Siêu bão Goni mạnh nhất năm 2020 đang di chuyển về phía Philippines; Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vắcxin ngừa COVID-19; Ngoại trưởng Mỹ “cảm thấy tuyệt vời” khi trở lại Hà Nội; Mỹ và châu Âu tiếp tục là tâm dịch của thế giới; Số ca nhiễm cao chưa từng có, châu Âu lại “vỡ trận” vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Siêu bão Goni mạnh nhất năm 2020 đang di chuyển về phía Philippines
Ảnh vệ tinh bão Goni ở Tây Thái Bình Dương ngày 30/10. Ảnh: NOAA
VOV.VN – Bão Goni, hình thành ở Tây Thái Bình Dương có sức gió lên tới hơn 280km/h, đang di chuyển nhanh về phía Philippines và dự kiến đổ bộ vào nước này tối 1/11.
Chỉ trong vòng 24 giờ, Goni đã biến đổi từ một cơn bão bình thường ở Thái Bình Dương thành cơn bão mạnh nhất hành tinh trong năm 2020. Bão Goni đang trên đường di chuyển về phía Philippines và dự báo sẽ đổ bộ vào nước này trong ngày 1/11.
Cường độ của bão Goni gia tăng nhanh chóng trên vùng biển ấm ở Tây Thái Bình Dương. Sức gió của bão Goni đã tăng từ 160km/h trong ngày 29/10 lên 289km/h trong ngày 30/10 (theo giờ địa phương). Hiện tượng gia tăng cường độ của Goni xảy ra trên vùng nước ấm ở phía tây Thái Bình Dương. Nhiệt độ nước biển tại khu vực này ấm hơn trung bình từ 1-1,5 độ C.
Với sức gió lên tới hơn 240km/h, bão Goni được gọi là “siêu bão”, tương đương với bão cấp 4 ở Đại Tây Dương (theo thang bậc của Mỹ). Tuy nhiên, bão Goni tiếp tục gia tăng cường độ và tương đương với bão cấp 5.
Trung tâm Cảnh báo Bão phối hợp của Mỹ ở Trân Châu Cảng mô tả Goni là “một hệ thống bão nhỏ nhưng mạnh”.
Goni được dự đoán sẽ di chuyển theo hướng tây và đổ bộ vào trung tâm Luzon, phía Đông Bắc Manila, Philippines vào khoảng 20h tối 1/11 theo giờ địa phương với sức gió lên tới hơn 225 km/h.
Philippines gọi cơn bão này là bão Rolly do nước này có hệ thống đặt tên riêng cho các cơn bão ở vùng lân cận. Theo dự báo, do ảnh hưởng của cơn bão, Philippines sẽ có mưa to đến rất to từ tối 31/10, có thể gây ra lũ lụt và lở đất.
Theo The Inquirer, một tờ báo tiếng Anh ở Philippines, hàng chục nghìn người dự kiến sẽ phải sơ tán và trú ẩn trong các trung tâm sơ tán của chính phủ và nước này sẽ phải đối mặt với “thách thức kép” từ cơn bão và dịch Covid-19.
Theo dự báo Goni sẽ suy yếu sau khi quét qua Luzon trước khi vào Biển Đông. Cơn bão này được dự báo đổ bộ vào Việt Nam ngày 4/11./.
Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vắcxin ngừa COVID-19
Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đảm bảo việc bán tài sản trí tuệ và sản xuất Sputnik V, EpiVacCorona tại cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài.
Ngày 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển nhượng các quyền sở hữu trí tuệ đối với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 và sản xuất chúng tại các cơ sở của đối tác nước ngoài.
Cho đến nay, Nga đã đăng ký hai loại vắcxin ngừa COVID-19. Vắcxin đầu tiên, Sputnik V, được đăng ký hồi tháng Tám do Viện nghiên cứu mang tên Gamaleya điều chế, và loại thứ hai – EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu Vector điều chế vào giữa tháng 10.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư vốn VTB lần thứ 12 với tiêu đề “Nước Nga mời gọi,” Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đảm bảo việc bán tài sản trí tuệ và sẵn sàng sản xuất các loại vắcxin này tại cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài của chúng ta.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng ở Nga.
