VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/1/2019.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu;  Kinh tế Trung Quốc “xuống dốc”, ông Tập Cận Bình cảnh báo hàng loạt mối nguy hiểm; Tăng trưởng thấp nhất 28 năm, Trung Quốc “cuống cuồng” kích thích kinh tế…là những tin chính được cập nhật.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ảnh minh họa. Kết quả hình ảnh cho IMF  
IMF nhấn mạnh rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt loạt nguy cơ khủng hoảng, từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới Brexit…
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/1 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt loạt nguy cơ khủng hoảng, từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới cuộc “ly hôn” sóng gió giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit.
Theo tin từ Reuters, dự báo u ám trên được IMF đưa ra trước thềm chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ. “Sau hai năm tăng trưởng vững vàng, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng ngày càng chậm hơn so với dự kiến và các rủi ro đang tăng lên”, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói với các nhà báo.
“Liệu điều đó có nghĩa là suy thoái toàn cầu sắp xảy ra? Câu trả lời là không, nhưng nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh chắc chắn đã gia tăng”, bà Lagarde nói, đồng thời hối thúc cac nhà hoạch định chính sách chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt sự sụt giảm mạnh trong tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày thứ Hai của WEF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% trong năm 2019 và 3,6% trong 2020, giảm tương ứng 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10.
Động thái hạ dự báo tăng trưởng này chủ yếu phản ánh những dấu hiệu yếu đi của các nền kinh tế khu vực châu Âu. Cường quốc xuất khẩu số 1 của châu Âu là Đức đang đối mặt thách thức do tiêu chuẩn khí thải mới, còn thị trường tài chính Italy chịu sức ép do cuộc đối đầu về ngân sách với Liên minh châu Âu (EU).
IMF cũng nhấn mạnh sự giảm tốc sâu hơn dự báo của kinh tế Trung Quốc, và nguy cơ Brexit không thỏa thuận, cho rằng những yếu tố này có thể khiến thị trường biến động mạnh hơn.Thống kê công bố hôm thứ Hai cho thấy nền kinh tế nước này 2018 tăng trưởng chậm nhất gần 3 thập kỷ.
Nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế đã khiến thị trường tài chính toàn cầu trải qua những phiên giao dịch sóng gió thời gian gần đây, đồng thời buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất.

 Kinh tế Trung Quốc “xuống dốc”, ông Tập Cận Bình cảnh báo hàng loạt mối nguy hiểm
Dân trí Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì ổn định chính trị trong cuộc họp bất thường với các quan chức cấp cao trong bối cảnh Trung Quốc đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 28 năm.
Theo Bloomberg, phát biểu trước các lãnh đạo tỉnh, các bộ trưởng và tướng lĩnh cấp cao trong cuộc họp bất thường được tổ chức tại Bắc Kinh hôm qua 21/1, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để “ngăn chặn và giải quyết các nguy cơ lớn”. Ông Tập đề cập tới một loạt mối lo ngại trong các lĩnh vực mà ban lãnh đạo Trung Quốc cần tập trung giải quyết, từ chính trị và hệ tư tưởng cho tới kinh tế, môi trường và các vấn đề đối ngoại.
“Đảng đang phải đối mặt với những phép thử phức tạp và dài hạn liên quan tới việc duy trì sự cầm quyền lâu dài, cải cách, mở cửa, nền kinh tế định hướng thị trường và cả môi trường nội bộ. Đảng cũng phải đối mặt với những mối nguy hiểm nghiêm trọng về sụt giảm tinh thần, thiếu hụt năng lực, xa rời nhân dân, thụ động và tham nhũng. Đây là những đánh giá chung dựa trên tình hình thực tế”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp.

Tăng trưởng thấp nhất 28 năm, Trung Quốc “cuống cuồng” kích thích kinh tế
Kinhtedothi – Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2018 chỉ tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2018 chỉ tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn mức 6,8% của năm 2017, trong đó tăng trưởng GDP quý IV của nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ đạt 6,4%, hạ so với mức 6,5% của quý III.
Trước đó, số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc sụt 7,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu của nước này cũng giảm 4,4%, so với mức dự báo tăng 3%. Đây là mức giảm mạnh nhất cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc kể từ 2016.
Lãnh đạo cơ quan thống kê của Trung Quốc cho biết, cuộc chiến thương mại của họ với Mỹ đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tuy nhiên tác động vẫn được kiểm soát. Sau khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, hai bên hiện trong thời kỳ 90 ngày đình chiến để đàm phán một thỏa thuận, muộn nhất là ngày 1/3 tới .
Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi tạo ra gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua, đang gây ra lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới và tác động tới lợi nhuận của các công ty, từ tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple cho đến các nhà sản xuất ôtô lớn.

