VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 5/7/2020.

 Những số liệu kinh tế vùi lấp giấc mơ Mỹ; Số ca COVID-19 toàn cầu vượt ngưỡng “không tưởng”, WHO kêu gọi thức tỉnh; Thế giới lập kỷ lục số ca Covid-19 mới, ông Trump nói Mỹ sắp chiến thắng; Mưa lớn kéo dài, Trung Quốc có thể lại điêu đứng vì lũ lụt…là những tin chính được cập nhật. 

 Những số liệu kinh tế vùi lấp giấc mơ Mỹ

Người Mỹ điền đơn xin việc tại một hội chợ việc làm hồi tháng 5. Ảnh: AP   Người Mỹ điền đơn xin việc tại một hội chợ việc làm hồi tháng 5. Ảnh: AP

Tỷ lệ thất nghiệp cao vì Covid-19, bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ là những gì người Mỹ đang trải qua.
Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh (4/7) lần này, những cuộc biểu tình trên toàn quốc và khủng hoảng Covid-19 đã buộc người Mỹ nhìn vào bất bình đẳng thu nhập đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự mong manh của kinh tế Mỹ rất rõ ràng. Theo một báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), gần 40% người Mỹ không có đủ 400 USD dự phòng cho chi tiêu khẩn cấp. Nợ hộ gia đình đang tăng ở mức báo động.
Gần một phần năm hộ gia đình Mỹ có tài sản ròng (tài sản trừ đi các khoản nợ) bằng 0 hoặc âm, theo một nghiên cứu năm 2017 của Viện nghiên cứu Chính sách. Đến nay, cũng chẳng có lý do gì để nghĩ rằng tình hình này đã cải thiện đáng kể.
Sự bất bình đẳng thu nhập này hiện tại rất lớn. Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết khoảng 50% người có thu nhập thấp nhất Mỹ chỉ sở hữu 1% tài sản của cả nước. Trong khi đó, top 10% thu nhập cao nhất sở hữu 70% tài sản. Tỷ lệ sở hữu tài sản của các gia đình trung lưu đã giảm gần nửa trong 4 thập kỷ qua, xuống còn 17% cả nước. Một phần tư số trẻ sinh ra trong gia đình có mức sống dưới mức nghèo khổ.
Gần nửa lực lượng lao động Mỹ hiện làm các công việc thu nhập thấp với lương trung bình hàng năm dưới 20.000 USD. Gần 70% người Mỹ chỉ có thu nhập đủ sống qua ngày.
Trong khi đó, chi phí nhà ở, y tế và giáo dục đã tăng rất nhanh trong 20 năm qua. Việc tăng lương cũng khó bù lại được các khoản chi này.

CNN cho rằng sự bất bình đẳng thu nhập này chỉ ra mặt trái của Giấc mơ Mỹ. Báo cáo Global Social Mobility (đánh giá khả năng thế hệ sau có cuộc sống tốt hơn cha mẹ) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay xếp hạng 82 quốc gia theo 5 tiêu chí: Giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ, bảo vệ xã hội và điều kiện làm việc. Trong đó, Mỹ xếp thứ 27, sau Lithuania. Đan Mạch đứng thứ nhất.

