IMF lo ngại tranh chấp thương mại đe dọa GDP toàn cầu; Cơ hội tìm kiếm các thị trường chiến lược; G20: Căng thẳng thương mại gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu; Lựa chọn sống còn của Triều Tiên giữa vòng vây trừng phạt…là những tin chính được cập nhật.
IMF lo ngại tranh chấp thương mại đe dọa GDP toàn cầu
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 21-7. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)
(SGGP) Phát biểu khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 ngày 21-7 tại Buenos Aires (Argentina), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh với những biện pháp hạn chế thương mại đang được triển khai và đang trong quá trình chuẩn bị, IMF đã dự báo về một kịch bản tồi tệ khi GDP toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 430 tỷ USD.
Hầu hết đại biểu tham dự hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các đối tác thương mại trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn tỏ ra cứng rắn khi không phát đi tín hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề thương mại.
Đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Mnuchin cũng để ngỏ khả năng hiện thực hóa lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 500 tỷ USD.
Cơ hội tìm kiếm các thị trường chiến lược
(SGGP) Ngày 22-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Rwanda, chặng dừng chân tiếp theo trong chuyên công du Trung Đông, châu Phi từ ngày 19-7.
Chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần của ông Tập Cận Bình được nhiều nhà quan sát nhận định thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông – châu Phi, vốn có lợi ích chiến lược với Bắc Kinh.
Những thắng lợi đầu tiên
Tính đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, sắp tới là Nam Phi và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại TP Johannesburg của Nam Phi.
Theo Tân Hoa xã, ngày 21-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Senegal – chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Senegal trong gần 1 thập kỷ qua. Sau khi kết thúc hội đàm, lãnh đạo 2 nước đã cùng chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương.
Chuyến thăm châu Phi lần này thực sự quan trọng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa nước này và Mỹ ngày càng diễn biến phức tạp. Châu Phi được xác định là một thị trường chiến lược của Trung Quốc.
G20: Căng thẳng thương mại gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu
(TTXVN/Vietnam+)Ngày 22/7, trong thông cáo báo chí được đưa ra cuối hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã cảnh báo rằng “những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng” đã gây ra nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin.”
Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 đã miêu tả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay là “ổn” song lưu ý rằng “về ngắn và trung hạn” các nguy cơ đối với tăng trưởng sẽ “tăng.”
Lựa chọn sống còn của Triều Tiên giữa vòng vây trừng phạt
(DTO) Nền kinh tế Triều Tiên đang ở mức yếu kém nhất trong vòng 20 năm qua và cải cách kinh tế được cho là giải pháp duy nhất để Bình Nhưỡng có thể tồn tại.
Theo ông William Brown, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Ngoại giao George Town ở Washington, Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nên tiến hành cải cách để vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Triều Tiên. Ông Brown cho rằng nếu không có các biện pháp cải cách phù hợp, nền kinh tế Triều Tiên sẽ không thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi nước này được nới lỏng các lệnh trừng phạt do từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Để ông Kim Jong-un đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng (Triều Tiên), cần có nhiều việc phải làm hơn là chỉ chấm dứt các lệnh trừng phạt”, ông Brown nhận định.
“Cải cách kinh tế rõ ràng là câu trả lời duy nhất. Tôi cho rằng cải cách kinh tế (Triều Tiên) theo kiểu Trung Quốc cần được khởi động và Tổng thống Donald Trump có thể giúp đỡ cho tiến trình rất tích cực đó”, ông Brown nói thêm.
*** Chính quyền Trump có thể mất quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân Mỹ
Quốc hội Mỹ đang thảo luận dự luật quốc phòng có khả năng chấm dứt quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền Trump với Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), cơ quan quản lý kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được thành lập từ năm 2000, AP hôm qua đưa tin.
Một điều khoản nhỏ của dự luật này cho phép tách NNSA khỏi quyền điều hành của Bộ Năng lượng Mỹ, cho phép cơ quan này hoạt động độc lập nếu dự luật được thông qua.
