Hiệu quả các loại vaccine COVID-19 mà Việt Nam đàm phán mua; Mỹ: Từ đầu dịch số người chết vì COVID-19 lên trên 500.000 người; Mỹ được dự đoán sắp hết Covid-19; Mỹ được dự đoán sắp hết Covid-19; Anh tăng tốc tiêm chủng cho dân; Lượng hành khách tại châu Âu giảm bằng năm 1995; Gần 112 triệu ca Covid-19, Fauci cảnh báo dân Mỹ đeo khẩu trang tới 2022…là những tin chính được cập nhật.
Hiệu quả các loại vaccine COVID-19 mà Việt Nam đàm phán mua
Ảnh minh họa.
LĐO Hơn 200.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca dự kiến về Việt Nam vào ngày 28.2 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống COVID-19. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục đàm phán mua vaccine của các đối tác khác như vaccine Pfizer-BioNTech và Sputnik V.
Vaccine của AstraZeneca
Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do Cty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Dự kiến ngày 28.2, lô vaccine đầu tiên gồm 204.000 liều sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vaccine AstraZeneca của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam.
Reuters dẫn dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho biết, vaccine của AstraZeneca-Oxford đạt hiệu quả 76% trong ngăn ngừa COVID-19 trong vòng từ 22 đến 90 ngày sau khi tiêm một liều duy nhất. Trước đó, dữ liệu tạm thời cho thấy, hiệu quả của vaccine này là 70,4%. So sánh với hiệu quả đạt tới 95% của loại vaccine hai liều từ Pfizer-BioNTech, vaccine của AstraZeneca có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, giới chức y tế toàn cầu đã lên tiếng bênh vực vaccine của AstraZeneca, cho rằng còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì và vaccine này sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Vaccine AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia, gần đây nhất, ngày 15.2, WHO cho biết đã đưa vaccine AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu, trở thành vaccine thứ 2 được phê duyệt sau Pfizer-BioNTech hồi tháng 12.2020.
Mỹ: Từ đầu dịch số người chết vì COVID-19 lên trên 500.000 người
LĐO Ngày Chủ nhật, 21.1.2021, Mỹ đối mặt với một cuộc kiểm đếm không thể tưởng tượng được: 500.000 người chết vì COVID-19 tính khi bùng phát. Tính tới thời điểm hiện tại, con số này đã lên đến 511.133.
Một năm sau đại dịch COVID-19, tổng số người tử vong ở nước này khoảng 498.000 người – gần bằng dân số của Thành phố Kansas, Missouri; và bằng với quy mô của Thành phố Atlanta (tiểu bang Georgia).
Con số do Đại học Johns Hopkins tổng hợp đã vượt qua tổng số người chết trong cả năm 2019 vì các bệnh mãn tính đường hô hấp, đột quỵ, Alzheimer (căn bệnh làm suy giảm trí nhớ), cúm và viêm phổi cộng lại.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci “Kể từ đại dịch cúm năm 1918 đến nay, hơn 102 năm qua, chưa có một bệnh dịch nào kinh khủng đến thế”.
Những ca tử vong đầu tiên được ghi nhận do COVID-19 ở Mỹ xảy ra vào đầu tháng 2.2020, và đều ở Hạt Santa Clara, California. Phải mất đến 4 tháng để chạm đến ngưỡng 100.000 người chết đầu tiên. Con số này đã tăng gấp đôi vào tháng 9, và lên tới 300.000 vào tháng 12. Sau đó, chỉ mất hơn 1 tháng để đi từ 300.000 lên đến 400.000 và khoảng 2 tháng để tăng thêm 100.000 – đạt đến hơn 500.000 ca tử vong như hiện tại.
Mỹ được dự đoán sắp hết Covid-19
Một chuyên gia về sức khỏe công cộng uy tín của Mỹ nhận định, với xu hướng như hiện tại, nước này sẽ hết dịch Covid-19 trước cuối tháng 4, cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Trong một bài báo mới đăng tải trên tạp chí Wall Street Journal, giáo sư Marty Makary thuộc Đại học Johns Hopkins đã chỉ ra các dấu hiệu tích cực phản ánh Mỹ có thể sắp thoát khỏi đại dịch.
