5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế Việt Nam đến New York; Báo cáo Nhà Trắng lên án các ‘hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc; Mỹ cảnh báo Ấn Độ về sự ‘hung hăng’ của Trung Quốc ở biên giới; WHO ghi nhận ngày ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục; Hơn 5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế Việt Nam đến New York
Các thiết bị bảo hộ y tế trong lô 5 triệu sản phẩm được chuyển lên máy bay. Ảnh: SCS
Trong tuần qua, Việt Nam vừa giao xong một đơn hàng lớn cho chính quyền New York với 5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế.
Chiều 20/5, ông Huỳnh Quốc Định, Giám đốc Super Cargo Service, đơn vị vận chuyển đơn hàng 5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế từ Việt Nam đến New York (Mỹ) thông báo chiếc máy bay cuối cùng vận chuyển lô hàng đã đáp xuống sân bay JFK. Theo ông, đây là đơn hàng thiết bị y tế thuộc hàng “cực lớn” của Mỹ đặt mua từ Việt Nam gần đây, gồm áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay phục vụ chống dịch.
Ông Định cho biết, để đáp ứng thời gian gấp rút chỉ trong một tuần, công ty đã hợp tác với 4 hãng hàng không là Ethiopia Airlines, Cathay Pacific, Eva Airlines và Philippines Airlines để tiến hành vận chuyển
“Việc có 8 chiếc máy bay cỡ lớn, Boeing 777- 300 ER và Boeing 777- 360 ER, đến từ 4 hãng bay thế giới liên tục đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất tuần qua để vận chuyển sản phẩm y tế từ Việt Nam đến Mỹ là điều chỉ có Covid-19 mới tạo ra”, ông bình luận.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã nhắc đến việc mua các thiết bị bảo hộ y tế từ Việt Nam. CBSNews dẫn lời ông Bill de Blasio cho biết thành phố đã đặt hàng một nhà máy ở Việt Nam sản xuất số lượng lớn các bộ quần áo bảo hộ y tế.
“Bây giờ chúng tôi tự tin rằng có đủ đồ bảo hộ y tế qua giữa tháng 5,” ông nói hôm 1/5, thời điểm New York đã nhận một triệu bộ đồ và 900.000 chiếc khác “made in Vietnam” đang được đưa lên máy bay. Là một trong hai vùng dịch lớn nhất nước Mỹ, đến sáng ngày 20/5, toàn bang New York đã có 357.757 ca dương tính với Covid-19 và 28.437 người chết, theo số liệu của The New York Times.
Giới dịch vụ logistics dự báo, đơn hàng lớn lần này là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ còn chọn Việt Nam để liên tục mua sản phẩm bảo hộ y tế chống Covid-19 với số lượng lớn và có thể kéo dài đến hết năm nay. “Mỹ và một số nước châu Âu đang chuyển hướng mua sản phẩm bảo hộ y tế của Việt Nam”, ông Huỳnh Quốc Định, nhận xét.
Báo cáo Nhà Trắng lên án các ‘hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc
Báo cáo xuất hiện giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng cùng cuộc khẩu chiến chưa có hồi kết về nguồn gốc virus corona và việc ứng phó với dịch bệnh lúc đầu.
Ngoài những lời gay gắt nhằm vào Trung Quốc về cách nước này ứng phó với đại dịch virus corona, Nhà Trắng hôm 20/5 đã tấn công trên diện rộng các chính sách kinh tế, nỗ lực xây dựng quân đội, chiến dịch đánh lạc hướng… của Bắc Kinh.
Báo cáo dài 20 trang không báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, theo một quan chức chính quyền cấp cao đề nghị giấu tên. Tuy nhiên, theo người này, báo cáo củng cố những chỉ trích mạnh mẽ chính quyền ông Trump dành cho Trung Quốc thời gian qua.
Việc truyền thông tập trung vào đại dịch hiện nay có thể sẽ khiến bức tranh lớn về thách thức từ Trung Quốc bị bỏ qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 20/5, trước khi Nhà Trắng công bố báo cáo, theo AP.