Theo Tổng thống Putin, vấn đề chính hiện nay là đảm bảo khối lượng vắcxin sản xuất quy mô công nghiệp theo nhu cầu, do vẫn còn thiếu các thiết bị cần thiết để sản xuất hàng loạt. Ông cũng cho biết Nga sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về phát triển vắcxin ngừa COVID-19 trong lĩnh vực khoa học với các đối tác nước ngoài
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga thông báo các chuyên gia nước này đang phát triển loại vắcxin thứ ba. Ông một lần nữa nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm vắcxin của Nga đã thành công và cả hai loại vắcxin đều đã chứng minh hiệu quả. Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng việc tiêm chủng hàng loạt tại Nga có thể thực hiện vào cuối năm 2020.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết Nga đã tạm dừng tiêm chủng vắcxin cho các tình nguyện viên mới tham gia chương trình thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 do nhu cầu vắcxin tăng cao và hiện đang thiếu vắcxin. Chương trình thử nghiệm vắcxin này sẽ được nối lại vào ngày 10/11./.
Ngoại trưởng Mỹ “cảm thấy tuyệt vời” khi trở lại Hà Nội
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng tải dòng trạng thái trên Twitter, bày tỏ nóng lòng gặp người đồng cấp cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Thật tuyệt vời khi trở lại Hà Nội và kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Mỹ – Việt Nam! Tôi mong chờ cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên trang Twitter ngày 29/10.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Hà Nội vào tối 29/10 và có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 29-30/10 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trước đó, ngày 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã bắt đầu chuyến công du đến Ấn Độ để tham gia Đối thoại chiến lược 2+2 cấp bộ trưởng lần thứ 3, diễn ra trong ngày 27/10.
Ấn Độ là chặng dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công châu Á kéo dài 5 ngày. Theo lịch trình được Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ban đầu trên website, ông Pompeo lần lượt thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia từ ngày 25 đến ngày 30/10.
Hồi đầu tháng 10, ông Pompeo đã có chuyến thăm Nhật Bản, dự hội nghị cùng ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Đây là hội nghị thứ hai của nhóm sau hội nghị đầu tiên ở New York năm 2019.
*** Mỹ và châu Âu tiếp tục là tâm dịch của thế giới
VOV.VN – Chỉ trong vòng 1 ngày, cả thế giới ghi nhận 556.423 ca mắc Covid-19 mới và 7.314 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.
Mỹ ghi nhận thêm 95.571 ca mắc mới trong 24 giờ qua, cao nhất thế giới, nâng tổng số ca tại quốc gia này vượt mốc 9,3 triệu trường hợp với 235.128 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 957 người chết vì dịch bệnh này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu lực lượng tác chiến chống Covid-19 của Nhà Trắng, đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Các bệnh truyền nhiễm và Dị ứng quốc gia cảnh báo: “Chúng ta đang đi sai hướng”.
Trong 24h qua, Brazil ghi nhận 20.256 trường hợp mắc bệnh và 444 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 5,5 triệu với 159.477 ca tử vong.
Cũng tại Mỹ Latin, Chile chỉ ghi nhận 1.521 ca mắc và 40 ca tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 508.571 với số ca tử vong là 14.158. Quốc gia này hiện là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 16 thế giới. Trong khi đó, Mexico là ổ dịch lớn thứ 10 trên thế giới với 5.948 ca mắc mới và 464 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là nước có số ca tử vong cao thứ 2 Mỹ Latin, chỉ sau Brazil với 90.773 trường hợp. Colombia tiếp tục chứng kiến số ca mắc mới tăng cao khi ghi nhận 10.029 ca trong 24 giờ qua và 209 ca tử vong.
Trong 1 ngày, Nga ghi nhận tới 18.283 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca lên gần 1,6 triệu với 27.656 người chết vì dịch bệnh này sau khi có thêm 355 ca tử vong.
