VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 29/4/2021.

    ‘Địa chấn’ Covid-19 ở Ấn Độ rung lắc thế giới như thế nào?; Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao có thể làm chệch hướng đà phục hồi nhu cầu dầu mỏ; Covid-19 là cơ hội “ngàn năm có một” cho người trẻ về nước khởi nghiệp; Hàng chục nghìn người Ấn Độ tham gia lễ hội bất chấp “sóng thần” Covid-19; Hơn 150 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
‘Địa chấn’ Covid-19 ở Ấn Độ rung lắc thế giới như thế nào?
Làn sóng Covid-19 mới đang càn quét nhiều nước Đông Nam Á
  Làn sóng Covid-19 mới đang càn quét nhiều nước Đông Nam Á
Những cảnh tượng đau lòng ở Ấn Độ, nơi đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 2, đang khiến cả thế giới phải bàng hoàng.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng này không phải của riêng quốc gia Nam Á, mà còn là của tất cả mọi người. Tiến sĩ Soumya Swaminathan từng nói: “Virus không phân biệt biên giới, quốc tịch, tuổi tác, giới tính hay tôn giáo. Và những gì hiện đang diễn ra ở Ấn Độ, thật không may, đã và đang gây tác động đến nhiều quốc gia khác”.
Theo trang tin BBC, dịch Covid-19 đã cho thấy cả thế giới được kết nối chặt chẽ với nhau như thế nào. Nếu một quốc gia có mức độ lây nhiễm rất cao, nó sẽ có khả năng lây lan sang những nước khác.
Ngay cả khi những biện pháp hạn chế đi lại, xét nghiệm và kiểm dịch nhiều lần được áp dụng, virus corona vẫn có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Nếu một du khách nào đó đến từ một nơi đang là tâm dịch, họ có đầy khả năng mang theo virus trong người. Minh chứng là gần đây, khoảng 50 hành khách trên một chuyến bay từ New Delhi đến Hong Kong, Trung Quốc, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Một mối lo ngại khác bên cạnh tỷ lệ lây nhiễm cao ngất ngưởng ở Ấn Độ chính là các biến thể mới của virus corona. Trong số này, một biến thể đã được phát hiện ở Ấn Độ có tên gọi B.1.617, còn được gọi là “đột biến kép”. Một số bằng chứng trong phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể này dễ lây truyền hơn và khó bị các kháng thể ngăn chặn hơn.
Số ca nhiễm Covid-19 ở một quốc gia nào đó càng cao, thì những biến thể mới càng có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Đó là vì mỗi ca nhiễm đều tạo cho virus corona cơ hội tiến hóa, và mối lo ngại lớn nhất là điều này có thể phát sinh nhiều biến chủng mới, khiến vắc-xin Covid-19 không còn hoạt động hiệu quả.
“Cách hạn chế các biến thể mới của virus corona xuất hiện ngay từ đầu là ngăn chặn khả năng nhân bản của chúng trong cơ thể chúng ta… Vì thế, phương án tốt nhất để kiểm soát các biến thể này là ngăn chặn số ca nhiễm toàn cầu ở thời điểm hiện tại”, Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc công ty Covid-19 Genomics UK (Cog-UK), giải thích.
Nhưng theo BBC, dù những biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể làm được điều này, thì việc tiêm chủng vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, nó lại đang diễn ra một cách chậm chạp ở Ấn Độ, khi cho đến nay, chưa đến 10% dân số của nước này được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên, và chưa đến 2% được tiêm chủng đầy đủ.
Điều này xảy ra bất chấp thực tế đây là cái nôi của nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới – Viện Huyết thanh Ấn Độ. Và đây cũng là một lý do khác giải thích tại sao sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ có thể tác động mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới.
Vào tháng 3, khi tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu chuyển biến xấu, giới chức nước này đã ngưng việc xuất khẩu một lượng lớn vắc-xin AstraZeneca, trong đó bao gồm cả số vắc-xin cung cấp cho chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia, trong bối cảnh ngày càng nhiều vắc-xin Covid-19 của Ấn Độ được chuyển hướng để sử dụng trong nước. Tuy nhiên với tình cảnh bi đát đang diễn ra quốc gia Nam Á, các nhà khoa học cho rằng biện pháp này nên là một ưu tiên hàng đầu.
Theo BBC, khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục càn quét hết quốc gia này đến quốc gia khác, thì tình hình hiện tại ở Ấn Độ giống như một lời nhắc nhở chua xót rằng, không một ai trong chúng ta sẽ được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được an toàn.
Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao có thể làm chệch hướng đà phục hồi nhu cầu dầu mỏ
Các thành viên của OPEC+ lo ngại, việc số ca nhiễm mới tăng cao ở Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản có thể làm chệch hướng đà phục hồi của nhu cầu dầu mỏ.
Bộ trưởng của các nước thành viên Ủy ban Giám sát thị trường thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ vừa nhóm họp để thảo luận chính sách sản lượng trong bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản.
Ủy ban trên đã quyết định duy trì các chính sách mà nhóm đã nhất trí tại cuộc họp ngày 1/4 vừa qua. Các nguồn tin cho biết OPEC+ sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế về sản lượng dầu trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 tới trong bối cảnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi.
Trước đó, OPEC+ đã cắt giảm khoảng 8 triệu thùng dầu sản lượng mỗi ngày, tương đương hơn 8% nhu cầu toàn cầu. Việc cắt giảm này bao gồm cả 1 triệu thùng/ngày mà Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 1/4 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khai thác thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 tới.
Trong một báo cáo của các chuyên gia OPEC+, dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ tăng thêm 6 triệu thùng/ngày sau khi giảm tới 9,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Tuy nhiên, nhóm này cho biết ngay cả khi hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên thế giới, việc số ca nhiễm mới tăng cao ở Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản có thể làm chệch hướng đà phục hồi của nhu cầu dầu mỏ.
OPEC+ hy vọng các kho dự trữ dầu thương mại sẽ đạt mức 2,95 tỷ thùng vào tháng 7, thấp hơn mức trung bình trong thời gian 2015 – 2019, và hy vọng sẽ duy trì mức thấp này cho đến hết năm.
Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ tiếp theo có thể được lên kế hoạch vào đầu tháng 6.
Covid-19 là cơ hội “ngàn năm có một” cho người trẻ về nước khởi nghiệp
(DTO) Các bạn trẻ ở Mỹ mang kĩ năng và kinh nghiệm quốc tế về nước, cùng với các bạn trong nước hiểu biết thị trường để khởi nghiệp. Đây là sự kết hợp hoàn hảo để tận dụng thời cơ mà Covid-19 mang lại.
Đó là gợi ý được TS. Trần Việt Hùng, TS. Vũ Thức Vũ và GS. Vũ Ngọc Tâm – 3 diễn giả người Việt nổi tiếng về khởi nghiệp tại Mỹ chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo trực tuyến Hack4Growth Kick-off 2021 được tổ chức mới đây.
Đây là chương trình khởi động cho cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth tại Úc năm 2021. Cuộc thi được đồng tổ chức bởi Mạng lưới Thúc đẩy Khởi nghiệp Việt Nam tại Úc (SVF-AU) và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt – Úc (NIC-AU).
Các diễn giả khách mời đã chia sẻ nhiều lời khuyên, kinh nghiệm thực tế đến những bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp.
Campuchia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới, Thái Lan thêm 15 người chết
(DTO) Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 tại Thái Lan cũng tăng thêm 15 người.
Campuchia ngày 28/4 ghi nhận số ca mắc và phục hồi Covid-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào 1 năm ngoái, với 698 người có kết quả xét nghiệm dương tính, trong khi 994 bệnh nhân đã được xuất viện.
Tính đến nay, số người mắc Covid-19 tại Campuchia đã lên tới 11.761 trường hợp, trong khi số người xuất viện sau khi điều trị Covid-19 tăng lên 4.698 trường hợp.
Campuchia ngày 28/4 cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên 88 trường hợp.
Thái Lan thêm 15 người chết vì Covid-19
Chính phủ Thái Lan ngày 28/4 thông báo nước này ghi nhận thêm 15 ca tử vong vì Covid-19 và 2.012 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 178 trường hợp và tổng số ca nhiễm lên 61.699 người.
Hàng chục nghìn người Ấn Độ tham gia lễ hội bất chấp “sóng thần” Covid-19
(DTO) Hàng chục nghìn người Ấn Độ vẫn tham gia lễ hội bất chấp “cơn bão” Covid-19 đang càn quét nước này khiến hơn 200.000 người thiệt mạng.
AFP dẫn lời Harbeer Singh, quan chức phụ trách lễ hội tôn giáo Kumbh Mela cho biết, 25.000 người ngày 27/4 đã kéo về sông Hằng để thực hiện nghi lễ tắm rửa trong ngày cuối cùng của lễ hội Kumbh Mela ở thành phố Haridwar, phía bắc Ấn Độ.
