VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Khai mạc Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2018; Sập cầu cạn ở Italy; Campuchia chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội; Tấn công tòa nhà Quốc hội Anh; Ký kết Công ước về quy chế pháp lý của Biển Caspian; Mỹ thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng 2019; Nhiều quan chức cấp cao tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) mất chức vì bê bối vaccine…

Khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018

Tối 18/8, trên sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta, với chủ đề “Năng lượng của châu Á”, lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 đã long trọng diễn ra trên sân vận động Gelora Bung Karno (sức chứa 80.000 người) với sự tham gia của trên 10.000 vận động viên và hàng chục nghìn người hâm mộ. Ban tổ chức ASIAD 2018 đã đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành tại Lễ khai mạc ASIAD 2018 (Ảnh: asiangames2018.id)

Hàng nghìn vận động viên đến từ 45 nước và vùng lãnh thổ tham dự ASIAD lần lượt diều hành qua lễ đài. Các đoàn thể thao Afghanistan, Bahrain, Bangladesh và Bhutan là những đoàn đầu tiên tiến vào sân. Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành áp chót theo thứ tự chữ cái. Đi đầu cầm cờ là kiếm thủ Vũ Thành An. vận động viên từng giành ba huy chương vàng SEA Games và tham dự Olympic 2016 là một trong những hy vọng lớn của thể thao Việt Nam tại ASIAD lần này. Các thành viên nam của đoàn Việt Nam mặc áo vest đỏ và các thành viên nữ mặc áo dài truyền thống. Đoàn chủ nhà Indonesia là những người cuối cùng bước ra sân khấu. Đoàn thể thao Indonesia tham dự với 951 vận động viên, đông nhất ở giải năm nay. Đáng chú ý, đoàn thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễu hành chung. Các vận động viên hai miền Triều Tiên cùng nắm tay nhau bước vào sân khấu với lá cờ màu trắng, in hình bản đồ hai quốc gia thống nhất màu xanh da trời. Đây là động thái thể hiện tình đoàn kết giữa hai miền khi Bán đảo Triều Tiên đang trải qua giai đoạn nồng ấm gần đây.

Sau lễ thượng cờ nước chủ nhà Indonesia và lời tuyên thệ của đại diện trọng tài và vận động viên, cam kết một kỳ ASIAD trong sạch và công bằng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Erick Thohir phát biểu chào mừng các vận động viên và quan chức đoàn thể thao đến với đất nước Indonesia. Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Al-Ahmed Al-Sabah sau đó đã có lời cảm ơn nước chủ nhà Indonesia và nói về ý nghĩa của ASIAD vượt qua ngoài một cuộc đua tranh thể thao. Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố khai mạc ASIAD 2018. Trước đó, ông Joko Widodo đã có màn xuất hiện vô cùng ấn tượng và bất ngờ tại lễ khai mạc khi tự lái xe môtô vào sân vận động.

Lễ châm ngọn đuốc ASIAD đã diễn ra vô cùng ấn tượng. Ngọn lửa được lấy từ Ấn Độ, quê hương của phong trào ASIAD, và đưa về Indonesia vào ngày 5/7. Trước khi đến với sân vận động này, ngọn đuốc đã được rước đi khắp đất nước Indonesia trên hành trình hơn 18.000km, qua các dòng sông, eo biển (do các vận động viên bơi lội thực hiện) và di chuyển trên không bằng dù lượn (do các vận động viên dù lượn phụ trách).

ASIAD 2018 thu hút sự tham gia của hơn 16.000 thành viên thuộc 45 đoàn thể thao, trong đó có hơn 11.000 vận động viên tranh tài ở 40 môn thể thao (465 nội dung). Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với thành phần gồm 523 thành viên, trong đó có 352 vận động viên (177 nữ, 175 nam), thi đấu ở 32 môn và phân môn. Mục tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD lần này là giành được 3-5 huy chương vàng.

Sập cầu cạn ở Italy làm nhiều người thương vong

Ngày 14/8, một vụ sập cầu cạn đã xảy ra trên đường cao tốc A10 tại thành phố Genoa, miền Tây Bắc Italy. Sự cố xảy ra khi một đoạn cầu dài khoảng 200 mét rơi đã rơi từ độ cao khoảng 100 mét đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới. Vụ việc đã khiến 39 người thiệt mạng. Tính đến ngày 16/8, số người bị thương đang được điều trị trong bệnh viện là 16 người, trong đó có 12 người trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 10-20 người mất tích.

