Nguy cơ khủng hoảng tài chính mới; CẬP NHẬT: Dịch nCoV và các chỉ đạo ứng phó tới ngày 7/2; Trung Quốc và Mỹ tranh chấp bằng sáng chế thuốc điều trị virus Corona?; “Sốt” thuốc chữa nCoV chưa kiểm chứng; Ông Tập nói TQ bắt đầu ‘chiến tranh nhân dân’ để đánh bại virus corona…là những tin chính được cập nhật.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính mới
(SGGP) Hơn mười năm trôi qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Hãng tin Sputnik vừa cho hay, các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nghiên cứu những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trên, đồng thời đưa ra cảnh báo: “Thế giới đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới”. Đáng nói hơn, sự sụp đổ sắp xảy ra sẽ tồi tệ hơn tất cả những cuộc khủng hoảng trước đó.
Tình huống tương tự
12 năm trước, cuộc suy thoái toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng thế chấp ở Mỹ. Khi đó, nhu cầu vay vốn ở quốc gia này giảm mạnh và các ngân hàng đã “sáng tạo” ra một sản phẩm mới là thế chấp dưới chuẩn – được hiểu là khoản vay dành cho các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Để giảm thiểu rủi ro vỡ nợ rất cao đối với các sản phẩm cho vay thế chấp mua nhà, giới ngân hàng bắt đầu sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh. Tức là, quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước, vào một thời điểm nhất định trong tương lai (chứng khoán phái sinh chứa đựng ít hơn rủi ro, sinh lời thấp hơn; còn chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng sinh lời cao).
Các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền mua các công cụ “rủi ro thấp”, cho đến khi thấy rõ rằng tổng nợ các khoản vay thế chấp đạt mốc kỷ lục trong toàn bộ thời gian quan sát. Các ngân hàng hoảng sợ, đình chỉ phát hành thế chấp mới, kinh doanh mua bán nhà dừng lại. Vào nửa đầu năm 2008, Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 thế giới, đã thua lỗ hàng trăm triệu USD từ các hoạt động với trái phiếu thế chấp. Lehman Brothers với tài sản trị giá 639 tỷ USD, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và yêu cầu bảo vệ ngân hàng trước các chủ nợ. Bản tin này đã gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường thế giới và cuộc khủng hoảng trên thị trường thế chấp Mỹ biến thành thảm họa toàn cầu.
Tâm chấn
WB nhấn mạnh rằng, nợ công của Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trong 10 năm qua. Kể từ năm 2010, tổng số nợ theo tỷ lệ so với GDP đã tăng gần 3/4, vọt lên tới 255% và tổng số nợ vượt quá 20.000 tỷ USD. Do đó, theo các chuyên gia của WB, cuộc khủng hoảng mới sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc.
* Quả bom nợ công đe dọa kinh tế toàn cầu
Cuối năm 2019, một nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg cho biết, cơ quan quản lý tại trung tâm tài chính Trung Quốc đã yêu cầu hơn 40 nhà cho vay ngang hàng (P2P) tại Thượng Hải phải đóng cửa hoạt động. Đây là một đòn giáng mạnh tiếp theo đối với ngành công nghiệp cho vay trực tuyến, vốn đã bị thu hẹp một nửa trong năm 2019. Trong những cuộc họp gần đây với Văn phòng Dịch vụ tài chính Thượng Hải, một số nền tảng cho vay P2P lớn nhất quốc gia này gồm: Lufax – có sự hậu thuẫn của Ping An – và Dianrong.com, đã được yêu cầu phải ngừng phát hành các sản phẩm tài chính mới và đóng cửa dịch vụ cho vay. Bước tiến này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc cải tổ một ngành công nghiệp mang theo khoản nợ hơn 150 tỷ USD và có tới 50 triệu nhà đầu tư khi đỉnh điểm, nhưng sụp đổ vì những vụ gian lận, lừa đảo, vỡ nợ. Thậm chí những nhà cho vay lớn nhất như hai cái tên kể trên cũng không thoát khỏi yêu cầu đóng cửa sau khi cả ngành công nghiệp chịu kiểm soát rất gắt gao, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng tay ra lệnh trừng phạt.
