VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Cập nhật diễn biễn COVID-19 tới 7 giờ sáng 25/5/2020.

Nga điều chế thành công thuốc điều trị Covid-19; Nhiều nước thử nghiệm lâm sàng vaccine và thuốc điều trị COVID-19; Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 25/5/2020…

Nga điều chế thành công thuốc điều trị Covid-19

       Các nước đang nỗ lực nghiên cứu ra vaccine phòng SARS-CoV-2 – Ảnh minh họa

NDĐT – Nga đã điều chế thành công loại thuốc đầu tiên và được coi là công hiệu nhất, tính đến thời điểm hiện nay, trong việc điều trị Covid-19. Chương trình thời sự của Kênh truyền hình “Nga 1” tối 23-5 cho biết quy trình sản xuất rất phức tạp này đã được thực hiện tại phòng thí nghiệm ở Nga chỉ trong thời gian hai tháng qua. Và Nga đã điều chế thành công Favipiravir, với tên gọi ở Nga là
Lô thuốc thí điểm đầu tiên được gửi đến các bệnh viện đã chứng minh tính hiệu quả của thuốc. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này đã hồi phục nhanh gấp hai lần.
Nguồn tin cũng cho biết sau hai tuần với những phản ứng hóa học phức tạp, đã có được nguyên liệu dùng để điều chế thuốc trị corona virus. Người ta đã tin tưởng ở Favipiravir, bởi vì trong số hàng trăm loại thuốc được thử nghiệm ở Trung Quốc, cho đến nay chỉ có một loại có hiệu quả, đó chính là thuốc “Favipiravir” của Nhật Bản. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trên thế giới có thể mua được chính “Favipiravir” hoặc nguyên liệu thô để điều chế ra nó. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đã tìm được một phòng thí nghiệm trong nước phù hợp, khẩn trương triển khai quy trình sản xuất “Favipiravir” trong hai tháng. Việc điều chế “Favipiravir” tại Nga là một chu trình khép kín và hoàn toàn sử dụng từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.
Một đợt thử nghiệm “Favipiravir” do Nga sản xuất đã được tiến hành vào cuối tháng 4. Sau khi kiểm tra độ an toàn của thuốc, người ta đã gửi thuốc đến thử nghiệm lâm sàng trong các bệnh viện. 40 bệnh nhân nhiễm corona virus với mức độ nặng vừa phải, đã được điều trị thử nghiệm và các bác sĩ xác nhận tác dụng của thuốc rất khả quan.
Bác sĩ Nikita Lomakin, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện lâm sàng Trung ương, trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga cho biết: “Thuốc này rất hiệu quả, khi được điều trị ở những bệnh nhân chớm nhiễm bệnh. Các triệu chứng và quy mô của viêm phổi đã sớm bị đẩy lùi. Thuốc “Favipiravir” do Nga sản xuất sẽ được gọi tên là “Avifavir”.

Nhiều nước thử nghiệm lâm sàng vaccine và thuốc điều trị COVID-19
(Chinhphu.vn) – Song song với việc thử nghiệm vaccine phòng SARS-CoV-2 trên người, các nước trên thế giới cũng đang rất tích cực tìm kiếm phương thuốc mới để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Giới chức y tế Anh cho biết vaccine phòng SARS-CoV-2 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23/4.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã ca ngợi các nhà nghiên cứu vì đã có những bước tiến nhanh chóng, đồng thời khẳng định nước Anh sẽ đầu tư mọi nguồn lực cần thiết để phát triển loại vaccine này.
Ông Hancock cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ đầu tư vào năng lực sản xuất để một khi thử nghiệm thành công sẽ nhanh chóng có đủ vaccine cho người dân Anh.
Chính phủ Anh thông báo sẽ tài trợ 24 triệu USD cho nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford và 27 triệu USD cho nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial – cơ sở cũng có các nhà khoa học đang nghiên cứu, chế tạo vaccine.

 Viện Paul-Ehrlich, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý y tế của Đức thuộc Bộ Y tế nước này thông báo đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên với vaccine phòng SARS-CoV-2.

Ấn Độ cho biết sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Loại thuốc sắp được thử nghiệm là vaccine phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng. Viện này có thể tạo ra từ 300-400 triệu liều.

