VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 3/3/2021.

       Trung Quốc lo vỡ bong bóng thị trường tài chính toàn cầu; Nikkei: Trung Quốc ồ ạt mua thép, láng giềng hưởng lợi trong đó có Việt Nam; Ông Biden “giáng đòn” trừng phạt đầu tiên với Nga, Moscow giận dữ đáp trả; Người dân “ngại” vắc xin nội địa, Trung Quốc gặp khó trong chống Covid-19; Chiến dịch phân phối vắc xin lớn nhất trong lịch sử; Hơn 90 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới được chữa khỏi…là những tin chính được cập nhật.
   Trung Quốc lo vỡ bong bóng thị trường tài chính toàn cầu
Trung Quốc cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản, chứng khoán châu Á quay đầu  giảm mạnh   Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh sau đại dịch – Ảnh: Bloomberg.
“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài đến một ngày nào đó sẽ vỡ”…
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc ngày 2/3 bày tỏ lo ngại về tình trạng bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Guo Shuqing, Bí thư đảng ủy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), nói rằng niềm tin vào thị trường Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới.
“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài đến một ngày nào đó sẽ vỡ”, trang CNN Business dẫn lời ông Guo phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh. Ông Guo cũng đang giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều lo ngại rằng những hành vi mang tính chất bong bóng đầu cơ đang lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang ở gần mức cao kỷ lục, cho dù nền kinh tế nước này còn đang chật vật với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall gần đây nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách hàng về việc liệu đà tăng mạnh mẽ của giá cổ phiếu liệu có được tiếp nối bởi một đợt sụt giảm kinh hoàng tương tự như bong bóng dotcom vỡ tung cách đây 21 năm.
Ông Guo nói rằng sự tăng điểm của thị trường Mỹ và châu Âu không phản ánh những thách thức mà hai nền kinh tế này đang đối mặt.
“Nếu bong bóng vỡ, dòng vốn ngoại có thể chảy mạnh vào Trung Quốc”, một báo cáo của Mizuho Bank nhận định. Trong trường hợp đó, lượng vốn lớn chảy vào sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vì sẽ gây sức ép tăng giá lên đồng Nhân dân tệ và các tài sản khác ở Trung Quốc.
Nikkei: Trung Quốc ồ ạt mua thép, láng giềng hưởng lợi trong đó có Việt Nam
Các công ty thép của Việt Nam trước đây vốn chịu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng xu hướng này đã đảo ngược…
Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng 150% trong năm 2020, đạt 38,56 triệu tấn – tờ báo Nhật Bản Nikkei dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho hay.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thép diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất thép nước này chật vật đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nước, khi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm tăng trưởng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo Nikkei, là một trong những nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc trong những năm qua đã cố gắng giảm công suất ngành thép nhằm khắc phục dư thừa nguồn cung thép trong nước và trên toàn cầu. Dù tình trạng thiếu thép diễn ra ở Trung Quốc gần đây và nước này phải ồ ạt nhập thép, vẫn còn đó những mối lo về sự dư thừa nguồn cung sẽ quay trở lại và gây áp lực lên thị trường thép thế giới.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất thép trên toàn châu Á đang hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu thép của Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của hãng thép Việt Nam Hòa Phát tăng 80% trong năm 2020 đạt 13,5 nghìn tỷ đồng nhờ xuất khẩu tăng gấp đôi. Phần lớn xuất khẩu thép của Hòa Phát là bán cho Trung Quốc, công ty cho hay.
Các công ty thép của Việt Nam trước đây vốn chịu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc. Nhưng xu hướng này đã đảo ngược trong năm ngoái, khi xuất khẩu thép của Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp hơn 9 lần, đạt 3,35 triệu tấn.
Ông Biden “giáng đòn” trừng phạt đầu tiên với Nga, Moscow giận dữ đáp trả
(DTO) Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp các lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga liên quan tới vụ việc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 2/3 cho biết, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao của Nga. Hiện danh tính các quan chức này chưa được công bố.