Nhà Trắng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cùng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã phản đối mạnh mẽ dự luật, cho rằng nó có thể đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thay đổi điều khoản trong dự luật đều không mang lại kết quả.
Nga bắt nhà khoa học bị nghi làm lộ bí mật về vũ khí siêu vượt âm
“Chuyên gia Viktor Kurdryavtsev thuộc Viện Nghiên cứu Chế tạo máy Trung ương (TsNIIMash) đã bị bắt với cáo buộc phản quốc”, TASS dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan vũ trụ Nga (Roskosmos) hôm qua tuyên bố. Đại diện TsNIIMash không đưa ra bình luận, phát ngôn viên Roskosmos cũng từ chối cho biết chi tiết về vụ bắt giữ.
Tòa án quận Lefortovo tại thủ đô Moskva, nơi xét xử các vụ phản quốc, không xác nhận hay phủ nhận thông tin, cho biết đây là vụ án bí mật.
Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã khám xét một cơ sở nghiên cứu do Roskosmos quản lý, sau khi có thông tin cho rằng đây là nơi làm lộ nhiều bí mật về vũ khí siêu vượt âm Avangard đang được Nga phát triển. FSB nhận định một số thông tin mật đã rơi vào tay điệp viên phương Tây.
Máy bay chở khách Trung Quốc hạ cánh khẩn vì tràn ngập khói
Chuyến bay CA1639 của hãng Air China phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh tối 21/7 do xuất hiện khói trong khoang hành khách. Các thành viên tổ lái và hành khách phát hiện khói không lâu sau khi máy bay cất cánh, bắt đầu hành trình tới tỉnh Hắc Long Giang, SCMP đưa tin.
Đại diện hãng Air China hôm qua xác nhận máy bay phải quay lại sân bay Bắc Kinh vì “mùi lạ”, nhưng không cho biết chi tiết.
“Khoang máy bay tràn ngập khói, chúng tôi được yêu cầu rời phi cơ ngay khi hạ cánh và không được mang theo hành lý”, một hành khách nhớ lại.
Văn phòng tổng thống Pháp tái cơ cấu do vụ vệ sĩ hành hung người biểu tình
Nguồn tin giấu tên tại Điện Elysee hôm qua cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh tái cơ cấu Văn phòng tổng thống, sau khi cơ quan này thừa nhận những thất bại trong việc kiểm soát bê bối vệ sĩ của Macron đánh người biểu tình hôm 1/5.
Truyền thông Pháp tuần trước công bố video một người đàn ông đội mũ bảo hiểm của cảnh sát có hành vi bạo lực với người biểu tình tham gia tuần hành ở thủ đô Paris vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Người này được xác định là Alexandre Benalla, vệ sĩ thân cận của Tổng thống Macron. Sự việc làm dấy lên làn sóng phản ứng giận dữ của dư luận, đòi hỏi giới chức Pháp đưa ra giải thích cho hành động bạo lực của Benalla.
Macron tuyên bố hành động của vệ sĩ này là “gây sốc và không thể chấp nhận được”.
Iraq từ chối cho Mỹ đặt căn cứ quân sự dài hạn trên lãnh thổ
“Baghdad sẽ không bao giờ chấp nhận cho Washington bố trí căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq. Tôi không biết về kế hoạch triển khai lực lượng dài hạn của Mỹ tại Iraq. Tôi tin rằng thông tin này không chính xác, do Washington đã rút quân từ năm 2011 và binh sĩ Mỹ đóng tại Iraq hiện nay chỉ đóng vai trò cố vấn”, TASS dẫn lời Đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour Hadi hôm qua tuyên bố.
Đại sứ Hadi khẳng định chính quyền Iraq coi chủ quyền là ưu tiên cao nhất và sẽ từ chối nếu Mỹ công bố kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại nước này.
