Trump nói Mỹ lẽ ra không nên tham chiến ở Việt Nam; Huawei ký hợp đồng phát triển mạng 5G ở Nga; Nguồn gốc thực sự của ‘chiến tranh lạnh’ Mỹ – Trung; Kinh tế toàn cầu đến ngã ba đường…là những tin chính được cập nhật.
Trump nói Mỹ lẽ ra không nên tham chiến ở Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Tổng thống Donald Trump và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam, tháng 2/2019. Ảnh Internet.
Trump khẳng định không bao giờ ủng hộ chiến tranh và cũng không tán thành việc Mỹ đưa quân đến Việt Nam trong thập niên 1960-1970.
“Thành thật mà nói tôi chưa bao giờ là người ủng hộ cuộc chiến đó. Tôi nghĩ cuộc chiến đó rất tồi tệ. Tôi nghĩ Việt Nam ở rất xa và khi đó ít người biết về đất nước này”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/6 đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi trả lời phỏng vấn nhà báo Anh Piers Morgan về việc liệu ông có thể và có muốn phục vụ trong quân đội hay không.
Câu trả lời của Tổng thống Trump phần nào phản ánh quan điểm của người dân Mỹ đối với cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam vào thập niên 1960 và 1970, khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ phản đối việc đưa lực lượng quân sự tới can thiệp ở quốc gia Đông Nam Á này.
“Khi đó chẳng ai nói chúng ta đang làm gì, rất nhiều người đã chết. Điều này không giống tôi chiến đấu với Đức Quốc xã, chống lại Hitler. Cũng như nhiều người, khi đó tôi không xuống đường biểu tình, tôi cũng không nói sẽ chuyển đến Canada sống. Nhưng tôi không phải người ủng hộ cuộc chiến đó. Chúng ta lẽ ra không nên tham chiến”, Tổng thống Mỹ nói.
Ông khẳng định rằng ngày nay người dân Việt Nam sống rất tốt và chính phủ Việt Nam đã thương thuyết rất thành công trong vấn đề thương mại toàn cầu.
Huawei ký hợp đồng phát triển mạng 5G ở Nga
Bị coi là “mối đe dọa an ninh” ở Mỹ, Huawei lại thành công trong việc ký thỏa thuận với hãng viễn thông MTS của Nga để triển khai 5G.
Thỏa thuận được ký bên lề cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 5/6.
MTS cho biết Huawei sẽ triển khai các công nghệ 5G và thử nghiệm mạng di động thế hệ mới trong giai đoạn 2019-2020 cho hãng viễn thông này. Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, bày tỏ sự hài lòng khi sự hợp tác diễn ra “trong kỷ nguyên đặc biệt quan trọng như 5G”.
Huawei cũng được cho là sẽ hợp tác phát triển mạng 5G ở Anh. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Anh rằng sự hợp tác và chia sẻ tình báo giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng nếu nước này đồng ý cho Huawei tham gia.
Trước đó, trả lời báo chí tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) ngày 21/5, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định: “Các chính trị gia Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Mạng 5G của Huawei hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Về mặt công nghệ 5G, không ai có thể thể bắt kịp Huawei trong 2-3 năm tới”.
Huawei đang gặp nhiều khó khăn từ giữa tháng 5 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa hãng này vào “danh sách đen” và cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh do nghi ngờ Huawei là “công cụ gián điệp” của chính phủ Trung Quốc. Hàng loạt công ty như Google, Qualcomm, Xilinx, Broadcom… đã tuyên bố chấm dứt quan hệ với Huawei.
Nguồn gốc thực sự của ‘chiến tranh lạnh’ Mỹ – Trung
Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang dẫn đến nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới, có thể kéo dài nhiều thập niên nữa giữa hai nước nhằm tái định hình hệ thống quốc tế.
Trong dư luận cũng nổ ra tranh cãi nảy lửa về việc ai hoặc điều gì phải chịu trách nhiệm cho sự xấu đi nghiêm trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo Hal Brands, giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Charles Edel, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney (Australia), các cách “chẩn bệnh” khác nhau dẫn đến những cách “kê đơn” khác nhau.
