phát thải càng nhiều càng tốt vào năm 2020, sau đó là những cam kết mạnh mẽ hơn trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) để khởi động những chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Chúng ta cần phải đẩy nhanh hành động để bù lại những năm mà chúng ta còn chần chừ” – bà Inger Andersen bổ sung. “Nếu chúng ta không thực hiện điều này, mục tiêu 1,5°C sẽ ngoài tầm với trước năm 2030”.
Điều quan trọng, báo cáo cho biết tất cả các quốc gia phải tăng mục tiêu của họ trong NDC, như những cam kết Paris được biết đến, vào năm 2020 và đưa ra những chính sách và chiến lược để thực hiện chúng. Các giải pháp có sẵn có thể giúp cho việc thực hiện các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris là khả thi, nhưng chúng được triển khai chưa đủ nhanh hoặc ở một quy mô chưa đủ lớn. Để thực hiện các mức cắt giảm này, các mục tiêu đưa ra trong NDC phải tăng ít nhất 5 lần cho mục tiêu 1,5°C và 3 lần cho 2°C.
Diện tích rừng Amazon ở Brazil bị chặt phá lớn nhất trong 11 năm qua
Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) ngày 28/11 công bố số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hơn 10.000 km2 diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị chặt phá trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 7/2019), mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Số liệu trước đó cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, diện tích rừng ở Amazon bị chặt phá đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 6.404 km2.
Các dữ liệu trên được đưa ra sau khi các đám cháy rừng hồi đầu năm nay đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới này, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và bất đồng ngoại giao giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cùng các nhà lãnh đạo châu Âu.
Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, khu rừng này đang bị tàn phá do các hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ và cháy rừng thiếu kiểm soát.
Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn
Ngày 29/11, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un một ngày trước đó. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nhằm đánh giá lần cuối cùng về sức mạnh của bệ phóng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra “vô cùng hài lòng” trước kết quả vụ thử. Báo trên nêu rõ: “Vụ thử nghiệm đã chứng minh được sự ưu việt về kỹ thuật, quân sự cũng như độ tin cậy của hệ thống vũ khí này”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát việc thử nghiệm hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, ngày 28/11/2019. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Ngày 28/11, Quân đội Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay từ hệ thống được cho là bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn từ Yeonpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong miền Đông Triều Tiên ra biển Nhật Bản. Đây là vụ thử vũ khí lớn lần thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, và là lần thứ 4 thử bệ phóng tên lửa siêu lớn, được cho là có đường kính 600mm.
Hội đồng Tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS) bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước các vụ phóng thiết bị của Triều Tiên, xem đây là diễn biến không giúp ích gì cho các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành vi làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của việc cải thiện các mối quan hệ liên Triều thông qua đối thoại và hợp tác.
Ngay trong ngày 28/11, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đã điện đàm về vụ phóng thiết bị do Triều Tiên thực hiện cùng ngày, đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác khăng khít ba bên với Hàn Quốc. Vụ phóng vật thể của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 2/2019./.
*** Đấu súng đẫm máu ở Mexico, 14 người thiệt mạng
Mười tay tay súng tình nghi thuộc một băng đảng tội phạm và bốn cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đọ súng đẫm máu hôm 30-11 tại một thị trấn của Mexico, gần biên giới với Mỹ.
Nga – Trung hoàn thành cầu xuyên biên giới qua sông Amur
Hãng tin Reuters ngày 1-12 đưa tin, cây cầu đầu tiên nối liền hai thành phố của Nga và Trung Quốc đã chính thức hoàn thành, dự báo sẽ nâng mức hàng hóa vận chuyển qua lại lên 6 triệu tấn/năm.
Trung Quốc bắt giữ công dân Belize do “can thiệp vào vấn đề Hong Kong”
Trung Quốc đã bắt giữ một công dân Belize vì cáo buộc thông đồng với một số người dân Mỹ để can thiệp vào các vấn đề ở Hong Kong, Reuters dẫn tin từ truyền thông địa phương ngày 30-11 cho biết.
Nữ bác sĩ trẻ bị 4 người đàn ông hãm hiếp tập thể rồi đốt xác
Bốn người đàn ông đã thú nhận hãm hiếp tập thể và giết một nữ bác sĩ 27 tuổi, sau đó đốt xác cô, theo cảnh sát tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.
Thế giới ngầm buôn bán phụ nữ ở Baghdad
Tựa người vào ô cửa sổ, Nadia (không sử dụng tên thật vì lo ngại vấn đề an ninh) mô tả chi tiết sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần trong hành trình lẩn trốn sự kìm kẹp của những kẻ khủng bố nhưng rồi lại trở thành nạn nhân của thế giới kinh doanh tình dục ở thủ đô Baghdad của Iraq.
IS thừa nhận chủ mưu vụ khủng bố ở London
IS cho biết vụ tấn công khủng bố trên cầu London (Anh) khiến 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương hôm 29-11 là do một chiến binh của chúng thực hiện, theo Reuters.
Cuba và EU phản đối các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ
Ngày 29-11 (giờ địa phương), tại Thủ đô La Habana, Cuba và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành vòng 2 Đối thoại về các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ chống lại quốc đảo Caribe. Đây là cuộc họp nối tiếp cho vòng Đối thoại lần thứ nhất được tiến hành tại Brussels, Bỉ hồi tháng 11-2018 theo Điều 10 của Hiệp định Đối thoại Chính trị và Hợp tác được ký kết giữa Cuba và EU.
Pháp-Thổ tranh cãi nảy lửa vì chuyện NATO “chết não”
Pháp triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Paris tới phản đối sau khi Tổng thống Erdogan công kích người đồng cấp Pháp Macron “chết não” liên quan đến tuyên bố tương tự về NATO của ông Macron.
Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc
Ở Tân Cương có một nơi diện tích chỉ bằng tỉnh Giang Tô nhưng không thể tìm thấy trên bản đồ, nó bị nhấn chìm vì nằm sâu trong sa mạc Gô Bi mênh mông.
Tổng hợp-TT