Covid-19 có thể kéo dài hai năm; Thế giới sắp cán mốc 3,4 triệu ca nhiễm, gần 240.000 ca tử vong vì COVID-19; Bắt giữ đối tượng nổ súng nhằm vào Đại sứ quán Cuba ở Mỹ; Tổng thống Trump đe dọa trừng phạt Trung Quốc; Mỹ cấp phép thuốc kháng virus để điều trị khẩn cấp Covid-19; WHO khẳng định virus corona chủng mới có nguồn gốc tự nhiên; Ông Kim Jong-un tái xuất hiện sau nhiều đồn đoán về sức khoẻ…là những tin chính được cập nhật.
Covid-19 có thể kéo dài hai năm
Người đứng đầu Viện Y tế Robert Koch của Đức nói đại dịch COVID-19 có thể kéo dài trong hai năm và phát triển thành từng đợt.
Một nhóm chuyên gia Mỹ cho rằng Covid-19 có thể kéo dài hai năm và chưa thể được kiềm chế cho tới khi 2/3 dân số thế giới bị nhiễm.
Báo cáo công bố ngày 30/4 của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (CIDRAP), thuộc Đại học Minnesota, đánh giá nCoV nhiều khả năng tiếp tục lây lan 18 đến 24 tháng nữa, cho tới khi 60-70% dân số toàn cầu nhiễm virus và hình thành khả năng miễn dịch.
Theo nhóm chuyên gia của CIDRAP, do những người nhiễm không triệu chứng vẫn có thể lây virus cho người khác, Covid-19 trở nên khó kiểm soát hơn cúm thường. Họ cho rằng các chính phủ nên thôi nói với người dân rằng dịch sẽ chấm dứt, mà thay vào đó là chuẩn bị cho người dân sẵn sàng với một cuộc chiến trường kỳ.
“Một thông điệp dành cho các giới chức chính phủ là họ nên hiểu dịch sẽ không thể kết thúc sớm và mọi người cần chuẩn bị cho những đợt bùng phát định kỳ trong hai năm tiếp theo”, báo cáo có đoạn.
Họ khuyến nghị chính phủ Mỹ nên chuẩn bị kịch bản xấu nhất là đợt bùng phát lớn thứ hai sẽ xảy ra vào mùa thu đông. Thậm chí với kịch bản tươi sáng nhất, họ vẫn dự đoán sẽ có thêm nhiều người chết vì nCoV.
Báo cáo được thực hiện bởi giám đốc CIDRAP Michael Osterhol, nhà dịch tễ học từng làm việc cho CDC Kristen Moore, nhà sử học về y tế công cộng John Barry thuộc Đại học Tulane và Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đưa ra dự đoán dựa vào những báo cáo đã được công bố, các mô hình về Covid-19 cũng như dữ liệu về các dịch bệnh hoành hành trong quá khứ.
Covid-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 3,3 triệu người nhiễm và hơn 234.000 người chết, khoảng một triệu người đã bình phục.
Sau thời gian dài phong tỏa hoặc áp các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch, nhiều quốc gia đang thận trọng chuyển sang giai đoạn mở cửa nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu đang chạy đua để chế tạo vaccine và hy vọng cung cấp được một lượng nhỏ trong năm nay.
*** Thế giới sắp cán mốc 3,4 triệu ca nhiễm, gần 240.000 ca tử vong vì COVID-19
(ĐCSVN) – Tính đến 7 giờ sáng ngày 2/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 3.397.000 ca mắc COVID-19, trong đó 239.394 ca tử vong và 1.079.572 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, đã có 94.152 ca mắc mới và 5.570 ca tử vong vì dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia từ khắp các châu lục. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19. Hiện nước này ghi nhận có 1.129.882 ca nhiễm và 65.724 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng ghi nhận có thêm 34.859 ca mắc mới và 1.868 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, các quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới bao gồm Tây Ban Nha, Italy, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…
Hơn 1,1 triệu người nhiễm nCoV tại Mỹ
Mỹ ghi nhận thêm gần 33.000 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1,1 triệu, trong đó gần 65.000 người đã chết.
Đại học Johns Hopkins cho biết thêm 32.908 người nhiễm nCoV tại Mỹ trong 24 giờ qua, cao hơn mức tăng gần 30.000 ca hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.100.197. Với các số liệu này, Mỹ tiếp tục là vùng dịch có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.
Trong số này, 64.600 người đã chết, tăng 1.130 so với hôm trước. Thêm 38.066 người đã hồi phục, nâng tổng số ca hồi phục lên 164.015.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, với 313.575 ca nhiễm, tăng 9.203 ca so với hôm trước. Thêm 289 người chết tại bang này, mức giảm liên tục trong nhiều ngày qua và thấp nhất kể từ 30/3. Tổng số người chết tại New York là 23.841.