***   Dân TQ bắt đầu cuộc di chuyển lớn nhất thế giới
Ngày 21/1, người dân Trung Quốc bắt đầu hành trình về quê ăn Tết, hay còn gọi là “xuân vận”, cuộc di chuyển lớn nhất thế giới.
Tân Hoa xã đưa tin, từ ngày 21/1 đến ngày 1/3, dự kiến sẽ có 3 tỷ chuyến đi được thực hiện, tăng 0,6 lần so với năm ngoái, trong đó, số chuyến đi bằng tàu hỏa sẽ tăng 8,3% và số chuyến đi bằng máy bay tăng 12%.
Chính quyền Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị mọi mặt như mở rộng các chuyến bay nội địa và tăng cường các chuyến tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cao đột biến của người dân trong dịp này.
Ngoài ra, một số nhà ga sẽ đi tiên phong trong việc “di chuyển không cần vé”. Thay vì mua vé trực tuyến và tới ga để lấy vé, hành khách có thể đi qua cửa soát vé bằng cách dùng điện thoại quét mã QR rồi thanh toán sau.
“Xuân vận” còn được biết đến như cuộc di chuyển lớn nhất trên thế giới, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc làm việc tại các thành phố trở về quê để đoàn tụ với gia đình. Tết Nguyên Đán năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 5/2/2019.

– Siêu Trăng máu – Trắng sói đã bắt đầu xuất hiện ở Bắc bán cầu lúc 23h41 tối 20/1 theo giờ Bờ Đông Mỹ (11h41 ngày 21/1 theo giờ Việt Nam). Hiện tượng này kéo dài khoảng 62 phút, tuy nhiên nếu tính cả thời gian nguyệt thực một phần thì hiện tượng Siêu trăng lần này sẽ kéo dài tới 3 tiếng rưỡi.

– Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Điển nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

– Ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong các vụ không kích của Israel vào Syria vào sáng 21/1 nhằm trả đũa một vụ tấn công bằng rocket của lực lượng Iran tại Syria.

– Cảnh sát thành phố Sydney của Australia cho biết, 6 đối tượng đã bị buộc tội sau khi nhà chức trách Australia phát hiện một tổ chức tội phạm đánh cắp sữa bột cho trẻ em và các loại kẹo vitamin, có tổng giá trị hàng triệu USD, từ các cửa hiệu bán lẻ trên khắp Sydney để chuyển sang Trung Quốc.

– Các phiến quân Taliban đã giết chết hơn 100 thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan trong một cuộc tấn công nhằm vào một doanh trại quân đội ở tỉnh Maidan Wardak.

– Thủ tướng Anh Theresa May đã trình “Kế hoạch B” cho Brexit lên quốc hội hôm 21/1, sau khi thỏa thuận ban đầu về việc đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) bị bác bỏ vào thời điểm chỉ cách hạn chót 10 tuần.

– Theo báo cáo của tổ chức Oxfam, 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu số tài sản tương đương với 3,8 tỷ người nghèo nhất hành tinh.

– Một chiếc thuyền gỗ bị lật khi đang di chuyển trên đoạn sông Kapuan của Indonesia vào hôm 21/1, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 12 người mất tích.

***   “Kế hoạch B” về Brexit của Thủ tướng Anh có gì mới?
Truyền thông Anh chiều 20-1 (giờ địa phương) đồng loạt đưa tin, sau khi thỏa thuận đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit, bị Hạ viện Anh “khước từ”, Thủ tướng Theresa May hiện đang chuẩn bị đưa ra “Kế hoạch B” thay thế, dự kiến được công bố trong ngày 21-1 (giờ địa phương).

Tàu chở dầu nổ lớn ở eo biển Kerch, 14 người thiệt mạng
Ít nhất 14 người thiệt mạng, trong khi nhiều người khác bị thương trong một vụ nổ xảy ra trong quá trình sang chiết nhiên liệu của hai tàu vận tải cỡ lớn ở eo biển Kerch, gần bán đảo Crimea của Nga.

Nga, EU tẩy chay hội nghị toàn cầu chống Iran của Mỹ
Nga, quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu ở Trung Đông và đại diện Liên minh châu Âu (EU) thông báo không tham gia hội nghị toàn cầu về Trung Đông do Mỹ tổ chức tại Ba Lan.

Thách thức mới của tân Giám đốc CIA Gina Haspel
Một loạt sự cố gián điệp ở nước ngoài trong vài năm qua đã khiến hoạt động tình báo của CIA ở nước ngoài bị giảm sút nghiêm trọng.