Anh tăng tốc tiêm chủng, Mỹ được dự đoán sắp hết Covid-19
Theo ông Makary, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở xứ sở cờ hoa đã giảm 77% kể từ tháng 1. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ đẩy nhanh các nỗ lực tiêm phòng vắc-xin ngừa virus corona chủng mới đại trà cho người dân và gần 19 triệu người có kháng thể sau khi khỏi bệnh, đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra miễn dịch cộng đồng ở Mỹ ngay trong mùa xuân năm nay.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Fox News, một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm khác lại dự đoán đến hết năm nay Mỹ mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống Covid-19 cảnh báo, người Mỹ có thể vẫn cần phải đeo khẩu trang vào năm 2022 ngay cả khi các biện pháp phòng chống dịch khác ngày càng được nới lỏng và có thêm nhiều vắc-xin được lưu hành.
Trang Worldometers thống kê, Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch trên thế giới với xấp xỉ 28,8 triệu ca mắc, trong đó 510.987 người không qua khỏi.
Anh tăng tốc tiêm chủng cho dân
Chính phủ Anh ngày 20/2 tuyên bố, mọi người trưởng thành ở nước này sẽ được nhận phát tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên vào ngày 31/7, sớm hơn ít nhất 1 tháng so với kế hoạch trước đây. Mục tiêu mới của London là để mọi người từ 50 tuổi trở lên và những người mắc sẵn các bệnh nền được chủng ngừa liều đầu tiên vào 15/4 thay vì ngày 1/5 như dự kiến ban đầu.
Tuyên bố được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson nhóm họp cùng các bộ trưởng cấp cao để hoàn thiện “lộ trình” giúp đất nước thoát khỏi tình trạng phòng tỏa toàn quốc.
Theo AP, các nhà sản xuất hai loại vắc-xin mà Anh đang sử dụng là Pfizer và AstraZeneca đều gặp vấn đề về cung ứng ở châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tin tưởng rằng nước này sẽ có đủ nguồn cung để đẩy nhanh chiến dịch chủng ngừa.
Các thành công ban đầu của nỗ lực tiêm chủng là tin tốt lành đối với Anh, nước có số người tử vong vì dịch cao nhất châu Âu – 120.000 bệnh nhân trong tổng số trên 4,1 triệu ca mắc. Hơn 17,2 triệu người, tương đương 1/3 số người trưởng thành ở xứ sở sương mù đã được tiêm phòng ít nhất một mũi kể từ khi chiến dịch chủng ngừa bắt đầu ngày 8/12/2020.
Anh đang kéo dài thời gian tiêm liều vắc-xin thứ 2 sau liều thứ nhất tới 12 tuần, thay vì 3 – 4 tuần như khuyến nghị của các nhà sản xuất, nhằm khiến nhiều người hơn nhanh chóng có được sự bảo vệ một phần trước virus. Tuy nhiên, cách tiếp cận này bị chỉ trích ở một số nước và Pfizer. Hãng dược Mỹ cho biết, hiện không có dữ liệu nào chứng minh hiệu quả của quyết định trên, dù nó được các cố vấn khoa học cho chính phủ Anh ủng hộ.
Lượng hành khách tại châu Âu giảm bằng năm 1995
Số lượng hành khách ở các sân bay khắp châu Âu giảm mạnh trong đại dịch, bằng với lượng người di chuyển cách đây 26 năm.
Theo một nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Sân bay Quốc tế châu Âu (ACI), các sân bay của châu Âu đã mất 1,72 tỷ lượt hành khách trong năm 2020, giảm 70,4% so với 2019. Năm 2020, họ chỉ đón 728 triệu lượt hành khách, so với 2,4 tỷ lượt của năm trước đó. Với mức này, lưu lượng hành khách chỉ bằng mức được ghi nhận vào năm 1995.
Các sân bay trong Liên minh châu Âu (EU) mất 1,32 tỷ hành khách vào năm 2020, giảm 73% so với năm 2019. Các sân bay này bị ảnh hưởng đáng kể hơn so với các sân bay ngoài khối. Các sân bay nằm ngoài khối mất 400 triệu hành khách, giảm 61,9% so với cùng kỳ 2019.