Ngay sau vụ việc trên, hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được huy động trong khi chính phủ Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn vùng Liguria. Ngoài ra, chính phủ cũng tuyên bố sẽ dành ra khoản ngân sách đầu tiên trị giá 5 triệu euro cho quỹ tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chính phủ Italy cho rằng tai nạn thảm khốc này là lời cảnh báo đối với Liên minh châu Âu rằng nước này cần thêm ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng đã quá cũ. Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini đã kêu gọi Liên minh châu Âu cho phép Rome bổ sung ngân sách năm tới để đảm bảo độ an toàn cho cơ sở hạ tầng nước này.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi phí đầu tư và bảo dưỡng cho cơ sở hạ tầng giao thông của Italy đã giảm 5,8% trong giai đoạn từ năm 2008-2015. Còn theo phân tích của Ngân hàng trung ương Italy, các khoản đầu tư này đáng lẽ ra có thể tăng thêm. Từ năm 2007-2015, Rome đã tăng 7% các khoản lương công chức và phúc lợi, trong khi đó lại giảm tới 35% ngân sách cho đầu tư công.

Campuchia công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI

Ngày 15/8, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã chính thức xác nhận đảng CPP giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI được tổ chức vào ngày 29/7 vừa qua.

Theo đó, đã có 6.956.900 cử tri trong tổng số 8.380.217 cử tri đi bầu, chiếm 83,02%. Với số phiếu ủng hộ áp đảo là 4.889.113 phiếu, chiếm 76,85% tổng số phiếu hợp lệ, đảng CPP đã giành trọn 125 ghế trong Quốc hội mới.

19 đảng còn lại không giành được ghế nghị sỹ nào, do chỉ nhận được số phiếu ủng hộ chưa đủ để có thể giành được ít nhất là một ghế theo luật định. Trong đó, đảng về thứ hai sau CPP là đảng FUNCINPEC, chỉ giành được 374.510 phiếu, chiếm 5,89% tổng số phiếu hợp lệ.

Cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội khóa VI của Campuchia vừa qua được dư luận quốc tế đánh giá là diễn ra tự do, công bằng với số đảng tham gia đông đảo và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao.

Chiến thắng tuyệt đối của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI đã cho thấy đảng này tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Campuchia. Trong cuộc bầu cử lần này, đảng CPP đã thuyết phục được người dân với cương lĩnh 11 điểm, trong đó nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chế độ Quân chủ, đồng thời chú trọng đến việc phát triển kinh tế bền vững.

Ngày 17/8, Quốc vương Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni đã ra Sắc chỉ, bổ nhiệm Xăm-đéc Tê-chô Hun Sen làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia, đảm đương sứ mệnh thành lập Chính phủ mới để Quốc hội khóa mới thông qua

Tấn công tòa nhà Quốc hội Anh, nhiều người bị thương

Sáng 14/8, một chiếc xe ôtô đã đâm vào rào chắn bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh khiến nhiều người đi bộ bị thương. Tài xế đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường. Cảnh sát vũ trang và lực lượng cứu hộ khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường. Các con phố quanh Quảng trường Quốc hội, Millbank và công viên Victoria Tower Gardens đều được phong tỏa. Ga tàu điện ngầm đã đóng cửa.

Năm 2017, Vương quốc Anh đã bị chấn động bởi một loạt các cuộc tấn công, trong đó có 4 cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, khiến tổng số 36 người thiệt mạng và 200 người bị thương. Trong đó, ngày 22/3/2017, một chiếc ôtô tăng tốc, đâm người đi bộ trên cầu Westminster trước khi lao vào hàng rào bao quanh tòa nhà Quốc hội. Trong vụ việc, nghi phạm Khalid Masood đã lao xe vào đám đông, khiến 4 người thiệt mạng, sau đó ra khỏi xe và đâm một cảnh sát trước khi bị bắn bên ngoài tòa nhà Quốc hội.

Kể từ đó, các biện pháp an ninh trong khu vực London được tăng cường. Các hàng rào chắn an ninh bằng bê tông và thép đã được lắp đặt quanh các cổng của tòa nhà Quốc hội và trên vỉa hè dẫn đến cây cầu.

