VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 30/9/2020.

         Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở để phòng chống dịch COVID-19; 120 triệu người dự kiến theo dõi cuộc đối đầu trực tiếp Trump-Biden; Ai là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO sau khi Mỹ tuyên bố rời đi?; Ông Trump suýt chọn con gái Ivanka làm ứng viên Phó Tổng thống Mỹ; Hơn 33,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở để phòng chống dịch COVID-19
      Bộ Y tế tiếp nhận 100 máy thở do Chính phủ Hoa Kỳ trao tặng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định trao tặng Việt Nam 100 máy thở mới sản xuất. Việc trao tặng thiết thực này được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump về hỗ trợ những thiết bị cần thiết giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19.
Sáng nay 30/9, tại Hà Nội, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng 100 máy thở do Hoa Kỳ mới sản xuất để hỗ trợ Việt Nam phòng, chống đại dịch COVID-19.
Buổi lễ trao tặng có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định trao tặng Việt Nam 100 máy thở mới sản xuất. Việc trao tặng thiết thực này được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump về hỗ trợ những thiết bị cần thiết giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19.
Số máy thở này được sản xuất tại Mỹ với công nghệ tiên tiến, nhỏ gọn, dễ lắp đặt và vận hành. Việc bổ sung các máy thở sẽ giúp tăng cường năng lực điều trị của Việt Nam, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 cần sự hỗ trợ của máy thở.
120 triệu người dự kiến theo dõi cuộc đối đầu trực tiếp Trump-Biden
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden bắt đầu lúc 9 giờ tối 29/9 (sáng 30/9 giờ Việt Nam), là cuộc chạm mặt giữa hai ứng cử viên từng dành cho nhau những lời tấn công và chỉ trích gay gắt.
Trong hầu hết các cuộc thăm dò toàn nước Mỹ, ứng viên Joe Biden vẫn đang tạm dẫn trước đương kim Tổng thống, vì vậy, áp lực đối với ông Trump là thay đổi tình thế trước Ngày bầu cử (3/11).
Trong buổi tranh luận trực tiếp này, người điều hành cuộc tranh luận, dẫn chương trình Chris Wallace của Fox News và hai ứng cử viên là những người duy nhất không đeo khẩu trang. Cuộc tranh luận được tổ chức tại trung tâm Giáo dục Sức khỏe của Đại học Case Western Reserve và Phòng khám Cleveland, an ninh được thắt chặt và hơn 100 khán giả đã được xét nghiệm COVID-19 một cách kỹ lưỡng.
Trong những năm trước đây, các cuộc tranh luận tổng thống thường diễn ra trước hàng nghìn khán giả.
Chỉ vài tháng trước, địa điểm diễn ra cuộc tranh luận năm nay đã thực hiện chức năng như một bệnh viện dã chiến, với 1.000 giường bệnh sẵn sàng xử lý số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ​​ở Ohio, rất may mắn, viễn cảnh này không xảy ra.
Người dẫn chương trình Wallace đã chọn 6 chủ đề mà các ứng viên sẽ tranh luận trong 90 phút, bao gồm hồ sơ của các ứng viên, tòa án tối cao, cuộc khủng hoảng COVID-19, nền kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở các thành phố của Mỹ, và tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Hai ông Trump và Biden dự kiến sẽ đối mặt ba lần, trong khi Phó Tổng thống Mike Pence và bà Kamala Harris, người đồng hành của ứng viên Biden, sẽ chỉ tranh luận một lần.
Khoảng 120 triệu người dự kiến sẽ theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên này, một con số lịch sử. Khoảng 74% người được hỏi cho biết họ sẽ xem trực tuyến, theo một khảo sát của Đại học Monmouth.
Ai là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO sau khi Mỹ tuyên bố rời đi?
Với việc bổ sung thêm 30% nguồn tiền tài trợ, Vương quốc Anh đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Mỹ quyết định rời tổ chức này.
Trong một tuyên bố do Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra, Thủ tướng nước này Boris Johnson quyết định tăng thêm 30% ngân sách tài trợ của Anh đối với nguồn quỹ của WHO, Republic World ngày 28/9 đưa tin.