Hàn Quốc nghiên cứu lâm sàng thuốc HCQ điều trị COVID-19
Theo Yonhap, các nhà khoa học Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng về việc điều trị dự phòng COVID-19 bằng hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét gây tranh cãi vốn được quảng cáo là phương pháp điều trị tiềm năng.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul và Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan ở Busan cho biết họ đã thực hiện Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) bằng cách sử dụng thuốc hydroxychloroquine (HCQ) cho 184 bệnh nhân và 21 nhân viên y tế tại Bệnh viện Chăm sóc dài hạn (LTCH) ở Busan, nơi những người này có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 sau khi các ca lây nhiễm được ghi nhận tăng mạnh tại đây.
Các nhà nghiên cứu đã cung cấp liều 400 miligam HCQ mỗi ngày cho những người tham gia nghiên cứu đến khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày.
Trong quá trình PEP, 32 người đã cho thấy có một hoặc nhiều triệu chứng, bao gồm tiêu chảy, phát ban da và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Vào cuối 14 ngày cách ly, các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase cơ bản (PCR) tiếp theo trên những người tham gia nghiên cứu đều cho kết quả âm tính, cho thấy những người nhận được áp dụng liệu pháp PEP không phát triển bệnh COVID-19.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 92.770 trường hợp mắc COVID-19 và 2.711 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 5.490.700 người. Trừ Brazil và một số nước châu Mỹ, đại dịch tiếp tục xu thế thuyên giảm trên thế giới; nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

***   Mỹ vẫn dẫn đầu số ca nhiễm bệnh và tử vong toàn cầu, với 1.684.816 người mắc Covid-19, trong đó, số ca tử vong đã tiệm cận mốc 100.000, ở mức 99.268 trường hợp. Hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 451.582 trường hợp nhiễm Covid-19 bình phục.
Ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo đã quyết định cấm nhập cảnh Mỹ đối với hầu hết công dân nước ngoài từng ở Brazil trong 2 tuần gần nhất, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành điểm nóng mới của đại dịch Covid-19.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh MacEnany cho hay, biện pháp mới sẽ bảo đảm công dân nước ngoài không trở thành nguồn lây nhiễm mới tại Mỹ, song không ảnh hưởng tới dòng trao đổi thương mại giữa 2 nước. Chỉ những người có thẻ xanh, là thân nhân của công dân Mỹ và thành viên phi hành đoàn được miễn áp dụng biện pháp mới.

* Thống kê chính thức của Bộ Y tế Brazil cho biết, đến nay ghi nhận gần 350.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 22.000 người tử vong, trong khi đó, theo Worldometers, tính đến sáng 25/5, số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã vượt 350.000 lên 363.211 với 22.666 người tử vong, cao thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh sau Mỹ.

Trước đó cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết, Washington cũng sẽ cân nhắc áp đặt hạn chế với các nước khác ở khu vực Nam Bán cầu dựa trên cơ sở từng quốc gia.

* Tại Ấn Độ, số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày tiếp tục đà tăng. Ngày 24/5 ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, với 7.113 trường hợp nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 138.536, trong đó có 3.868 trường hợp tử vong. Hiện Ấn Độ đang xếp thứ 10 thế giới về số người nhiễm Covid-19. Ấn Độ cũng ghi nhận 54.385 trường hợp nhiễm Covid-19 bình phục.

* Ngày 24/5, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã ký sắc lệnh kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 7/6 sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 mới những ngày qua.

Tổng thống Fernandez cho hay, số ca mắc ở Argentina đã tăng mạnh trong hơn một tuần trở lại đây, đặc biệt ở những khu dân nghèo tại thủ đô khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường hơn trong thời gian tới. Chính vì vậy, chính phủ Argentina buộc phải kéo dài lệnh cách ly được áp dụng từ hôm 20/3.

Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận 11.340 ca mắc Covid-19, trong đó có 445 trường hợp tử vong.

Trong giai đoạn giãn cách mới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát tại nhiều điểm chốt và chỉ những người làm việc trong những lĩnh vực dịch vụ cơ bản được sử dụng phương tiện công cộng ở khu vực thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị lân cận. Trẻ em được phép ra đường giải trí ở các công viên gần nhà trong thời gian 1 giờ vào cuối tuần với sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, một số loại hình kinh doanh dịch vụ nhỏ tại các khu phố cũng đã được phép mở cửa trở lại.

