Thuốc do Nga sản xuất có thể đẩy lùi SARS-CoV-2 chỉ sau 4 ngày; Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu; Nổ ở Beirut, hàng ngàn người thương vong; COVID-19: Gần 5.500 người chết chỉ trong 1 ngày trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
Thuốc do Nga sản xuất có thể đẩy lùi SARS-CoV-2 chỉ sau 4 ngày
Thuốc Avifavir của Nga. Ảnh: ITN
Các nhà khoa học Nga cho biết phương thuốc điều trị COVID-19 do nước này điều chế đã mang lại hiệu quả đáng kể khi có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể người bệnh trong vòng 4 ngày.
“Phần thử nghiệm lâm sàng liên quan đến các bệnh nhân ngẫu nhiên của chúng tôi đã chứng minh Avifavir có khả năng kháng virus (SARS-CoV-2) nhanh và nó đã loại bỏ virus khỏi 62,5% số bệnh nhân chỉ sau 4 ngày”, thông tấn Nga TASS ngày 4/8 dẫn thông báo của các nhà khoa học Nga tiết lộ.
Các nhà khoa học Nga khẳng định không có tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận xảy ra với các bệnh nhân. Hiện, họ đang nghiên cứu cách thức điều chỉnh liều thuốc để nâng hiệu quả điều trị người nhiễm COVID-19.
Avifavir có tên quốc tế là Favipiravir, được một công ty Nhật phát triển lần đầu vào cuối thập niên 1990, thường dùng để điều trị các bệnh nhân cúm nặng. Các chuyên gia Nga đã điều chế lại để tăng cường hiệu quả của Avifavir trong điều trị bệnh COVID-19.
Theo Sputnik, thuốc Avifavir đã được cấp phép sử dụng tại Nga từ tháng 6/2020.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev mới đây cho biết Nga hiện đang cung cấp thuốc Avifavir cho 15 quốc gia. Nam Phi là quốc gia mới nhất mua Avifavir của Nga. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này chưa được đông đảo giới khoa học toàn cầu đồng thuận.
Nga hiện đang dẫn đầu cuộc đua chế tạo vaccine ngừa COVID-19 khi khẳng định có thể khởi động quá trình tiêm chủng đại trà cho người dân ngay từ tháng 9/2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/8 kêu gọi Nga tuân theo các hướng dẫn thử nghiệm vaccine trước khi đi vào giai đoạn sản xuất thương mại.
Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
SGGP Trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều nước cùng với những diễn biến hết sức khó lường đang ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế sau giai đoạn phong tỏa, một số quốc gia đã đẩy nhanh kế hoạch định hình lại chuỗi cung ứng cũng như siết chặt đầu tư từ nước ngoài.
Tái cơ cấu, giảm phụ thuộc
Theo giới quan sát, đại dịch Covid-19 đã nêu bật vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong mọi lĩnh vực từ y tế, khoa học đến thực phẩm. Do đó, Covid-19 được xem là cơ hội để nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đánh giá lại việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
Tại Mỹ, Hiệp hội Tài chính phát triển quốc tế (DFC) và Bộ Quốc phòng Mỹ đồng ý cùng quản lý khoản quỹ 100 triệu USD để tái định hình chuỗi cung ứng từ gói tài chính trị giá 2,3 tỷ USD để ứng phó với dịch Covid-19 được thông qua hồi tháng 3 năm nay. Dự án này là trọng tâm trong nỗ lực đưa chuỗi cung ứng công nghệ quay trở lại Mỹ.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump và các công ty bán dẫn đang muốn đẩy mạnh xây dựng nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ do muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng thiết bị công nghệ quan trọng từ Trung Quốc. Việc xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ sẽ tái định hình ngành bán dẫn, đồng thời đánh dấu thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ sau nhiều thập kỷ mở rộng sang châu Á để tận dụng các ưu đãi đầu tư và tham gia vào chuỗi cung ứng vững mạnh tại khu vực này.
Bảo vệ doanh nghiệp trong nước
Bên cạnh kế hoạch định hình lại chuỗi cung ứng, việc siết chặt các quy định đầu tư nước ngoài cũng lần lượt được các quốc gia đưa ra nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trong bối cảnh quan ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm và các công nghệ cốt lõi sang nước khác.
