Chính quyền Biden gia tăng sức ép “tứ bề” với Trung Quốc trên Biển Đông; Vắc-xin Nga chống biến thể Covid-19 hiệu quả, thế giới gần 90 triệu ca khỏi bệnh; Diễn biến mới liên quan tới đại dịch Covid-19 toàn cầu; Hơn 114 triệu ca nCoV toàn cầu, Mỹ phê duyệt vaccine thứ ba…là những tin chính được cập nhật.
Chính quyền Biden gia tăng sức ép “tứ bề” với Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tiếp nối chính sách của Mỹ tại châu Á nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Gia tăng tần suất FONOP
Trong hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mới nhất, được tiến hành ngày 17/2 ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND) ở Biển Đông.
Trước đó, tàu hải quân USS John S McCain của Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp – ND). Hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz and Theodore Roosevelt tham gia tập trận ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra dưới thời Biden.
Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chính quyền mới của Mỹ cũng giữ vững quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh gây tranh cãi mà Bắc Kinh vừa thông qua, cho đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm “khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của nước này ở Biển Đông”. Luật này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ vì cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các tàu bán quân sự, sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” bao gồm cả vũ lực nhằm vào tàu thuyền nước ngoài khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị xâm phạm.
Các động thái quân sự mới nhất của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” của Mỹ và cáo buộc Bắc Kinh “tấn công trực diện vào hệ thống quản trị toàn cầu” được hình thành sau Thế chiến thứ 2, do Mỹ dẫn đầu.
Vắc-xin Nga chống biến thể Covid-19 hiệu quả, thế giới gần 90 triệu ca khỏi bệnh
Toàn thế giới có hơn 2,54 triệu ca tử vong vì Covid-19, song có tới gần 90 triệu trường hợp đã khỏi sau khi điều trị.
Theo trang Worldometers, Mỹ và Brazil là hai nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua, lần lượt là 54.000 và 59.500, nhưng đã giảm hơn so với số liệu một ngày trước đó. Các nước có số ca nhiễm mới trên 10.000 trong 24h qua gồm Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Cộng hòa Czech. Hiệu quả của vắc-xin Nga
Phó giám đốc Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển vắc-xin Sputnik V, ông Denis Logunov hôm 27/2 nói với hãng tin Reuters rằng, các cuộc thử nghiệm tính hiệu quả của vắc-xin này đối với các biến thể Covid-19 đã cho ra nhiều kết quả khả quan.
“Nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Gamaleya cho thấy, tiêm nhắc lại bằng vắc-xin Sputnik V giúp chống lại các biến chủng Covid-19 mới, bao gồm biến thể ở Anh và Nam Phi một cách rất hiệu quả. Chúng tôi tin vắc-xin dựa trên vector của virus khi tiêm nhắc lại trong tương lai thực sự có hiệu quả hơn những loại vắc-xin sử dụng nền tảng khác”, ông Logunov nói.
Dự kiến, các kết quả thử nghiệm sẽ sớm được công bố rộng rãi, và đây là lần đầu giới khoa học Nga cho biết kết quả nghiên cứu tổng thể.
Diễn biến mới liên quan tới đại dịch Covid-19 toàn cầu
Hãng tin Reuters dẫn lời chính quyền Australia ngày 27/2 cho biết, cuộc sống của người dân tại ba bang New South Wales, South Australia và Victoria “đã gần quay lại trạng thái trước khi đại dịch bùng nổ”, khi người dân được phép tổ chức khiêu vũ hoặc các sự kiện thể thao tụ tập đông người. Tại bang New South Wales, giới chức y tế tại đây không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng dân cư suốt 41 ngày qua.
Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin nói với tờ Strait Times hôm 27/2 rằng, lô vắc-xin Sinovac có nguồn gốc từ Trung Quốc với số lượng lên tới 300.000 liều sẽ được các cơ quan quản lý, chẳng hạn Cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia Malaysia tiến hành kiểm tra tính ổn định, trước khi sử dụng để tiêm chủng diện rộng cho người dân.
*** Hơn 114 triệu ca nCoV toàn cầu, Mỹ phê duyệt vaccine thứ ba Thế giới ghi nhận hơn 114 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu ca tử vong, giới chức Mỹ chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson. Thế giới ghi nhận 114.352.240 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.536.847 người đã chết, 89.904.404 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.143.549 ca nhiễm và 523.299 ca tử vong, tăng lần lượt 58.954 và 1.428 trong 24 giờ qua.
Giới chức Mỹ ngày 27/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson (J&J) phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Vaccine của J&J đạt hiệu quả 66% trong cuộc thử nghiệm trên toàn thế giới với khoảng 44.000 người tham gia. Trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ, vaccine của J&J đạt hiệu quả 72% trong 28 ngày. Tại Nam Phi, hiệu quả vaccine của J&J giảm xuống 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người.
