Thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy: Cơ hội lớn cho Việt Nam; Thế khó khi kết bạn trên thế giới của Trung Quốc; Hội nghị G20: Chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ- Trung…là những tin chính được cập nhật.
Thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy: Cơ hội lớn cho Việt Nam
Ảnh minh họa.
– Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam.
Tại Hội thảo “Hướng tới tăng trưởng có chất lượng trong giai đoạn 2021 – 2030: Các phương án chính sách và ưu tiên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đó là, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên; thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực.
Bên cạnh đó, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, do tác động không thuận của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan mà kết quả phát triển kinh tế – xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều hạn chế.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau. “Mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Thế khó khi kết bạn trên thế giới của Trung Quốc
Nếu chọn thể hiện lập trường mềm mỏng để kết thêm bạn bè quốc tế, chính quyền Trung Quốc có thể bị phản ứng từ chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Tuần trước, một quan chức Trung Quốc nêu lên câu hỏi khiến các đồng nghiệp của ông cũng không khỏi băn khoăn: “Trung Quốc đang trỗi dậy, vậy tại sao chúng ta không thể kết thêm nhiều bạn mới và tại sao tiếng nói của chúng ta không được lắng nghe?”
Câu hỏi trên càng trở nên có sức nặng khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang và nhà chức trách Trung Quốc nỗ lực thu phục ủng hộ cả ở trong và ngoài nước.
Câu hỏi này tiếp tục xuất hiện tại diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần trước, khi các quan chức Trung Quốc phải tìm cách để cân bằng giữa yêu cầu thể hiện sự cứng rắn để trấn an người dân trong nước và nhiệm vụ truyền đi thông điệp hòa giải với khán giả quốc tế, những người đang rất cảnh giác trước các chính sách quốc phòng, đối ngoại của Bắc Kinh.
Đại tá Zhao Xiaozhuo, chuyên gia cao cấp tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng đây là những kỳ vọng đối lập nhau tại Singapore. “Dư luận hiện nay đang tồn tại hai thế giới song song, một ở trong nước và một ở nước ngoài. Về cơ bản, chúng như hai thái cực không có điểm chung”, ông nói. “Đối thoại Shangri-La là nơi hai thế giới đó xung đột. Với tư cách đại biểu Trung Quốc tại diễn đàn, chúng ta cần thể hiện vị thế của mình nhưng việc cân bằng kỳ vọng ở cả hai phía đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”.
“Nếu bạn tỏ ra cứng rắn, dư luận trong nước sẽ thỏa mãn nhưng sẽ khiến khán giả quốc tế phật lòng. Nhưng nếu bạn tỏ ra mềm mỏng, chúng ta sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận trong nước”, Zhao nhấn mạnh. Theo ông, đây là thách thức chưa từng có đối với các quan chức Trung Quốc khi họ vừa phải đảm bảo giữ cân bằng trong phát ngôn vừa phải làm hài lòng giới lãnh đạo.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là ngoại giao và kết bạn. Nhưng với vị thế khó khăn như hiện nay, bạn không thể có thêm bạn bè mà thậm chí còn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng”, ông nói.
Hội nghị G20: Chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ- Trung
Lãnh đạo tài chính các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí cho rằng những căng thẳng trong thương mại và địa chính trị trên toàn cầu hiện nay ở mức độ nghiêm trọng, song lại không đưa ra cách thức giải quyết vấn đề này trong dự thảo tuyên bố chung dự kiến được công bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 9/6 tại Fukuoka (Phư-cư-ô-ca), Nhật Bản.
Theo 3 nguồn tin trong G20, trong ngày họp thứ 2 của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20, lãnh đạo tài chính G20 tái khẳng định đánh giá về tình hình thương mại toàn cầu đưa đưa ra tại Hội nghị G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires (Argentina). Nội dung dự thảo tuyên bố sẽ đề cập đến cam kết của lãnh đạo tài chính G20 về việc sẽ tiếp tục giải quyết những nguy cơ và sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung của hội nghị lần này xóa bỏ nội dung về việc “công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại ” – một nội dung thảo luận gay gắt trong ngày họp đầu tiên.
Các nguồn tin trên cho biết việc xóa bỏ nội dung nói trên, bắt nguồn từ sức ép của Mỹ, cho thấy Washington muốn né tránh những rào cản từ chính việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Dự thảo tuyên bố chung cũng không bao gồm nội dung thừa nhận tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm tổn hại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính đang chứng kiến sự tuột dốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (Xti-vân Mnu-chin) ngày 8/6 tuyên bố ông không thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại hai nước và Chính phủ Mỹ sẽ có hành động để bảo vệ người tiêu dùng nước này trước hàng rào thuế quan tăng cao.
*** Trung Quốc tính cách hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Mỹ để trả đũa
Trung Quốc đang tính đến việc xây dựng một cơ chế quản lý để hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ cao độc quyền sang Mỹ để trả đũa đòn thương mại của Washington.
Ông Trump doạ mạnh tay nếu Mexico không ngăn dòng người di cư
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh Mexico sẽ chỉ có được một thoả thuận thương mại với Mỹ nếu nước này ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư đến biên giới.
Thủy thủ Nga tắm nắng trên boong khi tàu chiến suýt bị tàu Mỹ va phải
Các thuỷ thủ Nga dường như đang tắm nắng trên boong tàu Đô Đốc Vinogradov vào thời điểm tàu này suýt va chạm với tàu khu trục USS Chancellorsville của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Ông Trump hoãn đánh thuế Mexico vô thời hạn
CNN ngày 8-6 đưa tin, sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận về vấn đề di cư vốn gây căng thẳng trong suốt thời gian vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh hoãn đánh thuế hàng hóa nước này vô thời hạn.
Công trình “tư duy đột phá nhất Warsaw” bốc cháy giữa đêm
The Mirror ngày 8-6 đưa tin, một trong những công trình chọc trời tại thủ dô Warsaw, Ba Lan đã biến thành “ngọn đuốc phừng phừng” vào đêm 7-6. Hiện tại nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vẫn chưa được xác minh.
Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim cộng đồng quốc tế
Đây là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trong cuộc họp báo đêm 7-8 (theo giờ Việt Nam) được tổ chức ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Singapore nói gì sau phát biểu “lấy làm tiếc” của Thủ tướng Lý Hiển Long ?
Hôm 7-6, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn để giải thích về phát biểu “Việt Nam xâm lược, chiếm đóng Campuchia” của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 31-5.
Ông Putin nêu lý do không chúc mừng tân Tổng thống Ukraine nhậm chức
TASS hôm 8-6 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về lý do ông không chúc mừng tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhậm chức, nhưng dành lời khen ngợi ông Zelensky “từng là một diễn viên giỏi”.
Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tổng thống Trump là bạn của tôi”
Reuters ngày 8-6 đưa tin, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã phát biểu rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là bạn của ông, cũng như tin rằng hai bên đều mong muốn đạt được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.
Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA
Truyền thông quốc tế ngày 8-6 (giờ Việt Nam) đã đưa tin đậm nét về việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Hơn nữa, giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng với các vấn đề an ninh quốc tế.
Nam y tá Đức sát hại 85 bệnh nhân lĩnh 2 án tù chung thân
Trong một nửa thập kỷ, những y tá và bác sĩ tại 2 phòng khám ở Đức đã coi Hogel như một người hùng – người đã đưa nhiều bệnh nhân trở về từ cõi chết. Sự thật chỉ được phanh phui vào năm 2005, khi mũi tiêm tử thần mà nam y tá người Đức này sử dụng để giết chết các bệnh nhân bị phát hiện.
Tổng hợp-TT