Điều gì đã xảy ra với mảnh đất nhiều cơ hội này?
Hệ thống y tế của Mỹ gắn chặt với việc làm. Hệ thống giáo dục thì cực kỳ đắt đỏ. Và Mỹ cũng cho phép tồn tại tình trạng lao động không có hợp đồng hay quyền lợi nào.
Sự mong manh của Mỹ càng được phơi bày vì Covid-19. 85% người Mỹ làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – đối tượng đặc biệt chịu thiệt hại khi kinh tế đi xuống. Hơn 40 triệu người Mỹ đã phải nhận trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 11,1%.
Cuộc biểu tình Black Lives Matter sau cái chết của một người da màu cũng cho thấy khía cạnh sắc tộc của sự bất bình đẳng thu nhập. Nhiều nghiên cứu chỉ ra thu nhập của các hộ gia đình da trắng vượt xa người da đen và người Mỹ gốc Á.
John Hope Bryant – nhà sáng lập kiêm CEO tổ chức phi lợi nhuận Operation Hope cho rằng một trong những giải pháp ở đây là Hoàn thuế thu nhập do lao động (earned-income tax credit). “Bạn làm việc chăm chỉ, đúng luật và làm những điều đúng đắn, thu nhập hàng năm của bạn sẽ tăng 20%. Người nghèo sẽ thành tầng lớp lao động, tầng lớp lao động sẽ thành lao động trung lưu, và người trung lưu sẽ là trung lưu thực sự”, ông nói.
Một giải pháp khác là hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp, giúp bù lại khoảng trống của giới chức. Những công ty như Admiral Capital Group thường trích khoảng 10% lợi nhuận cho cộng đồng địa phương, chủ yếu đổ vào giáo dục.
Dĩ nhiên, thị trường không thể tự giải quyết những vấn đề nền tảng này. “Trong một cuộc khủng hoảng, chúng ta cần chính phủ”, Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học từng giành giải Nobel cho biết, “Thị trường không thể đảm đương việc này được. Họ không thể sản xuất khẩu trang, kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ chúng ta cần. Tuy nhiên, việc giảm vai trò của chính phủ suốt 40 năm qua cũng đồng nghĩa chúng ta có sự chuẩn bị không tốt”.

Giới phân tích cho rằng đã đến lúc Mỹ phải hành động, và thật nhanh. Covid-19 đang ngày càng tác động mạnh đến nền kinh tế. Sự nguy hiểm của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào là các doanh nghiệp học được cách làm nhiều hơn với tài nguyên ít hơn. Từ tháng 3, ứng dụng công nghệ và đột phá trong nhiều lĩnh vực đã được áp dụng. Và tự động hóa có lẽ là rủi ro lớn hơn bao giờ hết với lao động thu nhập thấp và trung bình.

Giấc mơ Mỹ chỉ gói gọn trong câu nói: Làm việc chăm chỉ và giấc mơ sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, công thức này đang dần đi chệch hướng. Khi nước Mỹ trải qua khủng hoảng, người dân cần thức tỉnh, nhận ra sự thật và hành động.

Số ca COVID-19 toàn cầu vượt ngưỡng “không tưởng”, WHO kêu gọi thức tỉnh
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 11 triệu hôm 4/7, Reuters cho biết, trong bối cảnh đại dịch nguy hiểm này đang cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người trong vòng 7 tháng qua. WHO lập tức lên tiếng về con số đáng ngại này.

Nhiều bang tại Mỹ “phá vỡ” kỷ lục

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca lây nhiễm COVID-19 hiện đã gấp đôi số ca mắc bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm trên toàn cầu.

Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhất là châu Âu, đang từng biết nới lỏng các hạn chế đi lại trong khi nỗ lực kìm đà dịch bệnh, trong bối cảnh thời gian điều chế vaccine đặc trị loại bệnh này có thể kéo dài một năm hoặc hơn.

Trong khi đó, Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới hiện nay, đã ghi nhận 2.885.652 ca nhiễm và 132.043 ca tử vong, tăng lần lượt 49.968 và 558 ca trong 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là nhiều bang tại Mỹ như North Carolina, South Carolina, Tennessee và Alaska đều chứng kiến số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục.

Theo Reuters, sự gia tăng số ca nhiễm một cách rõ rệt xuất hiện nhiều nhất ở các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ, gây sức ép lên hệ thống y tế khu vực này. Các quan chức y tế đang liên tục kêu gọi người dân thận trọng, do xu hướng chủ quan tụ tập đông người của một bộ phận người dân.

