Biểu tình khắp Mỹ chống thù ghét người gốc Á; Mỹ quyết “đánh chặn” công nghệ Trung Quốc?; Trung Quốc coi hội đàm ở Alaska như cột mốc 120 năm trỗi dậy; Hơn 60.000 thạc sĩ Trung Quốc làm nghề shipper; Australia oằn mình chống đỡ trận mưa lũ lịch sử “trăm năm có một”…là những tin chính được cập nhật.
Biểu tình khắp Mỹ chống thù ghét người gốc Á
Hai đứa trẻ tham gia biểu tình “Dừng thù ghét người gốc Á” tại thành phố Pittsburgh hôm 20/3. Ảnh: AP.
Nhiều cuộc biểu tình chống thù ghét người gốc Á đã diễn ra trên khắp nước Mỹ, sau vụ xả súng vào ba cửa hàng spa tại ngoại ô Atlanta.
Từ thành phố San Francisco, bang California đến thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, nhiều phụ nữ, đàn ông và thậm chí trẻ em ngày 20/3 đã xuống đường tuần hành phản đối làn sóng thù ghét nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI), sau vụ xả súng khiến 8 người chết ở ngoại ô Atlanta, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á hôm 16/3.
“Tôi đã luôn phải chú ý mọi lời nói, hình ảnh và hành động trong suốt cuộc đời mình. Gia đình tôi không muốn tôi đi bất kỳ đâu một mình”, Ann Johns nói khi tham gia một cuộc diễu hành ở Atlanta.
Tại thành phố San Antonio, bang Texas, cựu thị trưởng Julian Castro đã nói với người biểu tình rằng Mỹ có một lịch sử “không hoàn hảo”.
“Chúng ta phải dừng ngay vấn nạn thù ghét người Mỹ gốc Á ở quốc gia này”, Castro, cựu bộ trưởng nhà ở và phát triển đô thị dưới thời Barack Obama, nói. “Người Mỹ gốc Á đã bị phân biệt đối xử suốt nhiều thế hệ. Tôi không cần phải nói thêm về điều này với bất kỳ ai trong đám đông ở đây”.
Tại Pittsburgh, nghệ sĩ Sandra Oh nói với người biểu tình rằng cô “tự hào là một người châu Á”. “Đối với rất nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi, đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nói lên nỗi sợ hãi và tức giận của mình. Tôi rất biết ơn vì mọi người sẵn lòng lắng nghe”, Oh nói.
Tại Chicago, Dai Quing, một người tuần hành ở khu phố Logan Square nói tham gia biểu tình không chỉ thể hiện ủng hộ với những nạn nhân của vụ xả súng hôm 16/3 mà còn để ngăn các vụ tấn công tương tự trong tương lai.
“Tôi đến đây không chỉ vì tôi mà còn vì thế hệ tương lai của tôi. Tôi nghĩ họ nên có cơ hội và được tôn trọng như nhau”, Quing nói.
Kết quả nghiên cứu được công bố tuần này của diễn đàn Ngừng thù ghét cộng đồng AAPI tiết lộ gần 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã xảy ra trong năm qua, trong đó phụ nữ chiếm 68% và nam giới là 29%.
Mỹ quyết “đánh chặn” công nghệ Trung Quốc?
(NLĐ) Bộ Thương mại Mỹ hôm 17-3 cho biết họ đã tống đạt trát đòi hầu tòa đối với nhiều công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tại Mỹ để xem liệu có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Bắc Kinh đã có những hành vi làm mờ lợi thế công nghệ của Mỹ và đe dọa các liên minh của chúng tôi”. Theo bà Gina Raimondo, trát đòi hầu tòa sẽ thu thập thông tin để “cho phép đưa ra quyết tâm về hành động khả thi nhằm bảo vệ tốt nhất an ninh của các công ty Mỹ, công nhân Mỹ và an ninh quốc gia của Mỹ”.
Reuters cho biết tuyên bố của bà Gina Raimondo không nêu tên bất kỳ công ty nào. Tập đoàn công nghệ Huawei và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc đã bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đây nhắm tới nhằm loại bỏ khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ.
Mới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã liệt kê 5 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia với nước này. Các doanh nghiệp trên bao gồm Tập đoàn công nghệ Huawei, ZTE Corp, Tập đoàn truyền thông Hytera, Tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Hangzhou Hikvision và Tập đoàn công nghệ Dahua.
Theo Reuters, một đạo luật của Mỹ từ năm 2019 yêu cầu FCC phải xác định những doanh nghiệp cung cấp các trang thiết bị và dịch vụ viễn thông được phát hiện là “tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ”.