CẬP NHẬT: Dịch nCoV và các chỉ đạo ứng phó tới ngày 7/2
Thủ tướng quyết định công bố dịch do vi rút nCoV gây ra
Thủ tướng cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch
(Chinhphu.vn) – Báo điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Cập nhật lúc 08h00 ngày 7/2:
Thế giới: 31.481 người mắc, 639 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 637 người tử vong;
– Phillippines: 01 người tử vong;
– Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong.
Việt Nam: 12 người mắc nCoV.
Trong đó:
– 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);
– 05 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);
– 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện);
– 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.
– 01 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
– 02 trường hợp: 1 người là mẹ, 1 người là em ruột của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
Điều trị khỏi: 03 người đã được xuất viện.
Trung Quốc và Mỹ tranh chấp bằng sáng chế thuốc điều trị virus Corona?
Trong lúc chính phủ Trung Quốc đang đau đầu tìm kiếm phương pháp chữa trị cho bệnh do chủng mới của viru Corona, Viện nghiên cứu Virus tại Vũ Hán đã đệ trình xin cấp bằng sáng chế cho phương pháp được công ty dược Gilead Sciences của Mỹ phát triển.
Viện nghiên cứu Virus tại Vũ Hán đã nộp đơn cấp bằng sáng chế cho phương pháp sử dụng remdesivir để chống lại chủng mới của virus Corona. Nếu được thông qua, loại thuốc remdesivir này sẽ có điều kiện gia nhập thị trường toàn cầu.
Các nghiên cứu được tiến hành bên ngoài cơ thể người và phát hiện ra rằng hợp chất remdesivir của Gilead và thuốc trị sốt rét chloroquine không có bằng sáng chế đều có hiệu quả rất cao trong việc kiểm soát virus Corona, Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán và Viện Dược và Độc chất Bắc Kinh cho biết trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tế bào.
Quyết định ứng dụng Remdesivir vào các thử nghiệm lâm sàng được Bộ Khoa học và công nghệ (MOST), Ủy ban Y tế quốc gia và Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc thông qua tại một hội nghị ngày 5/2.
Trước đây remdesivir là loại thuốc cho thấy khả năng chống virus tốt đối với các loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) trong các thí nghiệm trên tế bào và động vật trước đây. Các thử nghiệm lâm sàng chống nhiễm virus Ebola của Remdesivir cũng được tiến hành ở nước ngoài.
Tính tới sáng 6/2, số người chết vì virus này trên toàn thế giới đã chạm mốc 565 người, trong đó có 563 người ở Trung Quốc đại lục. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên tới 28.261 người. Tính tới cuối ngày 5/2, cũng có 911 người khỏi bệnh ở Trung Quốc.
Người phát ngôn của công ty Foster City, có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết họ đã phát minh ra remdesivir và đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho hợp chất này và việc sử dụng nó chống lại virus Corona trên toàn cầu, kể cả ở Trung Quốc, vào năm 2016. Trong khi đơn cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc vẫn đang chờ xử lý. Điều này dẫn tới việc nghi vấn ai mới là người thực sự nắm quyền sở hữu của loại remdesivir này.
Đại diện của Gilead cho biết họ đã được thông báo về việc Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng trọng tâm lúc này là nhanh chóng xác định tiềm năng của remdesivir trong điều trị virus Corona và đẩy nhanh quá trình sản xuất toàn cầu.
Khi được hỏi liệu Gilead có tranh chấp đơn xin cấp bằng sáng chế với các nhà nghiên cứu Trung Quốc hay không, đại diện Gilead cho biết đơn đăng ký của Trung Quốc đã được nộp muộn hơn phía Gilead và không bình luận gì thêm.
Gilead đã nộp bằng sáng chế vào năm 2016 cho các phương pháp điều trị virus Corona, mà không đề cập đến remdesivir. Những phát hiện khoa học của Gilead về tác dụng của remdesivir đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào tháng 6-2017.
“Sốt” thuốc chữa nCoV chưa kiểm chứng
(SGGP) Theo Reuters, trong bối cảnh dịch nCoV lây lan nhanh tại Trung Quốc, các nguồn lực về y tế đang thiếu, rất nhiều người dân nước này đã tìm đến những cách chữa trị chưa được kiểm chứng.