Tuyên bố này được ông đưa ra trong bài phát biểu tại tuần lễ Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra từ 21/9 đến 2/10. Theo đó, Anh sẽ tài trợ 340 triệu bảng Anh cho WHO trong vòng 4 năm tới, biến nước này trở thành nhà tài trợ lớn nhất của WHO tại thời điểm hiện nay.
Thủ tướng Anh đồng thời lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khắc phục những “rạn nứt xấu xí” đang cản trở cuộc chiến toàn cầu nhằm chống lại COVID-19, và đề nghị WHO cần được trao quyền lớn hơn để yêu cầu các quốc gia trên thế giới báo cáo về cách ứng phó với đại dịch.
“Sau 9 tháng chiến đấu với COVID-19, cộng đồng quốc tế đã gần như kiệt sức. Chúng ta hiểu rằng chúng ta đơn giản không thể tiếp tục theo cách này, trừ khi chúng ta hành động cùng nhau”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng quyết định đóng góp 571 triệu bảng Anh cho COVAX – sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo việc sẵn có vaccine cho người dân trên toàn thế giới, do WHO phối hợp với Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) thiết lập.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này thông đồng với Trung Quốc, che giấu mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
Ngày 29/5, ông Trump tiếp tục tuyên bố sẽ cắt quan hệ với WHO vì cách tổ chức này xử lý COVID-19, cáo buộc Trung Quốc “toàn quyền kiểm soát” WHO, nói thêm rằng khoản đóng góp cho WHO sẽ được chuyển sang “các nhu cầu y tế công cộng toàn cầu khẩn cấp khác xứng đáng hơn”.
Ông Trump suýt chọn con gái Ivanka làm ứng viên Phó Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cân nhắc lựa chọn con gái Ivanka cho vị trí ứng viên Phó Tổng thống trong cuộc tranh cử năm 2016.
Thông tin bất ngờ được tờ Washington Post đưa ra hôm 28/9. Tờ báo dẫn nội dung trong cuốn sách sắp ra mắt của cựu Phó chủ tịch chiến dịch tranh cử 2016 của Tổng thống Trump, ông Rick Gates, kể lại rằng nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá rất cao con gái Ivanka và từng nêu ý kiến để cô làm “phó tướng” trong cuộc tranh cử.
“Tôi nghĩ đó phải là Ivanka. Nếu Ivanka và Phó Tổng thống của tôi thì sao?”, ông Trump nói. “Ivanka sáng sủa, cô ấy thông minh, cô ấy xinh đẹp và mọi người sẽ yêu mến cô ấy!”.
Tuy nhiên, cô Ivanka sau đó đã nói với cha rằng đó không phải một ý kiến hay và cuối cùng nhà lãnh đạo Mỹ đã chọn cựu Thống đốc bang Indiana Mike Pence cho vị trí ứng viên Phó Tổng thống.
Tháng 11 cùng năm, ông Trump thắng cử và ông Pence trở thành Phó Tổng thống. Cô Ivanka trở thành một trong những cố vấn gần cận của ông Trump tại Nhà Trắng.
Trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ tháng 11 tới, ông Pence tiếp tục được tín nhiệm cho vị trí ứng viên Phó Tổng thống, sát cánh bên ông Trump.
Ông Pence sẽ tranh luận với bà Kamala Harris, phó tướng của ứng viên Dân chủ Joe Biden, vào ngày 7/10 trên truyền hình Mỹ vào khung giờ vàng, một tuần sau cuộc tranh luận giữa ông Trump và đối thủ.
Hồi tháng 8, Tổng thống Trump bình luận rằng, cô Ivanka sẽ trở thành một ứng viên Nhà Trắng tốt hơn so với bà Kamala Harris, đồng thời gọi ứng viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ là một người “thiếu năng lực”.
