Thế giới tuần qua: Cảnh báo về những hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
– Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về nguy cơ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế châu Á; Mỹ và Triều Tiên đạt tiến triển trong kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2; Thay đổi nhân sự trong Interpol và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Liên hợp quốc…là một số tin tức đáng chú ý trong tuần qua.
IMF cảnh báo về tăng trưởng kinh tế châu Á
Ngày 12/10, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) 2018 diễn ra tại đảo Bali (Indonesia), IMF cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài có thể làm giảm 0,9% tăng trưởng kinh tế của châu Á trong những năm tới, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tự do hóa thị trường để bù đắp sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu.
Hội nghị thường niên của IMF và WB đã chính chức khai mạc tại Indonesia và sẽ kéo dài đến ngày 14/10. (Ảnh: Thejakartapost.com)
IMF cũng đánh giá rằng xu hướng thị trường tại các nền kinh tế mới nổi có thể tồi tệ hơn nếu Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến. Theo IMF, ngoài những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung liên quan đến chính sách thuế, quyết định của IMF hạ thấp dự báo tăng trưởng của châu Á là do tác động từ căng thẳng thị trường tài chính và thắt chặt tiền tệ ở một số nền kinh tế.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc không chỉ gây tổn thất cho chính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước này (khoảng 1,6% với Trung Quốc và gần 1% ở Mỹ). Các nước khác ở châu Á, nhiều nước xuất khẩu hàng sang Trung Quốc thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Với tất cả những yếu tố này kết hợp, tăng trưởng ở châu Á có thể giảm tới 0,9% trong vài năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN
Ngày 11/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) nhân dịp Hội nghị hằng năm IMF – WB tại Bali, (Indonexia). Cùng dự, có Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành IMF và Chủ tịch WB.
Trong khuôn khổ ALG với chủ đề “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đứng đầu LHQ, IMF, WB đã trao đổi ý tưởng, định hướng và biện pháp để tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và LHQ, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và gia tăng sự tương hỗ giữa chương trình này với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, trong đó có việc đề nghị IMF, WB hợp tác và tư vấn các nước ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường và thích ứng của kinh tế ASEAN; tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng; cảnh báo sớm thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu… Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với sự hợp tác sẵn có và quyết tâm của các bên, các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 của LHQ sẽ được thực hiện thành công ở Đông – Nam Á và trên thế giới.
Triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ngày càng rõ nét
Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào đầu tháng 11 tới.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông D.Trump cho biết, đang có 3 – 4 địa điểm được cân nhắc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Tuy nhiên, ông D.Trump nhấn mạnh sự kiện tiếp theo này có thể sẽ không diễn ra ở Singapore, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên vào tháng 6/2018. Tổng thống D.Trump cũng không loại trừ khả năng địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Mỹ hoặc Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “thời điểm diễn ra sự kiện này sẽ không quá xa”.
Những dự báo về triển vọng nối lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được ông D.Trump đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đang có nhiều chuyển biến tích cực cùng với tiến trình đàm phán hạt nhân đang có dấu hiệu được khai thông trở lại sau một thời gian dài đình trệ.
Interpol sắp bầu Chủ tịch mới
Rạng sáng 8/10 theo giờ Việt Nam, tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) có trụ sở tại Lyon, Pháp, thông báo sẽ bổ nhiệm một chủ tịch mới trong hội nghị của tổ chức này diễn ra từ ngày 18-21/11 tại Dubai. Trong thời gian này, Phó Chủ tịch cấp cao Kim Jong Yang, người Hàn Quốc, sẽ giữ cương vị quyền Chủ tịch.
Thông báo của Interpol được đưa ra sau khi Ban thư ký của cơ quan này cùng ngày đã nhận được thư từ chức của Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ “với hiệu lực tức thì”. Ông Mạnh Hoành Vĩ hiện cũng là là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày, một thông báo trên trang web Ủy ban Giám sát Quốc gia của Trung Quốc cho biêt ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị cơ quan này “điều tra về nghi vấn vi phạm pháp luật.” Hiện cảnh sát Pháp cũng đang mở cuộc điều tra về ông Mạnh Hoàng Vĩ, người được cho đã “mất tích” sau khi trở về Trung Quốc từ hôm 25/9 đến nay.
Thiên tai tại một số nước trên thế giới
* Ngày 11/10, truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 300.000 người đã phải sơ tán khẩn cấp do lo ngại ảnh hưởng của cơn bão Titli, với sức gió lên tới hơn 125km/h, gây mưa lớn tại khu vực miền Đông nước này.
* Cơn bão Michael ngày 10/10 đã đổ bộ vào bang Florida, Mỹ, với sức gió lên tới 249 km/giờ. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Mỹ kể từ năm 1969 và là cơn bão mạnh thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ. Hàng nghìn người đã được lệnh sơ tán tránh bão và khoảng 4.000 người đã đi lánh nạn tại 70 trung tâm trú ẩn.
* Sáng sớm 11/10, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi Đông Java (Indonesia) khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Trận động đất này xảy ra trong bối cảnh người dân Indonesia chưa hết bàng hoàng vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi hôm 28/9 khiến hàng chục nghìn người thương vong và mất tích.
Tổng thống Mỹ chuẩn bị bổ nhiệm tân Đại sứ tại Liên hợp quốc
Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, ông đang thực hiện các bước đi cần thiết để có thể lựa chọn ra người thay thế Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley sẽ từ nhiệm vào cuối năm nay.
Sau khi cân nhắc các ứng cử viên, ông D.Trump cho biết sẽ xem xét việc bổ nhiệm bà Dina Powell – Giám đốc quản lý của Goldman Sachs đồng thời là cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia tiếp quản vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Một số ứng cử viên khác đang được Tổng thống D.Trump cân nhắc đề cử vào vị trí người kế nhiệm bà Haley là Đại sứ Mỹ tại Đức Rick Grenell; Đại sứ Mỹ tại Nga John Hunstman và quyền Thứ trưởng phụ trách ngoại giao công chúng Heather Nauert.
Tổng thống D.Trump cho biết, hiện đang có một vài cái tên đang được cân nhắc đến và bà Haley sẽ giúp ông đưa ra sự lựa chọn để có thể công bố quyết định trong một vài tuần tới./.