Ở thủ đô Helsinki (Phần Lan), cứ 12 chiếc ví bị bỏ quên thì có 11 chiếc được trả lại cho chủ nhân; ở Đan Mạch, đi học có thể được nhận tiền, học sinh 12 tuổi trở xuống không có bảng điểm…
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) là báo cáo hàng năm của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc, theo đó đánh giá chỉ số hạnh phúc của mỗi quốc gia dựa trên nhiều yếu tố như GDP đầu người, tuổi thọ, tự do, sự ủng hộ xã hội, nhận thức về tham nhũng.
Phần Lan
Có nhiều lý do khiến quốc gia Bắc Âu này trở thành một nơi lý tưởng để sinh sống. Theo Bản đồ Nguy cơ Du lịch 2018, Phần Lan có mức độ đe dọa thấp nhất cả ở 3 hạng mục y tế, an ninh và giao thông. Mọi người có thể an toàn đi lại một mình trong các công viên hay phương tiện công cộng vào bất cứ giờ nào. Cứ 12 chiếc ví bị cố tình bỏ quên ở thủ đô Helsinki thì có 11 chiếc được trả lại cho chủ nhân, theo một cuộc thử nghiệm về tính trung thực toàn cầu.
Theo Báo cáo về Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan nằm trong tốp ba những nước bình đẳng giới, chỉ sau Iceland và Na Uy, và là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường cao nhất.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Phần Lan rất thấp, chỉ 2,1 trên 1.000 ca sơ sinh, bằng một phần tư so với tỷ lệ trung bình ở châu Âu và một phần ba so với Mỹ. Tuổi thọ trung bình của người dân Phần Lan rất cao, 78 tuổi với nam giới và 84 tuổi với nữ giới, theo số liệu năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Quốc gia này có GDP cao và tiền thuế cũng cao nhằm hỗ trợ cho các chương trình xã hội, đổi lại người dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc với chi phí thấp. Đây còn là quê hương của ông già Noel. Ông sống ở vùng Lapland và chào đón du khách đến thăm quanh năm.
Xếp hạng cao của Phần Lan trong báo cáo của LHQ còn dựa trên sự hạnh phúc của những người nhập cư sống tại nước này. Năm 2015, hơn một triệu người nhập cư vào châu Âu, vài nghìn người đã đến Phần Lan, một quốc gia tương đối đồng nhất với khoảng 300.000 người nước ngoài và có gốc gác nước ngoài trên tổng số 5,5 triệu dân.
Nhóm nhập cư lớn nhất Phần Lan đến từ các nước châu Âu nhưng cũng có các cộng đồng từ Afghanistan, Trung Quốc, Iraq và Somalia.
John Helliwell, đồng chủ biên của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, Giáo sư danh dự Đại học British Columbia, nhấn mạnh rằng tất cả các nước trong tốp 10 đều đạt điểm cao về cả hạnh phúc nói chung và độ hạnh phúc của người nhập cư. “Phát hiện đáng chú ý nhất của báo cáo là sự nhất quán đáng kể giữa hạnh phúc của người nhập cư và những người dân bản địa”, ông nói.
Đan Mạch
Đây là một quốc gia không có người nghèo, gần như hoàn mỹ, người lớn tuổi hưởng thụ tuổi già, người trưởng thành cống hiến sức lực, trẻ nhỏ lớn lên khỏe mạnh, “thế giới không có sự khác biệt” được hiện thực hóa tại quốc gia phủ đầy tuyết trắng này. Đó chính là Đan Mạch, một quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa.
Trên đường phố ở Aarhus – thành phố lớn thứ hai Đan Mạch, bạn sẽ thấy những cửa hàng hoa không có chủ đứng bán, còn người mua chọn xong hoa rồi trả tiền theo giá đã niêm yết, bỏ tiền vào chậu cây trống đặt bên cạnh, sau đó mang hoa đi. Kiểu mua bán như thế, chỉ có một xã hội vô cùng thành tín thì mới có thể duy trì được.
Tại quốc gia này, giàu hay không giàu cũng đều được tôn trọng như nhau. Ngay cả hoàng hậu Đan Mạch cũng sống rất bình dị, nữ hoàng thậm chí còn tự mình đi siêu thị mua đồ.
Người Đan Mạch giàu có, GDP bình quân đầu người năm 2013 của quốc gia này là 59.000 USD, xếp thứ 8 trên toàn thế giới. Tháng 7/2006, theo Biểu đồ Thế giới về Hạnh phúc (World Map of Happiness) của giáo sư Adrian White thuộc trường Đại Học Leiceste uy tín thế giới, Đan Mạch đứng vị trí đầu tiên trong 178 quốc gia trên thế giới.
Dù thời tiết xấu nhưng các bậc cha mẹ ở Đan Mạch không hề ngại khi để con ở ngoài trời. Có một cảnh tượng mà có thể thấy ở khắp nơi tại Đan Mạch đó là rõ ràng trời rất lạnh nhưng cha mẹ lại để xe nôi của trẻ ở bên đường và đi vào cửa hàng mua đồ hoặc uống cà phê.
Hình ảnh này đã truyền tải tình hình xã hội của quốc gia này: Họ không sợ con bị cướp hoặc bắt cóc, bởi vì mức độ tin tưởng lẫn nhau trong xã hội rất cao, phúc lợi tốt, mọi người không cần phải tranh giành.
Ở Đan Mạch, chỉ số thành tín lên đến 89%, vậy nên giữa người với người có sự tôn trọng và bình đẳng cao, từ đó tạo nên cảm giác hạnh phúc của người Đan Mạch.