Italy – nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 31.084 ca mắc mới và 199 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày ở Italy kể từ khi đại dịch bùng phát. Thủ tướng Giuseppe Conte đã áp đặt các lệnh hạn chế lên hoạt động kinh doanh hồi tuần trước, yêu cầu các quán bar, nhà hàng đóng cửa lúc 18h hàng ngày, đồng thời các phòng tập gym, rạp chiếu phim, nhà hát cũng phải đóng cửa và thực hiện một số biện pháp khác.
Thủ tướng Conte đã nhiều lần khẳng định ông muốn tránh phong tỏa toàn quốc bởi biện pháp này sẽ làm suy yếu nền kinh tế vốn dĩ đã mong manh của Italy, song luật pháp cho phép các lãnh đạo của 20 khu vực của Italy tự thiết lập các lệnh hạn chế.
Hôm 30/10, khu vực Valle d’Aosta của Italy giáp biên giới với Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h – 5h để hạn chế sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 và giảm sức ép lên hệ thống y tế.
Trong khi đó, cũng trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 19.367 ca mắc mới và 88 trường hợp tử vong. Hai nước này lần lượt đứng thứ 13 và 15 trong số các nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới.
Số ca mắc trong ngày ở Pháp tăng vọt những ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 49.215 ca mắc mới, cao nhất châu Âu và cao thứ 2 thế giới. Với tổng số ca mắc vượt 1,1 triệu và tổng số ca tử vong là 35.541, Pháp đã vượt Tây Ban Nha và đứng thứ 5 về số ca mắc Covid-19 trên thế giới.
Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận 25.595 ca mắc mới và 239 ca tử vong trong 24h qua. Quốc gia này đứng thứ 6 trên thế giới về tổng số ca mắc với hơn 1,2 triệu trường hợp, trong đó có 35.878 ca tử vong.
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu, Vương quốc Anh cũng ghi nhận tới 24.405 ca mắc và 274 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Quốc gia này hiện đứng thứ 9 thế giới về tổng số ca mắc với 989.745 trường hợp.
Các quan chức châu Âu cảnh báo, châu lục này cần sẵn sàng cho các lệnh hạn chế rộng khắp hơn nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 khi virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Pháp và Đức đã chuẩn bị tiến hành một số biện pháp nghiêm ngặt tương đương với lệnh phong tỏa hồi mùa xuân.
Châu Âu và Mỹ hiện là những vùng dịch nguy hiểm hiện nay của thế giới. Ủy viên phụ trách y tế của châu Âu Stella Kyriakides nhận định: “Chúng ta cần phải vượt qua khó khăn này và ở những nơi cần thiết, phải áp đặt các lệnh hạn chế hàng ngày để phá vỡ chuỗi lây nhiễm”.
Bỉ, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của châu Âu ghi nhận trung bình 15.316 ca mắc mới mỗi ngày kể từ giữa tháng 10.
Ấn Độ ghi nhận số ca mắc trong ngày cao thứ ba thế giới với 48.120 trường hợp. Quốc gia này hiện đã có hơn 8,1 triệu trường hợp mắc bệnh và trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Ấn Độ có 121.681 ca tử vong vì Covid-19 sau khi ghi nhận 550 người tử vong trong 24 giờ qua.
Tại Đông Nam Á, số ca mắc trong ngày ở Philippines đã bắt đầu giảm khi chỉ ghi nhận 2.006 ca mắc mới và 38 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines là 378.933 trường hợp, trong đó có 7.185 ca tử vong. Indonesia ghi nhận số ca mắc giảm dần với 2.897 ca, trong đó có 81 trường hợp tử vong trong 24h qua. Indonesia đã vượt Philippines về tổng số ca mắc và hiện là nước có số ca mắc cao thứ 18 thế giới với tổng số người mắc bệnh là 406.945.
Chỉ trong vòng 1 ngày, cả thế giới ghi nhận 556.423 ca mắc Covid-19 mới và 7.314 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt 45 triệu trường hợp, trong đó có gần 1,2 triệu ca tử vong./.
*** Số ca nhiễm cao chưa từng có, châu Âu lại “vỡ trận” vì COVID-19
Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng mới do COVID-19 gây ra khi số ca nhiễm mới gia tăng ngày một nhanh, còn các nước thì vẫn bất đồng trong cách ứng phó với dịch bệnh.
