– Khai mạc Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 136 tại Bangladesh; Liên minh châu Âu tìm hướng thu hẹp bất đồng; Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon; Tổng thống Pháp thăm Đông Nam Á… là một số tin tức quốc tế đáng chú ý tuần qua.
Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 136 tại Bangladesh
Ngày 1/4, tại Dhaka (Bangladesh), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 136 đã khai mạc tại trụ sở Quốc hội Bangladesh với sự tham dự của 670 nghị sĩ và 164 đoàn đến từ 132 quốc gia và diễn ra từ ngày 1-5/4. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự lễ khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch IPU Saber Hossain Chowdhury đã ghi nhận sự phát triển của IPU khi kết nạp thêm được nhiều thành viên và kêu gọi các nghị sĩ chung tay giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu, xung đột. Thủ tướng nước chủ nhà Bangladesh Sheikh Hasina, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh đến những giá trị dân chủ và mong muốn IPU tiếp tục phát triển những giá trị này.
Với chủ đề “Giải quyết tình trạng bất bình đẳng: Đảm bảo phẩm giá và an sinh cho tất cả mọi người”, IPU lần này sẽ tập trung thảo luận về việc thực hiện các hoạt động mang tính quyết định để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng kinh tế, chính trị và xã hội. Các nghị sĩ tham dự sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể về một loạt vấn đề, từ chấm dứt việc gia tăng bất bình đẳng tới thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ với nguồn tài chính. Theo IPU, những hậu quả của tình trạng bất bình đẳng là kéo theo tình trạng không bền vững, làm gia tăng bất ổn và làm xói mòn nhân quyền.
Trước đó cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bangabandhu, đã diễn ra Diễn đàn nữ nghị sĩ. Tại diễn đàn này, đại diện đoàn Việt Nam tham dự và đã có kiến nghị xây dựng mô hình hợp tác ba bên giữa IPU, các Quốc hội thành viên và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận tốt hơn đối với các dịch vụ tài chính. Bên cạnh diễn đàn này, đoàn Việt Nam còn tham dự cuộc họp Nhóm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN + 3) và Nhóm châu Á – Thái Bình Dương. Tại cuộc họp Nhóm châu Á – Thái Bình Dương, Iran, Nhật Bản và Việt Nam là 03 thành viên trong Ban chấp hành đã báo cáo kết quả cuộc họp Ban chấp hành trong hai ngày 30-31/3. Cuộc họp cũng bầu bổ sung thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU.
Bên lề diễn đàn và các cuộc họp trên, theo đề nghị của đoàn nghị viện Thái Lan tham dự IPU 136, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã tiếp đoàn nghị sĩ Thái Lan. Tại cuộc tiếp, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước cũng như hai quốc hội. Thái Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam chúc mừng Thái Lan đã đạt được nhiều thành tựu trong đổi mới đất nước và xây dựng chiến lược quốc gia và bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới, nhất là việc thúc đẩy phát triển Cộng đồng ASEAN vì lợi ích của nhân dân hai nước nói riêng và của cộng đồng ASEAN nói chung. Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã thông báo và chuyển thư mời Nghị viện Thái Lan cử đoàn tham dự Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về ứng phó biến đổi khí hậu tổ chức từ ngày 11-13/5 tới ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên minh châu Âu tìm hướng thu hẹp bất đồng
Ngày 25/3/2017, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu đã diễn ra tại Rome (Italy). Tại đây, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu ký “Tuyên bố Rome” kêu gọi sự thống nhất, đoàn kết trong Liên minh châu Âu và vạch đường hướng tương lai cho liên minh này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Lục địa già đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng và chịu sức ép mang tính “sống còn” khi Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu và những bất đồng, rạn nứt trong Liên minh châu Âu vẫn hiện hữu, thì “Tuyên bố Rome” được đánh giá là một kết quả chỉ ở mức khiêm tốn bởi mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau, chứ chưa vạch rõ được đường hướng phát triển trong tương lai.
Các nhà phân tích cho rằng, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu chính là biểu hiện cho thấy sự thống nhất của Liên minh châu Âu đang có vấn đề. Ngoài ra, trình độ phát triển kinh tế quá chênh lệch giữa Tây Âu và Đông Âu, quan niệm khác biệt về mức đóng góp và phần được hưởng giữa các nước giàu và các nước kém hơn, vấn đề di cư, vấn đề khủng bố, nguy cơ làn sóng dân túy trỗi dậy, cho đến khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)… là những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt và đòi hỏi các thành viên cần phải nỗ lực nhằm thu hẹp những bất đồng để tìm ra một giải pháp toàn diện cho sự phát triển chung của khối trong tương lai.
Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon
Ngày 29/3/2017, trước Quốc hội Anh, Thủ tướng May đã tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu trong suốt 44 năm qua. Cùng lúc đó, tại Brussels (Bỉ), Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu Tim Barrow đã trao cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lá thư của Thủ tướng Anh May thông báo quyết định rời Liên minh châu Âu và lá thư đã được ông Tusk chấp thuận.