Dù chưa có bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng nhưng việc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết thuốc điều trị HIV có thể sử dụng để chữa bệnh nhân nhiễm nCoV đã gây ra cơn sốt, nhất là đối với thuốc Kaletra (còn được biết đến tên gọi khác là Aluvia) được sản xuất riêng cho thị trường Trung Quốc. Anh Devy, một lao động tự do 38 tuổi, ở Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết anh nằm trong số hàng trăm người đã liên hệ với các bệnh nhân có HIV để xin thuốc.
Cơn sốt thuốc điều trị nCoV đã mở ra một cơ hội kiếm tiền cho nhiều người. Gatsby Fang, một nhà buôn xuyên biên giới người Trung Quốc, cho biết đã đặt các loại thuốc tương tự Kaletra từ Ấn Độ vào ngày 23-1, sau khi nghe thông tin loại thuốc này có thể chữa được nCoV. Fang cho biết anh bán 600 NDT/lọ 60 viên (86USD), lãi 200 – 300 NDT/lọ. Số lượng thuốc anh ta nhập về đã bán hết chỉ sau 2 ngày bởi có những người mua 600 viên/lần.
Giá thuốc này ở “chợ xám” tại Ấn Độ bắt đầu tăng từ ngày 25-1. “Với mỗi lọ 60 viên, giá tăng 300 – 400 NDT/lọ, so với giá 100 NDT trước đó”, Fang cho biết. Theo Fang, nhiều người bệnh tìm đến với những người như anh bởi họ không có nơi để điều trị, không có nơi nào có thể xác nhận với họ đã bị nhiễm hoặc không nhiễm nCoV. Hơn 28.000 người tại Trung Quốc đã được xác nhận nhiễm nCoV nhưng việc thiếu các bộ dụng cụ xét nghiệm đã dẫn đến một sự nghi ngờ số người nhiễm nCoV có thể còn lớn hơn con số này.
Ngoài việc tìm đến thuốc điều trị HIV, một số loại hình chữa bệnh theo y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đang được nhiều người dân nước này lựa chọn. Tuy nhiên, Gauden Galea, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Trung Quốc, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp trên có thể tiêu diệt được nCoV.
* Bác sĩ Li Wenliang, 34 tuổi, người từng cảnh báo về dịch nCoV, đã qua đời tại bệnh viện Vũ Hán vì nhiễm nCoV. Ngày 30-12-2019, bác sĩ Li gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà bác sĩ cho là giống SARS. Ngày 3-1-2020, cảnh sát Vũ Hán buộc bác sĩ Li ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Bác sĩ Li là một trong 8 người bị điều tra vì tội “tung tin đồn”. Nhà chức trách địa phương sau đó đã phải xin lỗi bác sĩ Li.
Donald Trump chiến thắng, nước Mỹ lập kỷ lục chưa từng có
Chứng khoán Mỹ dồn dập tăng lên đỉnh lịch sử mới, trong khi châu Á khởi sắc ngay sau khi ông Donald Trump được tuyên bố trắng án cả 2 tội. Thị trường tài chính diễn biến tích cực cho dù dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn lan rộng.
Dồn dập ghi kỷ lục
Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và đồng loạt lên mức cao kỷ lục mới bất chấp dịch bệnh viêm phối cấp do virus corona lan rộng và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục mới: 3.334 điểm, cao hơn mức trước khi dịch bệnh do virus corona xuát hiện. Hàng loạt các cổ phiếu ngành y tế, năng lượng và tài chính của Mỹ tăng vọt.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lập kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp với mức: 9.508,68 điểm. Chỉ số công nghệ Dow Jones tăng vọt hơn 483 điểm lên 29.290,85 điểm với cổ phiếu UnitedHealth và IBM đều tăng trên 4%.
Như vậy, các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng vọt trong 3 phiên liên tiếp và xóa sạch những lo ngại về virus corona với phiên sụt giảm đầu tiên tháng 2.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Mỹ 1 năm qua.
Sự bứt phá của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đêm qua được tuyên bố vô tội ở cả 2 cáo buộc của Đảng Dân chủ: ”lạm quyền” và ”cản trở quốc hội trong cuộc điều tra”, chấm dứt một phiên tòa hiếm có trong lịch sử nước Mỹ.
