Kinh tế toàn cầu có chiều hướng xấu hơn; Báo Mỹ nói Trump có nguy cơ làm lộ điệp viên tại Nga; Bình Nhưỡng lại phóng ‘tên lửa’; Pháp khiến phương Tây “vỡ trận”, phải xuống nước với Nga?…là những tin chính được cập nhật.
Kinh tế toàn cầu có chiều hướng xấu hơn
Người dân chờ đợi rút tiền tại một ngân hàng ở Buenos Aires (Argentina)
(SGGPO) Tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới ngày càng rõ nét trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và căng thẳng Nhật Bản-Hàn Quốc chưa giảm nhiệt.
Ngày 9-9, Văn phòng nội các Nhật Bản công bố số liệu chính thức, điều chỉnh hạ mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này xuống 1,3% so với mức 1,8% công bố trước đó, do chi tiêu vốn giảm.
Nhiều gam màu xám
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để giải quyết tình trạng suy thoái. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hình thức kích thích của riêng nước này. Vào tháng 7, IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới còn mức 3,2%, thay vì 3,3% trong năm 2019 và mức 3,5% thay vì 3,6% vào năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi đã bấp bênh ở các thị trường mới nổi và tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại chậm chạm vẫn đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.
Theo Financial Times, trong vòng 2 tháng qua, Argentina đã bị vùi dập bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới, và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tăng mạnh với một vòng thuế mới của Washington cùng sự trả đũa đến từ Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc tuyên bố sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp vào đầu tháng 10, mang lại hy vọng có thể tránh được sự leo thang hơn nữa.
Đầu tư vào vàng?
Jay Powell, Chủ tịch FED, dự kiến hướng đến một cái nhìn mới về sự phối hợp với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, dựa trên những kỳ vọng của thị trường. Nhưng FED đang chống lại chiến dịch nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Dự kiến khi ECB nhóm họp trong tuần này, Mario Draghi, chủ tịch sắp mãn nhiệm, sẽ cân nhắc nhiều hơn về việc cắt giảm thêm lãi suất.
Theo CNBC, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng giảm lãi suất, bơm tiền vào lưu thông để kích thích tăng trưởng, vì vậy nhu cầu đầu tư vào vàng đang gia tăng, đẩy giá vàng tăng cao.
Báo Mỹ nói Trump có nguy cơ làm lộ điệp viên tại Nga
Việc Trump tiết lộ thông tin mật với hai quan chức Nga năm 2017 có thể đã khiến tình báo Mỹ rút nguồn tin cấp cao nhất khỏi Nga.
Quyết định rút điệp viên được thông qua hồi giữa năm 2017, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, theo CNN.
Trong cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng đã thảo luận nhiều tin tình báo tuyệt mật về hoạt động của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria với phía Nga, một số quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ hôm 10/9. Tổng thống Mỹ nói rằng các thông tin này được cung cấp từ Israel, nhưng tình báo Israel không cho phép phía Mỹ chia sẻ thông tin với Nga vì có thể làm lộ điệp viên của họ ở Trung Đông.
Thông tin tình báo mà Trump đưa ra trong cuộc gặp không liên quan trực tiếp tới điệp viên tại Nga, nhưng vẫn khiến các quan chức Mỹ lo ngại lộ danh tính nguồn tin. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khi đó là Mike Pompeo cho rằng có quá nhiều dữ liệu bị công bố và hối thúc thực hiện chiến dịch rút điệp viên, vốn chỉ được áp dụng khi tình báo Mỹ tin rằng nguồn tin đang gặp nguy hiểm cận kề.
Điệp viên này được coi là nguồn tin cấp cao nhất của Mỹ trong Điện Kremlin, có chức vụ cao trong hệ thống an ninh quốc gia Nga, theo một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ. Các nguồn tin của CNN cho hay điệp viên này có thể tiếp cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thậm chí có khả năng chụp ảnh các tài liệu trên bàn làm việc của lãnh đạo Nga.
Các nguồn tin cho biết người này đã cung cấp thông tin cho phía Mỹ trong hơn một thập kỷ và chỉ có các quan chức trong chính phủ và các cơ quan tình báo Mỹ biết về sự tồn tại của điệp viên cấp cao đó. “Không có giải pháp thay thế nào tương đương trong chính phủ Nga, bởi người này đã cung cấp nhiều phân tích về Putin”, một nguồn tin cho hay.
Quyết định rút người dường như được tình báo Mỹ đưa ra sau nhiều tháng lo sợ. Điệp viên này và nhiều người khác từng có nguy cơ bị phát hiện từ cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama, nhất là khi họ đã hợp tác với Mỹ suốt nhiều năm.