Nếu các hành động và tham vọng toàn cầu của Mỹ gây khủng hoảng, Washington cần tránh những hành động nhiều khả năng chống đối Bắc Kinh. Song, nếu sự đối đầu là sản phẩm tất yếu của Trung Quốc thời kỳ này hoặc những căng thẳng nảy sinh giữa hai cường quốc trong một hệ thống quốc tế đầy cạnh tranh, Mỹ nên chấp nhận hiện trạng này và tìm cách triển khai một chiến lược đối phó tập trung và mang tính phối hợp hơn nữa.
Trong một bài phân tích mới đăng tải trên tạp chí Foreign Policy, ông Brands và ông Edel cho rằng, việc lật lại các bài học lịch sử của sự đổ vỡ quan hệ Mỹ – Liên Xô sau Thế chiến thứ hai sẽ giúp hiểu rõ các căn nguyên đẩy Mỹ và Trung Quốc tới thế bế tắc hiện tại cũng như việc Washington nên thoát ra như thế nào.
Kinh tế toàn cầu đến ngã ba đường
(SGGPO) Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,6%, trong bối cảnh thế giới đối mặt với tranh chấp thương mại căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn; đầu tư và tín nhiệm toàn cầu sụt giảm.
Mong manh
WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 trong một báo cáo được công bố vào ngày 4-6. Mặc dù dự báo cho vay phát triển toàn cầu trong giai đoạn phục hồi khiêm tốn vào năm 2020 và 2021, WB cho biết cần rất nhiều nỗ lực mới có thể đạt được điều này.
Mối nguy hiểm lớn nhất là viễn cảnh các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới trở nên tồi tệ hơn. Nền kinh tế thế giới hiện đang dự kiến sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2019 nhưng WB gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ gia tăng và cảnh báo các nền kinh tế mới nổi. Tân Chủ tịch WB David Malpass, người từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đã tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ Mỹ – Trung Quốc, cho biết, tăng trưởng toàn cầu “mong manh” và cuộc chiến chống đói nghèo thế giới đã chậm lại. AP dẫn lời ông Malpass nói: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức đáng kể”.
Theo nhà kinh tế Ayhan Kose của WB, dự báo mới được WB đưa ra rất quan trọng với điểm mấu chốt là nền kinh tế toàn cầu đang đi đến “ngã ba đường”. Khối lượng thương mại thế giới dự kiến sẽ giảm mạnh.
*** Ông Tập gặp Tổng thống Putin giữa căng thẳng với Mỹ
Chuyến thăm Nga kéo dài ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vì sao ông Netanyahu không lập được chính phủ?
Ngày 30-5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Thời gian diễn ra cuộc bầu cử được ấn định là 17-9 tới. Đây là động thái ông Netanyahu bắt buộc phải thực hiện nếu không muốn quyền lực rơi vào tay đối thủ Benny Gantz sau khi ông đã không lập được liên minh đa số theo luật định.
“Cải cách quốc phòng 2.0” – Tham vọng của Tổng thống Moon Jae-in
“Cải cách quốc phòng 2.0”, được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND) công bố vào tháng 7-2018, thể hiện sự quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in nhằm thực thi một sáng kiến đầy tham vọng là tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội. Theo kế hoạch, cải cách quốc phòng này sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm, tạo cơ sở cho một quân đội Hàn Quốc chính quy và hiện đại trong tương lai.
19 người mất tích trong vụ chìm tàu tại Indonesia
Một vụ chìm tàu chở hàng trong khu vực Banggai Laut, ngoài khơi phía Đông của tỉnh Trung Sulawesi ngày 4-6 vừa qua đã khiến 19 người mất tích.
Vì sao Iran từ chối đàm phán lại với Mỹ?
Dù có điều kiện tiên quyết hay không, Iran nhất quyết không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Mỹ và các cường quốc khác năm 2015. Với Tehran, nếu đàm phán với chính quyền Mỹ hiện nay thì chính quyền kế tiếp sẽ tìm cách hủy bỏ.