* Ngày 24/5, trên kênh truyền hình Nga Russia-1, Giám đốc Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Nga – Rospotrebnadzor, bà Anna Popova cho biết, 44 trong số 85 chủ thể của Liên bang trong những ngày tới có thể bắt đầu giai đoạn đầu dỡ bỏ các hạn chế cách ly được áp đặt do đại dịch Covid-19.
Theo bà Popova, hệ thống của Nga đã đối phó được với gánh nặng đại dịch và không một “dự báo khủng khiếp” nào thành hiện thực.
Trước đó, hôm 20/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, 17 chủ thể có thể bắt đầu giai đoạn đầu tiên nới lỏng các hạn chế do tình hình dịch Covid-19 ở Nga đã ổn định.
Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Nga đã lên tới 335.882 trường hợp, trong đó có 3.388 người tử vong và 107.936 bệnh nhân bình phục. Nga hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil.

Khu vực nào ở Nga qua đỉnh dịch?
Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu kinh tế Agasi Tavadyan cho biết tới nay mới chỉ có thủ đô Matxcơva và tỉnh Matxcơva là 2 địa phương ở Nga vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Các địa phương còn lại sẽ phải chờ thêm 1 hoặc 2 tuần tới để đạt tới giai đoạn này.
Theo ông Tavadyan, nguyên nhân của việc này là do Matxcơva từ cuối tháng 4 đã tăng mạnh số ca xét nghiệm COVID-19, giúp cách ly các ca bệnh và giảm tốc độ lây nhiễm.
Vị chuyên gia Nga cũng nhấn mạnh không nên hy vọng rằng virus sẽ biến mất, mà nó có thể yếu đi và trở nên phổ biến đối với tất cả mọi người.
Trên thực tế thủ đô Matxcơva vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch ở Nga với 113.299 trong tổng số 344.481 ca bệnh đươc ghi nhận tại quốc gia này.
Giám đốc Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga Anna Popova hôm 24/5 cho biết, 44 trong tổng số 85 chủ thể của Nga đã có cơ sở để chuyển sang giai đoạn đầu gỡ bỏ các hạn chế cách ly được áp dụng để chống dịch.
Bà Popova nói thêm rằng, mặc dù tình hình dịch phức tạp nhưng hệ thống y tế ở Nga vẫn đang đối phó được với dịch bệnh và may mắn không “dự báo khủng khiếp” nào thành hiện thực.
Thêm thông tin

* Ngày 24/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ghi nhận thêm 531 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 229.858.

Trong vòng 24h qua, Italy cũng ghi nhận số ca tử vong tăng lên 32.785 trường hợp (tăng 50 ca) và số người hồi phục là 140.479 (tăng 1.639 ca). Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết, tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện còn 8.613 (giảm 40 ca), trong đó số bệnh nhân đang điều trị tích cực là 553 (giảm 19 trường hợp).

* Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các trường học tại vùng England sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới, trước mắt sẽ đón các học sinh thuộc nhóm đối tượng “vỡ lòng” lớp 1 và lớp 6. Một tuần sau đó, học sinh các lớp 10 và lớp 12 sẽ có một số giờ học trên lớp với giáo viên nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) trong năm 2021.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Johnson cho biết, quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào 28/5, ngày Chính phủ sẽ họp xem xét lại các biện pháp phong tỏa sau mỗi 3 tuần mà nước Anh thực hiện kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 3 vừa qua.
Anh hiện ghi nhận 257.154 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 36.675 người tử vong, cao thứ 5 thế giới về số người mắc bệnh và xếp thứ 2 toàn cầu về số người tử vong do SARS-CoV-2.
Nhiều giáo viên đã bày tỏ lo lắng việc mở cửa lại trường học trong bối cảnh Anh vẫn đang ở giáp ranh giữa cuối cấp độ 4 và đầu cấp độ 3 về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 (cấp độ 5 là nguy hiểm nhất và cấp độ 1 là nhẹ nhất). Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho biết, ông hiểu nỗi băn khoăn này, việc đi học trở lại từ tháng 6 cho tất cả các khối là không thể, nhưng cho rằng, việc mở cửa lại trường học là một phần rất quan trọng của giai đoạn đối phó tiếp theo của chính phủ đối với đại dịch, bởi đi học có ý nghĩa quan trọng đối với an sinh, sức khỏe và tương lai của trẻ em và công bằng xã hội.
Thủ tướng Johnson cho biết, ngoài những biện pháp như số lượng học sinh ngồi trong mỗi lớp ít hơn trước, hạn chế dùng chung dụng cụ học tập, phân chia thời gian nghỉ giải lao, hay đưa đón học sinh, thì các giáo viên, nhân viên và học sinh của trường nếu cần sẽ được xét nghiệm để xử trí kịp thời nếu cho kết quả dương tính.

