Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc; Nga tuyên bố không liên minh quân sự với Trung Quốc; Thêm hội thảo về tình hình biển Đông; Thủ tướng Nga ‘dội gáo nước lạnh’ vào chiến lược của Mỹ với ASEAN; Trump nói thích dầu mỏ ở Syria…là những tin chính được cập nhật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ năm, từ phải sang), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ năm, từ trái sang) và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, sáng 3/11, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực.
Các nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa hai bên, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp và cũng là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN.
Nga tuyên bố không liên minh quân sự với Trung Quốc
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao trong lịch sử, song nước này không tìm kiếm khả năng thiết lập một liên minh quân sự với Bắc KInh.
“Quan hệ Nga-Trung Quốc chưa từng ở ngưỡng tin tưởng cao như lúc này, nhất là về kinh tế, nền tảng của mối quan hệ và là yếu tố đảm bảo lợi ích của hai nước”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1-11 tuyên bố, theo TASS. “Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều không có kế hoạch thiết lập một liên minh quân sự”.
Theo Ngoại trưởng Nga, điều này thậm chí đã được nêu vào văn kiện được ký bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Moscow.
Nga và Trung Quốc năm nay kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm Nga của ông Tập, lãnh đạo hai nước ca ngợi quan hệ song phương ở mức tốt nhất trong lịch sử khi kim ngạch thương mại song phương đạt 108 tỷ USD trong năm 2018.
Cả Moscow và Bắc Kinh hiện đang chịu nhiều sức ép từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Đối với Trung Quốc, Nga là đối tác cung cấp dầu khí và tài nguyên lớn nhất, đáp ứng nhu cầu của Bắc Kinh về phát triển kinh tế.
Hai bên gần đây thông báo đường ống dẫn khí đốt Altai dài 2.800km với khả năng trung chuyển 30 tỉ m3 hằng năm từ phía Tây Siberia tới khu vực Tân Cương của Trung Quốc sắp đi vào hoạt động, dự kiến cung cấp 20% ngu cầu khí hoá lỏng của Trung Quốc vào năm 2020.
Trong khi đó, đối với Nga, Trung Quốc như là một đối tác bù đắp các khoản đầu tư thay thế cho các thương gia phương Tây. Moscow cũng ủng hộ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh khi nó bao gồm nhiều dự án giúp Nga kết nối kinh tế với các khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Cả hai nước đang thể hiện vai trò nước lớn trong các vấn đề có chung lợi ích và quan điểm như Triều Tiên, Venezuela và Iran, song thường rất thận trọng khi được hỏi về khả năng trở thành đồng minh quân sự.
Thêm hội thảo về tình hình biển Đông
(SGGP) Hội thảo có chủ đề “Luật quốc tế, công lý quốc gia và quốc tế, chủ quyền quốc gia trên ví dụ ứng xử giữa các nước ở biển Đông” vừa diễn ra tại Đại học Tư pháp quốc gia Nga (RGUP) trực thuộc Tòa án tối cao LB Nga.
Tại hội thảo, TS Grigory Lokshin, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã tổng kết kèm theo video minh họa các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên biển Đông như hoạt động mới đây của tàu Hải Dương 8 tại Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; việc cải tạo các bãi đá, xây dựng đường băng, các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại biển Đông. Những hành động này đều đi ngược lại luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chuyên gia Lokshin cho rằng, Trung Quốc muốn biến khu vực không phải tranh chấp hay chồng lấn tại biển Đông thành khu vực có tranh chấp, đồng thời cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam với Nga và các nước khác.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều cho rằng, tất cả các bên tranh chấp cần tuân thủ những chuẩn mực của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc cũng là thành viên. Ngay sau phần trình bày tham luận của chuyên gia, các sinh viên tham dự đã thảo luận, đặt câu hỏi cho các chuyên gia liên quan đến quan điểm của các bên về biển Đông cùng các giải pháp…
Thủ tướng Nga ‘dội gáo nước lạnh’ vào chiến lược của Mỹ với ASEAN
Nỗ lực của Washington nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á bằng cách đề xướng ý tưởng về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, là trái ngược với các phương châm cốt lõi của ASEAN – Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói.
“Gần đây, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, bao gồm việc đề xướng ý tưởng về một “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” (IPR). Theo kế hoạch của họ, chiến thuật này sẽ thay thế khuôn khổ thông thường của hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi ủng hộ hệ thống quan hệ liên chính phủ có hiệu quả cao đã xây dựng nền tảng cho ASEAN”, ông Medvedev phát biểu trong một bài phỏng vấn với báo Bangkok Post, trang Sputnik đưa tin.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng sáng kiến IPR là trái ngược với các nguyên lý nền tảng của ASEAN, như chính sách không liên kết, và rằng các nước thành viên ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc tạo ra một không gian hợp tác kinh tế cho tất cả các thành viên.
“Về việc này, chúng tôi coi sáng kiến của Mỹ là một thử thách lớn đối với các nước ASEAN, vì nó có thể làm yếu đi vị thế của hiệp hội và lấy đi vai trò then chốt của hiệp hội trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Trump nói thích dầu mỏ ở Syria
Trump cho biết Mỹ triển khai binh sĩ tại Syria là để bảo vệ các mỏ dầu và muốn nhường việc tuần tra biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ
“Chúng tôi muốn đưa binh sĩ về nhà, song vẫn để họ lại vì chúng tôi muốn canh giữ dầu mỏ. Tôi thích dầu mỏ. Chúng tôi đang canh giữ dầu mỏ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 1/11 trước khi lên đường tới TP Tupelo, bang Mississippi để dự cuộc tuần hành Giữ cho nước Mỹ vĩ đại.