Năm quốc gia vùng Caspian ký Công ước về quy chế pháp lý của Biển Caspian

Ngày 12/8, tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspian lần thứ 5 tổ chức ở thành phố Aktau (Kazakhstan), các nhà lãnh đạo của 5 nước vùng Biển Caspian (gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan) đã ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế Biển Caspian nhằm làm giảm căng thẳng khu vực cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt. Đây được coi là một văn kiện lịch sử với quá trình đàm phán giữa các quốc gia kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ, từ năm 1996.

Caspian là vùng biển kín lớn nhất thế giới nằm giữa ranh giới châu Á và châu Âu với trữ lượng dầu mỏ có thể lên đến 50 tỷ thùng, còn trữ lượng khí đốt được thẩm định có đến 300.000 tỷ mét khối khí tự nhiên. Sau khi Liên Xô tan rã, từ năm 1996, 5 nước Nga, Kazakhstan, Iran, Azerbaijan và Turkmenistan đã tiến hành đàm phán về quy chế mới cho vùng biển này.

Tuy nhiên, việc xác định quy chế này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề xác định Biển Caspian là biển hay hồ, bởi từ đó việc phân định sẽ được áp dụng bởi những điều luật quốc tế khác nhau. Việc chưa xác định được tình trạng rõ ràng của Biển Caspian là một trong những rào cản gây trở ngại cho việc xây dựng đường ống dẫn khí Xuyên Caspian, được dùng để vận chuyển khí từ Turkmenistan tới châu Âu qua Azerbaijan dọc theo đáy biển.

Do đó, việc 5 nước vùng Biển Caspian vừa đạt được công ước về quy chế Biển Caspian được xem một bước đi có ý nghĩa giúp tháo gỡ căng thẳng trong khu vực, đồng thời là sự khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Tổng thống Mỹ ký thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng 2019

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Đây là dự luật được Thượng nghị sĩ John S. McCain đệ trình và sẽ cung cấp mức chi tiêu quốc phòng 716 tỷ USD trong tài khóa 2019.

NDAA sẽ tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các lo ngại về an ninh quốc gia hay không. Luật mới cũng quy định sự kiểm soát của quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.

Ngoài ra, NDAA cũng cho phép chi tiêu 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35 do công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Một nội dung khác trong luật NDAA là các biện pháp hạn chế khả năng giảm lực lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Theo đó nêu rõ khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là biểu hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này.

Đánh giá về NDAA 2019, Tổng thống Trump cho rằng đây là “thương vụ đầu tư quan trọng nhất” đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng

Trong tuần qua, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng sau khi Mỹ quyết định tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 10/8). Động thái này của Mỹ được xem là nhằm trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và kết tội mục sư người Mỹ Andrew Brunson, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng 10/2016 với cáo buộc mục sư này có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.

Nhằm trả đũa hành động trên tăng thuế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ, đồng thời nước này cũng quyết định tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như ô tô, đồ uống có cồn, thuốc lá, mỹ phẩm, gạo, than đá.

Những động thái trên đã khiến những căng thẳng giữa hai nước leo thang. Ngày 15/8, người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders khẳng định, Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ ngay cả khi Ankara trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Những căng thẳng leo thang giữa hai nước đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu vào bất ổn tài chính tiền tệ, với việc đồng lira mất giá mạnh. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tìm cách xích lại gần hơn với Nga, Trung Quốc, Iran… như Tổng thống Erdogan đã từng tuyên bố quốc gia này sẽ tìm các đồng minh mới.

Nhiều quan chức cấp cao tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) mất chức vì bê bối vaccine

Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định cách chức một số quan chức cấp cao tại tỉnh Cát Lâm liên quan vụ bê bối vaccine khiến dư luận hoang mang về mức độ an toàn của các loại vaccine được sản xuất tại nước này.

Quyết định được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/8. Theo đó, cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Cát Lâm Jin Yuhui. Ông này phụ trách giám sát an toàn thực phẩm và dược phẩm tại tỉnh Cát Lâm từ tháng 4-2017. Ngoài ra, cuộc họp cũng quyết định cách chức 6 quan chức khác tại tỉnh này liên quan vụ việc, gồm thị trưởng thành phố Changchun Liu Changlong cùng các quan chức chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm và dược phẩm của tỉnh.

Cuộc họp đã kết luận vụ bê bối vaccine của Công ty Công nghệ sinh học Changchun Changsheng đã bộc lộ sự tắc trách nghiêm trọng và các lỗ hổng trong hệ thống quản lý. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh những đối tượng liên quan vụ việc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật pháp./.

 Nguồn ĐCSVN-TT