Khác với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ ARN thông tin để tạo ra phản ứng miễn dịch sau hai mũi tiêm, vaccine J&J với một mũi tiêm sử dụng một loại virus cúm thông thường để đưa protein của nCoV vào cơ thể và kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Vaccine của J&J có thể bảo quản được ở mức nhiệt độ bình thường của tủ lạnh trong ba tháng, trong khi sản phẩm của Moderna phải được bảo quản đông lạnh còn vaccine của Pfizer-BioNTech thậm chí phải cất giữ ở nhiệt độ cực lạnh. Việc không đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ quá thấp giúp vaccine Covid-19 có thể được tiêm cho nhiều người hơn, bao gồm những khu vực có hạ tầng giao thông và cơ sở bảo quản kém phát triển.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ, khuyến cáo dân chúng đeo khẩu trang tới năm 2022, dù tình hình Covid-19 tại nước này có thể đạt “mức độ bình thường đáng kể” vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ lưu ý đeo khẩu trang là biện pháp rất quan trọng để làm chậm sự lây lan của nCoV. CDC Mỹ cho biết khẩu trang có thể bảo vệ cả người đeo và những người xung quanh họ khỏi nguy cơ nhiễm virus.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.758 ca nhiễm và 108 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.095.852 và 157.078.
New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19, song cảnh báo rằng việc vi phạm các quy định phòng chống dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.
Gần một tháng sau khi Bộ Y tế tuyên bố Covid-19 đã được kiểm soát, các bang Maharashtra và Kerala vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh do dân địa phương ngày càng không muốn đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách.
“Mọi sự lơ là trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt đối với những chủng virus mới, đều có thể làm tình hình thêm phức tạp”, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.233 ca tử vong, nâng tổng số lên 252.988. Số ca nhiễm nCoV tăng 59.438 trong 24 giờ qua, lên 10.457.794.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.966 ca nhiễm và 185 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.712.020 và 86.147.
Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế Pháp yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2 để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.437.760 ca nhiễm và 70.460 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 7.289 và 168 ca so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biến chủng nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.329.074 ca nhiễm, tăng 6.208, trong đó 35.981 người chết, tăng 195.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, tập trung vào nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương từ chối thực hiện, khiến chương trình tiêm chủng của chính phủ gặp thêm nhiều thách thức. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Indonesia hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 574.247 ca nhiễm và 12.289 ca tử vong, tăng lần lượt 2.921 và 42 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
*** Thành phố lớn nhất New Zealand buộc phải tái phong toả
Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand đã buộc phải quay trở lại trạng thái phong toả trong một tuần tới, bắt đầu từ 6h sáng nay (28/2) theo giờ địa phương sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 không rõ nguồn gốc trong cộng đồng.
Đội quân Vlasov của Mỹ và các kịch bản chống Liên Xô của Dwight D. Eisenhower
Khi Dwight D. Eisenhower, Tổng thống thứ 34 của Mỹ, lên nắm quyền, một trong những mối lo ngại chính đối với Washington vào cuối năm 1952 và đầu năm 1953 là Liên Xô. Matxcơva có một tiềm lực hạt nhân đáng kể, mặc dù không bằng quy mô của Mỹ, và một “ý tưởng” về việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản trên khắp hành tinh.
Toà án Washington đòi Triều Tiên bồi thường 2,3 tỷ USD
CNN ngày 27/2 đưa tin, Tòa án liên bang Washington mới đây đã yêu cầu CHDCND Triều Tiên bồi thường 2,3 tỷ USD cho thủy thủ đoàn và thân nhân của tàu USS Pueblo bị nước này bắt năm 1968.
Thâm nhập hoạt động tình báo viễn thông ở quần đảo Channel
Những công ty tình báo đặt trụ sở chính ở quần đảo Channel (một thuộc địa của Hoàng gia Anh đặt ở eo biển Manche, ngoài khơi bờ biển Normandy của Pháp) để thực hiện nhiều hoạt động giám sát chống lại cả thế giới.
Con trai ông Trump khẳng định bố là tương lai đảng Cộng hoà
Fox News ngày 27/2 đưa tin, Donald Trump Jr, con trai trưởng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, cựu Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ làm việc với phương châm “Nước Mỹ trên hết” là điều không có gì bàn cãi.
Đảng NLD nói gì về nơi bà Suu Kyi bị giam giữ bí mật?
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã được chuyển đến một địa điểm giam giữ bí mật, sau gần một tháng bị quân đội quản thúc tại nhà riêng.