“Chúng ta đang chứng kiến số ca mắc mới cao nhất, số ca nhập viện nhiều nhất, tỉ lệ bệnh nhân dương tính với COVID-19 cao nhất kể từ cuối tháng 4. Xin hãy thận trọng vào cuối tuần lễ này”, Betsy Tilson, giám đốc y tế bang North Carolina, lên tiếng cảnh báo trên Twitter.

Những con số báo động

Tại Brazil, số ca nhiễm bệnh và tử vong đã tăng 42.223 người và 1.290 người trong vòng 24 giờ qua. Hiện, quốc gia này cũng ghi nhận hơn 1.5 triệu ca mắc COVID-19, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Bất chấp những cảnh báo về giãn cách xã hội cũng như nguy cơ quá tải của hệ thống y tế, nhiều nơi tại Brazil, trong đó có thành phố Rio de Janeiro vẫn cho phép các nhà hàng và quán bar mở cửa sau thời gian phong tỏa, dấy lên nguy cơ về sự gia tăng lây nhiễm chéo.

Theo thống kê tổng hợp bởi Reuters, châu Mỹ Latinh hiện chiếm 23% tổng số người mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Ấn Độ đã trở thành tâm chấn COVID-19 mới ở châu Á, với hơn 625.000 trường hợp lây nhiễm.

Châu Á và Trung Đông có lần lượt khoảng 12% và 9% ca nhiễm. Đặc biệt, các quốc gia bao gồm Trung Quốc, New Zealand và Australia, những nơi tưởng như đã kìm đà dịch hiệu quả, đều vừa trải qua các đợt bùng phát mới trong tháng qua, với số ca nhiễm tiếp tục tăng trở lại.

WHO cảnh báo cần thức tỉnh
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/7 (giờ địa phương), Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: “Mọi người cần thức tỉnh. Dữ liệu không nói dối. Tình hình thực tế không nói dối”.

Theo ông Ryan, nếu các nước tiếp tục mở cửa mà không tính đến khả năng ứng phó dịch bùng phát trở lại, “kịch bản tồi tệ nhất” có thể xảy ra, khi hệ thống y tế không thể chống đỡ được. Và lúc đó, sẽ càng ngày càng nhiều người chết vì COVID-19.

“Có những lý do kinh tế đúng đắn để các nước cần hoạt động lại”, ông Ryan nói. “Chuyện đó có thể hiểu được, nhưng các nước cũng không thể phớt lờ vấn đề dịch bệnh. Vấn đề đó sẽ không biến mất một cách kỳ diệu”, ông nhấn mạnh.

***  Thế giới lập kỷ lục số ca Covid-19 mới, ông Trump nói Mỹ sắp chiến thắng
Dân trí Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ và một số nước liên tiếp tăng kỷ lục khi đại dịch bùng phát mạnh trở lại cùng với việc mở cửa kinh tế.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới ghi nhận thêm 212.326 ca mắc Covid-19 trong ngày 4/7, tăng mạnh nhất từ trước đến nay và vượt xa kỷ lục hơn 189.000 ca thiết lập hôm 28/6. Như vậy tính đến hết ngày 4/7, thế giới có tổng cộng gần 11,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong là hơn 530.000 ca.

Số ca mắc Covid-19 chủ yếu tăng mạnh ở Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Tại Mỹ, bang Florida và Texas trở thành hai điểm nóng bùng phát dịch khi cả hai ghi nhận số ca kỷ lục trong ngày hôm qua. Cụ thể, Florida có thêm gần 11.500 người mắc Covid-19 trong ngày 4/7, cao nhất từ trước đến nay. Texas cũng ghi nhận gần 9.000 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Ngoài ra, gần 40 bang khác của Mỹ cũng ghi nhận tình trạng số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại.
Tại Brazil, nước này ghi nhận hơn 35.000 ca mắc mới trong ngày hôm qua và hơn 1.100 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Đến nay, Brazil có gần 1,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 64.000 người đã tử vong.