*** Hơn 33,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Toàn cầu ghi nhận hơn một triệu người chết vì nCoV trong hơn 33,7 triệu người nhiễm, trong khi WHO trấn an thế giới rằng Covid-19 ‘có thể ngăn chặn’.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 33.777.536 ca nhiễm và 1.010.568 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 259.797 và 5.036 ca sau 24 giờ, 25.065.803 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.397.000 ca nhiễm và 210.624 người chết, tăng lần lượt 35.389 và 816 ca so với một ngày trước đó. Số liệu mới cho thấy ca tử vong hàng ngày đã giảm đáng kể tại Mỹ.
Sức sống mới đang dần trở lại thủ đô Washington, khi nhiều điểm tham quan nổi tiếng bắt đầu tái mở cửa sau 6 tháng ngừng hoạt động, mặc dù các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa và nhà hàng chỉ được hoạt động một nửa công suất. Những biện pháp hạn chế nhằm phòng chống nCoV khác nhau giữa các bang, thậm chí thay đổi theo hạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/9 thông báo kế hoạch gửi 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho các bang để hỗ trợ nỗ lực kiểm soát đại dịch, trong bối cảnh chính phủ đang thúc đẩy tái mở cửa trường học và doanh nghiệp.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, hôm qua báo cáo thêm 70.589 ca nhiễm và 776 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.145.292 và 96.318.
Mặc dù số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực là tỷ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng qua, thêm rằng hơn 82% tổng số ca nhiễm, tương đương hơn 5 triệu người đã hồi phục và xuất viện.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 119 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 142.280. Số người nhiễm nCoV tăng 5.083 trong 24 giờ qua, lên 4.753.410
Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas, gần đây quyết định đóng cửa các quán bar và khu vực ven sông nhằm kiềm chế đợt bùng phát nCoV mới. Diễn biến này có thể làm đảo lộn giả thuyết rằng Manaus là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới đạt miễn dịch cộng đồng.
Nga báo cáo thêm 160 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 20.545. Số ca nhiễm tăng 8.232, lên 1.167.805. Nga đã nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.
Tuần trước, Điện Kremlin cho biết họ không có kế hoạch áp đặt những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt bất chấp số ca nhiễm nCoV mới vẫn tăng. Trong khi đó, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin hôm qua quyết định kéo dài kỳ nghỉ của các trường học thêm một tuần để hạn chế virus lây lan, đồng thời khuyến cáo những người có bệnh mạn tính hoặc trên 65 tuổi nên ở nhà.
Moscow kéo dài kỳ nghỉ của học sinh
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết thành phố thủ đô Nga sẽ kéo dài kỳ nghỉ trong tháng 10 của học sinh lên 2 tuần, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Cụ thể, các em học sinh được nghỉ từ ngày 5-18/10, và trong khoảng thời gian này, các bậc phụ huynh cần đảm bảo con em mình ở trong nhà.
Quyết định trên của thị trường Sobyanin được đưa ra sau khi có khuyến cáo rằng những người trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền cần phải ở nhà.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 672.572 ca nhiễm và 16.667 ca tử vong, tăng lần lượt 903 và 81. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.
Chính phủ Nam Phi quyết định mở biên với hầu hết quốc gia từ ngày 1/10, đồng thời dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Hành khách đến Nam Phi cần xuất trình kết quả âm tính nCoV được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, hoặc chịu cách ly bắt buộc và tự trả phí.
Số ca nhiễm mới ở Pháp đang tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 8.051 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 550.690, trong đó 31.893 người chết, tăng 85 trường hợp.
Chính phủ Pháp gần đây tăng cường biện pháp kiềm chế virus, nhưng vẫn cố gắng tránh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Từ ngày 28/9, các quán bar tại Paris và một số thành phố lớn khác phải đóng cửa vào lúc 22h.
Các chuyên gia y tế lo ngại đợt bùng phát nCoV mới, cùng những bệnh theo mùa như cúm, có nguy cơ khiến tình hình xấu đi rất nhanh. Số bệnh nhân Covid-19 phải nằm phòng điều trị tích cực đã chạm mức cao nhất trong vòng ba tháng.
Anh ghi nhận 446.156 ca nhiễm và 42.072 ca tử vong, tăng lần lượt 7.143 và 71 trường hợp.