Chỉ có 48 thượng nghị sĩ cho rằng ông Trump lạm quyền và 47 thượng nghị sĩ cho rằng ông Trump cản trở quốc hội trong tổng cộng 100 nghị sĩ, thấp hơn khá nhiều so với con số 67 phiếu cần có tại Thượng Nghị viện Mỹ để phế truất ông Trump.
Chứng khoán Mỹ tăng còn do trước đó Trung Quốc đã dồn dập bơm 1.700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 240 tỷ USD) trong hai ngày 3-4/2 vào thị trường thông qua các hợp đồng repo đảo ngược để kích thích kinh tế.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tăng điểm. Chứng khoán Nhật, Hàn Quốc, Úc tăng mạnh sau cú bứt phá của chứng khoán Mỹ đêm qua. Theo CNBC, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,43% ngay đầu phiên giao dịch 6/2, Topix tăng 1,35% còn Kospi của Hàn Quốc tăng 109%.
Thị trường vàng cũng ổn định trở lại, không còn tăng vọt hay tụt sâu thêm nữa. Giá vàng đang xoay quanh ngưỡng 1.550 USD/ounce, so với đỉnh cao 1.620 USD/ounce ghi nhận trong tuần trước đó.
Đồng USD trong khi đó tăng lên sau khi có thêm tín hiệu tích cực về nền kinh tế Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ vẫn bứt phá bất chấp dịch bênh do virus Corona vẫn lan rộng và chưa được kiểm soát tại Trung Quốc.
Trung Quốc gặp khó, kinh tế Mỹ diễn biến tích cực
Dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại Trung Quốc và trên thế giới. Hàng loạt các dự báo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ tụt giảm xuống dưới mức 5%, thậm chí 4% trong quý 1 sau khi ghi nhận tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 30% năm trong 2019, ở mức 6,1%.
Theo các chuyên gia trên Bloomberg, quy mô kinh tế Trung Quốc hiện đã lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003. Do vậy, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới cũng phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và có thể bị tác động nhiều hơn so với dịch bệnh năm 2003. Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản đều chịu tác động tiêu cực trong quý 1 vì virus Corona.
Theo Goldman Sachs (Mỹ), GDP toàn cầu sẽ giảm mức tăng trưởng ít nhất 0,1 – 0,2% trong năm 2020 và kịch bản nghiêm trọng hơn là giảm 0,3% nếu dịch bênh chưa đạt đỉnh trong quý 1. Tăng trưởng 2020 có thể là 3,25%, so với 3,1% trong 2019.
Ngay khi lên cầm quyền, ông Trump đã có những chính sách giảm thuế trong nước mạnh mẽ để hút dòng tiền đầu tư của Mỹ trên khắp thế giới (trong đó một lượng lớn tại Trung Quốc) về Mỹ, cũng như giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại nước này.Tuy nhiên, những diễn biến trên TTCK Mỹ cho thấy, giới đầu tư đánh giá nền kinh tế lớn số 1 trên thế giới không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch cúm Vũ Hán, không phải chỉ do nước Mỹ xa cách về mặt địa lý so với Trung Quốc mà còn do chính quyền ông Donald Trump đã có những thay đổi lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trong một báo cáo mới nhất – báo cáo việc làm quốc gia ADP trong tháng 1 cho thấy có 291.000 việc làm mới được tạo ra trong, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 150.000 việc làm. Đây là báo cáo trước cho báo cáo việc làm quan trọng hơn từ Bộ Lao động sẽ công bố vào cuối tuần.
Nền kinh tế Mỹ mạnh trở lại.
Trong Thông điệp liên bang lần thứ 3 hôm 5/2, ông Trump cũng đã nhấn mạnh về tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm, với 3,5 triệu người trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động trong vòng 3 năm. Tiền lương của công nhân đã tăng 16%…
Trên thực tế, dịch bệnh vẫn dang lan rộng và là gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Nó ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, gây áp lực lên giá tài sản. Đây là một phép thử đối với nền kinh tế toàn cầu, đối với nền kinh tế Trung Quốc với vai trò là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới và khả năng vươn lên của Mỹ. Tất cả vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả trong công tác khống chế tại Trung Quốc và các nước.
