Mỹ nỗ lực dẫn đầu cuộc chiến chống Covid-19; Các Bộ trưởng Tài chính G7 sắp đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu; NHK: Nhật Bản sẽ cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong tháng 6; WHO: Thiếu vaccine có thể giảm hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Mỹ nỗ lực dẫn đầu cuộc chiến chống Covid-19
Ảnh minh họa.
SGGP Ngày 4-6, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Anh, các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi G7 khẩn trương dự tính nguồn cung vaccine Covid-19 dư thừa để chia sẻ với các nước đang phát triển sớm nhất có thể.
Trước đó, theo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong 80 triệu liều vaccine Covid-19 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 3-6, Mỹ sẽ đóng góp gần 19 triệu liều vaccine thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.
Trong 25 triệu liều vaccine mà Mỹ chia sẻ có khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, khoảng 7 triệu liều cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á và gần 5 triệu liều cho châu Phi. Riêng khoảng 7 triệu liều dành cho châu Á, sẽ gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, lãnh thổ Đài Loan và các đảo ở Thái Bình Dương. Ấn Độ, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan là những nơi được nhận lô vaccine đầu tiên từ Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, kế hoạch chia sẻ vaccine nhằm tạo tiền đề cho việc tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, ngăn chặn các ca nhiễm mới, cũng như giảm gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Đó cũng là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn tài trợ dành cho COVAX, Mỹ sẽ ủng hộ từ nguồn cung cấp vaccine của Mỹ và làm việc với các nhà sản xuất Mỹ để tăng số liều vaccine cho phần còn lại của thế giới. Đồng thời, Mỹ sẽ giúp nhiều quốc gia hơn nữa trong việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, trong đó có thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài 19 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, khoảng 6 triệu liều còn lại trong đợt chia sẻ 25 triệu liều vaccine lần này, Mỹ sẽ dành cho Mexico, Canada, Hàn Quốc, khu vực Bờ Tây và Gaza, Ukraina, Kosovo, Haiti, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Iraq và Yemen, cũng như cho các nhân viên tuyến đầu của Liên hiệp quốc.
Theo giới quan sát, việc dành 6 triệu liều vaccine cho đối tác và khu vực là cách Washington thắt chặt quan hệ với một số quốc gia, khu vực ưu tiên trong chính sách. Mexico có vai trò quan trọng nhằm kiểm soát dòng người nhập cư vào Mỹ. Ấn Độ là chìa khóa then chốt trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên của Bộ Tứ. Là điểm đến nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ, Hàn Quốc có vai trò đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên, với quan hệ đồng minh được khẳng định sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Moon Jae-in.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 sắp đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu
(baodautu.vn) Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã gần tiến sát tới thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 đang nhóm họp tại London (Anh) dự kiến đồng ý về nguyên tắc để thay đổi cơ sở của luật thuế doanh nghiệp quốc tế lần đầu tiên sau 1 thế kỷ. Kế hoạch lịch sử này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại các quốc gia nơi họ kinh doanh, không chỉ nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính.
Phát biểu với BBC, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết ông “hoàn toàn tin tưởng” việc sẽ đạt được một thỏa thuận “thực sự làm thay đổi thế giới”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết các bộ trưởng đang gần tiến sát tới một “thỏa thuận lịch sử” và thế giới sẽ thấy G7 vẫn là một lực lượng toàn cầu trong việc xác định luật chơi trong trật tự quốc tế ở thế kỷ 21.
Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ đưa ra tuyên bố chung trong ngày 5/6, nêu rõ lập trường chung của G7 cũng như ủng hộ lời kêu gọi của chính quyền Mỹ cả về chế độ thuế toàn cầu đối với những tập đoàn lớn nhất thế giới và tỷ lệ thuế toàn cầu tối thiểu.
Trong khi đó, hiện một số nguồn tin thân cận cho biết G7 đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Hãng tin Bloomberg cho hay tỷ lệ ít nhất là 15% sẽ phù hợp với một đề xuất mà Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra hồi tháng trước.
