VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 9/4/2021.

     Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; “Virus thù hận” lây lan, nước Mỹ không còn là miền đất hứa với người gốc Á; G20 tiếp tục giãn nợ cho các nước nghèo; Thế giới có hơn 2,9 triệu ca tử vong vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật
.
Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

    Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
(ĐCSVN) – Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.
Ngày 08/4/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp bình luận của Việt Nam trước việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn phi pháp trên website bản tiếng Trung, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
“Virus thù hận” lây lan, nước Mỹ không còn là miền đất hứa với người gốc Á
VOV.VN – Bất chấp thành công trong quá trình hội nhập, người gốc Á tại Mỹ vẫn bị coi là “người nước ngoài” và đối mặt với nhiều định kiến cổ hủ.
Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Mới đây nhất hôm 29/3, một phụ nữ Mỹ gốc Philippines, 65 tuổi đã bị một đối tượng vô cớ đạp ngã ngay trên đường phố đông người tại Manhattan, New York. Vụ việc diễn ra chỉ một tháng sau vụ xả súng tại 3 tiệm spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng.
Những cuộc tấn công như vậy xảy ra trong bối cảnh số vụ tội phạm thù hận đối với người gốc Á tại Mỹ ngày càng gia tăng. Các dữ liệu mới công bố của tổ chức Stop AAPI Hate cho thấy, các hành vi thù ghét đối với người gốc Á, bằng cả lời nói lẫn hành động, đã tăng cao hơn nhiều so với trước kia. Theo thống kê, có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người gốc Á trong năm 2020, cao hơn khoảng 1.200 vụ so với năm 2019, trong đó có 68% vụ xảy ra với nữ giới.
G20 tiếp tục giãn nợ cho các nước nghèo
SGGP Ngày 8-4, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí lùi thời hạn thanh toán lãi suất nợ công với các quốc gia nghèo nhất thế giới đến tháng 12, vốn có nguy cơ tụt lại phía sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Chương trình này được áp dụng vào tháng 4-2020 và gia hạn lần đầu vào tháng 10-2020 đến hết ngày 30-6. Theo các bộ trưởng G20, đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng, tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo huy động thêm các nguồn lực để tập trung ứng phó với các thách thức của cuộc khủng hoảng và khi thích hợp sẽ chuyển sang một cách tiếp cận có tổ chức hơn để tháo gỡ những vấn đề về nợ công.
Tới nay, chương trình giãn nợ cho các nước nghèo bị cho là chưa phát huy hiệu quả đáng kể. Các số liệu chính thức cho thấy, mới chỉ có 46 trên tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện đề nghị và được chấp thuận hoãn trả khoản nợ tổng trị giá 5,7 tỷ USD.
*** Thế giới có hơn 2,9 triệu ca tử vong vì COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 9/4/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 134.431.835 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.912.933 ca tử vong và 108.254.079 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 666.572 ca mắc và 12.539 ca tử vong mới vì đại dịch.
Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: phasiatatler.com)
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 31.712.771 ca nhiễm COVID-19, trong đó 573.797 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (131.802 ca); Brazil (82.826 ca); Mỹ (75.528 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (55.941 ca); Ba lan (27.887 ca)…Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (3.928 ca); Ba Lan (954 ca); Mỹ (949 ca); Ấn Độ (802 ca); Mexico (596 ca); Italy (487 ca); Ukraine (464 ca); Nga (365 ca)…
Tại châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 hiện tại là 41.097.682 người, với 941.108 ca tử vong. Hết ngày 8/4, châu lục này ghi nhận đã có thêm 188.058 ca nhiễm mới và 4.384 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 4.939.258 ca mắc COVID-19 và 98.065 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 88/4, nước này có thêm 15.869 ca nhiễm mới và 345 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm: Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan…
Trong 24 giờ qua, Ba Lan ghi nhận thêm 954 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Theo giới chức y tế Ba Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm 20%, song dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-18 tại nước này đã lên tới gần 2,5 triệu người, trong đó có 56.659 ca tử vong.