Thống đốc Andrew Cuomo thông báo tất cả các trường học tại bang sẽ đóng cửa đến hết năm học và chuyển sang giảng dạy từ xa. Chương trình học mùa hè của các trường sẽ được thông báo vào cuối tháng 5.
Trong khi đó, một số bang Mỹ bắt đầu nới các biện pháp hạn chế từ ngày 1/5, bất chấp số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tiếp tục tăng. Texas là bang mở cửa nhiều nhất, cho phép các cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và thư viện hoạt động với 25% công suất.
Các cuộc biểu tình yêu cầu dỡ phong tỏa tiếp tục diễn ra tại nhiều bang của Mỹ. Nhiều người biểu tình mang theo súng tập trung ở sảnh tòa nghị viên bang Michigan đòi thống đốc mở cửa kinh tế, song bị cảnh sát ngăn không cho xông vào phòng họp.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 3,4 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 239.000 người chết và hơn một triệu người đã hồi phục.
Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch và đồng thời cũng cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Mặc dù vậy, Anh vẫn ghi nhận thêm 739 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Nước này hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 3 thế giới với gần 27.000 người, chỉ sau Mỹ và Italy. Chính phủ Anh đang phải tìm cách cân bằng áp lực kiểm soát dịch bệnh và khởi động trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích vì sự chậm trễ hơn so với hầu hết các nước châu Âu khác
Tại Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng vừa cho biết ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông tin trên được Thủ tướng Mishustin đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Vladimir Putin. Thủ tướng Mishustin cho hay, ông sẽ phải tuân thủ chế độ cách ly và chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ giữ liên lạc thường xuyên với nội các Nga qua điện thoại và video, trong khi chính phủ sẽ tiếp tục làm việc như bình thường
Ngay trong ngày 30/4, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về việc chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Belousov đảm nhiệm cương vị quyền Thủ tướng Nga. Phát biểu trên truyền hình Nga, Thủ tướng Mishustin đã kêu gọi người dân giữ thái độ hết sức nghiêm túc trước sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo ông Mishustin, cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của mỗi người dân.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hạ viện Pakistan cũng vừa có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tối 30/4, Chủ tịch Hạ viện Pakistan Asad Qaiser đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. “Kết quả xét nghiệm của tôi là dương tính với SARS-CoV-2. Tôi đã tự cách ly tại nhà”, ông cho biết trên mạng xã hội Twitter.
Ngày 1/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định nước này cần chuẩn bị cho một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai có thể xảy ra vào tháng 10 và 11 tới, cho dù dịch bệnh nguy hiểm này có thể lây lan chậm hơn trong mùa Hè. Phát biểu trên đài phát thanh, Thủ tướng Orban cũng cho biết sẽ chỉ nới lỏng các quy định hạn chế được áp đặt ở thủ đô Budapest, nơi chiếm tới 80% số ca tử vong do COVID-19 ở nước này, nếu các quan chức đề ra các biện pháp để làm giảm tỉ lệ tử vong tại thủ đô. Tính đến ngày 1/5, quốc gia Trung Âu này ghi nhận 2.863 ca mắc COVID-19 và 323 ca tử vong.
Mexico hiện là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu lục. Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.425 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 19.224 người, trong đó có 1.859 ca tử vong. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở quốc gia này là 9,67%, cao nhất tại châu Mỹ. Cơ quan y tế cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn dẫn đầu khu vực về số ca lây nhiễm. Tính đến nay, nước này đã có 17.101 ca nhiễm COVID-19. Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan hiện đang là điểm nóng về tình hình dịch bệnh tại khu vực khi ghi nhận số ca lây nhiễm lên tới hàng nghìn ca. Indonesia là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca tử vong khi ghi nhận có 800 người đã tử vong vì dịch bệnh.
Việt Nam, Campuchia, Timor Leste và Lào hiện vẫn chưa ghi nhận có ca tử vong nào vì dịch COVID-19 trong khu vực./.
*** Bắt giữ đối tượng nổ súng nhằm vào Đại sứ quán Cuba ở Mỹ
SGGP Cơ quan Mật vụ Mỹ thông báo sáng 30-4, một vụ nổ súng đã xảy ra tại Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington.