Bloomberg cho hay hiện vẫn chưa rõ liệu một tỷ lệ cụ thể có được đưa vào tuyên bố của G7 hay không, trong khi dự thảo tuyên bố mà Reuters đưa tin hồi đầu tuần không đề cập đến tỷ lệ cụ thể.
NHK: Nhật Bản sẽ cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong tháng 6
(vneconomy.vn) Đài truyền hình NHK ngày 5/6 cho biết, đáp lại đề nghị của Việt Nam, chính phủ Nhật dự kiến cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam ngay trong tháng 6.
Số vaccine này được Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam nằm ngoài chương trình COVAX – sáng kiến hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Nhật Bản chuyển cho Đài Loan khoảng 1,24 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca vào ngày 4/6. Theo NHK, Nhật Bản có đủ nguồn vaccine để tiêm cho người dân trong nước. Hồi đầu tuần, nước này cũng tổ chức một hội nghị thượng điển nhằm đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Trước đó, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ sớm nhất có thể việc tiếp cận nguồn cung và hợp tác chuyển giao công nghệ về vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Tại cuộc điện đàm Thủ tướng Suga nhấn mạnh Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác tối đa với Việt Nam để bảo đảm vaccine Covid-19 cần thiết.
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 với 5.249 ca nhiễm Covid-19 mới từ ngày 27/4 đến nay. Tính tới 6h ngày 5/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 6.819 ca ghi nhận trong nước và 1.545 ca nhập cảnh. Trong khi đó, hiện có chưa tới 2% dân số Việt Nam được tiêm vaccine ngừa Covid-19 do thiếu nguồn cung.
*** WHO: Thiếu vaccine có thể giảm hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu (ĐCSVN) – Đến sáng 5/6, thế giới có tổng số 173.311.604 ca nhiễm và 3.727.174 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 416.592 ca nhiễm và 10.234 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này. WHO cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6 – 7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. (Ảnh: AFP)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 5/6, đã có 156.053.013 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 13.531.417 ca bệnh đang điều trị, có 13.443.206 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 88.211 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 121.476 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (33.482 ca) và Mỹ (16.775 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.382 ca, sau đó là Brazil (1.184 ca) và Argentina (538 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 52.099.846 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 5/6, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 703.822 ca đã tử vong do COVID-19 và 48.507.783 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 28.693.835; 5.276.468 và 2.954.309 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 344.101; 47.976 và 80.813 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 47.420 ca nhiễm và 1.224 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.701.029; 5.108.129 và 4.506.016 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh hiện vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.823 ca, sau khi ghi nhận thêm 11 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (126.415 ca) và Nga (123.037 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 39.936.876 ca, trong đó có 901.813 ca tử vong và 32.848.650 ca được điều trị khỏi. Với 34.191.873 ca nhiễm và 612.237 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.426.822 và 1.389.508 ca nhiễm, cùng 228.362 và 25.679 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 127.907 ca nhiễm và 3.125 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 29.448.286 ca và 911.044 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 28.482 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.841.954 vào thời điểm hiện tại. Với 1.184 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 538 ca tử vong mới và Colombia với 537 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 5/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.939.240 ca, trong đó có 132.157 ca tử vong và 4.450.073 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.686.041 ca nhiễm và 56.832 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 5.668 ca nhiễm mới và 67 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 520.769 và 352.303 ca nhiễm bệnh cùng 9.169 và 12.902 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 69.082 ca nhiễm (tăng 54 ca) và 1.252 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.150 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ngày 3/6 vừa qua, thế giới đã cán mốc 2 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân. Tuy nhiên, 37% trong số này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao vốn chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ có 0,3% số vaccine đã tiêm được thực hiện ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới với tổng số dân chiếm 9% dân số toàn cầu.
Ngày 4/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6 – 7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định ủng hộ ý tưởng chia sẻ vaccine khi điều kiện trong nước cho phép.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không chỉ tạo ra các công nghệ độc đáo và nhanh chóng thiết lập việc sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong nước, mà còn giúp các đối tác nước ngoài triển khai sản xuất vaccine.
Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3/6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam./.