Điệp viên ban đầu từ chối phương án rút khỏi Nga do lo ngại về nguy cơ bị lộ mặt, nhưng sau đó thực hiện theo kế hoạch. Chiến dịch rút điệp viên này khỏi Nga được thực hiện thành công.
Việc bí mật rút điệp viên khiến Mỹ mất nguồn cấp tin then chốt trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moskva gia tăng. “Ảnh hưởng sẽ rất lớn vì việc gây dựng nguồn tin tại các khu vực khó tiếp cận, đặc biệt là Nga, là rất khó khăn. Bạn không thể tìm lại một người như vậy chỉ trong thời gian ngắn”, cựu quan chức tình báo Mỹ nói.
Trump và một số quan chức cấp cao được thông báo trước khi chiến dịch giải cứu diễn ra. Chi tiết về nhiệm vụ này và nơi ở mới của điệp viên Nga vẫn được giữ kín.
Bình Nhưỡng lại phóng ‘tên lửa’
Hai vật thể bay chưa được xác định đã được phóng ra từ tỉnh Pyongan của Triều Tiên về phía Đông, hãng tin Yonhap trích lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết.
Vụ phóng diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng khẳng định họ đã sẵn sàng tái khởi động nỗ lực đàm phán đang đình trệ với Mỹ vào cuối tháng 9 tới. Vụ phóng thử diễn ra vào ngày 10/9 này, tuy chưa được xác nhận bởi quân đội Hàn Quốc hay Triều Tiên, song sẽ là lần thứ 8 Bình Nhưỡng thực hiện một vụ phóng thử tên lửa kể từ “thượng đỉnh ở vùng phi quân sự” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 6.
Cho đến lúc này, Bình Nhưỡng chỉ phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Washington đã liên tục xem nhẹ các vụ phóng thử này. Sau lần phóng thử thứ 7 vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Trump đã phủi bỏ những lo ngại về việc Bình Nhưỡng tăng cường các hoạt động tên lửa, nói rằng ông Kim chỉ đơn giản “thích thử tên lửa” mà thôi.
Pháp khiến phương Tây “vỡ trận”, phải xuống nước với Nga?
– Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cảm nhận được cơ hội có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây đồng thời giúp đem đến hòa bình cho Ukraine. Ông Macron đang có nhiều động thái nhằm thực hiện mục tiêu mà theo giới phân tích nhận định là tham vọng, nguy hiểm và có thể không được phương Tây đón chào.
Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Macron với Nga, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sẽ có cuộc gặp với hai người đồng cấp Nga ở thủ đô Moscow. Đây là lần đầu tiên hai nước Nga và Pháp có cuộc gặp theo hình thức “2+2” kể từ khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã tạo ra một không khí không khác gì thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây. Phương Tây không chỉ tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà còn tiến hành tẩy chay Moscow trong các hoạt động chính trị, ngoại giao. Những bước đi của phương Tây chỉ khiến Nga thêm cứng rắn, khiến cuộc khủng hoảng giữa Moscow và phương Tây thêm phần trầm trọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron đang có nhiều bước đi hòa dịu và cởi mở hơn với người đồng cấp Nga Putin. Nhà lãnh đạo nước Pháp đã mời người đồng cấp Putin đến khu nghỉ dưỡng mùa hè của ông này trước thềm hồi nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước.
Sau cuộc gặp gỡ trên, ông Macron đã nói với các đoàn ngoại giao rằng, đã đến lúc hai bên bỏ qua “những hiểu lầm” và “suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng ta với Nga”.
Ở thủ đô Moscow, giới chức Pháp sẽ khai thác “con đường hợp tác” trong một loạt vấn đề chiến lược được chú ý, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine, và cả vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như cuộc chay đua vũ trang giữa Nga và Mỹ hiện tại, một quan chức trong nội các của Pháp cho hay.
Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Macron nỗ lực thực hiện vai trò trung gian trong việc giải quyết những xung đột nóng nhất của thế giới.
*** Ủy ban của Hạ viện Mỹ tuyên bố điều tra ông Trump và luật sư riêng
Ba ủy ban Hạ viện Mỹ ngày 9-9 đã bắt đầu điều tra cáo buộc rằng Tổng thống Donald Trump và luật sư cá nhân của ông, Rudy Giuliani, gây áp lực cho chính phủ Ukraine hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử bằng cách nhờ Ukraine thăm dò cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông, Hunter.