Lãnh đạo 27 thành viên còn lại trong Liên minh châu Âu cũng đã ra tuyên bố cam kết hành động là một khối thống nhất trong các cuộc đàm phán với Anh về điều kiện ra khỏi Liên minh châu Âu. Trong khi đó, đối với Anh, Thủ tướng May cũng nhấn mạnh đây là quyết định “không thể thoái lui”, đã đến lúc người Anh phải thể hiện sự đoàn kết để đảm bảo đạt được một thỏa thuận đưa Anh rời Liên minh châu Âu theo đúng nguyện vọng của đa số người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 6/2016.
Dù đã được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và Liên minh châu Âu sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên Liên minh châu Âu thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.
Tổng thống Pháp thăm Đông Nam Á
Từ ngày 26 đến 30/3/2017, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chuyến công du 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Hollande và nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã đạt được sự nhất trí cao nhằm đưa quan hệ ngoại giao lên tầm cao mới. Hiện Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Singapore. Trong khi với Malaysia, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 ở châu Âu. Năm 2016, thương mại song phương Malaysia-Pháp tăng 6,3% so với năm 2015, lên mức 15,23 tỷ ringgit (khoảng 3,5 tỷ USD)…
Đánh giá về chuyến thăm này, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Pháp Holande đã thể hiện mong muốn của các cường quốc hàng đầu châu Âu về đẩy mạnh tốc độ “xoay trục” sang châu Á cũng như xích lại gần hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng được xem là một trong những trọng tâm chiến lược trên “bàn cờ” ngoại giao của Pháp trong thời gian tới.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên
Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, ngày 29/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một loạt các biện pháp được cả hai đảng nhất trí, nhằm tăng cường sức ép đối với CHDCND Triều Tiên. Các biện pháp trên bao gồm kêu gọi tăng cường trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, phản đối chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này, đồng thời hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng khẳng định sẽ cân nhắc mọi lựa chọn, trong đó có cả hành động quân sự, nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa tới Mỹ cùng các đồng minh của nước này.
Phản ứng lại, CHDCND Triều Tiên tuyên bố Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về một cuộc chiến tranh có thể bùng phát trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Mỹ nếu cần.
Trước những cảnh báo trên, dư luận đang dấy lên những quan ngại về khả năng CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 bất chấp những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế. CHDCND Triều Tiên vẫn luôn cho rằng việc họ phát triển các loại vũ khí hạt nhân là để phòng ngừa chính sách thù địch của Mỹ. Những động thái mới này đã khiến cho quan hệ Mỹ và CHDCND Triều Tiên leo thang căng thẳng.
Trung Quốc-Hàn Quốc gia tăng căng thẳng vì Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối
Ngày 30/3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động trả đũa kinh tế đối với kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Có thể thấy, kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc đang làm gia tăng căng thẳng giữa Seoul và Bắc Kinh không chỉ về mặt chính trị mà còn trong lĩnh vực kinh tế. Bắc Kinh nhiều lần phản đối chủ trương trên, cho rằng kế hoạch này sẽ đe dọa an ninh quốc gia. Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trả đũa thương mại và văn hóa, gây ảnh hưởng rõ rệt đến ngành du lịch Hàn Quốc cũng như hoạt động của tập đoàn Lotte của nước này ở Trung Quốc.
Theo Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) dự báo, Hàn Quốc có thể sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD do các biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc. Theo đó, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các biện pháp hạn chế thương mại, du lịch của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc khi số vốn đầu tư và khách du lịch của Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm đi.
Nga khẳng định luôn ủng hộ ổn định và an ninh trên thế giới
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov vừa tuyên bố Nga chưa bao giờ là kẻ xâm lược và luôn luôn ủng hộ sự ổn định và an ninh trên thế giới.
Ông Peskov đưa ra phát biểu trên khi trả lời phóng viên đài truyền hình ABC khi được đề nghị bình luận tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về vai trò quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc đối đầu với những hoạt động của Nga. Ông tuyên bố: “Nga chưa bao giờ là kẻ xâm lược. Nga luôn luôn là một quốc gia đóng góp vào sự ổn định và an ninh toàn cầu, là một quốc gia đang tích cực tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với các từ như “xâm lược” để nói về chúng tôi”.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng: “Ngoại trưởng Tillerson luôn là một nhà đàm phán khá cứng rắn và chúng tôi hiểu rằng ông ấy đang sử dụng một số lượng lớn thông tin và tài liệu do những người từ Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị sẵn. Những người này, nói một cách nhẹ nhàng, không phải là những người ủng hộ sự khôi phục quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng ông Tillerson càng tiếp xúc nhiều với người đồng cấp Nga, ông ấy sẽ càng có nhiều khả năng cập nhật thông tin này và hiểu rõ hơn về mối quan ngại của hai bên”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố Nga mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ. Ngoài ra, ông Putin cũng khẳng định ông đã sẵn sàng cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump./.