Cuộc đua thay thế bà May
Sau thất bại trong việc thông qua thỏa thuận về Brexit tại Quốc hội, ngày 24-5, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ chính thức từ chức vào ngày 7-6. Tuyên bố của bà May lập tức tạo nên một cuộc đua “sôi nổi” trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh.
ASEAN quyết vượt “xoáy”
Được coi là vấn đề quyết định của thế kỷ 21, cạnh tranh quyền lực nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương đã thực sự chi phối nội dung Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và bộ trưởng quốc phòng của nhiều quốc gia khác cũng có mặt.
Cuộc chiến chống ma túy yaba ở Bangladesh
Hàng trăm ngàn người ở Bangladesh bị cuốn hút vào yaba – hỗn hợp methamphetamine và caffeine được bán dưới dạng thuốc viên màu đỏ hoặc hồng rẻ tiền.
Kế hoạch Citadel và bí mật điệp viên Wether
Chiến thắng của Hồng quân đã được bảo đảm từ ngày 12-4-1943 trước đó, khi tình báo Xôviết đặt trên bàn của Stalin kế hoạch của chiến dịch “Citadel” về âm mưu phản công của quân Đức tại Kursk, trên đó có chữ ký của những tướng lĩnh hàng đầu của quân phát xít.
Australia: Nặng nề hậu quả thử bom hạt nhân của Anh
Phải mất gần ba thập niên cho đến khi nguyên nhân của sương mù đen được công nhận là vụ thử bom hạt nhân Totem I. đó là một trong những cuộc thử nghiệm hạt nhân được thực hiện trong hai thập niên 1950 và 1960 – không phải bởi chính phủ Australia, mà bởi nước Anh.
Triều Tiên kêu gọi Mỹ nên thay đổi những toan tính hiện tại
Yonhap ngày 5-6 đưa tin, Triều Tiên đã lên tiếng kêu gọi Mỹ từ bỏ “sự tính toán hiện tại” và đưa ra một đề xuất mới để nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi phía Bình Nhưỡng “mất kiên nhẫn”.
Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Ngày 7-6 sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu tìm ra các thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cơ quan có vai trò lớn nhất toàn cầu trong duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.
Hình ảnh người dân Campuchia chào đón “đội quân nhà Phật” cách đây hơn 40 năm
Khi tiến vào Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam được nhân dân khắp vùng miền ở Campuchia hân hoan chào đón. Khi rút về nước, “đội quân nhà Phật” ấy lại được hàng ngàn vạn người dân Campuchia bịn rịn vẫy tay chào…
Mỹ ngăn công dân du lịch Cuba, dỡ bỏ thêm “di sản” của Obama
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục lệnh hạn chế người Mỹ tới Cuba nhằm gây sức ép, buộc Havana phải chấm dứt cái mà Mỹ gọi là sự ủng hộ dành cho Venezuela.
Tổng thống Mexico tự tin về một thỏa thuận với Mỹ trước khi bị áp thuế
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 4-6 cho biết ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề nhập cư trước khi Washington có thêm động thái đe dọa áp thuế quan trừng phạt.
Tổng thống Mỹ hứa về thỏa thuận “khủng” hậu Brexit
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-6 đã hứa với Anh về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, nói với Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Anh, Theresa May, rằng bà nên theo đuổi nó dù rằng bà May sẽ từ chức trong 2 ngày tới.
Saudi Arabia nỗ lực lôi kéo đồng minh
Trong khi bầu không khí căng thẳng ở Vùng Vịnh vẫn chưa dịu xuống, Saudi Arabia, vương quốc theo dòng Hồi giáo Sunni, đồng minh với Washington, dự định cô lập hơn nữa đối thủ Iran theo dòng Shiite của mình với 3 cuộc họp nhằm lôi kéo sự hỗ trợ rộng rãi nhất có thể từ ngay trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo.
Tổng hợp-TT