Theo báo cáo, chính quyền Trump thấy rằng “không có giá trị gì” khi việc giao hảo với Bắc Kinh mang tính tượng trưng, hào nhoáng bên ngoài nhưng rỗng tuếch bên trong. “Khi ngoại giao thầm lặng cho thấy sự vô ích, Mỹ sẽ gia tăng áp lực công khai” đối với Trung Quốc.
Báo cáo nói Trung Quốc đã tiến hành củng cố quân đội, tấn công mạng và cam kết của Bắc Kinh về việc chấm dứt các hành vi kinh tế cướp bóc “chỉ toàn là những hứa hẹn sáo rỗng, không được thực hiện”.
“Từ những năm 1980, Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Dù vậy, hơn 63% lượng tiền giả trên thế giới có nguồn gốc ở Trung Quốc, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho các doanh nghiệp hợp pháp trên toàn thế giới”, báo cáo cho biết.
Chính quyền Trump cũng bất mãn về cách Trung Quốc tiếp tục giữ tư cách “quốc gia đang phát triển” tại Tổ chức Thương mại Thế giới, dù đây là nước nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao và chỉ đứng sau Mỹ về GDP, chi tiêu quốc phòng và đầu tư ra nước ngoài.
Mỹ cảnh báo Ấn Độ về sự ‘hung hăng’ của Trung Quốc ở biên giới
Bà Alice Wells, nhà ngoại giao phụ trách Nam Á của Mỹ, hôm 20/5 đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các vụ đụng độ biên giới với Ấn Độ để cố gắng thay đổi hiện trạng.
Mỹ cũng khuyến khích New Delhi chống lại các hành động này, theo AFP.
Bà Alice Wells chỉ ra sự tương đồng giữa các cuộc giao tranh xảy ra ngày càng nhiều ở dãy Himalaya và những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Bất kỳ ai ảo tưởng rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc chỉ là lời nói thì nên đi nói chuyện với Ấn Độ”, bà Wells nói với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu về các vấn đề quốc tế.
“Nếu bạn nhìn vào Biển Đông, bạn sẽ thấy Trung Quốc dùng chung một phương pháp cho các hoạt động ở đây. Đó là việc liên tục gây hấn, liên tục nỗ lực để thay đổi các quy tắc và thay đổi hiện trạng”, bà nói thêm.
“Phải kháng cự lại các hành động này,” bà Wells cho biết. Tuyên bố của bà đưa ra cùng thời điểm bà nghỉ hưu ở bộ Ngoại giao Mỹ.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào số lượng lớn các cuộc ẩu đả và đụng độ cấp thấp khác trên biên giới giữa hai bên, bao gồm cả một cuộc đụng độ gần đây tại đèo Nathu La nối liền bang Sikkim của Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới từ lâu đã căng thẳng về vấn đề biên giới. Hai bên đã vướng vào một cuộc chiến ngắn năm 1962, làm tan vỡ hy vọng của Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru, về sự đoàn kết giữa các cường quốc châu Á.
WHO ghi nhận ngày ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận được 106 nghìn ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch này xuất hiện.
“Chúng ta vẫn còn một quãng đường dài phải đi tiếp trong đại dịch này”, kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra hôm 20/5 ở Geneva, Thụy Sĩ.
“Trong vòng 24 giờ qua, đã có 106 ca nhiễm Covid-19 mới được báo cáo cho Tổ chức Y tế thế giới, nhiều nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện. Gần hai phần ba số ca nhiễm này là thuộc về 4 quốc gia”, ông nói thêm.
Bốn quốc gia mà Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nhắc đến ở trên bao gồm Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của WHO – Maria Van Kerkhove xác nhận với kênh CNN qua email.
Theo trang Worldometers, Mỹ đã ghi nhận thêm 19.267 ca nhiễm mới và 1.297 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 ở nước này lên các ngưỡng là 1.589.850 và 94.830.