Trump thất vọng với diễn biến sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều
Việc không có tiến triển ngay lập tức sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều hôm 12/6 khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra thất vọng. Nguồn tin giấu tên cho biết ông đã cáu giận với các cố vấn trong những cuộc họp riêng về vấn đề Bình Nhưỡng, dù Trump liên tục ca ngợi thành công của cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong những tuần vừa qua, các quan chức Mỹ đã gặp phản ứng cứng rắn từ phía Triều Tiên, khi họ liên tục hủy những cuộc họp quan trọng, yêu cầu Mỹ cung cấp thêm tài chính và không duy trì liên lạc ở mức tối thiểu. Một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp Tổng thống Trump cho biết nó sẽ sớm bị Bình Nhưỡng phá hủy.
Cộng đồng tình báo Mỹ cũng cảnh báo Triều Tiên đang tìm cách che giấu các thành phần then chốt trong chương trình hạt nhân.
Pháo dã chiến tuột khỏi xe kéo, đâm hỏng ôtô tại Canada
Một khẩu pháo dã chiến tuột khỏi xe kéo khi đang đi lên đồi ở thành phố Nanaimo, bang British Columbia, Canada hôm 21/7, RT đưa tin. Các nhân chứng cho biết hai binh sĩ đã tìm mọi cách để chặn khẩu pháo, nhưng nó chỉ dừng lại sau khi đâm vào một xe taxi trên đường.
*** Iran thẳng thừng cảnh báo ông Trump
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa thẳng thừng cảnh báo người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc theo đuổi những chính sách thù địch chống Tehran.
“Mỹ nên biết rằng hòa bình với Iran là nguồn gốc của mọi nền hòa bình. Chiến tranh với Iran là nguồn gốc của tất cả các cuộc chiến”, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời ông Rouhani tại cuộc họp với các nhà ngoại giao nước này.
Ông Rouhani tuyên bố thêm: “Ông Trump, đừng đùa với lửa, điều này sẽ chỉ dẫn đến những điều đáng tiếc mà thôi”.
Lý do Tổng thống Iran đưa ra cảnh báo là bởi ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận quốc tế năm 2015 về chương trình hạt nhân của Iran, và khiến nước này đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt cùng áp lực gia tăng từ phía Mỹ.
– Một tướng Mỹ cấp cao trên bán đảo Triều Tiên cảnh báo chính quyền Kim Jong Un chưa dỡ bỏ các thanh nhiên liệu và dừng sản xuất vật liệu cần thiết cho sản xuất bom hạt nhân.
– Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các tài liệu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố hôm 21/7 về ông Carter Page – cựu cố vấn chiến dịch tranh cử Trump 2016 – đã khẳng định khả năng Bộ Tư pháp Mỹ và FBI lừa dối các tòa án.
Trên tài khoản Twitter, ông viết: “Chúc mừng (Tổ chức giám sát chính phủ) Judicial Watch và (Giám đốc) Tom Fitton đã thành công trong việc thu thập các tài liệu về ông Carter Page. Như thường lệ, chúng được sửa lại một cách vô lý, song đã gần như chắc chắn khẳng định Bộ Tư pháp và FBI lừa dối tòa án. Cuộc săn lùng phù thủy lừa đảo, một mưu đồ bất lương”.
– Kyodo dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung tâm Vi tính Triều Tiên (KCC) có trụ sở tại Bình Nhưỡng, vốn là một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ của Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh sang khu vực Viễn Đông của Nga, bằng cách “cải trang” là một công ty địa phương.
– Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nước này sẽ mở lại cửa khẩu Kerem Shalom vốn được xem là đường trung chuyển hàng hóa chính với Dải Gaza, đồng thời mở rộng khu vực đánh bắt cá của người Palestine nếu tình hình biên giới tiếp tục lắng dịu.
– Ít nhất 18 người thiệt mạng trong một vụ tấn công được cho là do các phần tử thuộc nhóm khủng bố thánh chiến Boko Haram tiến hành nhằm vào khu vực Hồ Chad.