Dù vậy, cũng đã có thêm những tín hiệu tích cực. Giới đầu tư kỳ vọng trước những bước tiến trong một số báo cáo về việc phát triển các loại thuốc và vaccine chống loại viruco nCoV. Mỹ được cho là đang thử nghiệm vaccine trên người, trong khi một bản tin của truyền hình Trung Quốc cho biết một đội nghiên cứu ở Đại học Chiết Giang (Zhejiang University) đã tìm thấy một loại hợp thuốc có tên Abidol và Darunavir hiệu quả đối với virus Corona. Còn theo Sky News, các nhà nghiên cứu Anh đã có bước tiến trong việc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm một loại vaccine cho virus nCoV. Trong khi Nhật và Hàn Quốc đều đã phân tách thành công nCoV để các nhà khoa học sớm phát triển vaccine và thuốc điều trị.
Lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào có đại dịch hoặc virus đe dọa thế giới, các thị trường chứng khoán sẽ lập đáy. Nhưng tín hiệu lần này dường như khả quan hơn, nhờ những biện pháp tích cực từ các nước.
Ông Tập nói TQ bắt đầu ‘chiến tranh nhân dân’ để đánh bại virus corona
Trước tình trạng nền kinh tế và xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, ông Tập Cận Bình tiếp tục lên tiếng trấn an người dân và thế giới về khả năng đánh bại virus corona.
Tính đến ngày 7/2, hơn 28.400 ca nhiễm chủng virus corona mới đã được ghi nhận trên toàn thế giới, với riêng tại Trung Quốc là hơn 28.100 người. Ít nhất 565 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, với 2 ca khác tại Hong Kong và Philippines.
Trong nỗ lực trấn an người dân Trung Quốc và dư luận quốc tế, phát biểu trong cuộc điện đàm với nhà vua Salman của Saudi Arabia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này đủ khả năng đánh bại virus corona.
“Cả đất nước đang huy động hết sức mạnh để ứng phó, với những biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát kỹ lưỡng và nghiêm ngặt nhất, khởi động chiến tranh nhân dân trong nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát đại dịch”, ông nhấn mạnh trong cuộc điện đàm ngày 6/2.
Một quan chức Trung Quốc trả lời Reuters nhận định đợt khủng hoảng y tế cộng đồng tại nước này sắp vượt đỉnh và tình hình sẽ sớm cải thiện.
Tỷ lệ tử vong do dịch nCoV thấp hơn nhiều so với H1N1, MERS và Ebola
(SGGP) Tính đến ngày 5-2, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới 2019 (nCoV) gây ra đã làm 24.542 người nhiễm trên toàn cầu và 492 người chết, trong đó Trung Quốc lục địa có 24.342 ca nhiễm và 490 người chết.
Giới chức Trung Quốc cho biết, tính đến hết ngày 3-2, tỷ lệ tử vong do dịch nCoV được xác nhận ở Trung Quốc là 2,1%, thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát dịch trước đó như cúm gia cầm H1N1, MERS và Ebola. Tỷ lệ tử vong do dịch nCoV được xác nhận ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc là 4,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 2,1% trên toàn Trung Quốc do trong giai đoạn đầu dịch bùng phát Vũ Hán không đủ năng lực thực tế để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus nCoV.
Cùng ngày, Hàn Quốc và Malaysia đã công bố 2 trường hợp khỏi bệnh do nCoV gây ra. Bệnh nhân 55 tuổi tại Hàn Quốc đã đến Vũ Hán, về nước ngày 22-1. Trong đợt kiểm tra cuối cùng tối 4-2, bệnh nhân trên cho kết quả âm tính với nCoV. Bệnh nhân này đã khỏi hoàn toàn sau khi các bác sĩ Hàn Quốc sử dụng thuốc điều trị tên là Kaletra, vốn là loại thuốc chuyên điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Đây là trường hợp thứ 2 được sử dụng liệu trình này.