Brazil cũng ghi nhận tới 19.694 ca nhiễm mới và 876 ca tử vong. Nước này hiện đã vượt qua Tây Ban Nha, trở thành vùng dịch lớn thứ ba trên thế giới. Số người nhiễm là 291.579 với 18.859 ca đã tử vong.
Mặc dù chứng kiến mức tăng thấp hơn nhiều so với hai nước trên cả về số ca nhiễm mới và ca tử vong, song Nga vẫn đang là vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 308.705, tăng 8.764 người.
Cùng ngày, Ấn Độ chứng kiến số ca nhiễm mới tăng ở mức 4 con số, với 5.553 trường hợp. Hiện tổng số người nhiễm dịch Covid-19 ở quốc gia châu Á này đang ở ngưỡng 112.028 người, cao thứ 11 trên thế giới.
Tính đến sáng nay, dịch Covid-19 đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 5.077.154 người nhiễm bệnh và 329.060 người trong số đó đã tử vong, theo số liệu thống kê của trang Worldometers.
*** Hơn 5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 329.000 người chết do nCoV trong hơn 5 triệu ca nhiễm, nhiều quốc gia đã nới phong tỏa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.076.003 ca nhiễm và 329.112 ca tử vong, tăng lần lượt 86.893 và 4.667 ca so với hôm qua, trong khi 2.020.151 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.589.372 và 94.902, sau khi ghi nhận thêm 18.789 ca nhiễm và 1.369 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa nhưng với những biện pháp không đồng đều. Một số bang như Georgia và Texas gỡ nhiều hạn chế trong khi các bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Bang New York thực hiện xét nghiệm các nhân viên tiệm tạp hóa và hiệu thuốc. Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố có đủ đồ bảo hộ cá nhân cho đến hết tháng 5.
Nga ghi nhận 8.764 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 1/5, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 308.705, trong đó 2.972 người chết.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga Melita Vujnovic nhận định tình hình Covid-19 tại Nga “đã bước vào giai đoạn ổn định”, song đề nghị nước này nỗ lực hơn để giảm ca nhiễm mới. Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn nCoV, nhưng khuyến cáo người dân đeo găng tay và khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người ở nơi công cộng. Lực lượng chức năng Nga triển khai nhiều biện pháp để phát hiện người vi phạm quy định cách biệt cộng đồng để giải tán hoặc xử lý họ.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 721 ca nhiễm và 110 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 279.524 và 27.888. Chính phủ ra nghị định yêu cầu người từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng không thể thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha sẽ hết hạn vào ngày 23/5, Thủ tướng Pedro Sanchez muốn quốc hội chấp nhận gia hạn thêm hai tuần.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại. Tại Madrid và Barcelona, những nơi áp đặt hạn chế khắt khe nhất, cửa hàng hiện có thể tiếp nhận khách hàng mà không cần hẹn trước và bảo tàng có thể mở cửa trở lại dù giới hạn lượng khách. Các cửa hàng rộng hơn 400 m2 được phép mở lại trên cả nước, nhưng cũng hạn chế lượng khách.
Anh ghi nhận 248.293 ca nhiễm, trong đó 35.704 người chết, tăng 363 ca. Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ tuyển thêm 25.000 người truy vết tiếp xúc vào đầu tháng tới, có khả năng xử lý 10.000 trường hợp mới mỗi ngày, số xét nghiệm thực hiện trong một ngày sẽ đạt 200.000.
Từ tuần trước, Anh bắt đầu khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.
Italy ghi nhận thêm 665 ca nhiễm và 161 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 227.364 và 32.330. Tốc độ lây lan đang có chiều hướng giảm.
Chính quyền dự kiến cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3. Tất cả các sân bay có thể mở cửa trở lại từ ngày này. Italy sẽ mở biên với các nước EU và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Pháp báo cáo 181.575 ca nhiễm và 28.132 ca tử vong, tăng lần lượt 766 và 110 trường hợp. Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó.
Pháp đã nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5. Số ca nhiễm mới không tăng đáng kể so với tuần cuối cùng trước khi nới phong tỏa. Giới chức y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 72 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.265 trong 178.494 ca nhiễm.