Sau vài tháng hè hạ nhiệt, đại dịch COVID-19 một lần nữa đặt ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho châu Âu khi số ca nhiễm mới tại lục địa này đang gia tăng nhanh chóng mặt, hiện đã vượt xa châu Á và châu Mỹ.
Số liệu trên Worldometer tính đến 9h sáng nay (31/10) cho thấy tổng số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là hơn 9,71 triệu người. Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 30/10 sấp sỉ 300.000 ca, chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm mới toàn cầu.
7.280 người chết vì COVID-19 chỉ trong một ngày
(ĐCSVN) – Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 31/10 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 45.870.610 ca, trong đó 1.193.007 ca tử vong và 33.211.820 ca đã được chữa khỏi. Chỉ trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 552.618 ca nhiễm mới và 7.280 ca tử vong.
Mỹ đã lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục, hơn 90.000 người chỉ trong 24 giờ qua. Theo thống kê, tính đến 6h sáng ngày 31/10, Mỹ – quốc gia đang hứng chịu đại dịch COVID-19 tái bùng phát kể từ trung tuần tháng 10, đã ghi nhận thêm 93.309 ca mắc COVID-19 mới. Mỹ đã ghi nhận 235.114 ca tử vong, 6,016,895 ca bình phục. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua và các chuyên gia y tế thậm chí còn cho rằng số liệu thống kê như vậy vẫn chưa đầy đủ do những ngày mới xảy ra dịch nhiều nơi chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm diện rộng ngay. Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngày 30/10, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã cho phép các du thuyền, tàu du lịch được hoạt động trở lại kể từ ngày 31/10/2020. Chính phủ Mỹ buộc phải để các công ty hoạt động trở lại với một số điều kiện nhất đinh bởi ngành du lịch nói chung và dịch vụ tàu du lịch, du thuyền nói riêng đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bị chấm dứt hoạt động sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.
Từ ngày 31/10, nước Bỉ quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần để phòng chống COVID-19 (Ảnh: Getty Images)
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu với 9.704.712 ca mắc, trong đó 263.045 ca đã tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, khu vực này ghi nhận thêm 292.882 ca nhiễm mới. Nga đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm COVID-19 với 1.599.976 ca, trong đó 27.656 ca đã tử vong. Chỉ trong một ngày hôm qua, quốc gia này ghi nhận thêm 18.283 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Bỉ hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm vi rút SARS-Cov-2 cao hàng đầu thế giới. Tối 30/10, Vương quốc Bỉ đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần.
Châu Á đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 lên tới 13.591.091 sau khi có thêm 91.819 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Khu vực này đã ghi nhận tổng số 241.541 ca tử vong. Ấn Độ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu khu vực, đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm với 8.136.166 ca, trong đó 121.681 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 48.120 ca nhiễm mới.
Tại Bắc Mỹ, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 11.121.721 ca sau khi khu vực này ghi nhận thêm 105.383 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện đã có 350.904 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ tiếp tục dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm. Tiếp theo đó là Mexico với 912.811 ca nhiễm, 87.894 ca tử vong.
Nam Mỹ ghi nhận 9.630.522 ca nhiễm sau khi có thêm 48.824 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 293.834 ca đã tử vong. Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm và ca tử vong với con số lần lượt là 5.516.658 và 159.477. Riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 20.256 ca nhiễm, 444 ca tử vong.
Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 13.696, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 1.784.389, trong đó 42.698 ca đã tử vong. Nam Phi là quốc gia đứng đầu trong khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 723.682 ca, trong đó 19.230 ca đã tử vong.
Trong khi đó, châu Đại Dương có thêm 14 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 37.454 ca, trong đó có 970 ca tử vong. Australia là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực, với 27.580 ca, trong đó 970 người đã tử vong./.
*** Động đất mạnh ở Địa Trung Hải, chấn động đến cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Một trận động đất mạnh đã xảy ra ở khu vực Biển Aegean ngày 30/10, được cảm nhận từ cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một số tòa nhà ở thành phố Izmir bị sập khiến nhiều người dân đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Pháp tăng mức cảnh báo an ninh lên cao nhất, không loại trừ có vụ tấn công mới
Bộ trưởng Nội vụ Pháp ngày 30/10 cho biết, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công của phiến quân tại lãnh thổ nước này sau vụ tấn công bằng dao chết người thứ hai ở các thành phố của Pháp trong hai tuần qua, Reuters đưa tin.