Lưu lượng hành khách tại các sân bay Áo, Czech, Phần Lan, Hungary, Ireland, Slovenia và Slovakia đều giảm 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi các sân bay tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Bulgaria đều tăng nhẹ so với mức trung bình của EU. Ngoài EU, lưu lượng hành khách tại Nga chỉ giảm 44,2% trong Quý 4/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
*** Gần 112 triệu ca Covid-19, Fauci cảnh báo dân Mỹ đeo khẩu trang tới 2022
Toàn cầu ghi nhận gần 112 triệu ca nhiễm, hơn 2,4 triệu ca tử vong vì nCoV, Tiến sĩ Fauci cảnh báo dân Mỹ có thể đeo khẩu trang tới năm sau.
Thế giới đã ghi nhận 111.931.492 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.477.282 người đã chết, tăng lần lượt 291.695 và 5.798 ca. 87.249.350người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci hôm 21/2 cảnh báo người dân có thể phải đeo khẩu trang tới năm 2022 để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong do virus ở nước này lần lượt là 28.755.678 và 510.988 trường hợp, tăng 48.237 và 1.113 người trong 24 giờ qua.
Theo Tiến sĩ Fauci, người Mỹ vẫn cần phải đeo khẩu trang tới năm sau, ngay cả khi tình hình Covid-19 ở nước này có thể đạt “mức độ bình thường đáng kể” vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đeo khẩu trang là biện pháp rất quan trọng để làm chậm sự lây lan của nCoV, thêm rằng khẩu trang có thể bảo vệ cả người đeo và những người xung quanh họ khỏi nguy cơ nhiễm virus.
Tuyên bố của chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ được đưa ra khi quốc gia này đã trải qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 gần một năm và vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới nCoV đã giảm 5 tuần liên tiếp, song mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.980 ca nhiễm và 79 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.005.071 và 156.418.
Bang Maharashtra phía tây của Ấn Độ hôm 21/2 thông báo sẽ áp đặt các hạn chế mới liên quan đến nCoV ở bốn quận do những lo ngại về làn sóng lây nhiễm lần hai và việc triển khai vaccine chậm trễ.
Lãnh đạo y tế bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã tăng từ khoảng 2.000 ca lên khoảng 7.000 ca hồi đầu tháng này. “Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã và đang gõ cửa. Liệu nó có bùng phát hay không sẽ được xác nhận từ 8-15 ngày tới”, Thackeray nói.
Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu Maharashtra và một số bang khác theo dõi chặt chẽ các biến thể của nCoV. Một số nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến hiện nay có thể là do các chủng mới gây ra.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 498 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 246.504. Số ca nhiễm nCoV tăng 29.026 trong 24 giờ qua, lên 10.168.174.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 9.834 ca nhiễm và 215 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.115.509 và 120.580.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến đưa ra kế hoạch giảm bớt phong tỏa vì Covid-19 vào ngày 22/2, trong một nỗ lực dần mở cửa lại nền kinh tế trị giá ba nghìn tỷ USD khi nước này đang triển khai những đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất trên thế giới.
Sau gần hai tháng sống dưới lệnh phong tỏa, Thủ tướng Anh có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên mở cửa trở lại trường học và các tiếp xúc xã hội ngoài trời.
Nước Anh đã tiến nhanh hơn phần lớn phương Tây để đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin và đã nhanh chóng tiêm chủng cho người dân kể từ tháng 12, một chiến lược đã thúc đẩy thị trường đồng bảng Anh và chứng khoán tăng cao hơn với hy vọng kinh tế phục hồi.
Khoảng 17,6 triệu người trong tổng 67 triệu dân số của Anh đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn tất tiêm liều vaccine đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.046 ca nhiễm và 159 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.605.181 và 84.306.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.394.515 ca nhiễm và 68.443 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.098 và 100 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.
Các trường học tại 10 bang của Đức sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.278.653 ca nhiễm, tăng 7.300, trong đó 34.489 người chết, tăng 173. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương đã từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chương trình tiêm chủng của chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Nước này hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 561.169 ca nhiễm và 12.088 ca tử vong, tăng lần lượt 1.888 và 20 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.