– Truyền thông địa phương dẫn một số nguồn tin cho hay Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã bật đèn xanh cho việc thành lập một số căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ nước này. Theo cổng thông tin Mexico Aristegui Noticias, ít nhất 3 căn cứ của Mỹ có thể được thành lập tại các tỉnh Neuquen, Misiones và Tierra del Fuego và việc thành lập sẽ do Bộ Tư lệnh Phương Nam của Mỹ tài trợ.
– Cảnh sát Pakistan xác nhận một ứng cử viên thuộc đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) bị thương và tài xế của ông thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết tại thành phố Dera Ismail Khan, tây bắc nước này.
*** F-16 chặn máy bay “áp sát” sân golf của Tổng thống Trump
Một máy bay chiến đấu Không quân Mỹ đã kịp thời chặn một máy bay phản lực cỡ nhỏ bay gần sân golf riêng của Tổng thống Donald Trump hôm 21-7, Thông tấn AP đưa tin.
Tổng thống Trump bất ngờ cáo buộc FBI lừa dối
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp nước này đã công bố các tài liệu giả mạo về Carter Page, cựu cố vấn chiến lược tranh cử của ông Trump năm 2016.
Iran cảnh báo “lạnh gáy” về nguy cơ chiến tranh với Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Mỹ nên thận trọng với các chính sách chống lại Iran bởi trong trường hợp xung đột quân sự với Iran nổ ra, đây sẽ là “mẹ của các loại chiến tranh”.
Sau khi bắn nhau tơi tả, Hamas và Israel đồng ý khôi phục lại bình yên tại Gaza
Phong trào Hamas ngày 21-7 tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel ở Dải Gaza, chỉ vài giờ sau cuộc không kích của quân đội Israel nhằm đáp trả vụ việc một binh sĩ nước này bị bắn chết.
Bảo mẫu dùng chăn bịt mũi trẻ đến chết vì không… ngủ trưa
Cảnh sát đang thẩm vấn một bảo mẫu làm việc cho một nhà trẻ sau khi đoạn phim được trích xuất từ camera giám sát an ninh (CCTV) cho thấy bà bị mũi một trẻ sơ sinh 11 tháng tuổi đến chết.
Quân đội Israel không kích dồn dập Hamas, đáp trả vụ binh sĩ tử nạn
Bầu trời Dải Gaza thêm một lần rực sáng vào đêm 20-7 (giờ địa phương) do hàng chục cuộc không kích thực hiện bởi quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu của phong trào Hamas, The Guardian đưa tin.
Nụ cười trở lại trên môi đội trưởng đội bóng nhí Thái Lan
Bánh sinh nhật, cơm thịt hầm, chiếc giường ấm áp và chiếc điện thoại di động mới là niềm hạnh phúc mà đội trưởng đội bóng “Lợn rừng” đang tận hưởng sau 18 ngày mắc kẹt trong hang động Tham Luang.
Malaysia ấn định ngày công bố báo cáo về vụ mất tích MH370
Hơn 4 năm kể từ sau vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370, Malaysia sẽ tiến hành công bố báo cáo về vụ việc này vào ngày 30-7 tới, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giao thông nước này khẳng định.
Mobutu Sese Seko – “Thống chế báo gấm” của Zaire
Khác với nhiều nhà độc tài châu Phi, Tổng thống trọn đời của Zaire là Mobutu Sese Seko không phải là một nhà cai trị quá tàn độc: không có tội ác diệt chủng, thậm chí không lạm dụng án tử tình. Thay vào đó, ông ta được báo chí Zaire khi đó tâng bốc là nhà sáng lập ra tư tưởng “Mobutism” hay là “đấng cứu thế của dân tộc”.
Vì sao Madrid rút lệnh truy nã quốc tế với cựu Thủ hiến Catalonia?
Trước việc Tòa án bang Schleswig-Holstein (Đức) đưa ra phán quyết “bật đèn xanh” cho việc dẫn độ cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont về Tây Ban Nha với cáo buộc lạm dụng công quỹ, Tòa án Tối cao Madrid đã lựa chọn rút lại lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này.
Tổng hợp-TT