Vào năm 2019, Mỹ đã liệt Huawei, Hikvision và một số tập đoàn khác vào danh sách đen kinh tế. Năm 2020, FCC cũng liệt hai doanh nghiệp Huawei và ZTE vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia đối với những mạng lưới truyền thông của Mỹ, cũng như cấm các công ty Mỹ sử dụng ngân sách chính phủ trị giá 8,3 tỷ USD để mua các trang thiết bị từ những tập đoàn này.
Trung Quốc coi hội đàm ở Alaska như cột mốc 120 năm trỗi dậy
Sau cuộc hội đàm Mỹ – Trung tại Alaska, People’s Daily đăng hình ghép để so sánh sự kiện này với buổi ký một hiệp ước từ thời nhà Thanh.
Năm 1901, nhà Thanh của Trung Quốc phải ký Hiệp ước Tân Sửu, hay còn gọi là Nghị định thư Bắc Kinh, với liên minh gồm 8 quốc gia. Theo các điều khoản của thỏa thuận mà Bắc Kinh coi là bất công, nhà Thanh buộc phải trả các khoản bồi thường lớn sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, cuối cùng dẫn đến triều đại sụp đổ.
Việc ký kết Hiệp ước Tân Sửu bị coi là chương muốn quên nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng giờ đây, nơi từng bị các cường quốc phương Tây “xâu xé” cách đây 120 năm đã trở lại đầy khí thế.
Cảnh nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh Dương Khiết Trì “khẩu chiến” với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc hội đàm tại thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ, được phát lại nhiều lần trên các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc.
“Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Nhiều người tại Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ. Họ cũng có quan điểm đa dạng về chính phủ Mỹ”, ông Dương nói trong cuộc gặp đầu tiên với đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo bình luận viên Mikio Sugeno và Tetsushi Takahashi của Nikkei, thông điệp của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc rất rõ ràng. Đó là chính quyền dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình đã kiềm chế Covid-19 thành công, hệ thống của họ ưu việt hơn nền dân chủ kiểu Mỹ, vốn đã thất bại đau đớn trước đại dịch.
Những phát ngôn đầy tự tin của ông Dương được đánh giá là minh chứng cho thay đổi cơ bản trong quan hệ Mỹ – Trung, điều mà Bắc Kinh đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 120 năm qua. Chuyến đi vượt 6.000 km đến đất Mỹ của quan chức này, cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, dường như hoàn hảo cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay.
Với một Trung Quốc đầy khí thế trước cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của Biden, thế đối đầu giữa hai siêu cường giờ đây bước sang giai đoạn mới. Cuộc cạnh tranh đã phát triển từ lĩnh vực kinh tế bao trùm sang các quan điểm toàn cầu rộng lớn hơn.
Hơn 60.000 thạc sĩ Trung Quốc làm nghề shipper
Thống kê cho thấy ít nhất 60.000 thạc sĩ Trung Quốc làm nhân viên giao hàng cho Meituan. Khoảng 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học.
Theo South China Morning Post, báo cáo của Meituan – nền tảng mua bán và giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc – cho thấy trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 thạc sĩ và 170.000 cử nhân Trung Quốc trở thành nhân viên giao hàng. Ước tính 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học, tăng 6,7% so với năm trước đó.
Tính đến năm 2019, khoảng 16% nhân viên giao hàng làm việc bán thời gian tại Meituan là sinh viên năm nhất. Con số này đối với sinh viên năm 2-3 lần lượt là 47% và 28%. Sinh viên năm cuối chiếm 8%, còn lại là trình độ thạc sĩ trở lên.
Tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên đang trở nên đáng báo động tại Trung Quốc. Theo CNBC, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại nước này lên đến 13,1% trong tháng 2 năm nay. Điều đáng nói là con số này cao bằng quý I/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Australia oằn mình chống đỡ trận mưa lũ lịch sử “trăm năm có một”
Kinhtedothi – Australia đã ban hành cảnh báo nguy cơ ngập lụt và sơ tán người dân tại 12 khu vực ở bang New South Wales, trong đó có thủ phủ Sydney do trận mưa lũ lịch sử “trăm năm có một”.
Chính phủ Australia ngày 21/3 đã ban bố tình trạng thảm họa thiên nhiên ở những khu vực rộng lớn của bang New South Wales (NSW) khi mưa lớn ập xuống liên tục buộc hàng ngàn người phải sơ tán.
Thủ hiến nang NSW Gladys Berejiklian cho biết chính quyền đã thiết lập 13 trung tâm sơ tán, đồng thời dự đoán thêm 4.000 người sẽ chịu ảnh hưởng của mưa lũ trong vài giờ tới
Giới chức bang New South Wales – khu vực đông dân nhất Australia, đã ban hành nhiều lệnh sơ tán hơn sau trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Cơ quan chức năng cảnh báo tình hình “nguy ngập đến tính mạng” tại bang New South Wales, dù bước đầu hưa ghi nhận thiệt hại về người.
