Ít nhất 10 tỷ USD hàng hóa, 180 tàu chở hàng bao gồm dầu thô, khí đốt, hàng tiêu dùng đang bị mắc kẹt tại kênh đào Suez sau sự cố tắc nghẽn hôm 23/3.
Gặp sự cố mất điện và rơi đúng vào khu vực chịu ảnh hưởng của gió bão, con tàu Evergreen Line của Đài Loan với trọng tải lên tới 244.000 tấn trở thành tội đồ của ngành hàng hải Á -Âu khi vô tình nằm chắn ngang kênh đào Suez suốt từ hôm 23/3 đến nay, khiến con kênh chỉ rộng gần 80m này tắc nghẽn.
Theo Bloomberg, các chuyên gia vận tải biển cho rằng có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để “giải cứu” con tàu khổng lồ này, đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn.
Tàu chở hàng Ever Given tải trọng 244.000 tấn bị kẹt ngang kênh đào Suez ở Ai Cập từ ngày 23/3. Ảnh: Bloomberg.
Gần 10 tỷ USD hàng hóa “mắc kẹt”
Theo dữ liệu của công ty phân tích Lloyd’s List, mỗi năm khoảng 12% lượng hàng hóa trên toàn cầu vận chuyển qua kênh đào Suez, nằm chủ yếu trên những con tàu chở khí đốt, dầu thô, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, phụ tùng, nội thất… Châu Á là điểm đến của 60% lượng hàng hóa vận chuyển về phía đông nam của kênh đào.
Trong hai ngày kể từ khi con tàu Evergreen chắn ngang kênh đào Suez, ít nhất gần 10 tỷ USD hàng hóa và hơn 180 tàu chở hàng đã mắc kẹt tại hai đầu kênh.
Ngành công nghiệp ô tô vốn đã chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn nay phải đối mặt với tình trạng khó khăn của con đường biển quan trọng bậc nhất Địa Trung Hải.Theo Telegraph, một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới sẽ buộc phải kéo dài thời gian tạm ngừng hoạt động của các nhà máy vì thiếu chip, trong khi luồng vận chuyển thiết bị, phụ tùng và xe nguyên chiếc của các nhà sản xuất xe Nhật Bản như Mitsubishi Motors, Nissan Motor cũng gặp vấn đề tương tự.
“Hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp ô tô đang rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ sự cố bất thường nào cũng có thể khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn cung linh kiện”, chuyên gia Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence nhận định.
Chi phí vận chuyển nhảy vọt
Chịu thiệt hại nhiều nhất có lẽ là Ai Cập, quốc gia nắm giữ giấy thông hành cho những con tàu đi qua Suez. Với mỗi tấn hàng vận chuyển qua kênh đào này, Ai Cập thu được trung bình 6,25-6,70 USD, và tổng nguồn thu vào năm 2019 từng chạm mốc 3,3 tỷ USD.
Nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez kéo dài, các hãng vận tải sẽ phải cân nhắc lựa chọn tuyến đường dài hơn, đi qua Mũi Hảo Vọng. Ảnh : Internewcsast.
Ngoài những nỗ lực cố gắng giải phóng Evergreen Line, các hãng vận tải cũng đã tính đến phương án chuyển tuyến vòng qua Mũi Hảo Vọng, cực Nam của châu Phi, nếu tình trạng mắc kẹt kéo dài hơn 1 tuần.
Tuy nhiên việc thay đổi lộ trình vận tải không phải quyết định dễ dàng đối với chủ hàng. Không những thời gian để vòng qua Nam Phi dài gấp 3 lần so với đi qua Suez, con đường nối giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương còn chứa đựng nhiều hiểm nguy về thời tiết cực đoan, cướp biển, và trên hết là chi phí tăng thêm tới 450.000 USD cho quãng đường dài gần 10.000km.
Đặt trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng đột biến do dịch bệnh, việc tắc nghẽn kênh đào Suez cũng làm tình trạng khan hiếm container rỗng trên toàn cầu vốn đã căng thẳng nay càng thêm nghiêm trọng.
Giá dầu thế giới tăng mạnh
Theo Nikkei, sau sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez, thị trường năng lượng toàn cầu đã có phản ứng khi giá dầu tại Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng 6%. Nhà phân tích Arthur Richer của Vortexa Senior Freight ước tính khoảng 13 triệu thùng dầu thô trên 10 tàu chở dầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Hơn nữa còn có 9 tàu chở các sản phẩm dầu sạch, dầu diesel sinh học đang phải xếp hàng chờ lưu thông tại kênh Suez.
Tính đến sáng ngày 25/3 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 63,90 USD/thùng, tăng tới 3,39 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 24/3. Trong khi đó giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 60,55 USD/thùng, giảm 0,63 USD/thùng trong phiên.
Mắc cạn ở kênh đào Suez, tàu container chặn dòng hàng 9,6 tỷ USD/ngày