Tại châu Âu, một số nước đã bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, giới chức Tây Ban Nha hôm qua cho biết đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại với vùng Segria ở đông bắc nước này sau khi số ca mắc Covid-19 ở đây tăng đột biến trở lại. Theo đó, cư dân ở đây không được phép rời khỏi khu vực từ trưa 4/7, tuy nhiên lệnh phong tỏa không nghiêm ngặt như phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3.

Tại châu Á, dịch Covid-19 cũng có xu hướng bùng phát trở lại. Tại Tokyo, Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 trong 3 ngày trở lại đây đều trên mốc 100 ca/ngày, trong đó hôm qua ghi nhận 131 ca mắc mới, cao nhất kể từ khi thành phố này dỡ lệnh khẩn cấp hôm 25/5.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp mới vào lúc này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý tình hình lây nhiễm trong khu vực với tinh thần khẩn trương và cố gắng để cùng ngăn chặn sự lây nhiễm cũng như hỗ trợ cho hoạt động kinh tế”, ông Suga nói.

Hãng tin Guardian dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 4/7 nói rằng nước Mỹ sắp có “chiến thắng vĩ đại”.
“Điều đó sắp xảy ra, một sự kiện lớn sắp diễn ra. Đất nước của chúng ta sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết”, ông Trump nói trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận 3 ngày liên tiếp số ca mắc Covid-19 vượt 50.000 ca/ngày.
Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm: “Chúng ta đang làm tốt hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử… Chúng ta gánh chịu dịch bệnh này từ Trung Quốc và giờ chúng ta sắp đánh bại nó. Đất nước của chúng ta đang trở lại, số liệu việc làm của chúng ta thật đáng kinh ngạc, rất nhiều điều đang diễn ra mà mọi người có thể chưa nhận thấy. Chúng ta đang trên đà tiến tới một chiến thắng vĩ đại”.
Số liệu việc làm mà ông Trump đề cập tới là số việc làm mới mà kinh tế Mỹ tạo ra trong tháng 6. Theo Bộ Lao động Mỹ, kinh tế nước này đã tạo ra 4,8 triệu việc làm trong tháng 6, nhiều nhất kể từ khi Mỹ theo dõi số liệu này vào năm 1939. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, số liệu này được tổng hợp khi các bang bắt đầu mở cửa kinh tế trước khi phải hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa vì đại dịch tái bùng phát.
Nhiều chuyên gia, trong đó có chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, cảnh báo số người mắc Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh có thể khiến hệ thống y tế “vỡ trận” nếu không ngăn chặn được đà lây lan hiện tại.

***  Mưa lớn kéo dài, Trung Quốc có thể lại điêu đứng vì lũ lụt
Lượng mưa lớn bất thường xảy ra trong tuần qua đã cuốn trôi các tòa nhà, gây thiệt hại nặng nề cho miền Nam Trung Quốc, ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu cư dân. Mặc dù vậy, theo China Daily, mưa lớn dự kiến sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu tháng 7, kéo theo nguy cơ bão lũ tại miền Nam.

Myanmar chôn cất tập thể các nạn nhân vụ sạt lở mỏ đá
Hàng chục công nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở mỏ đá ngọc bích tại miền Bắc Myanmar sẽ được chôn cất tập thể trong ngày 4/7, một quan chức địa phương cho biết, sau thảm họa lao động tồi tệ nhất trong ngành khai thác mỏ của quốc gia này.

Tổ chức tiệc chui giữa dịch COVID-19 rồi tấn công cảnh sát
7 sỹ quan cảnh sát đã bị thương sau khi bị các đối tượng tham dự một sự kiện âm nhạc chui tại London, Anh tấn công, vào thời điểm quốc gia này lần đầu cho phép các quán rượu mở cửa sau nhiều tháng phong tỏa.