Hầu hết những người tham gia lễ hội đều không đeo khẩu trang. Họ tập trung đông đúc bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Việc tụ tập đông người được chính quyền bang Uttarakhand cho phép mặc dù Ấn Độ đang là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Chia sẻ với Sputnik, Aditya Kapoor, người dân ở Haridwar cho biết số người tham gia những ngày cuối lễ hội Kumbh Mela tuần này ít hơn nhiều so với thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
“Các trạm xe buýt và nhà ga chứng kiến đám đông tín đồ dự lễ hội Kumbh trở về quê nhà. Việc xét nghiệm ngẫu nhiên những người tham gia lễ hội cũng được tiến hành tại bờ sông”, Kapoor nói thêm.
Được coi là một trong những sự kiện tập trung đông người nhất của các tín đồ theo đạo Hindu ở Ấn Độ, lễ hội Kumbh ở Haridwar năm nay có thể đi vào lịch sử như một sự kiện siêu lây nhiễm chết người. Trong những tuần qua, hàng nghìn người tham gia lễ hội đã có kết quả dương tính với Covid-19, nhưng chính quyền địa phương vẫn không hủy các lễ hội này.
*** Hơn 150 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới
   (ĐCSVN) – Đến sáng 29/4, thế giới có tổng số 150.196.774 ca nhiễm và 3.162.947 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 870.271 ca nhiễm và 14.733 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
   Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 29/4, đã có 127.728.210 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.305.617 ca bệnh đang điều trị, có 19.194.799 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 110.818 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 379.459 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (77.266 ca) và Mỹ (55.890 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.647 ca, sau đó là Brazil (3.016 ca) và Mỹ (865 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 149.050 ca nhiễm và 3.507 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.565.852; 4.787.273 và 4.411.797 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.480 ca, sau khi có thêm 29 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (120.256 ca) và Nga (109.367 ca).
Với 38.482.212 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 29/4, châu Á trở thành khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 510.293 ca đã tử vong do COVID-19 và 32.954.605 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 18.368.096; 4.751.026 và 2.459.906 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 204.812; 39.398 và 70.966 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 38.167.289 ca, trong đó có 858.823 ca tử vong và 29.867.050 ca được điều trị khỏi. Với 32.982.981 ca nhiễm và 588.248 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.333.126 và 1.200.057 ca nhiễm, cùng 215.547 và 24.106 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 132.274 ca nhiễm và 4.062 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 24.615.585 ca và 663.126 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 77.266 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.523.807 vào thời điểm hiện tại. Với 3.019 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 490 ca tử vong mới và Argentina với 348 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 29/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.572.084 ca, trong đó có 121.452 ca tử vong và 4.095.109 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.578.450 ca nhiễm và 54.285 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.250 ca nhiễm mới và 48 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 510.465 và 305.313 ca nhiễm bệnh cùng 9.015 và 10.563 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 62.731 ca nhiễm (tăng 110 ca) và 1.192 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 25 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.750 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Liên tiếp trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại Ấn Độ khi quốc gia này ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngày 28/4, Kenya quyết định sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay theo lịch trình từ Ấn Độ trong 2 tuần, do lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia Nam Á này. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ nửa đêm 1/5 đối với tất cả các chuyến bay chở khách. Đối với những hành khách từ Ấn Độ đến Kenya trong 72 giờ tới, họ sẽ được yêu cầu kiểm tra kháng nguyên nhanh ở sân bay và tuân thủ thời gian cách ly 14 ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế Kenya. Các chuyến bay chở hàng từ Ấn Độ vẫn sẽ được duy trì nhưng phải đảm bảo tuân thủ các giao thức vận tải an toàn.
Cũng trong ngày 28/4, Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil Joao Doria thông báo Viện Butantan – một trong những trung tâm nghiên cứu y tế hàng đầu của nước này – đã chính thức khởi động sản xuất vaccine ngừa COVID-19 mang tên Butanvac. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được các nhà khoa học Brazil tự nghiên cứu và phát triển. Ông Doria cho biết Viện Butantan sẽ sản xuất lô vaccine đầu tiên gồm một triệu liều hoàn toàn bằng nguyên liệu trong nước. Dự kiến đến ngày 15/6 sẽ có khoảng 18 triệu liều vaccine Butanvac được bàn giao cho các cơ quan y tế./.

Tổng hợp-TT