Thông báo cho biết: “Vào khoảng 2 giờ 15 sáng 30-4 (giờ Mỹ), các nhân viên mật vụ Mỹ đã được điều động tới Đại sứ quán Cuba sau khi có thông báo về một vụ nổ súng tại đây. Một đối tượng đã bị bắt giữ do sở hữu vũ khí không có giấy đăng ký và đã tiến hành tấn công với mục đích gây sát thương cao”. Theo cơ quan trên, vụ nổ súng không gây thương vong. Động cơ của vụ việc trên đang được điều tra làm rõ.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước để thông báo cụ thể về hành động khủng bố nhằm vào trụ sở ngoại giao của Cuba tại Mỹ, đồng thời khẳng định tới thời điểm đó, sau 12 giờ, La Habana vẫn chưa nhận được liên lạc từ Washington về sự việc.
Tổng thống Trump đe dọa trừng phạt Trung Quốc
Tổng thống Trump cho biết việc tăng các loại thuế đối với Trung Quốc “chắc chắn là một lựa chọn” trong các biện pháp Washington dự kiến sử dụng để trừng phạt Bắc Kinh.
“Có nhiều thứ đang xảy ra liên quan tới Trung Quốc. Chúng tôi rõ ràng không hài lòng với những gì đã xảy ra. Chúng ta đang ở vào tình thế tồi tế, khắp thế giới, 183 quốc gia”, Tổng thống Trump cho biết hôm 1/5.
Trong cuộc họp báo một ngày trước đó, Tổng thống Trump cho biết ông rất tự tin rằng virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, theo CNBC.
Khi được một phóng viên tại Nhà Trắng hỏi về nguồn gốc của virus, tổng thống nói: “Bạn có thể nghe rất nhiều thứ khác nhau về nguồn gốc virus, ba hoặc bốn cách lý giải khác nhau”.
“Chúng ta nên có câu trả lời cho điều này trong tương lai không xa và điều đó sẽ quyết định rất nhiều đến cách tôi cảm nhận về Trung Quốc”, ông Trump nói.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo hôm 1/5, Tổng thống Trump đã đưa ra tính toán về số người sẽ tử vong vì đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố số người chết tại nước này có thể ở mức 60.000-70.000 trường hợp.
“Hy vọng chúng ta sẽ chỉ có dưới 100.000 người chết, mặc dù đây cũng là một con số khủng khiếp”, Tổng thống Trump phát biểu trong một sự kiện của Nhà Trắng.
Mỹ cấp phép thuốc kháng virus để điều trị khẩn cấp Covid-19
Thuốc kháng virus của Công ty dược phẩm Gilead Sciences được chính phủ Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với bệnh nhân Covid-19.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc Remdesivir của Gilead Sciences.
Như vậy, sản phẩm này được sử dụng mà không cần dữ liệu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả. Theo kết quả của một nghiên cứu lâm sàng, thuốc Remdesivir có thể rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân Covid-19.
“Việc cấp phép diễn ra với tốc độ ánh sáng. Khoảng thời gian từ thử nghiệm lâm sàng đến cấp phép chỉ vỏn vẹn 90 ngày”, Bloomberg dẫn lời Ủy viên FDA Stephen Hahn nói.
Theo FDA, việc sử dụng khẩn cấp chỉ giới hạn đối với các bệnh nhân Covid-19 có nồng độ oxy trong máu thấp hoặc cần hỗ trợ hô hấp. Một nghiên cứu do Mỹ thực hiện trong tuần này cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir phục hồi sau 11 ngày, trong khi những người khác cần 15 ngày.
Họp báo lần đầu, thư ký báo chí mới của TT Trump công kích TQ và WHO
Thư ký báo chí thứ tư dưới thời Tổng thống Trump có buổi trả lời báo chí dài 30 phút vào ngày 1/5, sau hơn một năm không có một buổi trả lời nào của thư ký báo chí Nhà Trắng.
Bà Keyleigh McEnany xuất hiện một cách ít công kích hơn Tổng thống Trump. Bà không cáo buộc các phóng viên Nhà Trắng là “tin giả”, hay công kích số lượng khán giả của các kênh truyền hình như ông Trump thường làm.
Các buổi họp báo của thư ký báo chí – có vai trò người phát ngôn cho tổng thống – từng diễn ra hàng ngày. Nhưng người tiền nhiệm của bà Kayleigh McEnany là Stephanie Grisham đã không có buổi trả lời nào trong vòng 9 tháng.
Dù không gay gắt như ông Trump, bà vẫn lặp lại những luận điểm chính của tổng thống.
“Tổ chức Y tế Thế giới rõ ràng có thiên kiến đối với Trung Quốc”, bà McEnany nói, nêu ra rằng Đài Loan đã cảnh báo virus corona lây từ người sang người từ ngày 31/12/2019, trong khi WHO sang ngày 9/1 và ngày 14/1 vẫn lặp lại tuyên bố của Trung Quốc là virus không dễ lây từ người sang người.