Mưa lũ kinh hoàng tại Nhật Bản khiến nhiều người mất tích
Mưa lớn kéo dài tại các tỉnh phía Tây Nam Nhật Bản đã gây ra trận lụt kinh hoàng hôm 4/7, khiến ít nhất 2 người tử vong, 10 người mất tích và hàng trăm người mắc kẹt trên những mái nhà chờ được giải cứu, ABC News đưa tin.

Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông ngay khi Trung Quốc tập trận
Mỹ đã điều hai tàu sân bay đến khu vực Biển Đông, cùng thời điểm Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự riêng gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tờ Wall Street Journal ngày 4/7 đưa tin.

Triều Tiên tuyên bố không cần đàm phán với Mỹ
Nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên hôm 4/7 lên tiếng khẳng định, nước này cảm thấy không cần phải đàm phán với Mỹ và nhấn mạnh đây chỉ là công cụ chính trị đối với Washington.

Tắm khi họp trực tuyến, người đàn ông phải từ chức vì…quên tắt camera
Một ủy viên Hội đồng thành phố ở miền Bắc Tây Ban Nha đã đệ đơn từ chức, sau khi vô tình để lộ hình ảnh mình đang tắm trong khi dự một cuộc họp hội đồng trực tuyến đang được phát trực tiếp, The Guardian ngày 4/7 đưa tin.

Điều gì đứng sau cuộc chuyển giao quyền lực 24 giờ tại Pháp?
Ngày 3/7, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cùng toàn bộ nội các nước này nộp đơn từ chức. Điện Elysee đưa ra thông báo ngắn gọn rằng Tổng thống Emmanuel Macron đã chấp thuận đơn này. Chưa đầy 24 giờ sau, vị trí Thủ tướng mới của Pháp được ấn định, không ai khác, chính là Jean Castex.

Việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông “sẽ gây thêm bất ổn”
Hôm 2-7 (giờ địa phương), AFP đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra tuyên bố “quan ngại” về những cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Pháp có tân Thủ tướng
Jean Castex, một chính trị gia cánh hữu, người được đánh giá có vai trò then chốt trong công tác mở cửa trở lại nước Pháp thời COVID-19, được chỉ định làm Thủ tướng mới của nước Pháp.

Lũ lụt làm hơn 100 người chết, Trung Quốc mở 3 cửa xả đập Tam Hiệp
Ít nhất 106 người đã thiệt mạng trong khi 15 triệu người khác tại miền Nam Trung Quốc bị ảnh hưởng do đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất nhiều năm qua.

Thủ tướng Pháp và toàn bộ nội các tuyên bố từ chức
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cùng toàn bộ nội các của ông ngày 3/7 đã tuyên bố từ chức, trong bối cảnh quốc gia này vừa chớm vượt qua đỉnh dịch COVID-19.

Thủ tướng Ấn Độ Modi bất ngờ xuất hiện gần biên giới Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến công du bất ngờ tới khu vực Ladakh gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực leo thang.

Mỹ vẫn lạc quan về việc chữa trị COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ được báo cáo tăng vì số xét nghiệm được tiến hành tăng và đó là một “tin tuyệt vời”.

Nghi xuất hiện ca “siêu lây nhiễm” COVID-19 do bê bối sex tại Australia
Bang Victoria, Australia đang nỗ lực khống chế ổ dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại đây, với 66 trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện hôm 3/7, nghi liên quan đến một vụ bê bối sex. Một bệnh nhân siêu lây nhiễm được cho là nguồn cơn của ổ dịch này.

Nga bán cho Ấn Độ 33 chiến đấu cơ giữa lúc căng thẳng biên giới
Nga và Ấn Độ vừa đặt bút ký một thoả thuận mua sắm trị giá hơn 2,4 tỷ USD, trong đó Moscow sẽ sớm cung cấp cho New Delhi 21 tiêm kích đánh chặn MiG-21 và 12 chiếc tiêm kích đa năng Su-30.

Tổng hợp-TT