Chính phủ Đức đã có các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm ở thời điểm những doanh nghiệp này đang lao đao vì các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Đức dự kiến áp dụng thêm một số biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử… phải khai báo tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên. Các doanh nghiệp này sẽ phải chịu sự thẩm tra của chính quyền đối với các thương vụ mua bán như vậy. Trước đây, Chính phủ Đức chỉ yêu cầu thẩm tra hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực như năng lượng, nước, điện tín và quốc phòng, nhất là những hành vi mua bán, sáp nhập đã gây ra nguy hiểm thực tế.
Nổ ở Beirut, hàng ngàn người thương vong
SGGPO Truyền thông thế giới sáng nay 5-8 (giờ Việt Nam) đưa tin, vào lúc 18 giờ 7 phút ngày 4-8 (theo giờ địa phương) đã xảy ra 2 vụ nổ lớn làm rung chuyển thủ đô Beirut của Liban, khiến cửa kính nhiều tòa nhà bị vỡ trong khi một cột khói bốc lên cao. Vụ nổ có thể cảm nhận được ở phần lớn thành phố này.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của CNN, tính đến nay, vụ nổ này đã khiến ít nhất 78 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị thương, trong đó có công dân của một số nước.
Một nguồn tin an ninh Liban đã xác nhận rằng 2 vụ nổ đã làm rung chuyển khu cảng của thủ đô Beirut, vốn là khu vực đô thị rộng lớn nhất, khiến rất nhiều người bị thương.
Trong khi đó, một nhân chứng cho hay tất cả các cửa hàng ở quận Hamra đã hư hại nặng nề, toàn bộ mặt tiền của các cửa hàng đã bị phá hủy, nhiều cửa sổ bị vỡ và nhiều ô tô bị hư hỏng. Nhiều người bị thương chạy trên phố, đặc biệt ở khu vực bên ngoài trung tâm y tế Clemenceau, được các nhân chứng cho hay có nhiều người bị thương.
Nhiều khu vực lân cận nơi xảy ra vụ nổ cũng cảm nhận sức ép từ vụ nổ này và một số quận ở Beirut hiện đã bị mất điện.
Ngay khi xảy ra vụ nổ, Thủ tướng Liban Hassan Diab tuyên bố rằng những ai chịu trách nhiệm để xảy ra vụ nổ ở một nhà kho “nguy hiểm” thuộc khu cảng ở thủ đô Beirut, vốn làm rung chuyển cả thủ đô nước này, sẽ phải trả giá.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Diab nêu rõ: “Tôi hứa với các bạn rằng thảm họa này sẽ không cho qua mà không truy cứu trách nhiệm… Những ai chịu trách nhiệm về vụ việc này sẽ phải trả giá”. Theo ông Diab, sự thật liên quan đến nhà kho nguy hiểm này – nơi được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ – sẽ được công bố.
Cùng ngày, Tổng thống Liban Michel Aoun đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng Tối cao vào tối cùng ngày. Trong khi đó, quân đội Liban đã điều động binh sĩ tới nhiều khu vực ở Beirut để tăng cường an ninh, đặc biệt ở các khu vực xung quanh hiện trường vụ nổ trên.
* Hội đồng Quốc phòng Tối cao Liban khuyến cáo thủ đô Beirut là thành phố bị ảnh hưởng bởi thảm họa sau vụ nổ lớn, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2 tuần tại thủ đô cũng như chuyển giao trách nhiệm về an ninh cho giới chức quân đội.
Tuyên bố của Hội đồng Quốc phòng tối cao Liban, được đọc trực tiếp trên truyền hình vào sáng 5-8 (theo giờ Việt Nam), cho biết Tổng thống Liban Michel Aoun quyết định trích 100 tỷ bảng Liban (khoảng 66 triệu USD) từ ngân sách 2020 để phục vụ khẩn cấp.
Hội đồng Quốc phòng cũng đề nghị trước thềm cuộc họp Nội các ngày 5-8 rằng một ủy ban với nhiệm vụ điều tra vụ nổ và báo cáo kết quả trong vòng 5 ngày nhằm đưa ra hình phạt cao nhất cho những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ nổ.