Triệu chứng viêm phổi của 2 bệnh nhân trên đều thuyên giảm rõ rệt. Tại Malaysia, bệnh nhi được chữa khỏi bệnh là một trong số 10 bệnh nhân nhiễm virus được phát hiện tại Malaysia và là trường hợp đầu tiên được xuất viện sau thời gian điều trị từ ngày 29-1.
Trong khi đó, trong cuộc họp báo ngày 4-2, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ nảy sinh xu hướng kỳ thị, vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử với một số nhóm người do tâm lý lo sợ dịch nCoV gây ra. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết mạnh mẽ, tích cực hỗ trợ Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi các nước cải thiện việc chia sẻ dữ liệu về dịch nCoV.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết đã cử một nhóm chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc để phối hợp với các đồng nghiệp tại đây trong công tác nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh.
Nạn châu chấu khủng khiếp ở châu Phi: Đàn châu chấu lớn cả kilomet vuông, nhiều tới cả trăm triệu con
Vậy mà Kenya chỉ có vỏn vẹn 5 chiếc máy bay để phun thuốc diệt côn trùng hại.
Đông Phi đang đối mặt với một đại dịch cứ ngỡ như chỉ có trong phim: Đó là nạn châu chấu, mỗi đàn tràn qua bầu trời có kích cỡ lên tới 1,3 km2, chứa tới 150 triệu con.
Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các nước hỗ trợ khoản tiền 76 triệu USD để cứu giúp Châu Phi khỏi nạn châu chấu. Trong tình cảnh hiện tại, Kenya chỉ có mỗi 5 chiếc máy bay chở thuốc diệt trừ côn trùng hại để chống lại đàn châu chấu triệu con. Theo AP đưa tin, một nhóm châu chấu đặc biệt lớn bay lởn vởn tại miền Đông Bắc Kenya có chiều dài 60 km, rộng 40 km.
Đây là đại dịch châu chấu lớn nhất tại Kenya trong 70 năm qua, và theo BBC, đây cũng là đàn châu chấu lớn nhất từng xuất hiện tại Somalia và Ethiopia trong suốt 25 năm qua. Somalia đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, cho rằng đàn châu chấu sẽ không rời đi trước mùa gặt trong tháng Tư tới. Nếu điều này xảy ra, hàng triệu người sẽ lâm cảnh thiếu lương thực.
Số tiền viện trợ cho các nước Châu Phi nhằm hạn chế dịch châu chấu mới chỉ tạm dừng ở mức 15 triệu USD, không đủ để họ chống lại đàn côn trùng hung hãn.
Cũng theo AP đưa tin, một phần nguyên nhân khiến châu chấu sinh sôi nảy nở là biến đổi khí hậu, cụ thể là do “lượng mưa lớn bất thường diễn ra trong vài tháng qua”. Châu chấu không chịu được cảnh khô nóng, nên thông thường chúng sẽ không xuất hiện cho tới tháng Sáu hàng năm.
Mưa lớn khiến cây cỏ tốt tươi đã khiến số lượng châu chấu nhân lên chóng mặt. Với 5 chiếc máy bay ít ỏi, người dân Kenya cố gắng tiêu diệt châu chấu nhưng vừa hết đàn này, đàn mới lại xuất hiện với mật độ 1 tuần/lần. Họ chưa rõ vấn nạn châu chấu sẽ kéo dài bao lâu, và mong muốn các nước trên thế giới sớm ra tay viện trợ.
Châu chấu không chỉ phá hoại mùa màng Châu Phi, mà còn gây ảnh hưởng tới các chuyến bay quốc tế: Đầu tháng này, phi cơ của Ethiopian Airlines đã phải dừng khẩn cấp sau khi cất cánh chỉ 30 phút, lý do là đàn châu chấu lớn liên tục va vào cửa kính, mũi máy bay và động cơ phản lực.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nói rằng nạn châu chấu tại Kenya có thể diễn biến ngày một xấu, và lan sang các nước Bắc Phi và Trung Phi. Đàn châu chấu sẽ ngày một dày lên khi trong hai tháng tới.
Nhiều nông dân Ethiopia đã chứng kiến 90% lượng hoa màu trồng được tan biến, khi đàn châu chấu có thể ăn hết một bãi cỏ chăn thả gia súc chỉ trong vài giờ.
Tổng hợp-TT