Nga đáp trả ngay sau loạt đe dọa trừng phạt của Mỹ; Vaccine ; V kháng lại tất cả các biến thể COVID-19; Các nước G7 “mở đường” cho ngành xe điện, tiến tới thay thế xe xăng đến năm 2030; Trung Quốc giữ nguyên lãi suất, chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ; Trung Quốc cán mốc tiêm một tỷ liều vắc xin Covid-19; Đến sáng 21/6, thế giới có tổng số 179.252.416 ca nhiễm và 3.882.008 ca tử vong vì dịch COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Nga đáp trả ngay sau loạt đe dọa trừng phạt của Mỹ
Ảnh minh họa
(VTC News) – Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định tuyên bố của Mỹ về lệnh trừng phạt sắp đưa ra với Nga không phải là điều Matxcơva mong đợi hậu thượng đỉnh Nga-Biden.
“Đây không phải là tín hiệu mà chúng tôi mong đợi sau hội nghị thượng đỉnh. Tôi không nghĩ các biện pháp trừng phạt sẽ giúp ổn định và bình thường hóa quan hệ giữa các nước. Công việc cần làm hiện tại là bình thường hóa đối thoại. Trước hết, chúng ta cần khôi phục các cơ chế đối thoại đã bị phá hủy”, ông Antonov nói.
Nhà ngoại giao Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt không phải là biện pháp có thể dẫn đến một kết quả tích cực.
“Thật đáng buồn khi đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi đang chọn một con đường không dẫn chúng tôi đến kết quả tích cực mà hai tổng thống đã định hướng”, ông nói.
Bình luận này của ông Antonov được đưa ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới với Nga liên quan đến chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Ông này cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên các công ty Nga tham gia vào việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc từ phía phương Tây nói Matxcơva đứng sau vụ “đầu độc” Alexei Navalny. Matxcơva cũng khẳng định Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ là một dự án thương mại và được thực hiện cùng với các đối tác châu Âu.
Vaccine Sputnik V kháng lại tất cả các biến thể COVID-19
(VTC News) – Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya cho biết, vaccine Sputnik V kháng lại tất cả biến thể virus SARS-CoV-2 đã biết.
Hôm 20/6, Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya (thuộc Bộ Y tế Nga), cho biết, những người tiêm vaccine Sputnik sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ, kháng lại tất cả các biến thể COVID-19 đã biết cho đến nay gồm biến thể từ Anh hay Delta từ Ấn Độ mới đây.
Alexander Gintsburg cho biết: “Cơ thể người tiêm vaccine Sputnik V sẽ sản sinh kháng thể, ngăn ngừa tất cả các biến thể đã được biết đến như ở Anh hay Ấn Độ”.
Theo Alexander Gintsburg, biến thể COVID-19 được phát hiện ở Ấn Độ có thể gây ra sự lây lan với tốc độ cao hơn, có thể khiến người nhiễm đối mặt với tình trạng bệnh nghiêm trọng.
“Biến thể COVID-19 phát hiện tại Ấn Độ nguy hiểm hơn, thời gian chuyển từ các triệu chứng nhẹ sang các dạng bệnh nghiêm trọng nhanh hơn”, Alexander Gintsburg nói.
Ngày 11/8, Nga đăng ký vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới với tên gọi Sputnik V, do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển.
Mặc dù vaccine Sputtnik V do Nga sản xuất hiện được phân phối tại nhiều quốc gia, song sự hoài nghi của người dân vẫn ở mức cao. Kết quả khảo sát của Levada Center cho thấy, 62% người Nga họ không có ý định sử dụng các loại vaccine sản xuất trong nước.
Thông tin ông Alexander Gintsburg đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh trong thời gian qua tại Nga. Ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trở lại ở Nga kể từ đầu tháng 6, duy trì ở mức trên 10.000 người mỗi ngày từ 11/6. Nguyên nhân chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta nguồn gốc từ Ấn Độ và tốc độ tiêm vaccine chậm.
Theo các chuyên gia y tế, Delta hiện là biến thể COVID-19 thống trị tại Matxcơva. Tình trạng số ca bệnh tăng nhanh thời gian gần đây khiến Nga đối mặt với nguy cơ rơi vào tình cảnh khủng hoảng COVID-19 tương tự Ấn Độ, Nepal.