Châu Á đã có tổng cộng 30.336.114 ca nhiễm và 442.017 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 279.514 ca mắc và 2.034 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 27.214.477 ca được điều trị khỏi; 2.679.620 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 27.240 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 8/4, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 131.802 ca mắc mới và 802 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 13.057.863 ca và 167.694 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 3,7 triệu ca nhiễm; Iran có gần 2,1 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 16.562 ca mắc mới và 229 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.977.173 người mắc COVID-19, trong đó 61.048 ca tử vong.
Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 8/4 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.504 ca mắc mới COVID-19 và 163 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 1.552.880 ca, bao gồm 42.227 ca tử vong. Ngày 8/4, Bộ Giao thông vận tải Indonesia thông báo nước này đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6-17/5.
Cùng ngày, Campuchia thông báo nước này ghi nhận 113 ca lây nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.028 ca. Theo Bộ Y tế Campuachia, các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 103 ca tại thủ đô Phnom Penh. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này chuẩn bị phương án điều trị tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, đề phòng nguy cơ các bệnh viện quá tải. Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này sẽ sớm đào tạo đội ngũ y tế địa phương để hỗ trợ người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà.
Philippines ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất ASEAN trong ngày 8/4. Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 9.216 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 828.366 ca, trong đó có 14.119 bệnh nhân không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 405 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 – mức tăng theo ngày cao nhất trong 2 tháng qua. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Thái Lan đang xem xét tạm thời đóng cửa các cơ sở giải trí tại 41 trong tổng số 77 tỉnh của nước này để phòng chống dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 88.949 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 36.536.084 ca, tổng số người tử vong là 831.582 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 28.268.059 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.261.879 ca nhiễm và 205.598 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Cộng hòa Dominica, Costa Rica…
Ngày 8/4, chính quyền tỉnh bang Ontario, Canada, buộc phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong 4 tuần để kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, người dân phải ở trong nhà trong khi các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, trừ hiệu thuốc và cửa hàng bán đồ thiết yếu. Lệnh phong tỏa này có hiệu lực từ ngày 8/4 đến hết tháng. Ontario cũng là tỉnh bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất tại Canada.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 22.083.667 ca nhiễm; 582.415 ca tử vong và 19.775.936 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 13.279.857 ca nhiễm, trong đó 345.025 ca tử vong. Xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại khu vực bao gồm, Colombia, Argentina, Peru, Chile, Ecuador…
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia; Papua New Guinea, New Zealand và Wallis and Futuna là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.382 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. Papua New Guinea, New Zealand và Wallis and Futuna lần lượt ghi nhận thêm 205; 24 và 6 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.352.150 ca mắc COVID-19, trong đó 115.189 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.554.975 trường hợp, trong đó 53.173 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.366 ca mắc mới COVID-19 và 62 ca tử vong vì đại dịch./.
*** Leo thang căng thẳng Nga – Ukraine
Điện Kremlin cảnh báo việc Ukraine cố gắng gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thời điểm hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở miền Đông, trong khi chính quyền Kiev quả quyết đó là cách duy nhất kết thúc cuộc chiến với phe ly khai.
Việt Nam lên tiếng vụ hãng thời trang dùng bản đồ có đường lưỡi bò
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 8/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Phóng hỏa xe buýt, tấn công bom xăng nhằm vào cảnh sát Bắc Ireland
Một chiếc xe buýt đã bị cướp và bị phóng hỏa tại Belfast trong đêm bạo lực thứ sáu liên tiếp ở thủ phủ của Bắc Ireland, The Guardian ngày 8/4 đưa tin, dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực ngày càng tăng tại khu vực này.
Các nhà khoa học kêu gọi điều tra mới về nguồn gốc COVID-19
Theo một nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu quốc tế, cần phải có các cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 nghiêm ngặt hơn, dù có hoặc không có sự tham gia của Trung Quốc.