Đức: Xét xử vụ án “Đồng tiền khổng lồ”
Tại Berlin vừa diễn ra phiên tòa xét xử nhóm tội phạm từng tham gia vào một vụ trộm khá đặc biệt từ nhiều năm nay. Ba thanh niên Arab nhập cư đã đột nhập vào một bảo tàng tại thành phố này, lấy trộm một đồng tiền vàng khổng lồ nặng cả trăm kilogram chỉ nhờ vào những dụng cụ thô sơ như rìu, dây thừng, thang và xe đẩy.

Nga tuyên bố Syria bắn hạ 30 tên lửa Israel
Nga cho biết các hệ thống phòng không của Syria đã đánh chặn được 30 tên lửa do Israel phóng vào lãnh thổ nước này, đồng thời cho hay các vụ không kích của Israel gây thiệt hại lớn cho Damascus.

Malaysia đẩy mạnh điều tra đại án Quỹ 1MDB
Ngôi sao Hollywood Leonardo DiCaprio, nam diễn viên chính trong bộ phim nổi tiếng “Sói già phố Wall” đã ra làm chứng vụ khởi tố tỷ phú người Malaysia liên quan đến vụ bê bối Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong vụ án có liên quan tới một loạt các nhân vật nổi tiếng.

Anh, Brexit và nguy cơ ra đi tay trắng
Với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã thể hiện sự tín nhiệm với chính phủ, chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất.

Căng thẳng Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề người Kurd
Sau những tín hiệu tích cực khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, vấn đề người Kurd lại trở thành trở ngại mới khiến mối quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lao dốc, thậm chí có nguy cơ lâm vào ngõ cụt. Dù đã nhượng bộ rút quân, song Mỹ lại không nhận được sự đảm bảo an toàn cho các tay súng người Kurd từ phía đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghị sĩ Nga “đuổi khéo” tàu Mỹ khỏi Biển Đen
Nghị sĩ Thượng viện Nga cho rằng Biển Đen không liên quan gì tới an ninh quốc gia Mỹ và vì vậy Washington không nên điều tàu chiến tới áp sát bờ biển Nga.

26 người giàu nhất hành tinh đang giàu hơn một nửa dân số thế giới cộng lại
Các tỷ phú giàu nhất thế giới giàu thêm 2,5 tỷ USD mỗi ngày, trong khi đó, một nửa “nghèo hơn” còn lại của thế giới lại đang chứng kiến sự giảm đi đáng kể trong giá trị ròng.

Manh nha đàm phán hòa bình Nga-Nhật
Ngày 14-1, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có cuộc đàm phán với người đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono tại Moscow để bàn về tranh chấp chủ quyền đối với một nhóm đảo thuộc quần đảo Kuril, khu vực mà Tokyo gọi là “vùng lãnh thổ phương Bắc”.

Đánh bom vào căn cứ quân sự Afghanistan: ít nhất 12 người chết
Khu vực diễn ra vụ đánh bom nằm tại một căn cứ quân sự của lực lượng đặc nhiệm Afghanistan ở Maidan Shar, thủ phủ tỉnh Wardak ở miền Tây nước này.

Chưa đạt mục tiêu, Israel tiếp tục dội bão lửa vào Damascus
Quân đội Israel rạng sáng nay (21-1) tiếp tục nã hàng chục quả tên lửa vào thủ đô Damascus của Syria, sau khi đòn không kích trước đó vài giờ bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không Buk và Pantsir-S1.

Cuba tuân thủ các nghị định thư của Đối thoại Hòa bình giữa Colombia – ELN
Ngày 19-1, thông qua mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla khẳng định La Habana sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các nghị định thư của Thỏa thuận Hòa bình được ký kết giữa Chính phủ Colombia và nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), bao gồm Nghị định thư trong trường hợp hủy bỏ đàm phán.

Athens “thất thủ” vì biển người biểu tình phản đối Macedonia đổi tên nước
Reuters hôm 20-1 đưa tin, hàng chục ngàn người dân Hy Lạp đã đổ ra trung tâm thủ đô Athens để biểu tình, phản đối thỏa thuận của Chính phủ nước này với Macedonia về việc Skopje đổi tên nước. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay để trấn áp biển người biểu tình.

Mỹ-Triều chốt kế hoạch gặp mặt thượng đỉnh, Anh lệnh quân đội sẵn sàng ứng phó Brexit
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chốt lịch gặp mặt thượng đỉnh lần hai, Hạ viện Anh bác bỏ kế hoạch Brexit và vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Mexico… là những tin tức đáng chú ý nhất trong tuần.

Tổng hợp-TT