Về giáo dục. trường học ở Đan Mạch không tuyển “học sinh gương mẫu”, từ 12 tuổi trở xuống không có bảng điểm, giáo viên và người lớn cổ vũ con em phát triển khả năng thiên bẩm của mình chứ không ủng hộ việc ganh đua, so sánh.
Trường công lập từ tiểu học đến đại học đều hoàn toàn miễn phí, không chỉ có thế, đi học còn có thể được nhận tiền. Các học sinh trên 18 tuổi có thể được nhận trợ cấp sinh hoạt, số tiền được xét theo việc học sinh có sống ở nhà hay không. Tỉ lệ mượn sách bình quân của mỗi người Đan Mạch cao thứ hai thế giới, có thể học tập cả đời là bởi vì không có trở ngại học phí.
Ở Đan Mạch dù học trường tư thì chính phủ cũng hỗ trợ 75% kinh phí. Vì vậy, việc vào trường tư ở Đan Mạch không có nghĩa họ là quý tộc, mà là đến để học những kỹ năng đặc biệt như nghệ thuật, thể thao…
Đan Mạch là “quốc gia ba cao” điển hình: thu nhập cao, thuế cao, phúc lợi cao. Tỷ lệ thuế thu nhập lên đến 50-70%. Số thuế này được dùng vào phúc lợi xã hội và giáo dục. Vì sao người dân Đan Mạch lại chịu đóng thuế cao? Vì sao những người có thu nhập cao không nghĩ cách để trốn thuế? Người đứng đầu của sân bay Copenhagen, ông Niels nghe câu hỏi xong thì bật cười và nói: “Thuế là một trách nhiệm. Tôi cũng được xem như là người có tiền, nhưng tôi đồng ý đóng thuế, bởi vì tôi không muốn trên đường phố có người nghèo”.
Iceland
25% người dân Iceland cho rằng, họ cảm thấy hạnh phúc hơn ngay trong tình trạng khó khăn của đất nước. Iceland lạnh giá, luôn bị bao phủ bởi băng tuyết, đứng thứ 3 trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới do Liên Hợp Quốc công bố ngày 16/3
Khá bất ngờ trước thông tin này, nhà báo Eric Weiner đã quyết tâm thực hiện một chuyến đi tới thăm thú Iceland để tìm hiểu về vấn đề: Tại sao người dân ở quốc gia thuộc hàng xa xôi, lạnh lẽo bậc nhất thế giới này lại có chỉ số hạnh phúc cao chỉ sau Đan Mạch và Thụy Sĩ.
Để tìm ra câu trả lời, Eric làm quen với mọi người dân ở đây – những người sẵn sàng nói chuyện với ông. Lúc thì trò chuyện trong khi đang ăn harkl (một món đặc sản của người Iceland), uống rượu say mèm hoặc ngâm mình trong nước nóng trên Blue Lagoon, người du khách phương xa luôn đau đáu một câu hỏi: Tại sao họ lại có thể hạnh phúc đến thế?.
Ngay sau chuyến đi của ông kết thúc, Iceland rơi vào khủng hoảng lớn do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2008. Các nhà băng lớn của Iceland lao đao, nền kinh tế quốc gia đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp 8 lần, niềm tin của người dân vào các tổ chức như ngân hàng và quốc hội, giảm mạnh.
Trước tình hình đó, Eric nghĩ rằng niềm hạnh phúc của người dân cũng sụp đổ theo. Nhưng ông đã lầm. “Cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng rất ít tới hạnh phúc của người dân”, Dora Gudmundsdottir, nhà khoa học về sức khỏe cho biết. Thậm chí, 25% người dân Iceland còn cho rằng, họ cảm thấy hạnh phúc hơn ngay trong tình trạng khó khăn của đất nước.
“Chuyện gì đã xảy ra thế này”, Eric thắc mắc.
Để làm sáng tỏ nỗi nghi ngờ của mình, ông đã gửi thư cho Karl Blöndal, một phóng viên ở Reykjavik. “Rất nhiều người đã bị ảnh hưởng nặng nề, người về hưu mất tiền tiết kiệm. Nhưng có một điều về cuộc sống trong cộng đồng của chúng tôi, là mọi người đều biết bạn. Những người mất việc không bị cô lập. Họ cũng không bị xa lánh”.
“Iceland giống như một thị trấn nhỏ theo nhiều cách khác nhau. Mọi người không cần phải quá lo lắng khi họ bị rơi xuống hố sâu. Bởi không có lỗ nào để bạn rơi vào cả, luôn có một ai đó nâng đỡ, chào đón bạn. Nếu xe bạn bị mắc kẹt trong tuyết, hãy tin rằng, chắc – chắn – sẽ – luôn – luôn – có một ai đó dừng lại để giúp đỡ bạn. Trong thực tế, mức độ tin cậy của người dân với cộng đồng rất cao, mọi thứ rất an toàn. Do đó, việc trẻ con 6 tuổi đi bộ đến trường một mình trong thời tiết tối om của mùa đông ở đây là điều hoàn toàn bình thường”, người bạn của Eric trả lời.
Theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc về hạnh phúc trên thế giới, tại Iceland hạnh phúc được phân bổ đều. Hầu hết mọi người dân đều cảm thấy hạnh phúc, trong khi các nước khác, đặc biệt là Trung Đông và Mỹ Latin, hạnh phúc tại mỗi tầng lớp lại khác nhau. Điều đó cho thấy rằng, con người sẽ hạnh phúc hơn nếu họ sống trong xã hội bình đẳng.
Nguồn doanhnhan.vn-TT