Ném bom xăng vào đồn cảnh sát, nam sinh Nga bị bắn gục
Nam thanh niên 16 tuổi bị cảnh sát Nga bắn hạ sau khi ném một loạt bom xăng vào đồn cảnh sát rồi dùng dao tấn công một sĩ quan.
Armenia muốn Nga đưa binh sĩ đến Nagorno-Karabakh
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định sự hiện diện của lính gìn giữ hòa bình của Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh là phương án khả dĩ nhất lúc này nhằm ngăn xung đột leo thang.
Mỹ nghiên cứu cách đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Nga
Tướng cấp cao tại Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ gặp nhiều thách thức khi Nga đưa tên lửa siêu vượt âm vào trực chiến, song không có nghĩa là mẫu tên lửa này không thể đánh chặn.
80 triệu cử tri Mỹ đã bầu cử, hai ứng viên tiếp tục các màn tranh cử
Florida là một trong những bang chiến trường trong cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ, nơi mà theo các cuộc thăm dò mới nhất, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump từ 4-6 điểm phần trăm.
Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng quân đội “sánh ngang Mỹ” vào năm 2027
Đây là mục tiêu được Trung Quốc đưa ra đúng vào thời điểm đánh dấu 100 năm kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo SCMP.
Nước có tỉ lệ nhiễm COVID cao nhất châu Âu lại thay Bộ trưởng Y tế
Euronews ngày 30/10 đưa tin, Cộng hoà Czech mới đây đã lần thứ ba thay Bộ trưởng Y tế mới chỉ sau 6 tuần ứng phó với đại dịch COVID-19.
Kho tên lửa “khủng” của Iran bị Mỹ tịch thu trên biển
Phía Mỹ tịch thu tên lửa đất đối không, tên lửa chống tăng dẫn đường và nhiều vũ khí khác mà Iran vận chuyển trên biển sang Yemen.
Azerbaijan bắn rơi hai máy bay Su-25 Armenia trong ba phút
Hai cường kích Su-25 của quân đội Armenia bị lực lượng Azerbaijan bắn hạ trong vòng ba phút khi chúng hoạt động gần khu vực Nagorno-Karabakh.
Nga bất ngờ dừng thử nghiệm vaccine COVID-19
Nga tạm dừng tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19, mẫu Sputnik V, do không sản xuất kịp vaccine. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cảnh báo nước này thiếu thiết bị để sản xuất vaccine hàng loạt.
Vụ đắm tàu di cư đau thương nhất năm 2020
Ít nhất 140 người di cư đã chết đuối ngoài khơi Senegal trong vụ đắm tàu chết chóc nhất được ghi nhận trong năm nay, Cơ quan về di cư của Liên Hợp Quốc (IOM) cho biết ngày 29/10.
Châu Âu “đối chọi” làn sóng COVID-19 lần hai
Mùa đông đang đến gần. Với châu Âu, mùa đông đang trở thành thách thức nguy hiểm, khi nhiều chuyên gia cảnh báo rằng làn sóng COVID-19 lần hai sẽ “chết chóc” hơn lần đầu tiên. Pháp ngày 29/10 quyết định tái phong tỏa toàn quốc. Đức, Anh và một loạt quốc gia châu Âu khác cũng đang rục rịch “nối gót” Pháp thực hiện biện pháp này.
Mỹ vượt mốc 9 triệu ca nhiễm COVID-19 trước cuộc bầu cử
Tối 29/10, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt qua mốc 9 triệu sau khi ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm trong một ngày, NBC đưa tin.
Armenia xác nhận lính Nga xuất hiện gần Nagorno-Karabakh
Thủ tướng Armenia xác nhận lính biên phòng Nga được triển khai dọc theo ranh giới giữa Armenia và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, song khẳng định đây không phải hoạt động bất thường.
Tổng hợp-TT