Cùng ngày, Thủ tướng Liban Hassan Diab cho hay khoảng 2.750 tấn amoni nitrat được cất giữ tại kho chứa đồ ở cảng Beirut đã nổ, phá hủy một khu vực rộng lớn của thủ đô Liban.
*** COVID-19: Gần 5.500 người chết chỉ trong 1 ngày trên thế giới
(ĐCSVN) – Đến sáng sớm 5/8, thế giới có tổng số 18.665.733 ca nhiễm và 702.581 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 228.345 và 5.498 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng sớm 5/8, đã có 11.896.001 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.067.151 ca bệnh đang điều trị, có 6.001.419 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 65.732 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với thêm 51.282 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ vượt qua Brazil trở thành quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ và Brazil xuống vị trí thứ 3 với lần lượt là 50.494 và 50.256 ca. Tuy nhiên, Mỹ lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng vọt lên 1.201 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.
Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 59.573 ca nhiễm COVID-19 và 1.560 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 5.770.549 và 224.379 ca. Với 4.914.410 ca nhiễm và 160.129 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau đó là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 443.813 và 117.792 ca nhiễm, cùng 48.012 và 8.958 ca tử vong vì COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web Axios ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump Dịch tuyên bố COVID-19 là “một dịch bệnh khủng khiếp” song đang “trong tầm kiểm soát” tại quốc gia này.
Với 4.601.568 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng sớm 5/8, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 102.369 ca đã tử vong do COVID-19 và 3.432.272 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 1.906.613; 314.786 và 281.456 ca. Trong khi kể từ 12h00 ngày 4/8, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã nới lỏng lệnh cấm đối với các vũ trường và quán bar, từ mức “cấm tụ tập” sang “hạn chế tụ tập có điều kiện”; thì từ ngày 4/8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon (Philippines), bao gồm cả thủ đô Manila, đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây, theo đó người dân phải ở yên trong nhà 2 tuần.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 61.542 ca nhiễm và 1.621 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 4.347.684 ca, trong đó 149.954 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 50.256 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 2.801.921 vào thời điểm hiện tại. Với 1.117 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru – nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai khu vực (433.100 ca) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.943.138 trường hợp, trong đó có 204.469 ca tử vong và 1.767.106 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 19.416 ca nhiễm và 416 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 861.423; 349.894 và 306.293 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 46.299 ca, sau khi có thêm 89 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, mặc dù sự lây nhiễm của dịch bệnh nguy hiểm này đã giảm đi nhiều so với mức cao điểm của đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu tháng 4 vừa qua, song số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tại nhiều nơi ở Đức lại đang trở thành vấn đề thực sự đáng lo ngại. Ngày 4/8, Viện trưởng Viện Virus và Vi sinh vật học thuộc Trường Đại học Y Brandenburg, Giáo sư Frank T. Hufert đã đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai tại Đức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho biết 320.000 nhân viên chăm sóc y tế tại nhà trên cả nước sẽ nhận được khoản hỗ trợ 500 Euro mỗi người trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng cộng gói hỗ trợ này trị giá 160 triệu Euro. Cùng ngày, hội đồng khoa học COVID-19 của chính phủ Pháp cảnh báo nước này có thể mất kiểm soát sự lây lan của dịch “vào bất cứ lúc nào”.
Tính đến sáng sớm 5/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 981.533 ca, trong đó có 21.138 ca tử vong và 655.362 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 521.318 ca nhiễm và 8.884 ca tử vong. Tiếp theo đó là Ai Cập, Nigeria và Ghana, với lần lượt 94.752; 44.433; 37.812 ca nhiễm bệnh. Trong khi Ghana không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới thì Nam Phi có thêm tới 4.456 ca nhiễm và 345 ca tử vong mới, còn Ai Cập ghi nhận thêm 112 ca nhiễm và 24 ca tử vong mới chỉ trong vòng một ngày qua. Nhiều nước châu Phi như Kenya, Mali, Rwanda, Senegal, Côte d’Ivoire, Niger, Chad, Burkina Faso và Togo ngày 4/8 thông báo bắt đầu mở lại các chuyến bay quốc tế sau thời gian tạm dừng do đại dịch COVID‐19.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 20.522 ca nhiễm (tăng 415 ca) và 257 ca tử vong (tăng 11ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 412 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.730 ca, trong đó 232 ca tử vong (tăng 11 ca).
