VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 29/5/2020.

 ILO: Đại dịch COVID-19 khiến hơn một phần sáu thanh niên mất việc làm;  Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Ai mới là kẻ thua cuộc?; Trump ký sắc lệnh về mạng xã hội; Mỹ cân nhắc hủy visa hàng nghìn sinh viên cao học Trung Quốc; Công ty công nghệ Đài Loan dẫn đầu làn sóng ‘rời Trung Quốc’; Biển Đông – rủi ro đối đầu cao nhất giữa Mỹ và Trung Quốc; Gần 5,9 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

 ILO: Đại dịch COVID-19 khiến hơn một phần sáu thanh niên mất việc làm

    Lao động chờ xin ứng tuyển tại Santiago, Chile. (Ảnh: Reuters)

(ĐCSVN) – Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hơn một phần sáu lao động trẻ đã phải ngừng việc, còn với những người có thể tiếp tục công việc thì đã bị cắt giảm 23% số giờ làm việc.
Theo Báo cáo nhanh số 4 của ILO: COVID-19 và thế giới việc làm, thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng nhanh đáng kể từ tháng 2 đã và đang tác động đến nữ nhiều hơn nam giới.
Đại dịch này tạo nên cú sốc đối với thanh niên ở 3 phương diện. Đại dịch không chỉ hủy hoại việc làm của họ, mà còn làm gián đoạn việc học hành và đào tạo, cũng như dựng nên nhiều trở ngại lớn đối với những người muốn tham gia thị trường lao động hay muốn thay đổi công việc.
Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2019 ở mức 13,6% đã là cao hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Khoảng 267 triệu thanh niên, tức 1/5 dân số thế giới, ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET). Những người trong độ tuổi từ 15-24 nếu có việc làm thì cũng là những hình thức công việc dễ bị tổn thương như công việc được trả lương thấp, việc làm trong khu vực phi chính thức hay lao động di cư.
Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết: “Khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên, đặc biệt là nữ giới, với tác động nặng nề hơn và nhanh chóng hơn so với các nhóm dân số khác. Nếu chúng ta không kịp thời hành động để cải thiện tình hình, hệ quả mà virus gây ra có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Nếu tài năng, năng lực của họ bị gạt ra ngoài lề do thiếu cơ hội và kỹ năng, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của tất cả chúng ta và đặt ra những khó khăn cho công cuộc tái thiết một nền kinh tế tốt hơn giai đoạn hậu COVID-19”.

 Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Ai mới là kẻ thua cuộc?
(Doanhnhan.vn) – Mỹ hay Trung Quốc đều không phải là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến này. Các doanh nghiệp trên toàn cầu mới chính là nạn nhân.
Giới doanh nhân quốc tế thường nói đùa với nhau rằng, tại Trung Quốc, nếu đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi thì tức là bên Trung Quốc có lợi 2 lần. Dĩ nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Nếu đúng như vậy thì nhiều công ty đã không đầu tư vào quốc gia này. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tạo ra một hệ quả còn tệ hơn cả thế: đó là đôi bên cùng thiệt hại.
Cuộc chiến này không chỉ là vấn đề của riêng các công ty Mỹ và Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt lên Huawei cũng là mối đe dọa đối với tất cả các nhà sản xuất chip trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tháng trước. Ảnh: Reuters.
Trong lĩnh vực sản xuất phần cứng, các công ty thường phụ thuộc nhiều vào thị trường rộng lớn và các cơ sở sản xuất công nghệ di động của Trung Quốc. Qualcomm – tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Mỹ lại chính là một trong những nhà cung ứng chip lớn nhất của Huawei.
Theo quy định mới nhất từ phía Mỹ, Qualcomm sẽ buộc phải dừng cung ứng chip cho Huawei, đồng nghĩa với việc sẽ phải nhượng lại thị phần cho các đối thủ nước ngoài và mất hàng tỷ doanh thu. Năm ngoái, Huawei đã xuất xưởng 240 triệu điện thoại thông minh, nhiều hơn cả Apple. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Qualcomm, từ đó làm lung lay vị thế bá chủ công nghệ của Mỹ.
Mùa hè năm ngoái, trong một cuộc khảo sát ý kiến các thành viên Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, 21% thành viên có thái độ bi quan về triển vọng kinh doanh 5 năm tới tại Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, giới kinh doanh báo cáo rằng Bắc Kinh vẫn mong muốn làm hài lòng các công ty Mỹ đang đầu tư vào quốc gia này. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư được trải thảm thì các nhà xuất khẩu Mỹ bị cản trở, bởi vì họ hoàn toàn có thể bị thay thế.
Trong mọi hành động của mình, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện bất kỳ ý định tham gia vào một nền kinh tế mở, tuân theo quy tắc chung toàn cầu hay tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Họ sẽ không còn chấp nhận các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi ở thời điểm này.