*** Ông Putin tố Mỹ kìm hãm sự phát triển của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông muốn cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp Joe Biden vào cuối tháng này, tuy vậy, ông đã vẫn có giọng điệu cứng rắn và tố cáo Mỹ muốn “kìm hãm” sự phát triển của Nga.
Đi tìm lối thoát cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Châu Âu và Mỹ đang mắc kẹt trong một cuộc tranh luận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Bất đồng về đường ống dẫn dầu Nga – Đức phức tạp hơn nhiều so với những lập luận mà các bên đưa ra.
Cần thêm nguồn lực cho cuộc chiến chống COVID-19
Tài chính và vaccine là những gì mà các quốc gia đang phát triển rất cần cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Liên minh mới nhằm “soán ngôi” ông Netanyahu
Ngày 30-5, chính trị gia cực hữu Naftali Bennett và lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid đã đồng ý thành lập một chính phủ liên minh nhằm “soán ngôi” Thủ tướng Israel của ông Benjamin Netanyahu sau 12 năm cầm quyền liên tiếp. Hai ông Bennett và Lapid sẽ có khoảng thời gian ngắn đàm phán thành lập liên minh chiếm đa số trong Quốc hội để bỏ phiếu tán thành.
Vừa khởi động lại đàm phán, Mỹ trừng phạt luôn 59 công ty Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm 59 công ty hoạt động trong lĩnh vực quân sự và giám sát của Trung Quốc mua lại các khoản đầu tư của các công ty Mỹ.
Nga muốn mời NASA tham gia dự án không gian cực hấp dẫn
Người đứng đầu cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos tiết lộ họ có thể mời phía Mỹ hợp tác trong một dự án “hấp dẫn nhất”, song không cho biết thêm chi tiết.
Đặc phái viên ASEAN đã đến Myanmar
Các đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 3/6 đã đến Myanmar để hội đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại quốc gia này.
Belarus ra lệnh “tiễn khách” đáp trả trừng phạt Mỹ
Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố, các biện pháp đáp trả của nước này đối với Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/6. Ngoài ra, Belarus sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga nhằm đối phó với các chính sách không thân thiện từ phương Tây.
Mỹ cung cấp thêm 25 triệu liều vaccine cho thế giới
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ với thế giới 25 triệu liều vaccine COVID-19 chưa sử dụng.
Cơ hội nào cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu?
Thủ tướng Benjamin Netanyahu là lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của Israel với 12 năm cầm quyền, người được ví như “ảo thuật gia chính trị” khi có khả năng sống sót thần kỳ qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Tuy nhiên, việc lãnh đạo phe đối lập Israel tuyên bố đã thành lập được một chính phủ liên minh mới trước hạn chót vào nửa đêm 2/6 (giờ địa phương) vừa qua được đánh giá là có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.
Nữ hoàng Anh sắp gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nữ hoàng Elizabeth II sẽ gặp trực tiếp ông Biden vào ngày 13/6 tới sau khi Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh, Cung điện Buckingham đưa ra thông báo hôm nay (3/6).
Hơn hai tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới
Hơn hai tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên khắp thế giới, tờ AFP dẫn các nguồn chính thức hôm 3/6 cho biết.
Cung không đủ cầu: Australia trong “cơn khát” vaccine
Các bác sĩ tại Melbourne buộc phải từ chối một số lượng lớn người dân địa phương đang tìm kiếm vaccine ngừa COVID-19, thậm chí là cả người bệnh đến từ các cơ sở chăm sóc. Lý do rất đơn giản: Nguồn cung vaccine tại Australia không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Phả hệ đáng nể của Tổng thống đắc cử Israel
Ông Isaac Herzog đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành “Tổng thống đắc cử thế hệ thứ hai” đầu tiên của Israel, tiếp bước người cha cũng từng giữ cương vị này. Theo Jerusalem Post, ông Isaac Herzog sinh trưởng trong một gia đình có phả hệ tuyệt vời khi hầu hết những người thân đều phụng sự cho nhà nước Israel…
Tổng thống Iran: Bất đồng chính với Mỹ đã được xử lý!
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo các bất đồng chính giữa nước này và Mỹ xung quanh thoả thuận hạt nhân 2015 đã được xử lý nhờ các cuộc đàm phán ở Vienna.