Từ 20/4, 16 bang khắp nước Đức từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau. Đức cũng bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng từ ngày 16/5, mục tiêu là nối lại việc đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Tốc độ tăng ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng ba, cho phép các nước nới lỏng phong tỏa xã hội. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách biệt cộng đồng một cách nhanh chóng.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 291.579 ca nhiễm và 18.859 ca tử vong, tăng lần lượt 19.694 và 876 trường hợp. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Bộ Y tế Brazil ra chỉ dẫn khuyến nghị các bác sĩ sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị người nhiễm nCoV, kể cả những ca có triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy xác nhận họ đã được thông báo về các tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm rối loạn chức năng tim và gan, tổn thương võng mạc và thậm chí tử vong.
Mexico báo cáo 54.346 ca nhiễm và 5.666 ca tử vong, tăng lần lượt 2.713 và 334. Giới chuyên gia cho rằng người Mexico có nguy cơ tử vong vì nCoV cao hơn nhiều nước vì mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.346 ca nhiễm và 64 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 126.949 và 7.183. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 20/5 nói họ “gần như đã kiềm chế được dịch” và cho biết thêm hầu hết trường hợp tử vong trên 70 tuổi.
Giới chức y tế nói ca nhiễm mới gia tăng từ 2/5 là do Iran tăng cường xét nghiệm. Chuyên gia cả trong và ngoài nước đã bày tỏ hoài nghi về số liệu chính thức của Iran, cho rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.691 ca nhiễm và 10 ca tử vong, xấp xỉ một ngày trước đó, nâng tổng số lên lần lượt 62.545 và 339.
Arab Saudi sẽ phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ 23/5 đến 27/5 để ngăn virus lây lan. Cho đến lúc đó, các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì và mọi người có thể di chuyển tự do trong khoảng thời gian từ 9 giờ cho đến 17h, ngoại trừ ở Mecca, nơi vẫn bị áp lệnh giới nghiêm 24 giờ.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 941 ca nhiễm và 6 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 26.004 và 233. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng ba. Dubai, trung tâm kinh doanh của UAE, cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 23/4 nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Trung Quốc phát hiện hai ca nhiễm mới gồm một ca ngoại nhập và một ca lây lan trong cộng đồng ở Thượng Hải, nâng tổng ca nhiễm lên 82.967, trong đó 4.634 người chết.
Thành phố Thư Lan gồm 700.000 dân ở tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa từ ngày 18/5. Cảnh sát cảnh báo sẽ phạt hành chính, thậm chí truy tố người không tuân thủ lệnh ở nhà hoặc che giấu các triệu chứng Covid-19.
Hàn Quốc báo cáo 12 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.122, gồm 10 ca lây lan trong cộng đồng. Ít nhất 197 trường hợp liên quan đến điểm nóng Itaewon.
Chính phủ cho phép trường học dần mở cửa từ 20/5, bắt đầu từ trường cấp ba. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên trở lại trường, Incheon, phía tây Seoul và Anseong, phía nam thủ đô, yêu cầu học sinh cuối cấp tại 75 trường trung học về nhà sau khi phát hiện hai học sinh dương tính với nCoV tại Incheon, có thể liên quan đến cụm dịch Itaewon.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 112.028 ca nhiễm và 3.434 ca tử vong, tăng lần lượt 5.553 và 132. Ấn Độ cho phép nối lại các chuyến bay nội địa từ ngày 25/5 sau hai tháng ngừng hoạt động. Một số chuyến tàu liên bang đã hoạt động trở lại một tuần trước.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 29.364 ca nhiễm, tăng 570 trường hợp so với hôm trước. Số ca tử vong duy trì ở 22. Nước này đang nỗ lực tăng cường xét nghiệm bằng cách tuyển mộ thêm người lấy mẫu bệnh phẩm ở những nơi như ký túc xá của lao động nhập cư với hứa hẹn trả lương cao. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.