Nga hiện là một trong những ổ dịch lớn trên thế giới. Đến nay, nước này ghi nhận 5.316.826 ca mắc COVID-19, trong đó có 129.361 người hết.
Các nước G7 “mở đường” cho ngành xe điện, tiến tới thay thế xe xăng đến năm 2030
Dự thảo mới còn bao gồm cam kết các nước G7 chi 100 tỷ USD giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải carbon.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 đang thảo luận về kế hoạch đầy tham vọng nhằm giúp doanh số xe điện đuổi kịp, thậm chí vượt qua doanh số ô tô chạy xăng trước năm 2030.
Kế hoạch trên bao gồm việc đảm bảo phần lớn doanh số ô tô chở khách vào cuối năm 2030 hoặc sớm hơn sẽ là xe chạy điện. Các quốc gia thuộc G7 sẽ được phân chia cụ thể về mức độ doanh số xe điện cam kết.
Các quốc gia G7 khuyến khích cá nhân sử dụng phương tiện công cộng chạy điện nhằm giảm lượng carbon phát thải.
Các quốc gia G7 khuyến khích cá nhân sử dụng phương tiện công cộng chạy điện nhằm giảm lượng carbon phát thải.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu các quốc gia G7 dần giảm thiểu lượng giao thông cá nhân bằng cách thúc đẩy sự phổ biến của các phương tiện công cộng chạy điện, đồng thời giảm lượng carbon phát ra do vận tải biển, hàng không,…
Hiện chưa có thông tin gì thêm được xác nhận về đề xuất trên, tuy nhiên theo Bloomberg, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden tin tưởng việc đầu tư mạnh mẽ vào thị trường xe điện là một cách để đối phó với biến đổi khí hậu và tạo thêm việc làm.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn đến từ Mỹ cũng đang bắt đầu đặt mục tiêu sản xuất xe “xanh hơn”. General Motors cho biết họ sẽ loại bỏ khí thải từ các xe ô tô hạng nhẹ mới vào năm 2035 trong khi Ford cam kết đến năm 2030 cứ 10 xe Ford bán ra sẽ có 4 xe chạy bằng pin.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành một “chiến lược xanh” vào tháng 12 năm ngoái. Qua đó toàn bộ ô tô mới được sản xuất ở Nhật Bản vào giữa những năm 2030 sẽ là xe hybird hoặc xe chạy điện.
Trong khi đó Thủ tướng Anh Boris Johnson thì cam kết cấm bán ô tô mới chạy hoàn toàn bằng xăng hoặc dầu diesel từ năm 2030. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá không nhiều quốc gia thuộc G7 có thể có bước đi cứng rắn như Anh.
Trung Quốc giữ nguyên lãi suất, chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ
Các chỉ số chứng khoán chính của châu Á – Thái Bình Dương đều giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 21/6 khi Trung Quốc ra quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản.
Chứng khoán Nhật Bản rớt điểm mạnh nhất khu vực trong phiên giao dịch sáng nay 21/6, với chỉ số Nikkei 225 trượt tới 4%, còn chỉ số Topix để mất 2,86%.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu tại Nhật Bản đều chìm trong “sắc đỏ”, với cổ phiếu của hai hãng sản xuất ô tô Nissan và Honda đều mất hơn 4% trong khi cổ phiếu của Fanuc lao dốc gần 6%. Trong lĩnh vực tài chính, cổ phiếu của Mitsubishi UFJ và Mizuho lần lượt giảm 2,94% và 2,03%.
Thị trường Kong Kong cũng ngập sắc đỏ khi chỉ số Hang Seng rớt 1,35%, trong khi đó chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận mức giảm nhẹ hơn, với chỉ số Shanghai Composite trượt 0,43% còn chỉ số Shenzhen Component giảm không đáng kể.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt hơn 1,09%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt sâu hơn với mức 1,67%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sáng nay giảm 1,34%.
“Thị trường tiếp tục đi xuống sau tuyên bố của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong khi những lo ngại xoay quanh việc bình thường hóa lãi suất tiếp tục bao trùm tâm lý lo ngại rủi ro”, các nhà phân tích tại Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định.