*** Trung Quốc kêu gọi thiết lập lại quan hệ song phương với Mỹ
Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng hai nước Mỹ – Trung có thể khôi phục mối quan hệ song phương vốn bị tổn hại nặng nề dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, từ đó cùng nhau giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Người kế nhiệm bà Angela Merkel vào cuộc đua giành ghế Thủ tướng Đức
Hạ tuần tháng 1, Armin Laschet, Thủ hiến bang North-Rhine Westphalia, bang đông dân nhất nước Đức đã được bầu chọn làm Chủ tịch mới của đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU). Điều này cũng có nghĩa là ông Armin Laschet sẽ thay thế nữ Thủ tướng Angela Merkel để lãnh đạo đảng này tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Cháy động cơ trên không, máy bay Boeing tiếp tục bị điều tra
Các nhà quản lý hàng không của Mỹ ngày 21/2 công bố tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung đối với máy bay phản lực Boeing 777 sau vụ động cơ bốc cháy, trong khi Nhật Bản thậm chí đình chỉ sử dụng loại máy bay này.
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ gần chạm mức 500.000
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ vào ngày 21/2 đã gần chạm 500.000, một mức khó có thể tưởng tượng được khi đại dịch bắt đầu, AP đưa tin.
Iran thúc giục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt nếu muốn cứu thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, việc Iran quyết định hạn chế hoạt động của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vào ngày 23/2 không có đồng nghĩa với việc nước này từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Facebook khóa tài khoản quân đội Myanmar
Facebook ngày 21/2 đã khóa trang chính thức của quân đội Myanmar trên mạng xã hội này sau vụ hai người biểu tình phản đối đảo chính bị bắn chết.
Vừa nhận được vaccine, Malaysia tiêm chủng COVID-19 sớm hơn dự kiến
Malaysia đã nhận được lô vaccine COVID-19 đầu tiên ngày 21/2, đồng thời sẽ tiến hành đợt tiêm chủng COVID-19 sớm hơn dự kiến.
Chưa hết COVID-19, Nga ghi nhận ca nhiễm chủng cúm gia cầm nguy hiểm
Nga đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc một chủng virus cúm gia cầm có tên H5N8 được truyền từ gia cầm sang người và đã báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Al Jazeera đưa tin.
Mỹ ban bố tình trạng thảm họa vì giá rét tại Texas
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/2 (giờ Mỹ) đã phê chuẩn tuyên bố thảm họa tại bang Texas, nơi đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt giá rét chưa từng có.
Bộ trưởng Argentina từ chức vì bê bối “dùng quan hệ đổi vaccine”
Bộ trưởng Y tế Argentina đã từ chức sau khi có báo cáo cho thấy một số người ở quốc gia Nam Mỹ này đã sử dụng “quan hệ cá nhân” để có thể nhận được vaccine COVID-19 mà không cần “xếp hàng”.
Ông Trump dự định quay lại vũ đài chính trị
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại tâm điểm chính trị với việc phát biểu tại một cuộc gặp mặt quan trọng sắp tới, Reuters đưa tin.
Nam diễn viên nổi tiếng Myanmar bị bắt vì ủng hộ biểu tình
Cảnh sát Myanmar đã bắt giữ một nam diễn viên nổi tiếng của nước này, bị truy nã vì ủng hộ phe phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2, Reuters đưa tin.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác toàn cầu để đưa thế giới trở lại đúng hướng
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh các thách thức toàn cầu ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn đồng thời lên tiếng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để đưa thế giới trở lại đúng hướng trước vô số thách thức.
Người biểu tình Myanmar bị bắn
Ít nhất hai người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc tuần hành hôm nay (20/2) do trúng đạn vào đầu và vào ngực.
Tòa án Nga bác đơn kháng cáo, nhưng rút ngắn hạn tù của Navalny
Tòa án Nga bác đơn kháng cáo của nhân vật đối lập Navalny liên quan đến án tù 3,5 năm vì gian lận thương mại, nhưng đã rút bớt 6 tuần ngồi tù khỏi án phạt dành cho ông.
Các nhà ngoại giao Mỹ xin được tiêm vaccine Sputnik V
Các nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại thủ đô Moscow đề nghị được tiêm vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga, do Mỹ chưa thể cung cấp vaccine cho họ trong tương lai gần.
Tổng hợp-TT