Indonesia xếp thứ hai với 19.189 ca nhiễm và 1.242 người chết, tăng lần lượt 693 và 21 ca. Các nhân viên y tế nước này vẫn phàn nàn về quy trình chậm trễ, một tháng sau khi Tổng thống Joko Widodo hứa tăng cường số xét nghiệm. Indonesia là nước duy nhất trong khu vực ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
*** Nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đối mặt án 35 năm tù
Các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị mức án 35 năm tù đối với nữ cựu Tổng thống nước này Park Geun-hye vì các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tham ô, Yonhap đưa tin.
Lật tẩy những vụ án mạng đau lòng nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm
Vụ việc Đỗ Văn Minh (Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) giết cháu vợ, tạo hiện trường giả chính mình là nạn nhân để lấy tiền bảo hiểm, vừa xảy ra tại tỉnh Đắk Nông là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, nghi phạm có thể đã “tham khảo” các vụ án từng xảy ra trên thế giới trước khi ra tay… Bốn vụ án dưới đây khiến công chúng phẫn nộ bởi sự tinh vi và tàn bạo của kẻ sát nhân.
Johnson & Johnson ngừng bán phấn rôm trẻ em vì cáo buộc có chất gây ung thư
Johnson & Johnson ngày 19/5 tuyên bố sẽ ngừng bán sản phẩm phấn rôm trẻ em tại Mỹ và Canada, theo Reuters.
Palestine tuyên bố rút khỏi tất cả thỏa thuận với Israel và Mỹ
Người đứng đầu chính quyền Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas, đã nhiều lần cảnh báo Israel rằng ông sẽ rút khỏi bất kỳ thỏa thuận song phương nào với nước này nếu Tel Aviv cố gắng mở rộng chủ quyền đối với các bộ phận của Bờ Tây.
Trung Quốc phát triển thuốc ngừa COVID-19 không cần vaccine
Một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đã phát triển một loại thuốc mà họ tin rằng có khả năng ngăn chặn đại dịch COVID-19, AFP ngày 19/5 đưa tin.
Ấn Độ, Bangladesh sơ tán hàng triệu dân trước khi siêu bão Amphan đổ bộ
Các nhà chức trách ở Ấn Độ và Bangladesh đã tiến hành sơ tán khẩn cấp hơn hai triệu dân trước khi siêu bão Amphan đổ bộ, trong bối cảnh hai nước đều đang chật vật ứng phó với đại dịch COVID-19, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ dọa cắt vĩnh viễn tài trợ cho WHO
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối ngày 18/5 (giờ Mỹ) đe dọa sẽ rút vĩnh viễn tài trợ của nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới nếu WHO không “cam kết cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới”.
Những vấn đề gai góc tại cuộc họp trực tuyến về COVID-19 của WHO
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) trực tuyến đầu tiên diễn ra vào hai ngày 18 và 19-5 trong bối cảnh nhiều vấn đề có liên quan nổi lên giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Vaccine COVID-19 thử nghiệm cho kết quả khả quan ở Mỹ
Các tình nguyện viên nhận được vaccine COVID-19 trong chương trình của công ty công nghệ sinh học Moderna và Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã có kết quả tích cực.
Nhiều nước EU bắt đầu mở cửa du lịch trở lại
Euronews ngày 19-5 (giờ Việt Nam) đưa tin, 11 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cùng nhất trí về một thỏa thuận mở lại biên giới, nhằm khôi phục tạm thời nhiều hoạt động du lịch tại các quốc gia này.
Hơn 100 nước yêu cầu điều tra về COVID-19, Trung Quốc chi 2 tỷ USD ứng phó đại dịch
Trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố gói 2 tỷ USD để giúp giải quyết đại dịch COVID-19.
Mở cửa sau dịch, Australia khuyên người dân “tránh giờ cao điểm”
Chính phủ Australia đang lên kế hoạch mở lại các bãi đỗ xe di động và mở thêm làn đường cho xe đạp ở Sydney cũng như một số thành phố khác, vào thời điểm khu vực đông dân nhất cả nước bắt đầu cho phép hoạt động trở lại trong ngày 18/5 sau nhiều tuần hạn chế đi lại.
Tổng hợp-TT