Tuần trước, các quan chức của Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ đánh tiếng rằng việc tăng lãi suất có thể đến sớm nhất vào năm 2023, sớm hơn 1 năm so với dự báo của họ vào tháng 3 vừa qua. Đồng thời Fed cũng nâng dự báo lạm phát Mỹ năm 2021 lên 3,4%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng lên 92,26, từ mức dưới 91,2 thiết lập trước đó.
Trung Quốc sáng nay thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm ở mức 3,85%, còn lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giữ ổn định ở mức 4,65%. Động thái này phù hợp với kỳ vọng của đa số các nhà phân tích trong cuộc thăm dò nhanh gần đây của Reuters.
Trung Quốc cán mốc tiêm một tỷ liều vắc xin Covid-19
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hôm nay (20/6), thông báo nước này đã tiêm hơn 1 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19.
Theo hãng tin AP, Ủy ban trên không cho biết cụ thể bao nhiêu người đã được tiêm. Hầu hết các vắc xin ngừa Covid-19 ở Trung Quốc là loại tiêm 2 mũi.
Tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 ở đất nước 1,4 tỷ dân đã được đẩy nhanh sau khởi đầu chậm chạp. Theo số liệu của chính phủ, tổng số liều được tiêm đã tăng gấp đôi từ mốc 500 triệu trong vòng chưa đầy một tháng.
Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vắc xin được bào chế trong nước, và gần đây phê duyệt 2 loại vắc xin trong số đó cho trẻ em từ ba tuổi. Đến nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc xin nào không phải sản phẩm nội địa.
Con số hơn 1 tỷ liều được tiêm ở Trung Quốc tương đương với hơn 1/3 lượng vắc xin được tiêm trên toàn cầu.
Giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ tiêm đầy đủ cho 40% dân số vào cuối tháng 6. Để khuyến khích người dân đi tiêm, họ thực hiện nhiều chính sách tích cực như miễn phí vắc xin, tặng trứng hoặc phiếu mua hàng.
*** Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm song vẫn ở mức cao
(ĐCSVN) – Đến sáng 21/6, thế giới có tổng số 179.252.416 ca nhiễm và 3.882.008 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 295.229 và 6.233 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trên thế giới do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 21/6, đã có 163.805.325 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.565.083 ca bệnh đang điều trị, có 11.482.461 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 82.622 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 53.009 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (44.178 ca) và Mỹ (4.422 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.113 ca, sau đó là Brazil (1.050 ca) và Colombia (599 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 54.479.503 ca. Trong đó, 767.357 ca đã tử vong do COVID-19 và 51.823.639 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 29.934.361; 5.370.299 và 3.095.135 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 388.164; 49.185 và 82.965 ca.
Với 47.461.534 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 21/6, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.092.506 ca tử vong và 44.938.834 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 34.959 ca nhiễm và 590 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.757.311; 5.316.826 và 4.630.040 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Nga hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 129.361 ca, sau khi có thêm 450 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Anh (127.976 ca) và Italy (127.270 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 14.006 ca nhiễm COVID-19 và 392 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 40.339.840 và 911.800 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 34.406.001 ca nhiễm và 617.166 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.475.705 và 1.408.836 ca nhiễm, cùng 231.151 và 26.076 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 97.893 ca nhiễm và 2.548 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 31.643.387 ca và 971.120 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 44.178 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 17.927.928 vào thời điểm hiện tại, và 1.050 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 501.918 ca.
Tính đến sáng 21/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.248.886 ca, trong đó có 137.826 ca tử vong và 4.645.176 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.823.319 ca nhiễm và 58.702 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.155 ca nhiễm và 112 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 526.651 và 382.950 ca nhiễm bệnh cùng 9.238 và 14.038 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 71.515 ca nhiễm (tăng 180 ca) và 1.266 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 9 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.331 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Mặc dù thế giới đang tập trung nhiều nguồn lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 song đại dịch này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết, mặc dù biến thể Delta chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, nhưng biến chủng này đang gia tăng, chiếm tới 96% các ca mắc mới tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italy, và khoảng 16% tại Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại biến thể mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng biến thể Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt./.
TQ-TT