Phản ứng với quyết định trên, Tổng Thư ký Liên đoàn Giáo dục Quốc gia, ông Kevin Courtney cho biết, Liên đoàn không đồng ý với việc cho rằng mở cửa lại trường học một cách rộng rãi là đúng đắn. Ông kêu gọi chính phủ hãy cùng với Liên đoàn giải quyết những vấn đề đáng quan tâm như thiết bị bảo hộ cho các nhân viên nhà trường và các bước cần thiết để đối phó với một cơn bùng phát dịch mới.
Được biết, lịch mở cửa lại các trường học của vùng England khác với các vùng còn lại của nước Anh. Scotland có kế hoạch mở lại trường học vào ngày 11/8, Bắc Ireland hiện không có kế hoạch mở lại trường trước tháng 9, trong khi xứ Wales tuyên bố sẽ không mở cửa lại trường học vào ngày 1/6 và chỉ làm điều này khi “thấy an toàn”.

* Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông trong ngày 24/5, với số ca mắc mới trong ngày và tử vong đều ở mức cao.

* Thông báo của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm 1.141 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên tới 156.827 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ là 4.340 người với 32 ca mới được ghi nhận. Ngoài ra, trong 24 giờ qua cũng đã có 1.092 bệnh nhân khỏi bệnh.

* Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo có thêm 11 ca tử vong do Covid-19 và 2.399 ca mắc mới. Tính đến nay số trường hợp tử vong do Covid-19 ở Saudi Arabia là 390 người trong tổng số 72.560 ca nhiễm bệnh. Với nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong dịp lễ Eid Al-Fitr, Saudi Arabia đã áp dụng lệnh phong tỏa 24 giờ đến ngày 27/5.

* Tại Iran, nhà chức trách cho biết, phát hiện thêm 2.180 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên tới 135.701 người, trong đó có 7.417 ca tử vong, tăng 58 trường hợp trong 24 giờ qua.

* Bộ Y tế Qatar thông báo ghi nhận 1.501 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 43.714 người, trong đó có 21 ca tử vong.

* Bộ Y tế Ai Cập cho biết, đã phát hiện thêm 752 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 17.265, trong đó có 764 người tử vong, tăng 29 ca trong 24 giờ qua.

* Tại Nam Phi, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.218 ca nhiễm Covid-19 với 10 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 21.343 ca, trong đó có 407 người tử vong.

Tối 24/5 theo giờ địa phương, Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 4 hiện tại xuống cấp độ 3, bắt đầu từ ngày 1/6, trong đó bao gồm việc cho phép đa số các lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại, cũng như dỡ bỏ một số hạn chế liên quan đến việc đi lại của người dân.

Trong thông điệp phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia tối cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh, quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa từ là một bước chuyển quan trọng trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh có điều chỉnh theo diễn biến mà chính phủ nước này áp dụng trong thời gian qua. Đây cũng là giai đoạn mà nước này sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 một cách mạnh mẽ hơn và đi vào chiều sâu.

Liên quan đến giáo dục, ông Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ 1/6, học sinh lớp 7 và lớp 12 sẽ bắt đầu quay lại trường học, song yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện những biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt và điều chỉnh giáo trình để học sinh có thể hoàn thành năm học theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, phụ huynh có quyền lựa chọn việc cho con em tiếp tục học trực tuyến tại nhà nếu thấy chưa yên tâm về diễn biến của dịch bệnh.

Nam Phi đang bước sang ngày thứ 59 áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên quy mô toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch Covid-19.