Trump ký sắc lệnh về mạng xã hội
Trump thông qua sắc lệnh về các công ty mạng xã hội hôm 28/5, gọi đây là “động thái bảo vệ tự do ngôn luận của Mỹ”.
“Số nhỏ các công ty mạng xã hội đang nắm lượng lớn thông tin liên lạc công khai và cá nhân tại Mỹ. Họ có thể tùy ý kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, che giấu, thay đổi mọi hình thức liên lạc giữa các công dân và công chúng mà không bị kiểm soát. Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hôm 28/5 sau khi ký sắc lệnh nhằm vào các công ty mạng xã hội.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định hành động này nhằm “bảo vệ quyền tự do ngôn luận trước một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ”. “Twitter không còn là nền tảng trung lập của công chúng, mà đã trở thành bên biên tập với quan điểm riêng. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói tương tự về Google, Facebook và một số công ty khác”, Trump nói thêm.

Mỹ cân nhắc hủy visa hàng nghìn sinh viên cao học Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Trump có thể sắp hủy visa của hàng nghìn sinh viên sau đại học của Trung Quốc đang học tại các đại học ở Mỹ, và ra các lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Tổng thống Trump cho biết sẽ ra tuyên bố về Trung Quốc vào ngày 29/5, diễn biến mới nhất trong căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về nhiều phương diện, bao gồm dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, Hong Kong hay Biển Đông.
Chính quyền Mỹ đang cân nhắc đề xuất đã tồn tại từ nhiều tháng nay là hủy visa của các sinh viên từ các trường của Trung Quốc có liên hệ với quân đội hoặc tình báo nước này.
Theo AP, đề xuất trên, được bàn từ năm ngoái, không liên quan trực tiếp đến mâu thuẫn giữa hai nước về Hong Kong hay về dịch Covid-19, mà liên quan đến các vấn đề thương mại và nhân quyền.
Động thái đầu tiên trong kế hoạch trên đã được thực hiện vào năm ngoái khi Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ phải báo cáo việc đi lại, gặp gỡ các học giả Mỹ. Phía Mỹ nói đây là sự đáp trả với những gì mà giới ngoại giao Mỹ gặp phải khi làm việc ở Trung Quốc, theo AP.

Công ty công nghệ Đài Loan dẫn đầu làn sóng ‘rời Trung Quốc’
Các nhà sản xuất công nghệ của Đài Loan đã đi đầu trong xu hướng đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc khi căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng.
Tiếng ầm ầm của công trình thường xuyên vang lên ở thành phố Đào Viên ở phía bắc Đài Loan. Âm thanh này thời gian qua đã trở nên phổ biến hơn trên hòn đảo này. Đây cũng là âm thanh báo hiệu sự thay đổi ở Trung Quốc đại lục.
Hàng chục công nhân đeo khẩu trang di chuyển khắp công trường trong khi hai cần cẩu được dựng lên sừng sững. Quanta Computer, nhà sản xuất thiết bị điện tử đứng thứ ba thế giới, đang xây dựng một nhà máy mới. Công ty này đang đầu tư khoảng 15 tỷ Tân Đài tệ (500 triệu USD) ở đây để tăng cường sản xuất các thiết bị như thiết bị viễn thông được sử dụng trong các máy chủ.
“Chúng tôi chưa bị ảnh hưởng bởi virus corona, vì vậy việc xây dựng vẫn đúng tiến độ”, một công nhân nói với Nikkei Asian Review.
Quanta không phải là công ty duy nhất thực hiện điều này. Từ tháng 1/2019 đến ngày 21/5/2020, 189 công ty đã nộp đơn xin ưu đãi của chính quyền để đầu tư hơn 761,4 tỷ Tân Đài tệ (25,4 tỷ USD) vào Đài Loan. Phần lớn tiền được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Biển Đông – rủi ro đối đầu cao nhất giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong các vấn đề về thương mại, Hồng Kông, dịch Covid-19…, nguy cơ đối đầu cao nhất giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến biển Đông. Theo trang Bloomberg, không nơi nào tàu chiến, chiến đấu cơ hai bên “chạm mặt” với tần suất nhiều như ở biển Đông.
Dù không mong muốn nhưng trong thời điểm căng thẳng cao, bước đi sai lầm của bất cứ bên nào cũng sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Một cuộc xung đột quân sự ắt hẳn sẽ tàn phá cả hai bên.
Theo tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore, “mặc dù một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ là một khả năng xa vời, chúng tôi nhận thấy các phương tiện quân sự của họ hoạt động đều đặn hơn và ở cường độ cao hơn trong lĩnh vực hàng hải. Tần suất chạm mặt trong khu vực này có thể dẫn đến tính toán sai, đánh giá sai dẫn đến việc vô tình sử dụng vũ lực. Chính vì vậy có khả năng dẫn đến tình trạng leo thang. Đây là một rủi ro chúng tôi không thể lường trước”.
Ông Trịnh Vĩnh Niên, giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay. “Mối quan hệ Mỹ – Trung đang rơi tự do, được thúc đẩy bởi những người cứng rắn từ cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chiến tranh Lạnh mới giữa 2 bên đang leo thang. Bây giờ mọi người bắt đầu lo lắng về nguy cơ “chiến tranh nóng” giữa Mỹ và Trung Quốc”.