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng công bố lệnh trừng phạt 14 doanh nghiệp Nga bị cáo buộc liên quan đến “các hoạt động đi ngược lại các lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”. Hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách trừng phạt là các doanh nghiệp về sản xuất hóa học và sinh học.
Lệnh trừng phạt bao gồm hạn chế xuất khẩu và hạn chế thị thực. Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp đặt lên Nga kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Giới chức Mỹ cho biết, các lệnh trừng phạt trên nhằm đáp trả cáo buộc Nga có liên quan đến âm mưu đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny và Tổng thống Biden kêu gọi Nga trả tự do cho ông Navalny – người đang bị giam giữ ở Nga sau khi từ Đức trở về nước.
Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo, các lệnh trừng phạt này mới chỉ là khởi đầu và Tổng thống Biden sẽ tiếp tục xem xét lại các hành động của Moscow trước khi có những bước đi tiếp theo. “Hôm nay mới chỉ là đòn đáp trả đầu tiên, sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới”, một quan chức Mỹ cho biết. Mặt khác, giới chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden sẵn sàng sàng hợp tác với Nga trong một số vấn đề như Iran, Triều Tiên.
Tổng thống Biden được cho là đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn với Nga sau khi người tiền nhiệm Donald Trump giảm nhẹ lập trường của Washington về Moscow. Quan hệ Nga – Mỹ cho đến nay vẫn ở trong trạng thái căng thẳng với mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề mặc dù ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Biden đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) với Nga. Đó là lý do giới quan sát cho rằng mối quan hệ Nga – Mỹ khó cải thiện ít nhất trong 4 năm tới.
Châu Âu công bố lệnh trừng phạt Nga
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố các lệnh trừng phạt Nga. Theo đó, EU trừng phạt 4 quan chức cấp cao của chính phủ Nga gồm người đứng đầu Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov, Tổng công tố Igor Krasnov, Chủ tịch Ủy ban điều tra quốc gia Nga và người đứng đầu cơ quan thi hành án. Hồi tháng 10 năm ngoái, EU cũng đã áp lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của 6 công dân và 1 tổ chức của Nga.
Điện Kremlin hiện chưa bình luận về các động thái của Mỹ và EU, song trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow chắc chắn sẽ đáp trả bất cứ lệnh trừng phạt nào của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, quyết định trừng phạt của Mỹ là “đòn tấn công thù địch” chống lại Nga và điều đó sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Moscow. “Chúng tôi sẽ phản ứng trên cơ sở có đi, có lại, không nhất thiết phải tương xứng”, bà Zakharova nói.
Vụ việc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Người dân “ngại” vắc xin nội địa, Trung Quốc gặp khó trong chống Covid-19
Dân trí Giới quan sát nhận định những bê bối liên quan tới vắc xin ở Trung Quốc trước đây dường như đang khiến nhiều người dân e ngại với vắc xin Covid-19 và điều này gây trở ngại cho cuộc chiến chống dịch.
Vào tháng 12/2020, Trung Quốc thông báo họ có kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 50 triệu người trước ngày 11/2. Tuy đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng nó được xem là không quá sức với một quốc gia được đánh giá đã kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Đến ngày 22/2, Trung Quốc mới tiêm được 40,5 triệu liều, tương đương 2,89 liều/100 người. Con số này thấp hơn nhiều so với Mỹ (19,33 liều/100 người).
Vấn đề về sản xuất và chính sách “ngoại giao vắc xin” được cho là 2 trong những nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một trong những yếu tố quan trọng khác dường như là tâm lý quan ngại về mức độ an toàn và tác dụng phụ của vắc xin trong công chúng Trung Quốc.
Hơn 2,5 triệu người chết vì Covid-19, thế giới phân phối vắc xin thần tốc
(DTO) Các nước trên thế giới đang đẩy nhanh chiến dịch phân phối vắc xin để đẩy lùi Covid-19 sau khi đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người.