Tính đến 7h ngày 25/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 39 không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Số ca nhiễm hiện tại là 325, với 267 ca được công bố khỏi bệnh.
58 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 11 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 1 lần trở lên.

***   Ông Tập Cận Bình ra lệnh đại tu y tế Trung Quốc
(VTC News) – Cập nhật đại dịch COVID-19 ngày 25/5: Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh “đại tu” hệ thống y tế, trong khi ở Nga, thủ đô Matxcơva và tỉnh Matxcơva vừa qua đỉnh dịch.

Trung Quốc “đại tu” hệ thống y tế
Trong cuộc họp với nhóm đại biểu quốc hội từ tỉnh Hồ Bắc – địa phương chịu nặng nề nhất vì dịch COVID-19, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đại tu hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc.
“Việc giải quyết và ngăn chặn dịch bệnh cũng như các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng khác là vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc. Cần các nỗ lực mang tính hệ thống để cải thiện các thiếu sót ở vấn đề theo dõi dịch bệnh hay hệ thống cảnh báo”, ông Tập nhấn mạnh.
Bài phát biểu của ông Tập không nêu rõ các biện pháp cụ thể, nhưng kêu gọi tăng cường hệ thống phòng chống dịch bệnh với nền tảng vững chắc, đồng thời đẩy mạnh vai trò của các cơ sở y tế cấp thấp cũng như trung tâm y tế địa phương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế chế kích hoạt đa điểm thông minh để cải thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm dịch bệnh. Ông cũng muốn cải thiện các điều kiện cơ bản trong hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Tuyên bố này được ông Tập đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận, dịch bệnh COVID-19 làm lộ các liên kết yếu trong hệ thống y tế của nước này.
“Chúng ta phải cố gắng cải thiện công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và làm hết sức mình để đáp ứng mong mỏi của người dân”, ông Lý nhấn mạnh khi trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII hôm 22/5.
Thủ tướng Trung Quốc cùng với đó cam kết sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc “sinh mạng con người là quan trọng nhất” và củng cố hệ thống y tế công cộng.

Anh mở cửa trường học trở lại
Chính phủ Anh dự định sẽ mở cửa trở lại trường học từ 1/6, nhưng chỉ với nhóm các học sinh lớp 1 và lớp 6.
“Tôi thừa nhận việc mở cửa trở lại trường học vào ngày 1/6 là không thể đối với tất cả các trường, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ và làm việc với ngành giáo dục để bất cứ trường học nào có thể mở cửa trở lại càng sớm càng tốt”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc họp tại Phố Downing hôm 24/5.
Tới 15/6, học sinh 10 tuổi và 12 tuổi sẽ được trở lại trường học để chuẩn bị cho kỳ thi vào năm tới. Kế đó sẽ là nhóm sinh viên đại học.
“Tôi tin rằng chúng ta đang chuyển sang giai đoạn 2 trong kế hoạch. Là một phần của giai đoạn 2, chúng tôi đặt ra kế hoạch mở lại các trường học theo giai đoạn vì việc giáo dục con trẻ là hết sức quan trọng với hạnh phúc, sức khỏe, tương lai lâu dài của chúng cũng như sự công bằng của xã hội”, ông Johnson nhấn mạnh.
Tuyên bố này của ông Johnson vấp phải các ý kiến trái chiều từ dư luận Anh.
Lãnh đạo các nhà trường và các công đoàn nói rằng họ vui khi hay tin trường học sẽ được mở cửa trở lại vào 1/6 và đồng ý rằng là không thực tế nếu mở cửa trở lại tất cả các trường học.
Trong khi đó, 27 hội đồng ở Anh cho biết họ phản đối hoặc kêu gọi thận trọng về việc mở cửa trở lại trường học.
Nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ lo ngại khi để con em mình trở lại trường học trong bối cảnh nước Anh vẫn đang trong giai đoạn giữa cuối cấp độ 4 và đầu cấp độ 3 về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19.
Bất chấp tuyên bố của ông Johnson, một số địa phương ở Anh với thẩm quyển quản lý cấp tiểu học cho biết họ sẽ không mở cửa trở lại trường học cho tới ít nhất là 15/6 khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại.
Tính tới nay Anh ghi nhận 259.559 ca mắc COVID-19 và 36.793 người chết.
Tổng hợp-TT