***   Gần 5,9 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần 5,9 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 360.000 người chết, nhiều nước tái mở cửa và một số nước phải tái áp đặt hạn chế.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.880.081 ca nhiễm và 360.695 ca tử vong, tăng lần lượt 99.678 và 3.907 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.576.260 người đã bình phục.
Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 1.767.571 và 103.302, tăng lần lượt 22.419 và 1.237 trường hợp. Số người chết do dịch bệnh tăng trở lại sau ba ngày giảm mạnh và vượt 100.000 từ một ngày trước đó.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau. Trump cho phép tụ tập tối đa 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng. Thủ đô Washington từ 29/5 gỡ yêu cầu người dân ở nhà. Các nhà bán lẻ mặt hàng không thiết yếu được phép hoạt động trở lại, tiệm cắt tóc được đón khách hẹn trước. Nhà hàng có thể phục vụ cho khách ngồi ngoài trời nếu các bàn cách nhau 2 m.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil ghi nhận ca nhiễm hàng ngày tăng kỷ lục với 26.417 ca và thêm 1.294 người chết. Số người nhiễm và tử vong tại Brazil lần lượt là 438.812 va 26.991.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, Mỹ, cảnh báo tổng số ca tử vong tại Brazil có thể tăng gấp 5 lần, lên mức 125.000 người vào đầu tháng 8. Giám đốc IHME Christopher Murray kêu gọi nước này tiến hành các biện pháp giống Trung Quốc, Italy, hay New York, nhằm kiểm soát đại dịch và giảm thiểu lây lan virus.

Tổng thống Jair Bolsonaro đang đối mặt với những chỉ trích về phản ứng của ông đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe. Bolsonaro nhiều lần hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch và phản đối các biện pháp ở nhà. Lãnh đạo Brazil cho rằng thất bại kinh tế sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn virus.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 174 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 4.142. Số ca nhiễm cũng tăng thêm 8.371, lên 379.051.
Tổng thống Nga Putin ngày 26/5 cho biết nước này “có thể xem là đã qua đỉnh dịch” khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục dưới 9.000, đồng thời quyết định tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít vào ngày 24/6 tại Moskva và nhiều thành phố khác.
Moskva, tâm dịch của Nga, được cho là “đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất” và sẽ nới phong tỏa kể từ ngày 1/6. Người dân thành phố sẽ được phép đi dạo ba lần một tuần khi đeo khẩu trang và tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm. Các cửa hàng không bán thực phẩm, tiệm giặt là và tiệm sửa chữa cũng được phép hoạt động trở lại.

Tây Ban Nha báo cáo thêm 1.137 ca nhiễm và chỉ một ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 284.986 và 27.119. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm một ca tử vong.
Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn nCoV từ hôm 25/5. Từ ngày 27/5, Tây Ban Nha bắt đầu 10 ngày quốc tang cho các nạn nhân đã chết vì Covid-19 và tất cả tòa nhà công đều treo cờ rủ.

Anh báo cáo 29.127 ca nhiễm và 37.837 ca tử vong, tăng lần lượt 1.887 và 377. Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, Anh ghi nhận số người chết cao thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Từ 28/5, Anh khởi động chiến lược “xét nghiệm và truy vết”, cho phép bất cứ ai có triệu chứng Covid-19 được xét nghiệm, những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV sẽ được truy vết và yêu cầu cách ly trong 14 ngày, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Giới chức Anh cho biết những người nhập cảnh vào nước này kể từ 8/6 sẽ bị cách ly trong hai tuần, ai vi phạm có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.

Italy ghi nhận thêm 593 ca nhiễm và 70 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 231.732 và 33.142. Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, tái mở cửa toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Pháp là 186.238 và 3.325. Số ca tử vong mới là 66, đánh dấu ngày thứ tám liên tiếp con số này thấp hơn 100, làm dấy lên hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Pháp chuẩn bị mở lại các quán bar, nhà hàng và bảo tàng vào tuần tới. Mùa giải Premier League sẽ khởi động lại vào ngày 17/6.