Nga xác nhận điều lực lượng “khủng” tới sát biên giới Ukraine
Nga xác nhận triển khai lượng lớn khí tài quân sự tới gần biên giới Ukraine, song nhấn mạnh điều đó không có nghĩa nước này sẽ can dự vào cuộc xung đột ở miền Đông quốc gia láng giềng.
Brazil xây “siêu hầm mộ” vì quá nhiều ca tử vong do COVID-19
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục khẳng định rằng ông không có kế hoạch ra lệnh đóng cửa toàn quốc, một ngày sau khi nước này ghi nhận kỷ lục số ca tử vong theo ngày.
Đại sứ Myanmar tại Anh không được vào toà nhà Đại sứ quán
Đại sứ Myanmar tại Anh cho biết ông đã bị nhốt ngoài cửa Đại sứ quán nước mình ở London bởi chính cấp phó, người được cho là đã đuổi ông ra khỏi tòa nhà và thay mặt quân đội chịu trách nhiệm.
Các nước lớn gặp riêng Mỹ và Iran để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân
Các nhà ngoại giao từ các quốc gia thành viên của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã gặp riêng Iran và Mỹ để thảo luận về cách đưa cả hai trở lại thỏa thuận mà Washington từ bỏ cách đây 3 năm.
Bộ trưởng mắc COVID-19, một loạt quan chức cấp cao Thái Lan phải cách ly
Ít nhất 10 bộ trưởng trong nội các Thái Lan cùng hàng chục nghị sĩ nước này đã phải tự cách ly từ 7/4 sau khi tiếp xúc với một quan chức dương tính với COVID-19, trong bối cảnh các ca mắc tiếp tục tăng mạnh tại thủ đô Bangkok những ngày qua, Reuters đưa tin.
New York Times: Chính Israel tấn công tàu hàng Iran
Hãng tin New York Times dẫn lời quan chức Mỹ xác nhận chính Israel đã tấn công tàu hàng Saviz của Iran trên biển Đỏ để đáp trả cuộc tấn công trước đó nhằm vào tàu hàng của Tel Aviv.
Nga cảnh báo khi Ukraine đòi vào NATO
Điện Kremlin cho hay việc Ukraine đòi gia nhập khối quân sự NATO sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở miền Đông, vốn đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng.
Giải cứu ngoạn mục tàu chở hàng gặp nạn trên biển Na Uy
Lực lượng ứng phó khẩn cấp Na Uy đã giải cứu thành công 12 thủy thủ trên một con tàu chở hàng của Hà Lan gặp nạn vì mưa bão ở vùng biển ngoài khơi nước này, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tàu chìm gây sự cố tràn dầu nguy hiểm.
Iran từ chối “thỏa thuận 1 tỷ USD” để ngừng làm giàu uranium
Iran và các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân 2015 đã có cuộc gặp tại Vienna, Áo, ngày 6/4 trong bối cảnh các nước nỗ lực đưa Mỹ trở lại thỏa thuận này.
Tàu hàng Iran trúng tên lửa giữa Biển Đỏ
Kênh truyền hình Al Arabiya có trụ sở tại Dubai (UAE) đưa tin, tàu chở hàng Saviz của Iran đã bị tấn công ở Biển Đỏ trong ngày 6/4.
Kênh đào Suez lại “suýt tắc nghẽn”
Bloomberg ngày 7/4 dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) cho biết, tuyến hàng hải huyết mạch này “suýt tắc” một lần nữa khi tàu chở dầu Rumford chết máy ở một đoạn kênh hẹp.
Afghanistan và những rào chắn lịch sử
Những khoảng trống quyền lực đặt cạnh vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, từ xa xưa, đã luôn là một thứ ẩn họa khắc nghiệt đối với Afghanistan.
Giải mật sự cố EP-3E của NSA
Một minh họa điển hình cho nhiệm vụ của NSA đã đến từ một báo cáo đánh giá tổn thất nội bộ về Sự cố đảo Hải Nam năm 2001 có liên quan đến việc chiếc trinh sát cơ điện tử EP-3E va đụng với một chiến cơ Trung Quốc và buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo này.

Tổng hợp-TT