Tổng thống Trump, hứng chịu nhiều chỉ trích vì ứng phó chậm trễ với Covid-19, đã chuyển sang đổ lỗi cho WHO hành động chậm trễ, và tuyên bố ngưng cấp vốn cho WHO để rà soát.
Bà McEnany cũng bình luận về cáo buộc tấn công tình dục mà ứng viên Dân chủ Joe Biden đang đối mặt.
Khi được hỏi về các cáo buộc mà chính Tổng thống Trump gặp phải bốn năm trước, bà McEnany chỉ nói người Mỹ đã thể hiện quan điểm về các cáo buộc đó khi bầu ông Trump lên làm tổng thống, gọi đó là “tin cũ rồi”.
WHO khẳng định virus corona chủng mới có nguồn gốc tự nhiên
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael J. Ryan nói rằng, cơ quan này chắc chắn virus corona chủng mới có nguồn gốc tự nhiên.
“Chúng tôi đã nhiều lần lắng nghe nhiều nhà khoa học, những người nghiên cứu các chuỗi và chủng virus này, chúng tôi chắc chắn rằng virus có nguồn gốc tự nhiên. Và điều quan trọng là chúng tôi xác định được vật chủ tự nhiên của chủng virus này”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Ryan tuyên bố.
“Mục đích chính của việc này là đảm bảo rằng chúng ta hiểu hơn về virus, chúng ta hiểu được những điểm chung của động vật, con người và chúng ta hiểu được hàng rào chủng loài giữa loài người và động vật đã bị chọc thủng như thế nào”.
*** Ông Kim Jong-un tái xuất hiện sau nhiều đồn đoán về sức khoẻ
Sau nhiều đồn đoán xung quanh vấn đề sức khoẻ, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 2/5 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự lễ khánh thành một nhà máy phân bón ở Bình Nhưỡng.
Căng thẳng Mỹ – Trung cản trở nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế
Trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 lên đến hơn 3,3 triệu người, trong đó có hơn 234.000 ca tử vong, tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh được nhận định là đang cản trở những nỗ giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Số ca mắc COVID-19 mới tại Nga phá vỡ mọi kỷ lục
Một ngày sau khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố đã mắc bệnh COVID-19, hôm 1/5, nước này tiếp tục xác nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại đây, với gần 8.000 ca.
Dịch COVID-19 “đảo chiều”: Hơn 1 triệu người đã hồi phục trên toàn cầu
Thống kê do Wordometers cập nhật ngày 1/5 cho thấy, số ca hồi phục sau khi mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 1 triệu người, tương đương 1/3 số ca lây nhiễm.
Người dân Mỹ vác súng đi biểu tình phản đối “ở nhà chống dịch”
Dưới màn mưa lạnh, hàng trăm người dân bang Michigan, Mỹ đã đổ xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, đưa cuộc sống trở lại bình thường, CNN ngày 1/5 đưa tin.
Tránh được kịch bản tồi tệ nhất, Ấn Độ chưa thể ăn mừng
Chỉ mới một tháng trước, tương lai của Ấn Độ được cho là sẽ rất thảm khốc khi các chuyên gia dự đoán rằng nước này có thể ghi nhận hàng triệu trường hợp nhiễm COVID-19, hệ thống y tế có thể tê liệt và virus lây lan như cháy rừng qua các khu ổ chuột đông kín người.
Tổng thống Mỹ tự tin COVID-19 có liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán
Ngày 30/4 (giờ địa phương), trả lời về những chứng cứ xác minh “độ tin cậy cao” của việc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được bắt nguồn từ phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin nói: “Tôi có”.
Mafia lợi dụng đại dịch COVID-19 để hoạt động
Các quan chức cấp cao và nhà nghiên cứu chống mafia đã nói với CNN rằng, các gia tộc Mafia đã lợi dụng đại dịch coronavirus, đặc biệt là ở miền Nam nước Ý.
Iran cảnh báo Mỹ: “Đây là Vịnh Ba Tư, không phải Vịnh New York”
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho Hải quân Mỹ tiêu diệt bất kỳ tàu Iran nào tiếp cận và đe dọa tàu chiến Mỹ.
COVID-19 làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội ở châu Âu
Chiến lược phòng chống dịch COVID-19, trong đó có biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, lại đào sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Hàng triệu liều vaccine COVID-19 sẽ sớm có mặt trên thị trường
Một công ty Đức hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine COVID-19 tiềm năng, có thể cung cấp hàng triệu liều vào cuối năm nay.
Tổng hợp-TT