Thành viên cuối cùng của tàu Hàn Quốc bị chìm được giải cứu
Đại diện Cảnh sát Biển Mỹ cho biết các nhân viên cứu hộ ngày 9-9 đã giải thoát cho thành viên thủy thủ đoàn cuối cùng bị mắc kẹt bên trong một tàu chở hàng của Hàn Quốc bị lật ở ngoài khơi biển Georgia.
Thủ tướng Anh quyết đi đến cùng với Brexit dù Quốc hội “trói tay”
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-9 cho biết ông sẽ không yêu cầu gia hạn Brexit, chỉ vài giờ sau khi một luật có liên quan đi vào hiệu lực yêu cầu ông trì hoãn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cho đến năm 2020 nếu như không đạt được thỏa thuận “ly hôn”.
Nga và Ukraine trao đổi tù nhân – hy vọng mới cho các cuộc đàm phán
Một cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine đã diễn ra hôm 7-9, mở ra chương mới trong mối quan hệ đầy rắc rối giữa Moscow và châu Âu. Đồng thời, sự kiện được đánh dấu là thành công bước đầu của tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong việc từng bước thực hiện các cam kết hồi tranh cử.
Đàm phán với Taliban “đã chết”
Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-9 (giờ Mỹ), trong khi một vị tướng Mỹ phụ trách vấn đề này cho biết quân đội Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở Afghanistan để chống lại sự gia tăng tấn công của Taliban.
WHO cảnh báo tình trạng tự tử đáng báo động trên toàn thế giới
Theo số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 9-9, cứ mỗi 40 giây trên thế giới lại có một người tự tử, số người chết do tự tử mỗi năm còn nhiều hơn trong chiến tranh.
Quốc hội Anh sẽ đóng cửa đến giữa tháng 10
Quốc hội Anh sẽ bị đình chỉ trong vòng 1 tháng bắt đầu từ tối 9-9 (giờ địa phương) khi Thủ tướng Boris Johnson đang thử mọi chiến thuật để có thể đảm bảo Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) như dự kiến vào ngày 31-10 này.
Bắt giữ trùm ma túy Mendoza
Các nhà chức trách đã hạ bệ ông trùm của băng đảng Moreco – một nhóm buôn lậu ma túy có trụ sở tại Costa Rica có mối quan hệ rõ ràng với băng Mexico Sinaloa.
Vai trò các tài phiệt Hồng Kông trong khủng hoảng hiện nay?
Theo dữ liệu của tạp chí tài chính Anh Financial Times (FT), tính đến ngày 16-8, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã làm bốc hơi khoảng 15 tỷ USD giá trị tài sản ròng của 10 ông trùm giàu có nhất, trong bối cảnh những cuộc biểu tình vẫn diễn ra.
Siêu bão đổ bộ làm gián đoạn nhịp sống của 30 triệu người dân Tokyo
Một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công vào Nhật Bản trong những năm gần đây đã đổ bộ vào thủ đô Tokyo ngày 9-9, khiến ít nhất một người thiệt mạng, cùng sức gió mạnh khủng khiếp và mưa lớn, gây thiệt hại cho các tòa nhà và làm gián đoạn giao thông.
“Bố già” nguy hiểm nhất Nhật Bản: Ngày điều hành công việc, đêm hoạt động nghệ thuật
Kenichi Shinoda (hay còn gọi là Shinobu Tsukasa), sinh ngày 25-1-1942, là ông trùm thứ 6 của băng đảng Yamaguchi-gumi, một tổ chức xã hội đen lớn nhất Nhật Bản với hơn 20.000 thành viên chính thức và hơn 15.000 không chính thức, đồng thời cũng là băng đảng giàu nhất thế giới với thu nhập năm 2014 lên đến 80 tỉ USD, tương đương với ngân sách hằng năm của Thái Lan.
Hơn 2.000 đốt xương người bị vứt ở bãi rác
Ngày 24-8, Lữ đoàn Tìm kiếm người mất tích phát hiện nhiều chiếc túi chứa các mẩu xương bàn tay và nhiều mảnh thi thể bị vứt trên mặt đất tại một bãi rác gần khu dân cư sang trọng ở Culiacán, bang Sinaloa (Mexico).
Máy bay quân sự Israel bị Hezbollah bắn rơi ở Lebanon
Một máy bay trinh sát quân sự không người lái của Israel bị lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah bắn rới khi cố gắng xâm nhập lãnh thổ Lebanon đêm 8-9.
Iran giảm tiếp cam kết hạt nhân, chỉ trích châu Âu thất hứa
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) thông báo rút bớt cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời chỉ trích châu Âu thất hứa trong việc bảo vệ Tehran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Nga, Pháp bắt tay cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm về vấn đề Iran, hối thúc các nước củng cố nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015.
Tổng hợp-TT