Đức ghi nhận thêm 577 ca nhiễm và 37 ca tử vong vì nCoV, nâng số người nhiễm và chết do đại dịch ở quốc gia này lên 182.452 và 8.570.
Đức sẽ kéo dài các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Từ 6/6, tối đa 10 người được phép tụ tập nơi công cộng, nhưng người dân nên cố gắng tiếp xúc với ít người nhất có thể. Bộ Ngoại giao Đức sẽ gỡ khuyến cáo công dân không đến 26 nước EU và một số quốc gia khác như Anh, Iceland, Na Uy và Thụy Sĩ từ 15/6.

Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, với 141.779 ca nhiễm và 4.099 ca tử vong, tăng lần lượt 5.874 và 116 trường hợp. Giới chuyên gia cảnh báo tình hình ở Mỹ Latinh đang xấu đi nhanh chóng.
Gần 1/3 trong số 10 triệu dân của thủ đô Lima đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Hệ thống y tế nước này đang bên bờ vực sụp đổ, khi các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng, trong khi nền kinh tế tê liệt.

Một số quốc gia Mỹ Latinh như Chile, Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm nCoV tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột. Theo Liên Hợp Quốc, gần 89 triệu người trong khu vực thậm chí không có các dịch vụ vệ sinh cơ bản, không thể rửa tay thường xuyên, biện pháp bảo vệ cơ bản nhất chống nCoV.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.258 ca nhiễm và 63 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 143.849 và 7.627. Chính phủ Iran tiếp tục nới lỏng những biện pháp hạn chế, cho phép nhà hàng tiếp nhận thực khách nhưng cần tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn như giữ khoảng cách 2 m, hoạt động thể thao được nối lại nhưng không được cho phép khán giả vào xem. Các trường đại học, ngoại trừ trường y, sẽ mở trở lại từ ngày 6/6.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.644 ca nhiễm và 16 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 80.185 và 441. Các nhà thờ Hồi giáo sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 31/5, trừ khu vực thánh địa Mecca. Các biện pháp giới nghiêm chặt chẽ bắt đầu áp dụng hồi tháng 4 cũng sẽ được nới lỏng dần dần từ ngày 31/5. Chính phủ còn quyết định nối lại các chuyến bay nội địa , nhưng một số dịch vụ như phòng gym, rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện vẫn phải đóng cửa.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 563 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 32.532 và 258. Dubai gỡ hạn chế đi lại từ 6h đến 23h hàng ngày. Họ cho phép rạp chiếu phim, phòng gym và một số tụ điểm giải trí mở cửa trở lại, sau khi cho phép các trung tâm thương mại và nhà hàng nối lại hoạt động vào tháng trước.

Hàn Quốc hôm qua tái áp đặt một số biện pháp hạn chế khi ca nhiễm nCoV hàng tăng mạnh trở lại với 79 trường hợp, mức cao nhất trong 53 ngày qua. Hàn Quốc hiện ghi nhận 11.344 ca nhiễm và 269 ca tử vong.

Ca nhiễm mới tăng do bùng phát ổ dịch mới tại nhà kho của một công ty thương mại điện tử ở Bucheon, phía tây Seoul. Giới chức cho biết nhân viên tại nhà kho này đã không tuân thủ các quy tắc phòng dịch.

Một quốc gia châu Á khác cũng tái áp đặt hạn chế là Sri Lanka do chính quyền lo ngại một làn sóng lây nhiễm thứ hai. Ca nhiễm và tử vong tại Sri Lanka hiện là 1.530 và 10.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 165.386 ca nhiễm và 4.711 ca tử vong, tăng lần lượt 7.300 và 177. Số ca nhiễm mới đang có xu hướng gia tăng khi hàng triệu lao động di cư trở về quê nhà từ các thành phố lớn, khiến chính quyền lo ngại về tình trạng đại dịch lây lan qua các ngôi làng không có nhiều điều kiện chăm sóc y tế.

Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 33.249 ca nhiễm, tăng 373, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore tuần này công bố gói kích thích kinh tế thứ tư trong vòng vài tháng, trị giá 23,22 tỷ USD, giữa lúc đối mặt với suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử.

Indonesia xếp thứ hai với 24.538 ca nhiễm và 1.496 người chết, tăng lần lượt 687 và 23. Từ tuần này, Indonesia triển khai 340.000 cảnh sát và lính ở 4 tỉnh để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.
6h ngày 29/5, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, đánh dấu 42 ngày Việt Nam không lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số ca nhiễm 327, trong đó 278 người khỏi bệnh. 49 bệnh nhân điều trị tại 9 cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Hiện, 8 ca xét nghiệm âm tính lần một, 17 ca âm tính lần hai.

Tổng hợp-TT