Theo Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian, khu vực này đã công bố thiên tai cấp quốc gia vì đang hứng chịu đợt lũ 100 năm mới có một lần.
Mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập úng ở các cộng đồng dân cư địa phương kể từ hôm 18/3. Trong ngày 20/3, đợt mưa lớn kéo dài khiến nước tràn qua đập Warragamba – đập lớn nhất Sydney, gây trận lũ “trăm năm có một” khiến hàng ngàn người phải sơ tán.
Các lực lượng khẩn cấp buộc người dân sống ở vùng trũng phía tây bắc Sydney – thành phố lớn nhất Australia, phải sơ tán đến nơi an toàn ngay trong ngày thứ Bảy.
Bang New South Wales cảnh báo thời tiết sẽ duy trì ở mức rất xấu trên toàn bang cho đến ngày 24/3.
Cảnh báo được giới chức địa phương đưa ra sau khi con đập Warragamba, nơi cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho Sydney, bị tràn vào chiều 20/3 khiến con sông Hawkesbury sắp vượt mức lũ năm 1961.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cho biết, khu vực này đã công bố thiên tai cấp quốc gia vì đang hứng chịu đợt lũ “100 năm mới có một lần”.
Theo Thủ hiến Gladys Berejiklian, một số gia đình đã buộc phải sơ tán giữa đêm khi các con sông dâng lên mức nguy hiểm và 4.000 người – chủ yếu ở vùng Hawkesbury – có thể phải sơ tán vào ngày 21/3.
Khu vực phía tây TP Sydney cũng hứng chịu mưa lớn, dự báo gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm
“Chúng tôi vừa trải qua một tuần tồi tệ do hứng chịu đợt mưa lũ kỷ lục” – Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian nói trong một cuộc họp trên truyền hình. “Mưa có thể còn kéo dài đến thứ Năm hoặc thứ Sáu tuần tới”.
Giới chức bang New South Wales đã ban hành nhiều lệnh sơ tán hơn sau trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã nhận được khoảng 4.000 cuộc gọi nhờ giúp đỡ trong 2 ngày qua, và đã tiến hành 500 đợt cứu hộ trong lũ kể từ ngày 18/3.
Bộ trưởng Dịch vụ Khẩn cấp bang NSW David Elliott cảnh báo: “Người dân không đi bộ qua hoặc cố lái xe qua dòng nước lũ”.
*** Thế giới có gần 124 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 22/3, thế giới ghi nhận 123.850.904 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.727.428 ca tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Mỹ với tổng số 30.521.765 ca nhiễm.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 99.778.463 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.345.013 ca bệnh đang điều trị thì có 21.254.825 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 90.188 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 37.574.111 trường hợp, trong đó có 877.864 ca tử vong và 26.566.965 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan trong bối cảnh chương trình tiêm chủng của các nước đang “gặp khó” do sự thiếu hụt nguồn cung vaccine COVID-19.
Tại châu Âu, Anh ngày 21/3 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm xuất khẩu vaccine COVID-19 của AstraZeneca nếu khối này không nhận đủ lượng cung cấp đã cam kết, cho rằng động thái như vậy của EU sẽ “phản tác dụng”. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định “thế giới đang theo dõi” cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển, và rằng danh tiếng của liên minh này đang bị ảnh hưởng. Bình luận của ông được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa cảnh báo sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vaccine đã cam kết trong quý I/2021.
Hiện Bắc Mỹ có 35.098.361 ca nhiễm bệnh, trong đó có 803.664 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 30.521.765 ca nhiễm và 555.314 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.193.639 ca nhiễm và 197.827 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 933.785 ca nhiễm và 22.676 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 22/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 26.967.122 trường hợp, với 416.468 ca tử vong và 25.082.769 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.467.885 ca bệnh đang điều trị thì có 24.301 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.645.719 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.013.122 ca.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan ngày 21/3 cho biết quốc gia Nam Á này đã tiêm gần 45 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân trong nước, đồng thời cung cấp hơn 60 triệu liều cho 76 quốc gia trên thế giới. Như vậy, Ấn Độ đến nay mới chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 3,3% dân số. Với tốc độ này, Ấn Độ sẽ phải mất nhiều năm để tiêm đủ 2 liều cho khoảng 70% dân số nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Hiện Nam Mỹ ghi nhận 20.018.149 ca nhiễm và 518.159 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 11.998.233; 2.337.150; 2.245.771; 1.466.326… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 22/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.138.592 trường hợp, trong đó có 110.143 ca tử vong và 3.697.455 ca bình phục. Trong tổng số 330.994 ca đang điều trị thì có 2.578 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.537.852 ca nhiễm COVID-19 và 51.111 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 18 ca nhiễm COVID-19, trong đó 9 ca ở Australia, 9 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 53.848 ca nhiễm và 1.115 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.205 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.576 ca./.
Tổng hợp-TT