Hơn 2,5 triệu ca tử vong do Covid-19
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 25/2, số người chết vì Covid-19 toàn cầu đã vượt 2,5 triệu ca sau hơn 1 năm đại dịch này bùng phát. Trong đó, 5 quốc gia gồm Mỹ (hơn 500.000 ca), Brazil (hơn 251.000 ca), Mexico (gần 183.000 ca), Ấn Độ (gần 157.000 ca) và Anh (hơn 122.000 ca) chiếm gần một nửa số ca tử vong toàn cầu.
Xét theo khu vực, châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 800.000 ca tử vong, tiếp đến là Mỹ Latinh và Caribe, Mỹ và Canada.
Số ca tử vong Covid-19 toàn cầu vượt mốc 1 triệu ca hôm 28/9/2020, khoảng hơn 9 tháng sau khi phát hiện ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ hơn 4 tháng sau đó, đến ngày 15/1/2021, con số này cán mốc 2 triệu ca tử vong.
Số ca tử vong có dấu hiệu chậm lại kể từ cuối tháng 1 năm nay với 66.800 ca ghi nhận tuần trước hay trung bình 9.500 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với tuần đỉnh điểm 14.500 ca tử vong/ngày. Trong tuần qua, hơn 1/3 số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu ghi nhận ở châu u. Số ca tử vong ở Mỹ và Canada cũng giảm 23%, Mỹ Latinh và Caribe giảm 7%.
Cũng theo Johns Hopkins, số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu đang có xu hướng tăng chậm lại. Tính đến ngày 25/2, thế giới ghi nhận hơn 112 triệu ca mắc Covid-19.
Chiến dịch phân phối vắc xin lớn nhất trong lịch sử
Giới chuyên gia cho rằng, đà lây lan của Covid-19 đang chậm lại là cơ hội để các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin nhằm đẩy lùi đại dịch trước khi làn sóng thứ ba bùng phát. Thực tế, một chiến dịch phân phối vắc xin toàn cầu lớn nhất, nhanh chóng nhất trong lịch sử đang được triển khai thông qua sáng kiến COVAX (“Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19”). COVAX là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vắc xin Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.
COVAX được điều hành bởi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). COVAX nhận đóng góp từ các nước giàu và tiến hành mua vắc xin Covid-19 số lượng lớn từ các công ty dược phẩm. Những nước thu nhập thấp hơn có thể được nhận vắc xin miễn phí từ chương trình này, trong khi những nước giàu cũng có thể mua vắc xin từ đây. Ví dụ, Ấn Độ cam kết đóng góp 200 triệu liều vắc xin cho COVAX, trong khi Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 10 triệu liều cho chương trình này sau khi đã viện trợ cho nhiều quốc gia khác.
Mục tiêu của COVAX là phân phối hơn 2 tỷ liều vắc xin cho người dân ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trong vòng chưa đầy 1 năm, đảm bảo không quốc gia nào không được tiếp vận vắc xin vì không đủ ngân sách chi trả.
Nhiều nước trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân. Theo số liệu của Bloomberg, tính đến nay, đã có hơn 225 triệu liều vắc xin Covid-19 được sử dụng ở 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giới chức EU cho biết, khối này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân trưởng thành trước giữa tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, một vấn đề đang gây lo ngại là mất cân bằng nguồn cung vắc xin trên thế giới. Reuters trong tháng này cho biết, các nước giàu đã mua thừa hơn 1 tỷ liều vắc xin, trong khi đó nhiều quốc gia thậm chí vẫn chưa thể tiếp cận vắc xin. WHO đã nhiều lần chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”, kêu gọi các nước giàu chia sẻ nguồn cung để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp hơn.
*** Hơn 90 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới được chữa khỏi
   (ĐCSVN) – Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 3/3 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 115.257.659 ca, trong đó 2.558.309 ca tử vong và 90.985.942 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 335.282 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 44.329 ca và 1.490 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 29.358.983 ca và 528.718 ca.
Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 với 11.139.313 ca, đứng thứ ba với về số ca tử vong với 157.385 ca. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 10.646.926 ca, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 257.361 ca. Riêng trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 57.318 ca nhiễm mới – mức cao nhất về số ca mắc mới so với các nước trong cùng một ngày.
Châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (34.313.532 ca). Với 33.681.256 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 25.149.800 ca và Nam Mỹ với 18.121.048 ca. Châu Phi (3.939.987 ca) và châu Đại Dương (51.315 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Nga là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực châu Âu, với 4.268.215 ca, trong đó 86.896 ca đã tử vong. Tiếp đến là Anh với 4.188.400 ca mắc, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 6.391 ca mắc.
Trong khi đó, Pháp ngày 2/3 đã ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày ở mức cao, với 22.857 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.783.528 triệu ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Pháp tăng thêm 330 ca lên 87.220 ca. Để bảo vệ những nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Pháp quyết định trong 4 đến 6 tuần tới sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm cùng các biện pháp phong tỏa như đóng cửa quán rượu, nhà hàng và viện bảo tàng.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này gần chạm mức 70.000 ca. Bộ này nhấn mạnh tuy đỉnh điểm của làn sóng dịch thứ 3 đã qua với tổng số ca mắc trong 14 ngày giảm xuống mức trung bình 175 ca trên 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức gần 900 ca hồi cuối tháng 1 vừa qua, song vẫn là con số cao.
Tại khu vực Bắc Mỹ, sau Mỹ (dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc) là Mexico với 2.089.281 ca mắc, 186.152 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 871.004 ca mắc, trong đó 22.028 ca tử vong. Panama ghi nhận 341.420 ca mắc, trong đó 327.317 ca đã bình phục và 5.858 ca tử vong.
Tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil (dẫn đầu khu vực và đứng thứ ba thế giới về số ca mắc) là Colombia với 2.259.599 ca, trong đó 59.972 ca đã tử vong. Tiếp đến là Argentina với 2.118.676 ca mắc, trong đó 52.192 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Phi, Thủ tướng Algieria đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 15 ngày kể từ ngày 2/3 tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm thủ đô Algiers, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Người dân tại các tỉnh thành bị áp đặt sẽ không được phép ra khỏi nhà từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau. Bên cạnh đó, chính phủ cũng quyết định tiếp tục gia hạn lệnh cấm trên cả nước đối với tất cả các hình thức tụ tập đông người, kể cả các cuộc tụ họp gia đình. Chính phủ đồng thời cảnh báo người dân thận trọng trước nguy cơ một số biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Algeria. Hiện Algieria ghi nhận tổng số 113.255 ca.
Châu Đại Dương chỉ ghi nhận 30 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong khu vực lên 51.315 ca. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 28.986 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 Thái Lan ngày 2/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 42 ca nhiễm COVID-19, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca nhiễm mới có tới 39 ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó riêng tỉnh Samut Skhon có 24 ca.
Nước láng giềng Campuchia cùng ngày ghi nhận thêm 24 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc liên quan đến đợt lây nhiễm cộng đồng lần thứ 3 lên 340 ca. Các ca mắc mới được phát hiện tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preha Sihanouk ở Tây Nam, liên quan đến đợt lây nhiễm bắt đầu từ ngày 20/2. Thủ tướng Hun Sen tuần trước đã kêu gọi tất cả những người liên quan đến đợt dịch thứ 3 đi xét nghiệm và tự cách ly 14 ngày. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đợt dịch này, các trường học, phòng tập gym và các địa điểm giải trí cũng như nhiều cơ sở kinh doanh tạm thời đóng cửa.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Indonesia cho biết nước này ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 B117 được phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers, đến nay Indonesia ghi nhận 1.347.026 ca nhiễm COVID-19, với 36.518 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo nước này đã ghi nhận 6 trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Trong những trường hợp trên, 3 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp là người Philippines trở về từ nước ngoài. Lực lượng chức năng đang xác định nguồn lây của trường hợp còn lại. Tổng số ca mắc ở nước này là 580.442 ca./.

Tổng hợp-TT