Chính phủ Anh thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước từ hôm nay, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây. Người dân thuộc khu vực này sẽ bị phạt tiền nếu bị phát hiện gặp người từ hộ gia đình khác trong không gian kín.
Dù số ca nhiễm đang tăng trở lại ở nhiều nơi trên đất nước, chính phủ Anh cho biết họ muốn tránh lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai. Thay vào đó, họ chọn phương án thực hiện các biện pháp cấp địa phương, nhằm cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, người dân khiếu nại rằng sự khác biệt ngày càng nhiều giữa các địa phương dễ gây nhầm lẫn.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 25.986 người chết, tăng 207, trong khi tổng số ca nhiễm là 453.637, tăng 3.677. Số ca nhiễm nCoV đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran. Tổng thống Hassan Rouhani tuần trước cho biết chính phủ không có kế hoạch ban lệnh phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế được tái áp đặt ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác sẽ vô cùng chặt chẽ.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 309.303 ca nhiễm và 5.448 ca tử vong, tăng lần lượt 2.025 và 68 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 tuyên bố các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ được gia hạn thêm một tháng, tới ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.
Hầu hết doanh nghiệp được phép tái mở cửa từ khi Manila kết thúc lệnh phong tỏa hôm 19/8. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, trong khi trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ở nhà. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương 1/10 dân số, vào quý II năm sau.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 282.724 ca nhiễm, tăng 4.002 so với hôm trước, trong đó 10.601 người chết, tăng 128 ca.
Thủ đô Jakarta nối lại các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn từ hôm 14/9, có hiệu lực trong hai tuần, do tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết điều này là cần thiết nhằm ngăn hệ thống y tế sụp đổ. Bất kỳ ai dương tính nCoV, bao gồm cả những người không có triệu chứng, vẫn bị cách ly bắt buộc tại cơ sở của chính quyền.
Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4, nhưng dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thủ đô tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.742 người nhiễm, tăng 27 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.
Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.
Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm qua thừa nhận việc hơn một triệu người chết vì nCoV trên toàn cầu là “một cột mốc vô cùng đáng buồn”, thêm rằng nhiều nạn nhân đã phải ra đi một cách “khó khăn và cô đơn” trong khi gia đình họ không thể nói lời từ biệt.
Tuy nhiên, bà Harris chỉ ra “điều tích cực” về đại dịch là nó “có thể ngăn chặn được, không phải bệnh cúm”.
*** WHO tin tưởng khống chế được Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả 1 triệu ca tử vong do Covid-19 là “một mốc rất đáng buồn”.
Theo phát ngôn viên WHO Margaret Harris, nhiều bệnh nhân đã phải đến với thế giới bên kia trong đơn độc vì không người thân nào được đến gần họ để nói lời từ biệt. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là chủng virus corna gây bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn được, vì nó không phải bệnh cúm.
Trong khi đó, Liên minh Vaccine (Gavi) thông báo sẽ cung cấp thêm 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả cho những nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2021. Trong tuyên bố đưa ra, Gavi cho biết liên minh đã nhất trí hợp tác với Viện Serum của Ấn Độ để sản xuất thêm số vắc-xin này.
Với diễn biến trên, Viện Serum – nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới – sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho thế giới, với giá tối đa là 3 USD/liều.
Thái Lan mở lại du lịch quốc tế
Giám đốc Cơ quan quản lý du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn thông báo, vào tuần tới, nước này sẽ đón đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên trên một chuyến bay từ Trung Quốc, tái khởi động từng bước hoạt động du lịch sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.
Chuyến bay đầu tiên bao gồm khoảng 120 khách từ Quảng Châu, bay trực tiếp đến một khu nghỉ dưỡng tại Phuket.
Khách nước ngoài được cấp phép vào Thái Lan sẽ tiếp tục được giám sát dù đến từ các nước được xem là có nguy cơ thấp.