Mỹ hôm 31/10 đưa một số thiết giáp M2A2 Bradley và binh sĩ tới miền đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu tại đây. Quyết định bất ngờ này trái ngược với lệnh rút hết quân mà Trump đưa ra trước đó.
“Những người khác có thể tuần tra dọc biên giới Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu suốt 1.000 năm và hãy để họ đảm trách khu vực biên giới, chúng tôi không muốn làm điều đó”, Trump nói thêm.
Trump cho biết Mỹ đang hợp tác hiệu quả với hai đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, đồng thời nhắc lại chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Ông xác nhận chỉ huy của Baghdadi đã bị tiêu diệt và “Mỹ đã có một mục tiêu thứ ba trong tầm ngắm”.
Mỹ rút binh sĩ khỏi khu vực phía bắc Syria trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ngày 9/10 nhằm vào lực lượng IS và dân quân người Kurd tại đây. Trump cho biết ông muốn “rút khỏi những cuộc chiến kéo dài vô tận”, song sau đó Tổng thống Mỹ đổi ý và cho rằng cần nắm giữ các mỏ dầu tại Syria và ngăn IS chiếm lại chúng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục rút khỏi miền bắc Syria và số binh sĩ ở lại nước này dự kiến thấp hơn 1.000.
*** Nga- Nhật “chật vật” tìm kiếm thoả thuận hoà bình vĩnh viễn
Nga-Nhật đang nỗ lực thu hẹp bất đồng liên quan đến quần đảo tranh chấp trên Thái Bình Dương nhằm hướng đến việc tìm kiếm một hiệp ước hoà bình vĩnh cửu.
Thụy Sĩ và “tiền bẩn”
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa Thụy Sĩ ra khỏi danh sách “thiên đường thuế” thì một cuốn sách sẽ lên kệ vào ngày 31-10 tới tiết lộ 60 năm đồng hành của Thụy Sĩ và “tiền bẩn”.
Thăm Ấn Độ đúng lúc ô nhiễm kỷ lục, Đức hứa cấp 1 tỷ Euro giúp New Delhi
Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm Ấn Độ khi toàn bộ trường học ở thủ đô New Delhi bị đóng cửa, còn người dân được yêu cầu ở yên trong nhà vì chất lượng không khí xấu đi nghiêm trọng.
Iran công bố kế hoạch hoà bình cho vùng Vịnh, đối trọng sáng kiến của Mỹ
Iran thông báo gửi văn bản đầy đủ của Sáng kiến Hòa bình Hormuz tới các nước vùng Vịnh, trong bước đi được mô tả là nhằm duy trì sự ổn định và an ninh cho khu vực.
Ông Trump nói cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát biên giới, Mỹ chỉ cần dầu Syria
Tổng thống Donald Trump cho biết tuần tra biên giới Syria là công việc của Thổ Nhĩ Kỳ, còn Mỹ thì thích nắm giữ các mỏ dầu hơn.
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra tốt đẹp
Đó là tuyên bố hôm 1-11 (giờ địa phương) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc cùng ngày thông báo nước này đã nhất trí với Mỹ về những mối quan ngại thương mại cốt lõi. Điều này tiếp tục khẳng định việc Washington và Bắc Kinh sẽ sớm ký kết Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” theo kế hoạch.
Nổ xe bom tại khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, 43 người thương vong
Ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương sau khi một chiếc xe cài bom phát nổ ở một khu chợ nằm tại trung tâm thị trấn biên giới Tel Abyad ở Syria hôm 2-11, Reuters đưa tin.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hồi hương tù nhân IS
Cùng với tuyên bố sẽ hồi hương tù nhân IS, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích châu Âu không có động thái gì trong vấn đề này.
Tấn công tại căn cứ quân sự ở Mali, 54 người thiệt mạng
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công táo tợn này.
19 người đàn ông Myanmar bị bắt giữ do nhập cảnh bất hợp pháp
Một nhóm 19 người đàn ông Myanmar đã bị bắt hôm 1-11 sau khi nhập cảnh trái phép vào miền nam Thái Lan, cảnh sát cho biết.
Trung Quốc sẵn sàng duy trì quan hệ gần gũi với Triều Tiên
Thông điệp này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong gửi cảm ơn tới nhà lãnh Đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 2-11.
Truy tố thêm một tài xế vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh
Cảnh sát hạt Essex ngày 1-11 thông báo rằng có thêm một tài xế nữa đã bị truy tố tội ngộ sát trong vụ án liên quan đến vụ 39 thi thể được phát hiện bên trong một container ở Anh.
Tây Ban Nha thay Chile đăng cai Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP25
Liên Hợp Quốc đã xác nhận thông tin trên vào ngày 1-11 và cho biết Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha sẽ là nơi diễn ra Hội nghị này, Reuters đưa tin.
Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: 7 phút sinh tử
Cũng như Damascus, Syria, Baghdad, Iraq, sân bay Dubai, Tiểu vương quốc Arab Thống nhất từ chối cho phép chiếc Boeing LH 181 hạ cánh.
Tổng thống Trump: Trung Quốc rất muốn ký kết thỏa thuận thương mại
Quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 1-11 cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hướng tới việc ký kết một thỏa thuận trong tháng này nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 16 tháng đã gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam chung tay phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra từ ngày 2 đến 4-11 tới tại thủ đô Bangkok, Thái Lan sẽ chứng kiến giây phút đặc biệt, khi Thái Lan chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam.
Tổng hợp-TT