Ngày 4/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, sự mất cân đối tài khoản vãng lai toàn cầu có thể bị thu hẹp hơn nữa trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong khi một số nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương có thể sẽ đối mặt với sự thất thoát dòng chảy đầu tư lớn./.
*** Số liệu toàn cầu báo động về người trẻ nhiễm Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người trong độ tuổi 15-24 bị nhiễm virus corona đã tăng gấp ba trong 5 tháng qua.
Reuters dẫn một phân tích của WHO cho thấy, từ 24/2 tới 12/7, có tới 6 triệu người từ 15-24 tuổi bị nhiễm bệnh, tăng từ 4,5% lên 15%. Nguyên nhân của sự tăng vọt này được cho là do người trẻ thường tới câu lạc bộ đem, bãi biển, những nơi vốn tập trung đông người.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Nhật, nhiều ca nhiễm mới đều là những người còn trẻ. “Giới trẻ có xu hướng ít thận trọng về việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”, Neysar Ernst, một quản lý thuộc phòng bảo vệ sinh học của Đại học John Hopkins, Mỹ cho hay.
Công bố số người có kháng thể ở Italia
Nhà chức trách Italia phát hiện, chỉ 2,5% dân số nước này, khoảng 1.482.000 người, có kháng thể Covid-19 dù Italia là một trong số những nước bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch ở châu Âu.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu vừa được công bố hồi đầu tuần này, vùng Lombardy – nơi bị đại dịch Covid-19 tấn công mạnh hất ở Italia, là nơi có số người có kháng thể cao nhất 7,5%. Trong khi đó, hai đảo lớn của Italia là Sicily và Sardina, số người có kháng thể lại thấp nhất, chỉ 0,3%.
Pháp có thể đầu hàng Covid-19
Hội đồng khoa học của chính phủ Pháp cho biết, nước này có nguy cơ không thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 và làn sóng lây nhiễm thứ hai nhiều khả năng sẽ diễn ra vào mùa thu hoặc mùa đông. Cơ quan này cho hay, tình hình dịch bệnh ở Pháp hiện vẫn được kiểm soát song rất bấp bênh.
Theo Guardian, cảnh báo trên được đưa ra khi nhà chức trách Pháp đang tìm cách khống chế sự tăng vọt các ca nhiễm mới. Trong ba ngày gần đây nhất, nước này ghi nhận 3.367 ca nhiễm mới và số người phải nằm ở phòng chăm sóc tích cực bắt đầu tăng cao hơn.
Thủ tướng Pháp Jean Castex mới đây kêu gọi người dân không nên mất cảnh giác, và mỗi người Pháp đều phải rất thận trọng. Và rằng, cuộc chiến chống virus phụ thuộc vào cộng đồng địa phương, chính quyền cũng như mỗi người dân.
Đức chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai
Đức hiện đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai của virus corona và việc người dân coi thường các quy định giãn cách xã hội có nguy cơ làm uổng phí những thắng lợi ban đầu, Susanne Johna – Chủ tịch Marburger Bund – đại diện cho các bác sĩ ở nước này, cho biết.
“Chúng ta đang ở trong làn sóng thứ hai”, bà Johna nói với báo Augsburger Allgemeine. Số ca nhiễm virus ở Đức đã tăng thêm 879, lên tổng số 211.281 trường hợp, thống kê của Viện Robert Koch cho biết.
Virus corona lập kỷ lục lần thứ tư liên tiếp ở Ba Lan
Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng kỷ lục lần thứ tư trong vòng một tuần, 680 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm Covid-29 ở nước này lên 48.149. Hơn 30% số ca nhiễm mới là ở vùng Silesia, miền nam nước này.
Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm
Nga ghi nhận 5.159 trường hợp mới nhiễm virus corona, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên tới 861.423. Trong 24h qua, có thêm 144 người thiệt mạng vì virus, nâng tổng số ca tử vong lên 14.351.
Tổng thống Mỹ kêu gọi người ủng hộ đeo khẩu trang
Tổng thống Donald Trump đã gửi một lá thư tranh cử, trong đó đưa ra một đề nghị khá lạ tới những người ủng hộ: hãy cân nhắc đeo khẩu trang. Thông thường, thư kiểu này chỉ kêu gọi đóng góp.