*** Armenia tố F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-25, Nga có thể bị lôi vào cuộc
Armenia cho biết một cường kích Su-25 của nước này đã bị bắn rơi bởi tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Azerbaijan, gần khu tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Ấn Độ bác bỏ yêu sách “đơn phương” của Trung Quốc về LAC
Ấn Độ và Trung Quốc hôm 29/9 tiếp tục đưa ra những cáo buộc lẫn nhau lien quan đến căng thẳng biên giới giữa hai bên, với việc New Delhi tuyên bố định nghĩa Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) mà Trung Quốc đưa ra là “không thể chấp nhận được”, trong khi Bắc Kinh nói “không công nhận” vùng lãnh thổ liên bang Ladakh.
Cơ hội để hai miền Triều Tiên nối lại đối thoại và hợp tác
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 28-9 đã bày tỏ chia buồn và đưa ra lời xin lỗi công khai về cái chết của một quan chức thuộc Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc trong vụ nổ súng của quân đội Triều Tiên mới đây ở gần ranh giới trên biển giữa hai nước. Ông đồng thời bày tỏ hi vọng vụ việc thương tâm này sẽ biến thành cơ hội để hai miền Triều Tiên nối lại đối thoại và hợp tác.
Ông Trump bị cáo buộc trốn thuế, đối thủ “ra đòn” công bố tờ khai thuế
Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/9 đã công bố tờ khai thuế năm 2019 của mình trong bối cảnh đối thủ, đương kim Tổng thống Donald Trump, đối mặt với cáo buộc trốn thuế.
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ ngừng lấy Trung Quốc để tạo kịch tính trong bầu cử
Trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng viên tổng thống Mỹ 2020, Trung Quốc cảnh báo rằng các chính trị gia của Mỹ không nên lôi “vấn đề Trung Quốc để tạo kịch tính”, một tờ báo lớn của Trung Quốc đưa tin.
Giáo viên mầm non nhận án tử vì đầu độc 25 học sinh
Tòa án Trung Quốc vừa tuyên án tử hình đối với giáo viên mầm non Vương Vân (Wang Yun), người là thủ phạm trong vụ đầu độc 25 em học sinh và khiến một trẻ tử vong vào năm 2019, theo CNN.
Lính tiền tuyến Ấn Độ được trang bị thêm 70.000 súng mới
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông qua việc mua lô SIG716 thứ hai cho lực lượng tiền tuyến trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.
Armenia dọa dùng siêu tên lửa Iskander Nga tấn công Azerbaijan
Quan chức Armenia khẳng định nước này đang cân nhắc mọi biện pháp trong cuộc xung đột với Azerbaijan, bao gồm cả khả năng sử dụng siêu tên lửa chiến thuật Iskander.
Azerbaijan bị tố dội “bão lửa” về phía Armenia, số thương vong tăng chóng mặt
Các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia xung quanh vùng đất Nagorno-Karabakh khiến gần 100 người chết, trong đó có nhiều dân thường vô tội.
Bùng phát chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan
Đợt xung đột quân sự quy mô lớn đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, trong đó có cả dân thường. Cộng đồng quốc tế đã lập tức có những bước đi ngoại giao nhằm kiềm chế các bên đối đầu.
Ai là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO sau khi Mỹ tuyên bố rời đi?
Với việc bổ sung thêm 30% nguồn tiền tài trợ, Vương quốc Anh đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Mỹ quyết định rời tổ chức này.
Phe Armenia mất thêm 28 tay súng sau tin Thổ Nhĩ Kỳ điều 4.000 lính
Ít nhất 28 tay súng thuộc lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn ở Nagorno-Karabakh thiệt mạng sau khi có thông tin Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 4.000 binh sĩ đến giúp Azerbaijan.
Mỹ phải xin phép trước khi gặp quan chức Hong Kong
Các nhà ngoại giao Mỹ phải được Bộ Ngoại giao Trung Quốc chấp thuận nếu muốn gặp các quan chức chính quyền Hong Kong hoặc nhân viên của các tổ chức giáo dục và xã hội của thành phố, tờ Post cho biết, tờ SCMP ngày 28/9 đưa tin.

Tổng hợp-TT