Động thái hiếm có này diễn ra sau khi ông Trump đăng một bức ảnh chụp bản thân đeo khẩu trang dù trước đó ông luôn tránh đeo khẩu trang nơi công cộng
Mỗi ngày, Ấn Độ ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm
Trong vòng 24h qua, Ấn Độ phát hiện 52.050 ca nhiễm, 803 ca tử vong vì virus corona, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết.
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm một ngày. Hiện, số ca nhiễm ở Ấn Độ ít nhất là 1.855.745 và số ca tử vong là 38.938.
*** WHO kêu gọi Nga tuân thủ các hướng dẫn sản xuất vaccine COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/8 kêu gọi Nga tuân theo các hướng dẫn sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả sau khi Moscow công bố kế hoạch về việc lập tức sản xuất vaccine COVID-19.
Triều Tiên lại “nóng” vấn đề hạt nhân
Một báo cáo mật của Liên hợp quốc (LHQ) do Reuters tiết lộ ngày 4/8 cho biết, CHDCND Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của họ và một số quốc gia tin rằng, Bình Nhưỡng có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để tích hợp với đầu đạn của tên lửa đạn đạo. Báo cáo trên đã được đệ trình lên Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ gồm 15 thành viên.
Mỹ nghi vụ nổ ở Beirut là đánh bom
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/8 đã gọi vụ nổ lớn tại thủ đô Beirut của Lebanon có thể là một vụ tấn công, mặc dù các quan chức của nước này cho biết vụ nổ có khả năng là do các vật liệu nổ cực mạnh được trữ trong các nhà kho tại đây.
Số ca COVID-19 Philippines tăng “sốc” sau phát biểu của ông Duterte
Philippines ghi nhận hơn 6.300 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24h qua, cao nhất từ khi dịch bùng phát và cao nhất toàn khu vực Đông Nam Á.
Sau đợt mưa lũ lịch sử, Trung Quốc lập tức bị bão lớn càn quét
Bão Hagupit với sức gió mạnh cùng những đợt sóng biển cao hơn 4m đã đổ bộ vào phía Đông Trung Quốc sáng nay (4/8), buộc chính quyền nhiều tỉnh của nước này phải căng mình ứng phó.
Mỹ phản đối Trung Quốc ứng cử thẩm phán tại tòa quốc tế về luật biển
Mỹ kêu gọi các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc vào vị trí thẩm phán tại Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
LHQ cảnh báo “thảm hoạ thế hệ” khi đóng cửa trường học vì COVID-19
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ “thảm họa thế hệ” do hàng ngàn trường học bị đóng cửa trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19.
Hé lộ động cơ sau những gói hạt giống lạ được Trung Quốc gửi khắp thế giới
Quan chức Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định những gói hạt giống lạ gửi từ Trung Quốc có thể là “trò bịp bợm” nhằm mục đích “câu” tương tác trên các sàn giao dịch điện tử.
Sẽ chỉ còn 4.000 quân Mỹ tại Afghanistan tháng 11 tới
Mỹ sẽ giảm số quân đồn trú tại Afghanistan xuống còn khoảng 4.000 “trong thời gian rất sớm”, Tổng thống Donald Trump cho biết.
Mỹ cấm cơ quan liên bang thuê công nhân nước ngoài
Lệnh này được đưa ra sau khi ông Trump đình chỉ việc cấp thị thực H-1B và một số loại thị thực lao động tạm thời khác cho đến cuối năm nay trong bối cảnh đại dịch ở nước này.
Israel công khai không kích thủ đô Syria
Israel thông báo đã không kích nhiều vị trí quan trọng của quân đội Syria nằm ở nhiều khu vực với lí do là để “đáp trả âm mưu đánh bom khu vực biên giới” giữa hai nước này.
Cựu vương Tây Ban Nha quyết định sống lưu vong
The Guardian dẫn thông báo từ Hoàng gia Tây Ban Nha hôm 3/8 cho hay, cựu vương Juan Carlos I (82 tuổi) đã quyết định rời khỏi Tây Ban Nha để ra nước ngoài sinh sống, nhằm giúp con trai ông là vua Felipe VI “thực hiện trách nhiệm của một vị vua”.
Tổng hợp-TT